Minh họa của Lê Huy Quang
Vào một sáng thứ hai đầu tuần, khi tôi vừa bước vào cửa văn phòng thường trực của Hội Nhà văn thành phố thì thấy có một người đã đứng tuổi đến trước mặt:
- Thưa ông, tôi đợi ông đã lâu. Tôi muốn hỏi, ông có phải là M, vừa viết văn, vừa viết báo phải không ạ?
- Dạ phải.
Ông dáng người thanh nhã, vẻ mặt, cách nhìn lộ dáng vẻ của một người có đời sống phong lưu, đặc biệt giọng nói nhỏ nhẹ, từ tốn. Tôi hỏi:
- Vậy có chuyện gì xin ông cứ nói thẳng, xét khả năng phù hợp, tôi sẵn sàng giúp đỡ ông.
Ông khách nhìn tôi, giọng trầm hẳn xuống:
- Tôi có thằng nghịch tử, tôi không sợ xấu hổ, tôi muốn kể lại chuyện này để thiên hạ cùng nghe, nghe mà cảnh giác, đừng đặt niềm tin toàn diện vào con cái, tin như tôi rồi có ngày ra đứng đường đấy ông ạ.
Câu chuyện như đã có đà, tôi bảo ông cứ kể chuyện đi, tôi chăm chú lắng nghe. Biết đâu đây là đề tài cho một truyện ngắn tương lai.
Tổ tiên tôi là người Hà Nội, đến đời ông nội, rồi ông thân sinh và tôi đều kinh doanh vàng bạc. Ở cái phố chuyên bán vàng ở Hà Nội, ai cũng biết cửa hàng vàng Phúc Hậu. Ông tôi đặt tên hiệu như thế là mong sự sống cửa hàng luôn được vững bền, dài lâu. Mà thật thế ông ạ, nhà tôi buôn bán vàng bạc chỉ giữ chữ tín làm đầu, không lừa lọc ăn gian tuổi vàng, bán đủ cân đủ lạng, và chỉ lấy lãi đúng mức để nuôi sống gia đình. Cứ thế làm ăn, năm dồn tháng chứa, nhà tôi khá giả dần.
Một căn hộ ở phố cổ bảy tám mươi mét vuông, mặt tiền rộng, lúc nào cũng đầy ắp hàng, người mua kẻ bán tấp nập. Hiềm một nỗi, nhà tôi đời nào cũng độc đinh. Vì vậy khi sinh thằng Hiếu, vợ chồng tôi còn quý nó hơn cả vàng. Từ nhỏ đến lớn, tôi đều bắt nó phải tập trung học. Học đến khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Khoa Quản trị kinh doanh mới thôi. Vì tôi nghĩ, làm ăn mỗi ngày mỗi khó, nếu con không có nghề cho chín thì chỉ lều bều như củi rều trên sông mà thôi. Cuộc đời tưởng cứ thế êm trôi, nào ngờ, khi người vợ hiền thục của tôi bỗng lăn ra ốm, rồi nằm liệt mấy năm liền. Thuốc thang đủ kiểu cũng không thuyên giảm. Chăm vợ ốm, rồi tiền bạc hao mòn dần, tôi suy nghĩ, người sọp đi.
Một buổi chiều, tôi lang thang dạo bờ hồ, thì bỗng gặp một bà đi cùng chiều. Bà ấy ăn mặc giản dị, mái tóc uốn đơn giản, đặc biệt bà có vẻ mặt hết sức ưa nhìn: đầm ấm và hiền dịu. Tự nhiên, trong tôi lóe lên ý nghĩ, nếu được quen người này kể cũng thú vị đấy. Tim đập hồi hộp, tôi tiến lên mấy bước và nói:
- Nếu không phiền, tôi muốn được đi dạo cùng bà một vòng bờ hồ được không?
Bị bất ngờ, bà ấy dừng mấy giây rồi nói rất nhỏ, tưởng như tiếng gió vừa lướt qua mặt hồ:
- Được thế còn gì bằng, có người trò chuyện đi càng vui chân ông ạ.
Đi dạo lâu dần thành quen, chúng tôi thân nhau từ lúc nào không biết. Nhưng bà ấy là một người ý tứ và dịu dàng, tôi hỏi xin số điện thoại mấy lần bà ấy mới cho. Khi cho số, bà ấy còn dặn: “Con nhà em đều đã trưởng thành, chúng ngoan và biết vâng lời mẹ, nhưng khi cần ông hẵng gọi nhé”.
Sự đời thật oái ăm ông M ạ, cái sự phiền toái lại xảy ra ở thằng Hiếu nhà tôi. Nó biết tôi hằng ngày đi dạo, nó kiên nhẫn dò tìm và biết tôi quen bà ấy. Từ đó, Hiếu nhìn tôi với vẻ mặt khác thường. Một lần, khi vừa ăn cơm xong, nó lựa lời hỏi tôi:
- Bố quen bà ấy lâu chưa?
Tôi chối:
- Quen biết gì đâu? Chỉ là người dưng cùng đi chung một đoạn đường.
- Thôi, bố đừng có giấu con. Chỉ cần nhìn một lần là con biết chuyện rồi. Những người có tình ý với nhau, dù vờ vịt thế nào thì người ta cũng biết đấy bố ạ.
Chúng tôi quen nhau được hơn một năm thì vợ tôi mất. Tôi lo việc cho vợ thật chu đáo và không ai chê trách được một lời. Thú thật với ông, những ngày đầu vợ mất, tôi buồn lắm, buồn vì người mình yêu thương cả đời, buộc phải về thiên thu. Nhưng sự đời, nỗi đau như bát nước nóng nguôi dần. Tâm trạng tôi dần về với cõi sống thực. Tôi nhớ đến người phụ nữ năm trước, lúc gặp lại, khi chuyện đã có đà, tôi từ tốn:
- Hoàn cảnh của tôi, bà đã biết, từ nay, khi trò chuyện với bà, tôi được xưng bằng anh có được không?
Người ấy vẫn im lặng bước đi, mấy lần sau, vẫn câu hỏi đó, người ấy nói:
- Đàn bà có linh cảm nhạy bén lắm. Anh đối với em thế nào, em đều cảm nhận được hết. Em cảm ơn anh đã chú ý tới em.
Chúng tôi đến với nhau chỉ đơn giản có thế. Qua các lần trò chuyện, kiểu mưa dầm thấm lâu, chúng tôi xưng hô là anh em đã quen tai. Hôm nào không gặp là nhớ nhung. Tôi biết bà ấy là giáo viên văn về hưu. Bà ấy có ba con được nuôi dạy chu đáo, cả ba đều đã dựng vợ gả chồng. Chồng bà ấy mất đã bảy tám năm vì tai nạn. Còn hoàn cảnh nhà tôi, bà ấy biết khá tường tận nên khi ngỏ lời, bà ấy chỉ lưỡng lự mấy ngày rồi gật đầu. Tôi nhớ, hôm ấy trời đẹp lắm, đứng từ xa cũng nhìn rõ mặt hồ Gươm gợn sóng lăn tăn. Cảnh vui, người cũng vui lây, tôi không về hiệu vàng của nhà mà đường đột dắt tay bà ấy vào hiệu vàng đối diện tháp Hòa Phong, và nói:
- Anh sẽ không bao giờ quên được ngày hôm nay, anh mua tặng em một cái nhẫn, tùy em chọn nhé.
Cái tình trong lòng người đàn bà chìm lắng từ lâu, giờ được yêu thương chợt sống dậy. Khi hai người ngồi trên ghế đá ven hồ, người ấy ngồi nép vào tôi. Lòng tôi cũng xúc động không kém, mắt nhìn vào Tháp Rùa ở phía trước, miệng tôi bật ra tiếng nói:
Hôm nay là ngày… tháng... năm Canh Tý, trên là trời, dưới là mặt hồ Gươm, chúng con là Trần Đức Hạnh và Nguyễn Thị … thề trước thần linh sông núi, trong đoạn đời còn lại, dù sông có cạn đá có mòn thì chúng con vẫn thương yêu nhau đến trọn đời.
Ông M ạ, chuyện tình của tôi chỉ đơn giản có thế. Tôi nghĩ suy và sống cũng đơn giản, vì chúng tôi đến với nhau hoàn toàn tự nguyện và hợp pháp. Nhưng thưa ông, cuộc đời không bao giờ đơn giản như mình nghĩ đâu. Khi tôi đem chuyện nói với thằng Hiếu thì nó dẫy lên:
- Bố có thể biện bạch nhưng hai vợ chồng con không bao giờ đồng ý. Không bao giờ, ông nghe rõ chưa - Nó mặt đỏ tía tai cãi lại.
Tôi bình tĩnh:
- Con nói vì sao?
