Văn hóa – Di sản

Công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống, Làng nghề truyền thống Hà Nội"

Đình Thế 07/12/2024 16:31

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6275/QĐ-UBND về việc Công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống, Làng nghề truyền thống” Hà Nội.

Theo đó, Hà Nội công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội” cho 02 nghề: Sản xuất Cốm Làng Vòng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy và Ướp trà sen Quảng An, phường Quảng An, quận Tây Hồ. UBND Thành phố tặng Bằng công nhận danh hiệu và hỗ trợ 6.000.000 đồng.

image.daidoanket.vn-images-upload-linhdh-09242022-_img_0515.jpg
Cốm Làng Vòng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội”

Cốm Làng Vòng có nguồn gốc từ lâu đời, gắn liền với giai thoại về một mùa thu cách đây hàng trăm năm về trước. Cốm Làng Vòng được làm từ lúa nếp non, chỉ hái những bông lúa vừa trổ đòng, hạt lúa còn xanh mơn mởn. Sau khi thu hoạch, lúa nếp được đãi sạch vừa để loại bỏ các hạt lép, bụi bẩn, đất cát vừa đảm bảo chất lượng từng hạt lúa. Sau đó lúa được rang trên chảo gang, giã nhỏ thành cốm.

Đặc biệt, khi rang phải dùng chảo gang, rang trên bếp củi, đảo đều tay và liên tục phải canh để thóc chín vừa vặn. Khi giã phải đảo đều tay từ trên xuống, giã cho đến khi hạt cốm đủ độ mềm, mỏng, thanh mảnh nhưng phải dẻo dai thì mới đạt tiêu chuẩn. Hạt cốm ngon phải mảnh, dẻo và mang được hương thơm thanh mát của đồng nội thì mới xứng danh cốm làng Vòng.

uop-tra-sen.jpg
Nghề ướp trà sen Quảng An công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội”.

Trà sen được coi là một loại danh trà công phu bậc nhất trong dòng trà ướp hương. Nghề làm trà sen ở Quảng An có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và minh chứng cho quá trình khai phá, tận dụng lợi thế của tự nhiên của con người nơi đây với giống sen bách diệp và biến nó trở thành danh trà của người Việt.

Loại sen này “khi nở to như hai bàn tay, có trăm cánh, xếp lớp bao bọc lấy nhụy, đài và gạo sen, giữ cho sen một mùi thơm thuần khiết, ngát đượm”. Chẳng phải ngẫu nhiên sen hồ Tây ở vị trí thượng đẳng mà sen các vùng khác khó sánh bằng, sen hồ Tây được nuôi dưỡng bằng lớp bùn tích tụ suốt hàng thiên niên kỷ nên dày từ 0,7 đến 1,2 m - điều mà hiếm đầm nào có được.

Trà sen phải trải qua nhiều lần ướp. Trước đây, trà sen khô thường được ướp đủ 7 lần (khoảng 21 ngày). Để tạo ra một kg trà sen khô phải sử dụng khoảng 1 kg gạo sen (tương đương với 1.200 đến 1.500 bông sen) chia cho 7 lần ướp.

tra-sen.jpg
Làng nghề ướp trà sen Quảng Bá công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”

Bên cạnh đó, Thành phố công nhận 01 làng nghề đạt danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” cho Làng nghề ướp trà sen Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ. UBND Thành phố tặng Bằng công nhận danh hiệu và hỗ trợ 12.000.000 đồng.

Làng nghề ướp trà sen Quảng Bá mang ý nghĩa đặc biệt đối với người dân Thủ đô, không chỉ bởi giá trị kinh tế mà còn bởi sự gắn bó với văn hóa và truyền thống lâu đời của Hà Nội. Nghệ thuật ướp trà sen không chỉ thể hiện sự tinh tế trong hương vị mà còn là biểu tượng của sự thanh lịch và tao nhã như nét đặc trưng trong tính cách của người Hà Nội.

Danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” là sự công nhận chính thức của thành phố, góp phần khuyến khích người dân giữ gìn, phát triển nghề truyền thống trong bối cảnh hiện đại hóa.

Đồng thời, danh hiệu này tạo điều kiện quảng bá, thu hút du khách và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, biến các làng nghề trở thành điểm nhấn trong du lịch văn hóa, góp phần xây dựng hình ảnh Hà Nội như một trung tâm văn hóa – du lịch đậm chất Việt Nam./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Đêm đọc sách với chủ đề Di sản
    Theo thông tin từ Viện Pháp tại Hà Nội, sự kiện Đêm đọc sách sẽ được Viện tổ chức vào ngày 19/1, tại địa chỉ 15 phố Thiền Quang, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
  • Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được công nhận là Bảo vật quốc gia
    Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định công nhận 33 bảo vật quốc gia. Theo Quyết định, Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, thành phố Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) được công nhận là bảo vật quốc gia đợt này.
  • Công nhận 33 bảo vật quốc gia
    Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1712/QĐ-TTg công nhận 33 bảo vật quốc gia (đợt 13, năm 2024).
  • Bộ kim phẩm đền Nghè được công nhận là bảo vật quốc gia
    Bộ kim phẩm đền Nghè ở Hải Phòng gồm nhiều hiện vật là trang sức như bông tai, lá trầu quả cau, vòng tay, chuỗi 999 hạt... có từ đầu thế kỷ XX được công nhận bảo vật quốc gia.
  • Phong tục và lệ kiêng tên húy ở làng Triều Khúc
    Theo hương phả, làng Triều Khúc trước kia ở khu vực Giếng Liên, bây giờ là Học viện An ninh (C500), sau làng thiên di về nơi ở như hiện nay. Năm 766, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng dẫn quân đến đánh thành Tống Bình (Hà Nội), ngài đã đóng quân ở làng Triều Khúc để thao luyện binh sĩ trước khi hạ thành. Đến thời hậu Lê, Vũ Uy đã đem nhiều nghề thủ công mà cụ học được khi đi sứ nước ngoài về truyền dạy cho dân làng Triều Khúc.
  • Hiện thực hóa ước mơ từ cổ phục
    Trong Lễ hội thiết kế sáng tạo 2024 có một show diễn thời trang khiến tất cả công chúng trong và ngoài nước đều đắm mình chiêm ngưỡng. Đó là chương trình “Kế vãng khai lai 2024” - Nhìn lại sử Việt qua trang phục do thương hiệu Vạn Thiên Y thực hiện. Theo đuổi ước mơ bảo tồn di sản, nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga (biệt danh Coco, sinh năm 1988) - người sáng lập thương hiệu này đã cùng với các cộng sự đã quyết liệt, dấn thân vào cổ phục để làm sống lại những nét đẹp của mỹ thuật, văn hóa Việt.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống, Làng nghề truyền thống Hà Nội"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO