Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sinh viên phải được “nhúng mình” vào doanh nghiệp

Oanh Trần/KTĐT| 12/12/2018 14:54

“Tôi đánh giá cao nghiên cứu của các bạn vì nhiều ý tưởng trở thành hiện thực, thậm chí là hàng hóa” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Chiều 11/12, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc đối thoại với các đại biểu tham dự đại hội. 

Sinh viên được thể hiện quan điểm của mình

Trả lời câu hỏi của sinh viên về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc giảng dạy các môn lý luận chính trị trong trường đại học (ĐH), giúp sinh viên hứng thú học tập và có bản lĩnh chính trị vững vàng hơn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thực tế các môn giáo dục lý luận chính trị thường khô khan, khó tiếp thu, vì vậy, muốn dạy và học tốt các môn học này, nội dung và phương pháp là rất quan trọng.
Nhận thấy đây là những vấn đề cần phải đổi mới, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ, các ban của Đảng, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương đổi mới trước hết từ nội dung. Theo đó, lý luận phải gắn với thực tiễn, với những bài học kinh nghiệm trong thực tế để hấp dẫn sinh viên.

Phương pháp dạy các môn lý luận chính trị cũng phải đổi mới theo hướng linh hoạt. Bên cạnh đó, kiểm tra, đánh giá cũng phải thay đổi để cho sinh viên được thể hiện quan điểm của bản thân, chứ không phải chỉ yêu cầu học đúng, trúng những gì thầy cô giảng hay trong giáo trình. 

Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang thí điểm đổi mới dạy các môn lý luận chính trị, từ đó sẽ rút kinh nghiệm và mở rộng, áp dụng cho các trường ĐH, CĐ trong cả nước. “Chỉ khi nào các bạn sinh viên thấy mình thực sự liên quan đến vấn đề đang học và được có ý kiến về những vấn đề đó thì buổi học sẽ tốt hơn” - Bộ trưởng trao đổi.

Nghiên cứu khoa học trở thành động lực

Về câu hỏi hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) trong nhà trường của sinh viên thường chỉ kéo dài đến khi ra trường, thiếu sự kết nối để tạo ra những sản phẩm nghiên cứu cụ thể đóng góp cho xã hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: NCKH cùng với đào tạo nhân lực và chuyển giao trí thức là 3 trụ cột rất quan trọng của các cơ sở giáo dục ĐH. NCKH trong các nhà trường luôn được đề cao, đây là cũng là một trong những chỉ số quyết định thứ hạng trường ĐH và chất lượng đào tạo. Đồng thời kết nối nhà trường với DN và cộng đồng.

Bộ trưởng cho biết, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH cũng như chủ trương trong các nghị quyết, trường ĐH được thành lập DN. Đây là DN khoa học công nghệ, các starup, vườn ươm - nơi kết nối giữa sinh viên, giáo viên có ý tưởng với DN để tạo ra những sản phẩm. Và, chuyển từ ý tưởng thành sản phẩm, thậm chí đầu tư cho những nghiên cứu đỉnh cao. 

Có nên giao cho sinh viên làm chủ nhiệm đề tài NCKH? Bộ trưởng khẳng định là nên, nhưng theo các cách khác nhau. Trong các đề tài nghiên cứu luôn có các cấu phần, sinh viên giỏi hoàn toàn có thể làm chủ nó. Sinh viên cũng có thể được giao nhiệm vụ gắn với sản phẩm; hoặc giao nhiệm vụ và sinh viên trong nhóm kết hợp với DN, dưới sự bảo trợ của các thầy hay tổ chức, DN để thực hiện. Sinh viên phải là lực lượng nghiên cứu chứ không phải tập sự nghiên cứu. 

“Tôi đánh giá cao nghiên cứu của các bạn vì nhiều ý tưởng trở thành hiện thực, thậm chí là hàng hóa. Sẽ thành lập nhóm nghiên cứu không chỉ kết nối trong trường ĐH mà với quốc tế, để ra những sản phẩm bán được. Từ đó mới có môi trường tốt để sinh viên theo đuổi và kết nối thực sự, tìm thấy sự sáng tạo bền vững và khởi nghiệp được” – Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Về thực trạng không ít nghiên cứu của sinh viên dù có ý tưởng mới nhưng không được quan tâm hay để trong ngăn kéo, Bộ trưởng cho rằng, do không có điều kiện. Nhưng muốn đi đến cùng thì người nghiên cứu thực sự phải gắn với vấn đề mình theo đuổi. Đối với NCKH, để đến kết quả, thậm chí đỉnh cao đòi hỏi thời gian dài và nhiều công sức.

Sinh viên “nhúng mình” vào DN

Trong buổi đối thoại, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết: Sinh yếu về thực hành, việc đào tạo chưa sát với sử dụng là thực tế phổ biến trong các trường ĐH hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta chưa đạt được như mong muốn. 

Trên thực tế khâu dự báo thị trường của chúng ta còn yếu, các trường ĐH nói chung chỉ đào tạo theo năng lực mình có mà chưa thực sự quan tâm tới nhu cầu của thị trường, ít nhất trong thời gian 4 - 5 năm. Ngay trong quá trình tuyển sinh cũng chủ yếu quảng bá về năng lực đào tạo mà thiếu hàm lượng thông tin dự báo thị trường. Do vậy, việc dự đoán được nhu cầu dài hạn, từ đó đưa ra được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thiết kế được chương trình giảng dạy phù hợp là rất cần thiết. 
Việc sinh viên đi thực tập tại các DN gặp khó khăn có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, DN có quy trình làm việc, sinh viên thực tập khó được giao công việc trong các quy trình này. Thứ hai, chương trình sinh viên học so với thực tiễn còn khoảng cách, nên chưa thể cập ngay được vào công việc ở DN. 

Một nguyên nhân nữa được Bộ trưởng Nhạ chỉ ra là từ chính bản thân sinh viên. Một số bạn vẫn coi thực tập như một phần phải hoàn thành của quá trình học mà chưa coi đó là thời gian để được nhúng mình vào thực tế. Chính điều đó làm cho DN không mặn mà trao truyền cho sinh viên những kinh nghiệm thực tiễn.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường khi mở ngành phải rất chú trọng dự báo nhu cầu của thị trường. 3 yếu tố nhà trường - DN - người học phải kết nối với nhau trên nguyên tắc cân bằng. Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã thí điểm 2 mô hình đào tạo gắn nhà trường với DN ở lĩnh vực công nghệ thông tin và du lịch với khoảng thời gian đào tạo ngoài nhà trường chiếm 30 - 50% số tín chỉ. 

Theo Bộ trưởng Nhạ, trường ĐH liên kết với DN cùng đào tạo, đào tạo thông qua thực tiễn, các tín chỉ được hình thành thông qua thực tiễn, sinh viên được nhúng mình vào hoạt động của DN ngay từ trên ghế nhà trường. Có như thế, những sản phẩm sau khi ra trường mới đáp ứng được nhu cầu của DN.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sinh viên phải được “nhúng mình” vào doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO