Trong những tháng đầu năm, người dân Thủ đô liên tiếp đón nhận những tin vui liên quan đến công tác quy hoạch. TP Hà Nội đã hoàn thành, phê duyệt 6 quy hoạch phân khu nội đô lịch sử và đang tích cực hoàn thiện các cơ sở pháp lý để phê duyệt phân khu đô thị sông Hồng.
Tái thiết mạnh mẽ 4 quận nội đô
Với quyết tâm lớn tạo cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, đô thị, cải thiện môi trường sống cho người dân, cuối tháng 3/2021, 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử bao phủ diện tích hơn 2.700ha tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt và công bố.
Có thể khẳng định, đây là nỗ lực rất lớn của TP Hà Nội để hoàn thành những đồ án quy hoạch khó và được dư luận cán bộ, Nhân dân quan tâm. Thời gian tới đây, các bản quy hoạch này sẽ là công cụ để các cơ quan chức năng của TP kiểm soát việc phát triển và quản lý đô thị. Đây cũng là cơ sở pháp lý để tái thiết đô thị, đem lại sinh kế, nâng cao chất lượng sống cho người dân khu vực lõi Thủ đô. Cùng với đó, bảo đảm mục tiêu vừa bảo tồn, vừa phát triển, xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh theo hướng bền vững.
Đôi bờ sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội nằm trong quy hoạch đô thị sông Hồng. Ảnh: Phạm Hùng |
|
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy khẳng định, việc UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch các đô thị phân khu tại 4 quận nội đô lịch sử là nhằm triển khai định hướng Quy hoạch xây dựng chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đây cũng là cơ sở pháp lý để xác định các dự án đầu tư xây dựng, triển khai tổ chức lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý đô thị, bảo tồn, phát huy giá trị khu vực phố cổ, phố cũ và làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế.
Có thể nói, sau gần 10 năm chờ đợi với nhiều khó khăn, quy hoạch phân khu tại 4 quận nội đô được phê duyệt không chỉ là kỳ vọng của giới chuyên môn mà còn là sự mong mỏi của rất nhiều người dân Thủ đô. Bà Trần Thị Lê, nhà C9 tập thể Kim Liên (phường Kim Liên, quận Đống Đa) chia sẻ, các quận lõi trung tâm Hà Nội hiện có rất nhiều khu chung cư cũ được xây cách đây 50 - 60 năm đã xuống cấp nặng nề. “Chúng tôi đều mong mỏi, khi đã có quy hoạch, kế hoạch phát triển TP, việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ được đẩy nhanh hơn, các cơ sở ô nhiễm đưa ra khỏi nội đô để người dân sớm được cải thiện điều kiện sống” – bà Lê bày tỏ.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm nhận định, khi 6 quy hoạch phân khu nội đô lịch sử đi vào cuộc sống sẽ giúp Hà Nội giải quyết được những thách thức lớn đang phải đối mặt, đời sống người dân sẽ được cải thiện đáng kể. Đây sẽ là cơ sở để TP di dời cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp. Từ đó có thêm không gian để tái thiết, xây dựng các công trình công cộng, không gian xanh. Đồng thời kiểm soát các khu vực xây dựng cao tầng, sự gia tăng dân số cơ học… Đặc biệt, đồ án này sẽ giúp việc cải tạo các chung cư cũ thêm thuận lợi, giải quyết được “bài toán” khó tồn tại đã rất lâu ở Thủ đô.
Đô thị xanh, hiện đại bên sông Hồng
Cùng với việc phê duyệt quy hoạch tại 4 quận lõi, Quy hoạch phân khu sông Hồng cũng có bước tiến lớn sau thời gian dài lâm vào bế tắc vì vướng quy hoạch thoát lũ. Với tổng chiều dài khoảng gần 120km chảy qua nhiều quận, huyện, từ bao đời nay, sông Hồng có vai trò quan trọng và gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Tuy nhiên, lâu nay khu vực ngoài bãi sông Hồng chưa có quy hoạch nên nguồn lực đất đai, cũng như việc khai thác, thúc đẩy các dự án phát triển hai bên bờ sông vẫn chưa được đánh thức.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được Hà Nội hoàn thiện các cơ sở pháp lý để phê duyệt trong thời gian tới. |
|
Bên cạnh đó còn rất nhiều hệ lụy, từ môi trường sinh thái, quản lý đất đai, cuộc sống người dân... Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS.TSKH Đặng Hùng Võ đánh giá, đất đai giữa hai con đê sông Hồng thực sự là một “mỏ đất vàng” mà Hà Nội cần phải quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức, có biện pháp khai thác hợp lý phục vụ phát triển đô thị, kinh tế, du lịch và bảo vệ môi trường.
Sau khi có quy hoạch, vùng đất ven sông trải dài 40km, từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (huyện Thường Tín), bao phủ diện tích 11.000ha thuộc địa giới 13 quận, huyện (55 phường, xã) sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương triển khai các quy hoạch chi tiết, dự án cụ thể và là cơ sở để cấp phép xây dựng giúp cho người dân ổn định cuộc sống. Đặc biệt, đây sẽ là cơ hội đột phá để biến sông Hồng thành trục cảnh quan chính để phát triển thành phố hai bên sông.
Hà Nội xây dựng, phát triển TP hướng mặt vào sông chứ không quay lưng ra sông như hiện tại. Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nếu Hà Nội quy hoạch tốt hai bờ sông Hồng sẽ tạo ra hệ sinh thái đô thị xanh có cảnh quan khác biệt. Những khu vui chơi, công viên xanh, du lịch xanh không chỉ tạo không gian kinh tế mật độ cao mà còn giúp cải thiện môi trường sống, tạo ra nhiều việc làm cho người dân Hà Nội.
Hiện dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hoàn thiện, song cho đến nay chưa được phê duyệt vì còn vướng về cơ sở pháp lý. Cụ thể là còn vướng Quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê chưa được phê duyệt và quy trình theo Luật Quy hoạch. Do đó, theo TS Đào Ngọc Nghiêm, để có thể đẩy nhanh hoàn thiện Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ.
"Với 6 quy hoạch phân khu nội đô lịch sử vừa được TP phê duyệt và quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống phê duyệt trong thời gian tới sẽ hiện thực hóa một trong những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ TP Hà Nội là đến năm 2025 tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu là 100%. Trên cơ sở những quy hoạch được duyệt, xu hướng tái thiết và phát triển đô thị tại Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới." - Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh |