Xóa tan nhiều huyền thoại và truyền thuyết quanh Chopin
Cố nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (Ảnh: Báo Người lao động)
Đồng chí Lê Quang Vịnh - nguyên Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ - khi ấy là một nhà giáo yêu nước đã lãnh đạo phong trào học sinh đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm, bị bắt và kết án tử hình. Tôi hỏi Nguyễn Tài Tuệ: Đầu đuôi xuôi ngược thế nào mà lại mắc sai lầm… chết người như vậy? Giá bảo trót sáng tác nhầm nhưng bài hát bình thường bị người ta quên lãng, chẳng ai để ý thì không sao. Đằng này thật “chẳng may”, bài hát lại quá hay, nổi tiếng nên mới… phiền! Nguyễn Tài Tuệ cười rũ ra, sảng khoái và thú vị:
- Chuyện là thế này, chắc ông còn nhớ dạo 1962-1963, phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm, đòi tự do dân chủ rất mạnh. Giáo sư Lê Quang Vịnh cùng Lê Hồng Tư là những người lãnh đạo phong trào bị chính quyền Việt Nam Cộng hoà bắt rồi kết án tử hình. Sự kiện này hồi đó đăng báo, ai cũng rõ.
Một lần, mình đi sinh hoạt gì đó tại Câu lạc bộ Thống nhất ở Bồ Hồ, gặp Trần Kiết Tường. Anh ấy nói với mình: “Tớ nghe các anh ở ban Thống nhất Trung ương nói Lê Quanh Vịnh bị chúng nó xử bắn ở Côn Đảo rồi”. Trần Kiết Tường khẳng định như đinh đóng cột, nguồn tin lại từ Ban Thống nhất Trung ương, sao có thể nghi ngờ được. Thế là mình về sáng tác ngay bài hát với tất cả tấm lòng mến mộ, cảm phục người trí thức yêu nước cộng với sự cảm thông sâu sắc nỗi thống khổ của đồng bào đang còn sống dưới chế độ thống trị của bè lũ Mỹ - Diệm. Khi ấy, rất chân thành, mình viết: “Bao vinh quang chiến công anh tôi ca, khi tin đau xót xa trong lòng ta…”
- Thế sau đó bao lâu, anh mới biết được sự thật là Lê Quang Vịnh còn sống và rồi thế nào?
- Chỉ một thời gian ngắn, khi bài hát đã được vang lên ở khắp nơi. Hoá ra từ án tử hình, anh Vịnh được giảm xuống chung thân và bị đày ra Côn Đảo thụ án. Sau sự kiện Ngô Đình Diệm bị đảo chính ngày 3/11/1963 và bị giết, nhóm lên thay đã phóng thích các tù nhân để lấy lòng nhân dân. Anh Vịnh được trả tự do. Rất tiếc là khi tôi biết rõ sự thật thì bài hát đã ra đời và “tai hại” là đã lan truyền, được nhiều người thuộc.
Nguyễn Tài Tụê là nhạc sĩ, nghệ sĩ 100%. Nhưng ai mới tiếp xúc với ông sẽ ít thấy phần “nghệ” mà thay vì là chất nhà giáo, chất “ông đồ” nhiều hơn. Phút đầu và ngay cả khi quen biết, nhưng chưa thân thiết, ông thường để cho đối tựơng tiếp xúc có cảm giác lạnh lùng, khô khan, không cởi mở, có phần khó tính, xét nét. Ông chào hỏi, giao đãi luôn vừa đủ, không thừa, không thiếu. Ai hỏi gì, ông trả lời nấy, hiếm khi thấy ông chủ động gợi chuyện.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ bên cây đàn lúc sinh thời (Ảnh: Vietnam+)
Tôi nhớ lần đầu tiên trong đời tiếp xúc với ông, để cho không khí thêm hào hứng, tôi bày tỏ sự thích thú đặc biệt đối với những bài hát của ông mà tôi cho là bất hủ - trên cả mức xuất sắc: Lời ca gửi noọng, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó; Xa khơi; Xôn xao bến nước. Cứ tưởng ông phải sôi nổi hơn, nhưng chẳng hề giống các tác giả khác, mỗi khi được tán thưởng tác phẩm dễ bốc đồng, ông vẫn giữ vẻ bình thản và đáp chuyện khiến tôi ít nhiều mất hứng: “Có gì đâu anh, xưa, cũ lắm rồi. Đã lâu lắm tôi có gì đáng kể nữa đâu”.
Mãi tới gần đây, khi thực hiện một tuyển tập ca khúc, tôi gọi điện đến Nguyễn Tài Tuệ ngỏ ý muốn in một số bài của ông. Không sẵn sàng đáp ứng, nhiệt tình gửi bài như nhiều người khác, ông nói qua điện thoại: “Xin cảm ơn! Nhưng bài tôi chẳng có gì đặc biệt đâu. Anh nên tìm bài của các nhạc sĩ khác có lẽ hay hơn”. Vậy là ngay câu đầu tiên ông đã từ chối. Bài đã có sẵn, chỉ cần phô-tô gửi in tuyển tập, vừa có chút tiền uống nước, vừa một lần nữa lưu danh, chẳng thấy ai từ chối, chỉ có ông.
Nhưng đó là chưa thân. Còn khi đã thì ông vui tếu, cởi mở, ngồi hàn huyên không tiếc thời gian mặc dù lúc nào ông cũng có vô số việc phải làm, hý hoáy, cặm cụi suốt ngày trên các khuông nhạc. Tôi có may mắn là một trong số rất hiếm người được ông coi là thân thiết, là bạn vong niên (ông hơn tôi 10 tuổi), sau dăm lần lui tới nhau đàm đạo chuyện nhạc, chuyện đời, cùng ngồi vào bàn chén chú chén anh. Chơi với ông rất thú vị vì luôn xôm chuyện, tỏ rõ một người thông thái, hiểu biết nhiều lĩnh vực.
Không giống nhiều người có tính xấu là chỉ thích nói mà không thích nghe, Nguyễn Tài Tuệ rất chịu nghe người khác nói. Ông có thể nói vài lời, rồi ngồi im nghe người khác rất lâu. Và nếu kẻ ấy hấp dẫn được ông - nghĩa là hiểu biết nhiều, đưa đến cho ông nhiều điều thú vị thì ông có cách nghe khiến đối tượng rất hứng thú. Ông lim dim mắt lại, đầu gật gù cứ như là nghe nhạc vậy. Điểm gì tâm đắc thì cười phá lên, nói oang oang khác thường mặc dù ông vốn là người có phong độ từ tốn, nhỏ nhẹ.
Gặp ông rất dễ, hầu như đến với ông bao giờ cũng được ông khoản đãi một thứ ăn uống thú vị nào đó. Ông không phải là người biết uống rượu, nhưng lúc nào trong phòng cũng có rượu Tây rất ngon, loại phải vài triệu một chai. Và thú vị hơn cả là luôn có hai chiếc bình, một đựng bánh đậu xanh Hải Dương, một đựng chè lam. Có khi còn thêm chiếc bình thứ ba đựng lạc rang tẩm húng lìu, vị mặn.
Tôi cứ tò muốn biết bàn tay nào tạo nên ba cái lọ kia, chắc chắn phải là một “cô Tấm” nào đó, chứ không thể do ông tự tạo. Phu nhân, con gái, con dâu hay là… Muốn hỏi ông lắm, nhưng lúc ông đến nhà tôi chơi thì lại quên, còn khi ở nhà ông thì không thể vì nơi đó “tai vách mạch rừng”, ngộ nhỡ một bàn tay tiên ở trên… giời thì “phiền hà” cho ông. Tôi cứ nhìn chằm chằm vào mấy chiếc bình rồi hóm hỉnh nhìn vào mắt ông như thể muốn ông phải bật ra sự thật. Ông chỉ tủm tỉm cười với câu nói lấp lửng: “Cứ xơi đi mà, chỉ biết là hết lại có, vơi lại đầy…”.
Điều khá đặc biệt là Nguyễn Tài Tuệ luôn phủ nhận mình. Tôi cứ tụng ca ông điều gì là ông lại: “Ôi dào, tầm thường lắm, bọn mình ở xứ mù cứ thấy thằng chột là tôn lên thôi.” Nhưng không chỉ nói, mà là làm. Có lần, Hội Nhạc sĩ Việt Nam bỏ tiền làm an-bum ca khúc cho tất cả các hội viên có sáng tác. Tiêu chuẩn mỗi người được làm một băng cát-sét 12 bài kèm in tập nhạc 12 bài ấy. Mỗi bài các tác giả còn được lĩnh một khoản nhuận bút tương đối khá. Vậy mà Nguyễn Tài Tuệ chỉ cho thu băng và in 10 bài. Tự ông “vứt đi” hai bài.
Người ta ngạc nhiên, ông thản nhiên đáp: “Vì chỉ có 10 bài là chấp nhận được, còn hai bài dở chứ sao?”. Thế là đương nhiên ông bị hụt đi một khoản tiền đáng kể. Trong khi đó, không ít tác giả thuộc hàng vô danh sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu để in tập nhạc dày cộp toàn những bài lạ hoắc. Hai bài “quẳng đi” kia đâu có xoàng.
Lại một điều thú vị đột xuất khác: Ngay cả tập 10 bài kia, cách đây vài tháng tôi có xin một tập để làm tư liệu, khi cần sẽ đưa vào các tuyển tập theo từng chủ đề. Trước khi trao cho tôi, ông cầm bút gạch bỏ vài bài trong đó và nói: “Bỏ mấy bài này, anh chớ có in ấn lại ở đâu, vì dở lắm, bây giờ xem mới thấy dở”.
Chưa hết, ngay cả bài Tiếng hát giữa rừng Pác Bó rất nhiều người yêu thích, ông cũng sửa lại một chỗ: Cho hát ngắn bớt một phách ở nốt nhạc ứng với tiếng “Tám” trong câu “Đất rung tiếng ca nở hoa tháng Tám”. Bàn dân thiên hạ lâu nay đã quen hát như cũ rồi, bây giờ ông còn sửa lại. Tuy sửa như ông là cực kỳ chí lý nhưng dẫu sao cũng có vẻ… thừa.
Dẫu rất nể phục cái sự khó tính trong lao động nghệ thuật của ông, nhưng tôi vẫn nói: “Vẫn biết sửa lại như vậy là hay hơn rồi, nhưng ai cũng chấp nhận cả, anh đính chính làm chi cho rắc rối”. Không ngờ ông nói luôn - bằng cái giọng xứ Nghệ pha chất Bắc nghe trọ trẹ khá ấn tượng: “Không hiểu sao lúc sáng tác mình lại ngớ ngẩn cho ngân những hai phách rưỡi như thế, nghe rề rà, sốt ruột. Phải sửa! Phải sửa! Sinh con ra dẫu có trưởng thành, nhưng thấy nó còn dở, làm cha mẹ vẫn phải tiếp tục uốn nắn…” .
Nguyễn Tài Tuệ nổi tiếng từ rất sớm. Với Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (1959), ông đã được công chúng cả nước biết tên khi mới 23 tuổi. Tiếp đến là Xa khơi (1962), tài năng của ông càng được khẳng định. Nếu cho tôi được quyền tìm một bài hát hay nhất về biển, tôi sẽ chọn Xa khơi, mặc dù cả trăm bài khác cũng rất đáng nghe. Những Lời ca gửi noọng, Suối Mường Hum còn chảy mãi, Xôn xao bến nước…đều nổi tiếng, nhắc đến ai cũng nhớ cả. Nhưng chỉ cần 2 bài Tiếng hát giữa rừng Pác Bó và Xa khơi cũng đủ để xếp Nguyễn Tài Tuệ ngồi ở mâm các nhạc sĩ tài danh nhất Việt Nam.
Con người tưởng như nổi tiếng sớm, cả đời luôn được sống trong vầng hào quang của tài năng như ông hẳn là luôn suôn sẻ, xuôi chèo mát mái. Nhưng không, ông cũng nếm trải đủ mọi cay đắng của cuộc đời: Không may có người cha bị quy oan là địa chủ trong cải cách ruộng đất. Từ cái lý lịch tối sầm đó, ông bị “mệt” mất một thời gian, hết lang thang ở vùng Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, lại nhiều năm về làm phong trào ở vùng mỏ Quảng Ninh.
May sao sau nhiều năm gian truân làm việc tốt ở những nơi kia, một vị lãnh đạo có uy tín ở Bộ Văn hoá khi ấy đề nghị cho Nguyễn Tài Tuệ đi học âm nhạc dài hạn ở nước ngoài. Nhưng những năm tháng ấy, sang Liên Xô, Đông Âu thì “xét lại”, sang Trung Quốc thì đang “đại cách mạng văn hoá” hết sức lộn xộn. Chỉ còn Triều Tiên. Thế là ông được sang học chính quy 5 năm ở Nhạc viện Bình Nhưỡng. Tốt nghiệp bằng đỏ (1966-1972), về nước, ông làm việc ở Đoàn Ca múa trung ương cho đến lúc về hưu (1996).
Cả đời công cán của Nguyễn Tài Tuệ chỉ là một nhạc sĩ thuần tuý, trừ mấy năm dưới thời giám đốc Nguyễn Văn Thương, ông được cắt cử làm Trưởng phòng Nghệ thuật. Nhưng rồi giữa những làn bom đạn triền miên của các thế lực - không phải ngoài chiến trường, mà giữa một đoàn ca múa - ông đành “xa chạy cao bay” mà rời khỏi một tí tẹo chức vụ nhỏ nhoi cho yên thân, để sáng tác. Và cái hiện thực của một đời “ngồi phệt xuống đất” của ông đã hiến tặng cho đời một Nguyễn Tài Tuệ thật hiếm hoi.
Tôi hỏi Nguyễn Tài Tuệ:
- Trong đời anh, rủi ro nhất là gì?
- Có thể là không may nhưng cũng không đáng gọi là rủi ro. Nhiều nhưng quên rồi.
- Còn may mắn nhất?
- Được sang Triều Tiên học, vớ được bà vợ đây.
- Có gì phải ân hận, xấu hổ không?
- Ân hận thì không, còn “xấu hổ” thì tôi đã nói rồi: Phi vụ làm ra bài Lê Quang Vịnh- người con quang vinh.
Lại cười rũ rượi, ha hả, khà khà, nói oang oang, rồi cùng hát lại mấy câu trong cái bài “xấu hổ” ấy…