Sáng (23/7), Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC (VIDEC Group) - chủ đầu tư dự án The Diamond Park tại huyện Mê Linh đã có văn bản nói rõ về các sai phạm mà kết luận thanh tra của UBND TP Hà Nội chỉ ra mới đây.
Tên dự án gây hiểu nhầm
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC Nguyễn Quốc Dũng cho biết, The Diamond Park theo hồ sơ được phê duyệt là dự án Khu nhà ở hỗn hợp với quy mô 14,45ha, trong đó chỉ có 1 phần xây dựng nhà ở xã hội (chiếm 29,08% trên tổng diện tích đất ở), còn lại là nhà ở thấp tầng và công trình hỗn hợp.
Cụ thể, trong Quyết định số 2365/QĐ – UBND ngày 11/07/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định dự án: “Tính chất: Là khu nhà ở được đầu tư xây dựng mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; một phần dành cho các đối tượng có thu nhập thấp đáp ứng nhu cầu ở và sinh hoạt của nhân dân địa phương, góp phần hoàn chỉnh Quy hoạch chung Đô thị mới Mê Linh theo xu hướng hiện đại hóa. Quy mô quy hoạch 14,449ha; Quy mô dân số: 2.400 người…”. Trong đó, đất ở 50.005,5m2 gồm Nhà liền kề 13.824,5m2; Nhà biệt thự 21.634m2; Nhà chung cư cao tầng 14.546m2. Tuy nhiên, vì vẫn giữ nguyên tên gọi pháp lý là dự án là Khu nhà ở cho người thu nhập thấp nên gây hiểu lầm.
Dự án Diamond Park của Tập đoàn VIDEC. |
|
Trả lời việc dự án không đảm bảo tỷ lệ nhà ở xã hội theo quy định của Nhà nước về phát triển các khu đô thị, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, theo quy hoạch ban đầu năm 2008, dự án có quy mô 14,45ha, trong đó diện tích đất ở 50.005,5m2 gồm nhà biệt thự 21.634m2; nhà liền kề 13.824,5m2; nhà ở xã hội là 14.546m2. Như vậy, diện tích xây dựng nhà ở xã hội là 14.546m2/50.005m2 đất xây nhà ở, chiếm 29,08%.
Đến tháng 3/2017, dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quy mô 16,78 ha (tăng hơn 2,33ha). Trong đó, đất ở 67.389 m2 gồm nhà biệt thự 27.686m2; nhà liền kề 22.688m2; nhà ở xã hội là 17.015m2. Theo đó, diện tích xây dựng nhà ở xã hội là 17.015m2/67.389m2 đất xây nhà ở, chiếm 25,25%.
“Như vậy, diện tích đất để xây dựng làm quỹ nhà ở xã hội của Dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp từ giai đoạn cho phép đầu tư và sau khi điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết đảm bảo quy định tại khoản 1, Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, không có chuyện chủ đầu tư “cắt xén” như một số thông tin sai lệch”, ông Dũng trả lời.
Về số tiền sử dụng đất còn nợ, ông Dũng cho hay, trong các quyết định phê duyệt quy hoạch cho phép đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc không thể hiện rõ về diện tích xây dựng nhà chung cư cho nhà ở xã hội, nên Chi cục Thuế huyện Mê Linh đã yêu cầu VIDEC Group phải nộp tiền sử dụng đất theo giá đã được tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt trước đây là 60.033.955.000 đồng bao gồm cả phần diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội.
Đến thời điểm thanh tra, VIDEC Group đã nộp 28.899.853.252 đồng. VIDEC cũng đang hoàn tất thủ tục miễn giảm tiền sử dụng đất nhà ở xã hội. Sau khi hoàn tất, phần còn thiếu Công ty sẽ tiến hành nộp.
Liên quan đến việc huy động vốn chưa đúng quy định của pháp luật, đại diện chủ đầu tư VIDEC cho biết, năm 2010, dự án hoàn thành giải phóng phần lớn mặt bằng và đã thi công hạ tầng đối với các khu vực giải phóng mặt bằng theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định số 2365/QĐ-UBND. Do đó, việc chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác với khách hàng là phù hợp với quy định tại khoản 1 phần VIII Thông tư số 04/2006/TT-BXD ngày 18/8/2006 của Bộ Xây dựng.
Cũng theo đại diện Công ty VIDEC, đến năm 2017, doanh nghiệp cơ bản hoàn thành GPMB và hạ tầng kỹ thuật Dự án phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt và được Sở Xây dựng cho phép bán nhà ở hình thành trong tương lai tại Dự án theo Văn bản số 4989/SXD-QLN ngày 09/06/2017 về việc nhà ở hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh đối với Khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC Nguyễn Quốc Dũng cho hay, hiện tại VIDEC Group đã tổ chức khắc phục các sai phạm, chấp hành việc xử lý hành chính của các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đã nộp hồ sơ trình Sở KH&ĐT Hà Nội tổ chức thẩm định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư trong đó bao gồm nội dung thay đổi tên dự án theo đúng quy định hiện hành.
Đồng bộ xử lý, khắc phục vi phạm
Trước đó, ngày 16/7/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 2468/UBND – ĐT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra toàn diện dự án The Diamond Park tại huyện Mê Linh do Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC làm chủ đầu tư và chỉ ra hàng loạt sai phạm của VIDEC cùng với đó là sai phạm của các sở ngành thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Đồng thời, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu VIDEC nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các sai phạm kể trên, tổ chức khắc phục sai phạm, chấp hành việc xử lý hành chính của các cơ quan nhà nước về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, nghĩa vụ tài chính. Khẩn trương lập hồ sơ trình Sở KH&ĐT tổ chức thẩm định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư theo đúng quy định.
UBND TP Hà Nội giao các Sở: TN&MT, KH&ĐT cập nhật kết quả thanh tra của Thanh tra Thành phố vào việc các chỉ đạo của UBND TP về thanh tra 383 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn; Việc kiểm tra, rà soát xử lý các dự án phát triển đô thị tại Mê Linh theo chỉ đạo của Thủ tướng… Giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở liên quan rút kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, giám sát đầu tư; Theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị xử lý vi phạm hành chính đối với các sai phạm của chủ đầu tư; Sau khi chủ đầu tư khắc phục sai phạm, đánh giá năng lực chủ đầu tư, tổ chức thẩm định chủ trương đầu tư theo quy định.UBND huyện Mê Linh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra sai phạm, tồn tại trong công tác thu hồi đất, GPMB dự án.
Ngoài ra, để đồng bộ trong việc xử lý, khắc phục vi phạm tại dự án, UBND TP đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc rà soát thủ tục đầu tư xây dựng của dự án theo quy định (trước ngày 1/8/2008), xử lý theo thẩm quyền.