- Vì sao à? Nó đập bàn - Ông có biết nhà này, cửa hàng này bây giờ là bao nhiêu tỷ không? Nó là mồ hôi tích cóp mấy đời, là công sức của mẹ, giờ không thể bỗng dưng rơi vào tay kẻ khác. Mụ ấy là rắn độc, mưu mô cướp tài sản này.
Lần đầu nói, thằng Hiếu sợ tôi chưa nghe ra, từ hôm đó, tối nào thằng Hiếu cũng đem chuyện đó ra nói. Từ nhẹ đến nặng, cuối cùng nó bảo tôi:
- Người già thì khôn ra, đằng này càng nói ông càng... ông muốn được tự do thì ông hãy giao cả cơ ngơi này cho tôi rồi ông muốn làm gì thì làm.
Năm ngày, rồi mười ngày qua đi, ngày nào tôi cũng suy nghĩ, có lúc tưởng phát điên lên. Nhưng rồi cuối cùng, để mọi việc được êm thấm và khỏi ảnh hưởng đến danh dự của người vợ mới, tôi cùng vợ chồng thằng Hiếu dắt nhau ra phòng công chứng làm thủ tục cho vợ chồng nó toàn bộ tài sản, hy vọng sau này nó bình tâm nghĩ lại, nó sẽ dành cho tôi một phần tài sản đó. Tôi nhớ hôm xách cái va li ra đi, mái phố rêu phong thân quen như mờ đi trong nước mắt. Thấy vậy, người vợ mới an ủi:
- Giờ thì em tin anh yêu em thật lòng. Lòng anh như thế, em không thể phụ. Hai chục năm qua, em dành dụm được vài trăm triệu, tích cóp từ tiền lương, tiền các con biếu, tiền đó em để dưỡng già, nhưng anh em mình đã trót thề bồi với nhau. Em có ý định dành hẳn số tiền đó để mua một căn nhà nhỏ, trong ngõ nhỏ cũng được, để hai chúng ta cùng ở, không phải phiền đến các con em.
Câu chuyện người khách mới gặp kể đến đó phải tạm dừng, vì mấy anh em nhà văn đến tề tựu…
Tôi nói lời chia tay, trong lòng đã cảm hứng với một chuyện tình cảm động, tôi hứa với ông là sẽ đưa câu chuyện của ông lên mặt báo.
Vào cuối năm đó, khi có việc qua phố Định Công, trên con đường không lấy gì làm rộng, tôi thấy có một cửa hàng vàng, hiệu là Hạnh Mỹ. Cửa hàng độ hai mươi mét vuông, mặt tiền rộng khoảng ba mét. Mấy tủ hàng được bày biện khá bắt mắt. Ông chủ trông quen quen, lòng chợt hỏi: “Hay là ông khách đến gặp mình ở trụ sở Hội Nhà văn năm trước nhỉ?”. Nghĩ thế, nhưng sợ phiền phức lại thôi không hỏi nữa. Thấy tôi tò mò nhìn vào cửa hàng vàng, một bà đã đứng tuổi nhà liền cạnh nói:
- Ông quen ông Hạnh cửa hàng vàng à? Ông bà mới chuyển từ phố về đây được hơn một năm, sống với nhau hạnh phúc lắm. Ông bà ấy có ba người con ngoan quá. Biết bố mẹ có tuổi, tuần nào các con cũng về thăm. Này, tôi nói kín với ông nhé, khi mua cái nhà này, ông bà thiếu tiền, mỗi đứa góp cả trăm triệu đấy. Thật phúc cho bà giáo biết dạy con.
Lời nói của bà hàng xóm ông Hạnh có thể đã thay lời tác giả kết thúc thiên truyện ngắn này. Nói thêm, tại khu phố cổ, người ta kháo nhau, sau ngày ông Hạnh ra đi, thằng Hiếu đã bán hiệu vàng Phúc Hậu với giá mấy nghìn cây vàng. Người đời lại bảo, khi biết con bán nhà, ông Hạnh có tìm gặp thằng Hiếu, hy vọng nó dành một khoản tiền nào đó cho ông, nhưng ông đã lầm. Nhà này sổ đỏ tên của Nguyễn Trung Hiếu cơ mà, hơn nữa ông nên hiểu, nhà của bố mẹ tức là nhà của các con; còn nhà của con không phải là nhà của bố mẹ. Ấy là người ta cứ đồn thổi lúc buôn dưa lê cho có chuyện, chứ tôi tin ông Hạnh là người trọng tình, hiểu luật pháp không bao giờ ông lại tự hạ mình như thế.