Chùm thơ CLB Hương Đất Lụa

Nhiều tác giả| 17/07/2017 10:31

Chùm thơ CLB Hương Đất Lụa

Phạm Minh Tân

Qùa xuân

 Tưởng đã cỗi sau mỗi mùa đỏ lá

Trần lưng run cho gió táp thân còm

Rồi một sớm xuân còn ngơ ngác

Đã xôn xao mắt lá tơ non.


Lại mướt mát về thời son trẻ

Lại chụm đầu làm tán ô tròn

Bóng râm che một khoảng trời con

Chim về thả tiếng ru trên lối nắng.


Đất cho mật nẩy chùm hoa trắng

Ủ nắng trời quá mọng rưng rưng

Chạm vào thu, trái vàng như kén óng

Ôi, trái bàng xưa, quà tặng lũ trò nghèo!



 VỀ ĐẤT MŨI

Thương lắm Cà Mau!
Nơi tận cùng đất mẹ
Như người con đi kiếm ăn xa
Mênh mang sông nước là nhà…

Hôi hổi gió
Nắng đằm hắt lửa
Vẫn lên xanh cây lá bốn mùa.

Những cây Mắm giầm chân chắn sóng
Đọt mầm dương tua tủa tựa bàn chông
Và theo sau là Đước trùng trùng
Rễ trùm rễ như chiếc nơm kì vĩ
Cắm vào đất!
Thành bờ thành lũy
Giữ chủ quyền bền bỉ không lơi.

Người Cà Mau giản đơn, kiệm lời
Nụ cười thay đưa đón chào mời
Những vạn chài lấp loáng lưng phơi
Tay cuộn nắng dong thuyền cưỡi sóng!
Cờ Tổ quốc trên cột buồm gió lộng
Biển của ta!
Hào phóng cá tôm.

… Thời khắc linh thiêng
Chạm tay vào cột mốc yêu thương
Sao chợt thấy xốn xang… nguồn cội?
Dâng nén hương lòng
Tạ cha ông đi mở cõi
Để bây giờ non sông một dải
“Từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau”
Biển bạc rừng vàng cho con cháu muôn sau!







 Vương Đình Trung
  LỜI RU


Cánh cò vờn cánh ca dao

Bay vào giấc ngủ ngọt ngào à ơi

Lặng nghe tiếng mẹ ru hời

Mầm non đang lớn dưới lời dịu êm

Gừng cay, muối mặn đừng quên

Con nông, con vạc đậu mềm ngọn tre

Trăng vàng chú cuội có nghe

Để trâu ăn lúa, còn về gọi cha

Tầm xuân, hoa bưởi, hoa cà

Củ khoai, hạt lúa đậm đà tình sâu

Mưa nhiều thương vợ chồng ngâu

Aó ai trao bạn, qua cầu gió bay...


Tiếng mẹ ru, giấc con say

Vành nôi trăn trở, giãi bày- lời ru.


 TÌNH CÂY


 Cây nhãn của ông trồng

Nhớ ngày vào bộ đội

Nay ông tám mươi tuổi

Nhãn bao mùa đơm bông.


Tóc ông giờ bạc trắng

Lá nhãn giăng vòm xanh

Chim vui hót trên cành

Mừng mùa cây trĩu quả

Gió hát trong kẽ lá

Như mời gọi thơ ông.



Cây có mệt lắm không

Sau mỗi mùa cho quả

Cành có mỏi lắm không

Sau mỗi lần thay lá.


Cành nhãn khô thắp lửa

Ông đun nước pha trà

Hương nồng môi tuổi hạc

Tình cây ấm lòng ta.


Đỗ Thu Hà

Tình cây

Anh cùng em đi giữa rừng sâu

Những lớp mưa hoa bay nhẹ trên đầu

Thoang thoảng hương rừng quyện trong hương tóc

Nắng gieo hạt vàng thời gian qua mau.


Em lắng nghe rất sâu, rất sâu

Những âm thanh từ rừng vọng lại

Tiếng chim hót lắng trong mê mải

Những chồi non khe khẽ cựa mình



Hết hoàng hôn trời lại bình minh

Rừng rửa mặt khoác trên mình áo mới

Mưa đã tạnh lá reo vui phơi phới

Chim ngỡ ngàng cất tiếng hót say sưa



Tĩnh mịch trong rừng là những ban trưa

Chim đi ngủ, cây cũng vào giấc ngủ

Chỉ có gió là mênh mang nỗi nhớ

Và em nghe rõ hơi thở của rừng


Suối thì thầm khúc nhạc đêm vang ngân

Mầm hoa khẽ vươn mình hé nụ

Lá rụng xuống để ngày mai chồi nhú

Nghe rộn ràng hơi thở của mùa xuân.


ĐỌC THƠ TRÊN NÚI VÔ VI

 Đọc thơ trên núi Vô Vi *

Sân loang lổ nắng xanh rì tán cây

Hòa với gió, hòa với mây

Hòa trong tĩnh lặng từ ngày xa xưa

Rêu phong mặc áo cho chùa

Mùa xuân mặc áo thật vừa cho cây

Bạn thơ nô nức về đây

Bàn tay nắm chặt bàn tay vui mừng

Có người ánh mắt ngập ngừng

Gặp người năm ấy đã từng... ngày xưa

Nắng cứ đẩy - gió lại đưa

Và thơ thì cứ như vừa mới... xuân...


*   Chùa Vô Vi trên núi Vô Vi

      Huyện Chương Mỹ - Hà Nội

Trương Tất Thấu

DÒNG SÔNG CUỘC ĐỜI



Đường phố chúng mình vẫn đi

Người và xe như nước

Anh tìm giữa dòng người xuôi ngược

Có dáng em tần tảo nhọc nhằn.


Đường phố hàng ngày như một bức tranh

Khoảng màu sáng: Những chiếc xe sang trọng

Khoảng màu tối: Những con người lao động

Vất vả ngược xuôi trong cuộc mưu sinh.


Dòng sông cuộc đời từ lúc bình minh

Ào ạt tuôn về trăm ngả

Đang đi giữa phố đông vội vã

Chợt nghe ai thảng thốt gọi tên mình.


 LÝ CHIÊU HOÀNG

Ngang qua tráng lệ Đền Đô

Miếu Rồng lẻ bóng bên bờ nghiêng soi

Nơi đây thờ một kiếp người

Một thời đen bạc, một thời hiển vinh

Lênh đênh bởi một chữ tình

Nhường trao ngôi báu phận mình ra sao?

Lầu son một bóng ra vào

Thâm cung thăm thẳm, má đào dần phai

Nỗi niềm chia sẻ cùng ai?

Lầu cao cửa đóng then cài lạnh tanh

Người đời theo đuổi lợi - danh

Đang tay bẻ một chữ tình làm đôi

“ Đời mà đến thế thì thôi”

Gió mưa sao cứ dập vùi kiếp hoa

Ngày trao gánh nặng sơn hà

Là thân phó thác phôi pha kiếp đời.


Xin đừng trách cứ người ơi!

Trách mình rồi hãy trách người nữ nhi

Thế thời gặp bước suy vi

Triều đình nát đổ còn gì nữa đâu!


Xin người hãy bớt sầu đau

Trắng đen đã có đời sau luận bàn

Cúi đầu thắp một tuần nhang

Ngoài kia nắng đã nhuộm vàng mặt sông.


Nguyễn Xuân Hồng

TRẤN ĐOÀI


Thu vàng mến khách rong chơi

Để mình trở lại với người xa xưa

Cửa Tiền duyên dáng mộng mơ

Hào sâu lãng đãng sương mờ lặng qua.


Cổ thành lưu dấu ông cha

Đường thành liễu rủ la đà thương ai ?

Rêu xanh lớp lớp xen cài

Cổng thành trầm mặc u hoài, sớm trưa...


Trời xanh mây trắng rừng thưa

Dập dồn người, ngựa cảnh xưa hiện về

Một vùng bát ngát sơn khê

Đâu đây vang vọng lời thề quân reo...


Trấn Đoài rừng núi, suối đèo

Thế thời - thắng bại bao điều vẫn đây ?

Hoàng - Lưu (1) một thuở đất này!

Trấn thành còn - mất trong tay mấy người ...


Vọng Lâu sừng sững giữa trời

Sân rồng, võ miếu của thời vàng son...

Tạ từ lặng trước Đoan Môn!

Hương thơm tưởng nhớ hương hồn người xưa.

1 - Hoàng Kế Viêm - Lưu VĨnh Phúc


CHỜ CON


Đã nhiều ngày mẹ không ăn nữa

Mẹ bảo để về trời mẹ thanh thản hơn

Mẹ còn dặn cho mẹ hoá thân hoàn vũ

Để mai này con đỡ vất vả hơn !..


Mẹ chỉ ước một điều này nữa

Cho mẹ gặp bạn chiến đấu của chồng con

Chúng tôi lặng im bên mẹ

Lòng nghẹn ngào nước mắt trào tuôn ...


Ơn người mẹ anh hùng, phút cuối đời vẫn đợi

Chờ đứa con yêu - theo hương khói mà về !.


Nguyễn Thị Kim Dung

THĂM HOÀNG THÀNH THĂNG LONG



Bước chân vào cửa cấm thành

Rồng thiêng uốn khúc trong lành giếng xưa

Ngàn năm trải những gió mưa

Tinh hoa phát lộ như vừa nắng lên

Thời gian mòn vẹt bậc thềm

Con đường hoa thị gạch men sắc màu

Dòng kênh dẫn nước về đâu

Dấu xưa điện cũ đỏ au ngói hài

Lý, Trần, Lê mãi đan cài

Nơi đây lưu những trí tài ông cha

Đâu đây thành quách nguy nga

Đâu đây phố thị tài hoa trăm nghề


Trống đồng tứ trấn vọng về

Còn nghe cả tiếng hội thề Thăng Long.


KÝ ỨC MỘT DÒNG SÔNG


Cánh diều nghiêng xuống tuổi thơ tôi

Sông hiền như lụa, nước in trời

Chở nặng phù sa, cò bay lả

Ai khuấy chèo ngang – tiếng đò ơi!


Ôi! Những năm xưa tuổi chín mười

Đời vui như nắng, nắng hồng tươi

Mỗi chiều tan học ra sông tắm

Bến sông quê đầy ắp tiếng cười


Những đêm hội tụ dưới trăng trong

Một chiếc thuyền nan thả xuôi dòng

Triếng hát ngân vang trên sóng nước

Bạn bè ơi! Giờ có nhớ không?



Tôi chẳng thể quên Nhuệ Giang ơi!

Nơi đây in dấu của một thời

Đón đưa cán bộ, chuyển vũ khí

Trận địa bên sông, đuổi giặc trờì


Sông vẫn hồn nhiên vẫn lở bồi

Vẫn dâng bãi mật vời bờ xôi

Vẫn âm thầm chảy trong mưa nắng

Vẫn lắng trong tim suốt cuộc đời.


(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng”
    Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), sáng 9/4, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Hà Nội tổ chức chương trình Tọa đàm – Gặp mặt nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội – Ý chí và niềm tin quyết thắng”. Tới dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.
  • Tạo đột phá trong xây dựng phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
    Theo Luật Thủ đô năm 2024, Thành phố Hà Nội được xây dựng Trung tâm Công nghiệp Văn hóa tại bãi sông, bãi nổi ven sông Hồng và những khu vực có lợi thế về vị trí, không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Đây được xem là một chính sách mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
  • Hà Nội khơi thông điểm nghẽn để phát triển khu thương mại và văn hóa
    Dự thảo “Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa” (sau đây gọi là Dự thảo Nghị quyết) đang được UBND Thành phố Hà Nội lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo này vừa cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024, vừa khẳng định hướng đi đúng đắn, sáng tạo của Hà Nội để khơi thông điểm nghẽn, đồng thời khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thành phố nhằm phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Đến năm 2030, Hà Nội sử dụng 100% phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh
    Ngày 8/4, Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Thông báo số 185/TB-VP về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp liên quan đến việc phát triển hệ thống xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh và cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng trạm sạc, phương tiện vận tải công cộng sạch.
  • Hà Nội mưa dông, chuyển rét từ ngày 12/4
    Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, thời tiết trên cả nước từ nay đến ngày 18/4 có nhiều biến động. Trong đó, miền Bắc khả năng đón không khí lạnh, nền nhiệt giảm, đặc biệt nguy cơ cao xảy ra mưa dông mạnh trong thời kỳ chuyển mùa.
Đừng bỏ lỡ
Chùm thơ CLB Hương Đất Lụa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO