Cô bé Ốc sên

Lê Phương Liên| 30/09/2020 16:03

Cô bé Ốc sên
Minh họa của Lê Huy Quang

Dưới gốc cây hoa hồng cổ thụ có một ngôi nhà nhỏ, đó là ngôi nhà của mẹ Ốc sên. Buổi sáng tinh mơ hôm đó, một cô bé Ốc sên tí tẹo ra đời. Trên lưng cô bé là một vỏ ốc màu ngà lóng lánh.

Mẹ Ốc sên dạy cô đi vài bước rồi bảo:

- Con hãy tự đi chơi nhé, và phải chú ý những vết chân của mẹ.

Cô bé rụt rè bám cái chân mềm mại ươn ướt của mình vào lớp rêu trên mặt đất, và thế là cô nhích đi từng tí một. Khi đứng giữa ánh nắng vàng trải rộng trên lớp rêu, cô bé vươn cái đầu có đôi mắt tròn ngó nghiêng xung quanh. Người bạn đầu tiên cô bé gặp là anh sâu xanh. Anh ta có thân hình mềm mại nhưng xanh biếc, uốn éo. Trông anh ta rất đáng sợ.

Cô bé Ốc sên muốn chạy trốn nhưng Ốc sên rất chậm. Cô bé chỉ lùi lại được tí tẹo. Anh Sâu xanh cười và mời Ốc sên ăn một chút rễ cỏ non. Anh nói:

- Đừng sợ, chúng ta là bạn của nhau.

Ốc sên nếm thử và thấy thật là ngon. Nhìn anh Sâu xanh một lúc, Ốc sên hỏi:

- Sao anh không phải đeo cái vỏ to như một cái ba lô của em?

Anh Sâu xanh bảo:

- Cô bé ạ, cái ba lô đó là ngôi nhà của em đấy. Còn anh, anh sẽ biến thành bướm và bay lên bầu trời. Bầu trời là nhà của anh.

Hai người bạn đang trò chuyện vui vẻ thì bỗng có tiếng chân bước của một bà Gà mái bệ vệ dẫn một đàn con đang tiến lại gần.

- Chạy đi!

Anh Sâu xanh kêu to rồi vội vàng bò lên một cành hoa hồng và cuộn mình vào trong một cái lá. Anh ta bắt đầu làm tổ kén. Trong khi đó, cô bé Ốc sên chậm chạp bò lên một góc tường đầy rêu xanh, và rồi đột nhiên cô ngã lăn xuống một hòn gạch cũ đã vỡ nằm cạnh một bãi cỏ đầy sỏi nhỏ và lá khô. Cô bé Ốc sên thu người lại trong cái ba lô của mình.

Bọn gà rầm rập đến, chúng đào bới lung tung trên bãi cỏ đầy sỏi và lá khô. Có lẽ chúng kiếm được một con giun to nên giằng co con giun chí chóe. Bà Gà mái  nhìn thấy có Ốc sên ở bên hòn gạch vỡ. Bà ta mổ đánh cốp một cái vào vỏ Ốc sên, hóa ra nó cứng quá. Bà ta kêu to: “ Cục… Quác! Cục… Quác!” và dẫn đàn con rầm rập bỏ đi.

Khi thấy đàn gà đã đi xa, anh Sâu xanh hé mắt nhìn qua tổ kén, hỏi:

- Cô bé Ốc sên, em không sao chứ?

- Dạ, em đang đau, cái vỏ của em bị rạn một tí rồi.

- Ồ không sao, nó sẽ tự liền lại đấy. Em hãy ngủ yên trong cái vỏ của em đi.

Cô bé Ốc sên lần bước trở về gốc cây hoa hồng nơi có ngôi nhà ẩm ướt đầy rêu, đó là tổ ấm của mẹ Ốc sên. Mẹ vui mừng trông thấy cô con gái trở về:

- Thế là con đã về sau một ngày đầu tiên biết đi.

- Ô, mẹ ơi, thế là có những bé Ốc sên đã không trở về nhà sau ngày đầu tiên tập đi ra ngoài hả mẹ?

- Phải, cuộc sống của loài ốc sên vất vả và đầy hiểm nguy con ạ.

Cô bé Ốc sên đã ngủ suốt mấy ngày hôm sau đó và rồi một buổi sáng tỉnh dậy cô bé thấy vết nứt rạn trên vỏ của mình đã liền lại. Cô bé rụt rè bò ra dưới gốc cây men theo một cái rễ lớn. Cô bỗng thấy một cánh bướm bay ra từ cây hoa hồng và bay lên bầu trời, Ốc sên biết đó chính là anh Sâu xanh. Tiếng của cô thì thầm trong gió thổi:

- Tạm biệt anh Sâu xanh, người bạn đầu tiên của em - Lúc ấy cô Ốc sên òa lên khóc, đôi mắt trên đầu cô long lanh.

Mẹ cô bèn hỏi:

- Sao con buồn như vậy?

- Con thích được là một loài bướm, bay lên bầu trời, làm ốc sên buồn chán lắm mẹ ạ.

- Ồ, con ơi, con có một cái vỏ ốc tuyệt vời yên ổn lắm. Con có biết các chàng Bướm có đôi cánh mong manh kia dễ gặp nguy khốn lắm không?

Lúc ấy cô bé Ốc sên cảm thấy chàng Bướm đang bay trở lại, chàng đang bay đến một cành hoa hồng. Chẳng để ý đến lời nói của mẹ, cô bé Ốc sên bèn bám lấy cành cây leo lên. Vì Ốc sên bò rất chậm nên khi lên đến nơi thì cô đã thấy chàng Bướm đang sà vào một bông hồng đỏ thắm.

Cô Ốc sên lên tiếng:

- Anh Bướm ơi, có phải anh là anh sâu bạn em không?

- Chào Ốc sên, chúc mừng em đã nhanh nhẹn hơn xưa. Phải, anh là Sâu bạn em đây.

- Em muốn bay đi đó đi đây như anh lắm.

- Ồ thế à?

Anh Bướm nhẹ nhàng bay ra khỏi cánh hoa hồng và đến đậu vào cái vỏ ốc lóng lánh của cô bé Ốc sên, anh nói thì thầm: “Em hãy đến bên chị Hồng thắm này. Biết đâu chị ấy sẽ đưa em đi một chuyến thú vị”.

Nói rồi chàng Bướm vui vẻ bay đi đâu mất.

Cô bé Ốc sên lúc này đang bám chặt một cành hồng ngay ở dưới đài hoa. Cô bé nhìn xuống phía dưới gốc cây nơi ngôi nhà có thảm rêu của mẹ Ốc sên. Ôi, tất cả đều bé tí, nhìn thật rùng cả mình. Cô thấy mình thật khó lòng đi xuống. Thôi, chỉ có cách bám chặt vào cành hồng này, mặc gió thổi mưa bay. Cô Ốc sên vừa thích vừa sợ. Không biết bay trên trời cao thế nào chứ đứng đung đưa trong không trung thế này cũng thấy hãi lắm rồi.

Cô Ốc sên hỏi chuyện chị Hồng thắm:

- Chị ơi, gió thổi lung lay thế này, mưa rơi lạnh nữa, chị có sợ không?

- Ồ, chị quen rồi, chị thấy rất thú vị. Em uống nước mưa đi, mát lắm.

- Vâng, mát lắm, nhưng mà em sợ ngã. Em đang bám chặt vào chị đây.

- Ờ, em đừng làm hỏng đài hoa của chị đấy. Chị sắp được đi dự hội.

Bỗng lúc đó có tiếng sột soạt của một bàn tay và một cái kéo. Phựt! Một bà mẹ đi hái hoa hồng. Vèo! Thế là cành hoa hồng thắm có cô bé Ốc sên được đi vào một ngôi nhà xinh xắn và rực rỡ.

Hóa ra bà mẹ đi hái hoa hồng để mừng sinh nhật cậu con trai lên bảy tuổi. Có bảy bông hồng được cắm trong một chiếc lọ gốm đặt trên bàn bên cạnh một vài đĩa kẹo bánh. Các cô bé cậu bé vui vẻ hát múa và chơi đùa bên hoa hồng cùng bánh kẹo. Cô bé Ốc sên nhìn ngó và thấy thật là lạ.

Bỗng một đôi mắt to nhìn thẳng vào Ốc sên. Tiếng cậu bé kêu to: “Ôi! Con gì thế này?”. Bàn tay nhỏ tóm lấy cô bé Ốc sên và đặt cô xuống bàn.

Mẹ cậu bé nhìn Ốc sên rồi ôn tồn nói: “Đây là con Ốc sên đấy. Mẹ bảo các con hát thế này nhé: “Sên sển sền sên. Mày lên công chúa. Mày múa tao xem. Tao may áo đỏ áo đen cho mày!”

Thế là các cô bé cậu bé cùng đồng thanh hát vang: “Sên sển sền sên… Mày lên công chúa…” Cô bé Ốc sên nghe tiếng hát bèn ngó nghiêng cái cổ với hai tua đầu có đôi mắt lúc la lúc lắc.

- Ô, nó múa, con sên nó múa! Hoan hô!

Lũ trẻ vui sướng reo ầm lên. Thế là cô bé Ốc sên trở thành cô công chúa trong căn phòng của cậu bé bảy tuổi.

Thời gian từ từ trôi qua. Chị Hồng thắm mới ngày nào tươi đẹp mang cô Ốc sên trên cuống hoa đi đến nơi này, nay chị đã úa héo rồi. Trong khi đó, cô Ốc sên được sống trong một cái bình thủy tinh màu vàng. Dưới ánh đèn điện trông cái vỏ ốc của cô long lánh tuyệt đẹp. Một buổi chiều chị Hồng thắm ủ rũ chào tạm biệt Ốc sên: “Chào em, chị đi đây, mừng em đã thành công chúa!”

Cô Ốc sên cố bò lên miệng bình thủy tinh để tạm biệt chị Hồng thắm. Nhưng cô đi quá chậm và thành bình thủy tinh thì rất trơn nên khi cô lên đến nơi thì chị Hồng thắm đã xa mãi mãi.

Ốc sên cảm thấy buồn. Sống trong cái bình thủy tinh này thật khô khan. Cô không thấy mình đẹp gì cả. Cô cũng không thích suốt ngày lúc lắc cái đầu làm trò công chúa. Các cô bé, cậu bé cho mình ăn thứ bột gì đó khiến mình béo lên, chỉ biết ngó ngoáy các đầu và đi lại chậm chạp hẳn. Nếu sống lâu ở đây chắc mình chết mất.

Ốc sên từ từ bò khỏi miệng bình. Cô nghĩ đến mẹ, anh chàng Bướm, nghĩ đến bầu trời cao rộng, mặt đất có những rễ cỏ non và ngôi nhà đầy rêu êm ái. Dù rất chậm nhưng Ốc sên vẫn đi, cô sẽ đi suốt đêm. Cô nhớ mẹ lắm, giờ đây chắc mẹ đang rất buồn vì đã lâu mà chưa thấy con trở về nhà… Ôi thương mẹ lắm. Ốc sên không thấy buồn ngủ, cô lặng lẽ đi.

Khi đi gần ra đến cửa nhà thì Ốc sên bỗng nghe thấy một tiếng: Ngao! Một ông mèo to lớn đang đi lại. Tuy chân mèo rất êm nhưng chắc giẫm trúng Ốc sên thì đời cô cũng tan nát. Ốc sên rụt chân lại, thu mình vào trong vỏ ốc và lăn vào chân tường. Cô chỉ dám he hé mắt nhìn, may quá ông Mèo đã  đi về phía bếp rồi. Nằm thu mình trong vỏ ốc cô lại nhớ đến lời mẹ đã nói: “Con có một cái vỏ ốc tuyệt vời yên ổn lắm” Cô nghĩ mẹ mình nói đúng thật! Nghĩ thế Ốc sên  càng muốn mau về với mẹ.

Ốc sên cũng nghĩ đến chàng Bướm. Bây giờ chàng đang ở đâu? Chàng có nhớ đến cô bé Ốc sên trái tính trái nết, không thích làm sên mà lại thích bay bổng này không? Ốc sên kiên nhẫn bò trên con đường mòn có những viên gạch cũ nối tiếp nhau, cỏ dại mọc xiên từng kẽ gạch. 

Trời đã le lói sáng. Lúc ấy Ốc sên nhìn thấy một bà Nhện. Bà đang bụng mang dạ chửa thế mà vẫn nhanh nhẹn giăng tơ trên bãi cỏ. Ốc sên băn khoăn vừa muốn tránh đi lại vừa muốn làm quen. Nghĩ thế nào cô mạnh dạn hỏi:

- Cháu chào bà ạ, cháu là con của mẹ Ốc sên nhà ở gốc cây hoa hồng. Bà ơi cháu đang tìm đường về nhà, bà chỉ giùm cho cháu với.

Bà Nhện rung rinh cái bụng to kềnh cười:

- Cô bé ngốc nghếch này, chẳng lẽ mẹ cô không dạy cô chuyện nhỏ đó hay sao? Loài sên nhà cô đi đâu cũng để lại vết dãi trên đường, cô hãy tìm lại vết chân của mẹ mà về.  

Nghe bà Nhện nói thế, cô bé Ốc sên lại nhớ ra lời mẹ dặn: “Con hãy chú ý những vết chân của mẹ nhé”. Ôi thật là mẹ dặn chẳng sai câu nào. Nghĩ vậy cô bé nói với bà Nhện: “Cháu cảm ơn bà, đúng là mẹ cháu đã dặn rồi mà cháu lại quên! Cháu chào bà ạ.”

Cô bé Ốc sên dò dẫm trên bờ cỏ một lúc thì tìm thấy vết chân của mẹ. Thế là thấy trong lòng ấm áp hẳn lên, Ốc sên vui vui nhích từng tí một theo vết chân của mẹ. Chẳng mấy chốc cô đã  cảm thấy có hương hoa hồng thơm đâu đây. Cô khoan khoái hít thở không khí tràn đầy hương thơm rồi cúi xuống nhấm nháp một ngọn cỏ non. Ngọt ngào quá, Ốc sên sung sướng nhận ra vị ngọt tươi của cỏ đúng lúc cô đã nhìn thấy bóng mẹ bên trước ngôi nhà phủ rêu xanh.

Khi nhìn thấy con trở về mẹ Ốc sên bàng hoàng tưởng là mình nhìn nhầm. Bà đã tưởng rằng chẳng bao giờ được gặp lại con gái yêu…Thế mà trời thương, nó lại trở về. Cô bé Ốc sên  chẳng biết nói gì với mẹ, cô như vừa muốn khóc lại vừa muốn cười. Rồi cô lặng lẽ thiếp đi trong một giấc ngủ say bên mẹ. Sáng hôm sau, khi đứng giữa ánh mặt trời rực rỡ, Ốc sên lại gặp một bé Sâu xanh nho nhỏ: “Ồ, trông bạn rất quen, có phải là bạn Sâu xanh của tôi không?” Bé Sâu đáp: “Dạ, không phải ạ, tôi là con của bố Sâu xanh. Bố tôi đã không còn nữa rồi. Đời loài bướm rất ngắn, thật là buồn cô Ốc sên ạ”.

Cô Ốc sên ngẩng đầu nhìn lên bầu trời cao. Trong tâm trí cô lại vang lên câu nói cô đã nói với chàng Bướm ngày nào: “Em muốn bay đi đây đi đó như anh lắm!” Cô Ốc sên nói với bé Sâu xanh: “Đừng buồn, rồi cậu sẽ hóa thành Bướm và bay như bố, cậu sẽ biết nhiều điều lý thú. Cũng như tôi dù là ốc sên , tôi cũng đã “ bay” được bằng cái chân chậm chạp của mình”.

Chiều tối hôm đó, thao thức dưới bầu trời đầy sao, cô Ốc sên làm thơ về những cánh bướm tự do bay lượn. Cô có ý định đọc cho các em bé Sâu xanh nghe và ý nghĩ đó khiến cô vui lắm. 
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Trưng bày "Non sông liền một dải": Tái hiện hành trình thống nhất thiêng liêng của dân tộc
    Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề “Non sông liền một dải” nhằm tái hiện hành trình đấu tranh kiên cường, bất khuất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
  • “Di sản công nghiệp” - nguồn lực để Hà Nội tạo ra các trung tâm công nghiệp văn hóa
    Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) được Thành phố Hà Nội xác định là một trong những chủ trương quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế, Hà Nội có nhiều lợi thế để xây dựng, phát triển trung tâm CNVH, trong đó Thành phố có thể tái sử dụng và hồi sinh các “di sản công nghiệp” để mở ra các không gian sáng tạo.
  • Hồi sinh nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại
    Nghệ thuật truyền thống là một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa Việt Nam, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc qua bao thế hệ. Từ những câu hò, điệu lý, làn điệu chèo, tuồng, cải lương, đến tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống hay nghệ thuật múa rối nước… tất cả đều mang trong mình hơi thở của lịch sử và tâm hồn Việt. Tuy nhiên, trong guồng quay của nền kinh tế thị trường và sự lên ngôi của các loại hình giải trí hiện đại, nghệ thuật truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức. Làm thế nào để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống trong đời sống hiện đại - đó là yêu cầu, nhiệm vụ cần thiết, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.
  • [Podcast] Bánh đa kê – Thức quà vặt trứ danh của người Hà thành
    Trong bao nhiêu thức quà của Hà Nội, có một món bánh giản dị đến mức nếu bạn lướt qua vội, sẽ dễ dàng bỏ quên. Nhưng nếu đã từng thử, hẳn sẽ không thể nào quên được cái ngọt bùi, dẻo thơm, giòn tan của món bánh ấy, đó là bánh đa kê.
  • Kết nối việc làm mỗi ngày: Bài 2- Doanh nghiệp cần người, trung tâm sẵn sàng kết nối
    Trong bối cảnh kinh tế dần phục hồi, các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc, tăng tốc phát triển, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, một trong những “nút thắt” mà nhiều doanh nghiệp gặp phải chính là bài toán nhân lực – tìm đúng người, đúng kỹ năng trong khoảng thời gian ngắn và tiết kiệm chi phí. Thay vì loay hoay trên các nền tảng tuyển dụng, không ít đơn vị đã tìm thấy lời giải tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội – nơi đang trở thành “cầu nối vàng” giữa doanh nghiệp và người lao động.
Đừng bỏ lỡ
Cô bé Ốc sên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO