Chuyện ít biết về đoạn sông Hồng qua nội đô

HNMCT| 03/04/2021 17:19

Hà Nội đang khẩn trương thực hiện quy hoạch hai bờ sông Hồng đoạn chảy qua thành phố theo tiêu chí hài hòa giữa sinh thái, văn hóa và lịch sử. Nếu được Chính phủ phê duyệt, trong tương lai, “mặt tiền” của Hà Nội sẽ hướng ra sông Hồng. Tuy nhiên, đoạn sông này vẫn còn nhiều chuyện ít người biết.

Chuyện ít biết về đoạn sông Hồng qua nội đô
Sông Hồng nhìn từ trên cao. Ảnh: Quý Tú

Đoạn sông chảy qua Hà Nội quanh co nên mới có câu: “Nhĩ Hà quanh Bắc sang Đông”. Vì quanh co như cái nhĩ tai, chỗ rộng, chỗ hẹp nên người xưa gọi là Nhĩ Hà. Khúc sông rộng nhất đoạn qua Hà Nội là xã Vân Cốc (huyện Phúc Thọ), tính từ đê bên này sang bờ bên kia rộng tới 8km, còn khúc hẹp nhất là Chèm - rộng 1,2km. Nhĩ Hà đổi dòng liên tục, vì thế, hồ Tây ban đầu là góc cua. Khi sông đổi dòng, cát lấp hai đầu trở thành hồ Tây thơ mộng ngày nay.

Cuối thế kỷ XVIII, nước sông Hồng sát đê Yên Phụ. Ở đây có lò nung vôi Thạch Khối ngày đêm tấp nập thuyền chở đá ra vào, thuyền mua vôi chen lấn. Nhưng đến giữa thế kỷ XIX, lò nung vôi này biến mất do sông đổi dòng, hướng sang Gia Lâm. Hồ Hoàn Kiếm ngày nay là dấu tích của hồ Lục Thủy xưa. Lục Thủy nằm sát đê, nhưng Nhĩ Hà đổi dòng khiến bãi bồi rộng ra và người ta lại cho đắp đê mới nên Lục Thủy thành hồ trong đê. Có ý kiến cho rằng hồ Ba Mẫu, Trung Phụng, Văn Chương... xưa cũng nằm ngoài bãi, tuy nhiên, khảo sát tài liệu và bản đồ cổ cho thấy các hồ này hình thành là do lấy đất để đắp đê.

Theo thống kê của ngành Thủy lợi, từ năm 1902 đến năm 1972, sông Hồng đoạn qua Hà Nội đổi dòng tới 7 lần. Việc sông đổi dòng đã tác động đến bãi bồi ven đê và bãi Giữa. Có một điều kỳ lạ là theo chiều dài của sông Hồng từ đầu nguồn đổ ra biển có rất nhiều bãi bồi giữa sông, nhưng bãi dài nhất, rộng nhất, có dân ở lại là đoạn chảy qua Hà Nội được gọi là bãi Giữa. Vì bãi Giữa chia dòng chảy làm hai nhánh, nên khúc sông này còn có tên là Nhị Hà.

Không biết bãi Giữa có từ bao giờ nhưng thời nhà Lý, khi Lý Công Uẩn ra xây thành Thăng Long trên nền thành Đại La cũ đã di dời làng An Xá ở phía nam hồ Tây để lấy đất mở rộng thành. Dân An Xá phải chuyển ra sống ở ven sông, từ bãi Phú Thượng kéo xuống khu vực Đầm Trấu và cả vùng Bắc Biên gần cửa sông Đuống được đặt tên là Cơ Xá. Bãi Giữa thuộc đất làng Cơ Xá. Bãi Giữa là tên Nôm, còn tên chữ là Trung Hà. Phần đất có dân ở gọi là làng Đại Xá. Bãi Giữa thường xuyên thay đổi, phụ thuộc vào nước lũ. Năm nào mưa to, lũ lớn thì cát lở khiến bãi hẹp lại, nhưng năm nào lũ nhỏ, mưa ít thì bãi không bị lở.

Năm 1885, trận lũ lớn đã làm nước tràn vào khu nhượng địa Đồn Thủy (tương ứng khu vực Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phố Phạm Ngũ Lão hiện nay), đe dọa tính mạng quân đội Pháp đóng ở đây. Khi nước rút, thực dân Pháp đã cho đắp 400m đê phụ ở đầu phố Hàng Than để chuyển dòng chảy của sông Hồng sang phía Gia Lâm nên bãi Giữa ổn định từ đó.

Nửa đầu thế kỷ XX, bãi Giữa trở nên xanh mướt khi dân chúng trồng ngô, khoai lang, sau đó trồng dâu nuôi tằm. Từ đầu đến cuối bãi có một con đường chính, hai bên có các đường xương cá vào các xóm. Duy nhất cả bãi chỉ có một ngôi nhà gạch ở gần chân cầu Long Biên là nhà nuôi tằm của ông Nguyễn Thừa Đạt, người giàu có nhất bãi. Bãi Giữa đã trở thành điểm du lịch khi chính quyền Pháp cho làm cầu thang từ cầu Long Biên xuống. Từ năm 1947 đến 1954, lo sợ Việt Minh phá cầu Long Biên nên quân Pháp thường xuyên tuần tra khắp bãi.

Vì tiếp nước của sông Đà, sông Lô và sông Thao (tên gọi sông Hồng đoạn từ Lào Cai về ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì) nên sông Hồng là con sông hung dữ nhất trong các con sông ở miền Bắc, và hung dữ nhất lại chính là khúc sông qua Hà Nội. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, kinh đô Thăng Long nhiều lần bị lũ lụt. Năm 1078, nước tràn vào cửa Đại Hưng (tương ứng khu vực Cửa Nam hiện nay); năm 1228, kinh thành bị lũ lớn; năm 1270, Thăng Long chìm trong nước và phải di chuyển bằng thuyền... Năm 1915, trận lũ phá vỡ đê Liên Mạc khiến nước tràn vào vùng Cổ Nhuế gây ngập kéo dài mấy tháng trời; phù sa lấp hết ruộng nên không thể cấy được lúa, buộc dân phải chuyển sang trồng màu và làm nghề may. 

Ngày nay, sông Hồng gần như không còn lũ vì thượng nguồn phía Trung Quốc và thượng nguồn sông Đà có các nhà máy thủy điện. Việc hình thành khu đô thị ven sông Hồng sẽ biến Hà Nội trở thành thành phố đẹp nhất trong các đô thị Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Công nhận 33 bảo vật quốc gia
    Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1712/QĐ-TTg công nhận 33 bảo vật quốc gia (đợt 13, năm 2024).
  • Triển lãm & Art Talk: Sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương
    Nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương), Công ty TNHH Salmon sẽ tổ chức Triển lãm & Art Talk mang tên "Sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương". Sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 7/1/2025 tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, 19 Lê Thánh Tông, Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • [Podcast] Đêm Hà Nội – Một vẻ đẹp nao lòng
    Ai đã từng sống ở Hà Nội, từng gắn bó với mảnh đất này, chắc hẳn sẽ dành tình yêu đặc biệt cho nơi đây. Nơi mà mỗi một con phố, mái nhà đều mang trong mình câu chuyện của văn hóa, nơi mà bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông đều chất chứa vẻ đẹp của xứ kinh kỳ đã được tích tụ, gìn giữ và phát triển qua hàng nghìn năm. Và một trong những điều ấy chính là phố sá Hà Nội khi màn đêm buông xuống. Trong chuyên mục “ Chuyện người Hà Nội” ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng hòa mình vào cả không gian và thời gian của đêm Hà Nội để cùng rung cảm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp riêng có của mảnh đất Hà Thành.
  • [Video] Làng nghề da giày Phú Yên: Sức sống làng nghề trăm tuổi
    Mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 6 đến 7 triệu đôi giày, thu hút khoảng hơn 5.000 lao động trực tiếp, các làng nghề giày da ở xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) là một trong những điểm sáng về công tác gìn giữ và phát triển nghề thủ công của Hà Nội.
  • Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
    Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đừng bỏ lỡ
Chuyện ít biết về đoạn sông Hồng qua nội đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO