Bồ đề sinh tim lá

Hoàng Liên Sơn| 21/12/2022 08:00

Khi cầm tập thơ đầu tay “Hiển thị ngày xanh” (NXB Hội Nhà văn 2022) của Lê Kim Phượng, ấn tượng của tôi là hơi ngợp bởi độ dày trăm bài, lại còn được gia cố thêm bằng cặp bìa cứng.

Tập thơ mở đầu bằng những bài thơ mà bạn sẽ nhận ra là dân khoa văn sau khi liếc cái tiêu đề: “Sói và Thỏ”, “Meggie” hoặc lướt qua tên nhân vật: Kiều, Sở Khanh…với thủ pháp tạm gọi là “liên hệ bản thân” kiểu học trò.
Tuy nhiên cũng ở ngay những trang đầu của tập thơ, khi đọc bài “Bỏ héo lòng lá dâu”, tôi đã giật mình:
Khi chúng mình bên nhau
Những mong thành đôi lứa
Khi chúng mình xa nhau
Mới sợ tình dang dở
Chỉ trong một khổ thơ bốn câu ngũ ngôn, “chuyện” đã diễn tiến nhanh đến chóng mặt, với hai câu đầu nghiêng sang phía lạc quan thì hai câu sau liền đổ về chiều tiêu cực!
Mộng mơ và hãi sợ
Theo chân nhau từng giờ
Tiết tấu “phân kỳ” còn đi nhanh hơn nữa, không cần đến các dấu mốc “bên nhau, xa nhau” mới sinh sự mà đã đổ trước hướng sau ngay trong từng giờ! Những câu thơ khiến tôi nhớ lời của thiền sư Ajahn Chah (Thái Lan): Bất hạnh đi theo hạnh phúc không khác gì cảnh sát đi theo tên trộm.
Trong tâm thức ấy, thật dễ hiểu thơ lại là nơi chịu trận:
Như sướng, vui, buồn, khổ
Đay nghiến từng vần thơ
Tình và thơ cùng tung lên vật xuống, để đến một cái kết có hậu thì kể cũng đáng, nhưng tiếc là:
…Rồi có nghĩa gì đâu
Rất may, dù cái kết thật bất công và thiệt thòi nhưng là một hình ảnh đẹp để bù đắp lại, cho thấy sự hi sinh của lá dâu không hoàn toàn vô nghĩa, thậm chí có vẻ khá xứng đáng:
Nong tằm vàng tơ kén
Bỏ héo lòng lá dâu
Năm 1990, Lê Kim Phượng hình như mới tròn đôi chục xuân xanh? Trong bản hòa tấu vĩ đại của thơ sinh viên thời đó, Phượng có bài “Can đảm tội tình” với những câu thơ đầy tâm trạng: “Em gào lên uất hận, Nguyền rủa đẩy đưa, Sòng phẳng ái ân…”. Và mọi nỗ lực thì “mưa cũng chỉ góp sôi dòng con lũ”. Nhưng thú vị và may mắn là, sau những cái chết chóc lâm sàng ấy, Phượng vẫn “Can đảm tội tình đem hoang tưởng đầu thai” nên chúng ta lại tiếp tục có thơ Phượng để đọc. Trong những bài thơ Phượng viết sau này, dễ nhận thấy chị đã tìm thấy tâm sự của mình trong thiên nhiên hiền hòa “Thảm lá vàng lót rải những đầy vơi”.
Bởi chị đã biết học từ thiên nhiên:
Nó lột xác trút niềm đau sâu nặng
(Con đường mùa lá rụng)
Đã gọi được bất toại nguyện bằng cái tên nhẹ nhàng:
Những búp tình chưa nở
Xin gửi vào ban mai
Và đã xác quyết một thái độ nhún nhường:
Chưa bao giờ giằng giật
Chưa bao giờ hơn thua
(Bắt đầu)
Đã nhận ra tình yêu không phải thứ có thể ăn sống nuốt tươi:
Chạm khẽ khàng là nắm được tay nhau
Anh không dám ư? Và em cũng thế
Chấp nhận tính “cút bắt” của nó:
Bàn tay đợi đã xô mùa nghiêng lệch
Hai đường ray song tấu mãi lưng trời…
Và không quên thiên chức của mình, sáng tạo được khái niệm mới “phố sóng”:
Dòng Tam Bạc rưng rưng tình phố sóng
(Khóc lời hoa phượng)
Trong sự trưởng thành của cả cảm xúc lẫn kỹ thuật, Phượng trở nên có lý hơn, biết “tiên trách kỷ” hơn kể cả đang bối rối băn khoăn vì “Mắc kẹt”:
Không rõ mình khát mưa hay mong bão giông
Thế nào là buông khi đang muốn cầm?”
“Giận mình không thể tự thiêu
Thế là đang đi hay ở?
(Mắc kẹt)
Câu kết đã cứu cả một bài thơ vốn đầy màu sắc tuyệt vọng!
May cho Phượng, bản năng sinh tồn vẫn mách người thơ rằng:
Niềm vui sống mải trốn tìm đâu đó
Thì vùng trời vẫn rộng cánh bồ câu
(Tựa vai)
Và một dấu mốc đặc biệt đã đến với đời sống, đời thơ của chị: Hai đứa con cùng có tên đệm là Kỳ.
Vì sao là hoa của mẹ
Vì sao không chê cây buồn
(Tạ ơn)
Vẫn là câu “con không chê cha mẹ khó” thôi, nhưng chị đã sáng tạo được hình thức diễn đạt đẹp và thơ! Một niềm hạnh phúc tưởng chừng cổ điển và đương nhiên lắm, nhưng vẫn làm Phượng lạ lẫm.
Cũng từ đây, với Phượng cuộc đời này không chỉ có tình yêu lứa đôi đầy “đỏ đen” mà còn có tình yêu với thiên nhiên. Chị lịch lãm triết lý:
Chỉ nỗi buồn tới được bến tự do
Và nhận xét tinh tế:
Sự sống không chờ cấp phép để sinh sôi
(Như xuân)
Và nghệ thuật thơ cộng hưởng với tình yêu quê hương đã tạo ra một bài thơ khá toàn bích “Biến mất rồi - Sa Pa!!!”. Bài thơ là sự luân phiên trình hiện vẻ đẹp từng có:
ngây ngất nõn nường biển khói mây bay
Và cả niềm day dứt trước thực tại đáng buồn:
Đại công trình toang vết thương
vô phương cứu chữa
Biệt thự cổ lún chìm trong huyên náo
Cảnh sắc thiên nhiên là thế còn con người thì:
Tay tước sợi nhuộm chàm thành phu đánh vữa
Sơn nữ tẩm nhựa đời, mát xa hóng cửa
Và sau những liệt kê có phần rườm rà, Phượng đã cao tay khi nâng tầm bi kịch của đại cảnh:
Fanxipan đỉnh chẳng còn cao nữa
Rồi đau đáu:
Vô định sắc màu Sa Pa có hiện ra?
Ở chặng đời/ thơ tiếp theo, Phượng “đã đổi thay như lá cần thay cuống”, trở nên bớt cầu toàn, bỏ lý tưởng hóa:
Không nhìn thấy những chiếc lồng chim
bên hiên hàng xóm
Ta vẫn nghe âm thanh ríu ran nâng bổng
không gian
(Cho những khởi đầu)
Chị trân trọng nâng niu những niềm vui dung dị:
Nếu phải chọn đạp xe tìm hạnh phúc
Ai cấm mình lúng liếng những vòng quay
(Đã…)
Chị điềm đạm và … hiệu quả hơn, biết đâu đấy? Phượng lưỡng lự:
Giật mình thấy tự tình đon đả quá
Len lén thơm như ngại thấu giãi bày
(Lặng lẽ… thu)
Trong một cấu trúc câu là lạ, chữ lạ:
Em điềm tĩnh thêm anh làm chờ đợi
Với vàng thu đang quạt cánh trước thềm…
(Lặng lẽ… thu) 

Phượng chắt chiu những cơ hội mơ hồ, như màu của bong bóng xà phòng lại còn ở trong đêm:
Trong lòng đêm bọt xà phòng reo múa
Bong bóng lên trời… Óng ánh có vỡ tan?
(Muốn gọi tên…)
Thậm chí về sự thản nhiên đã ngang tầm nhà thơ đàn chị “thản nhiên em nhặt bã trầu về têm” (Đoàn Thị Lam Luyến):
Tránh dưa đâu ngán gặp dừa
Ai bỏ vỏ, cứ nhặt bừa khôn khuây
(Chứa chan - chán chưa)
Và cứ thế, chị sáng tạo và gặt hái những thành tựu nho nhỏ trong cách dùng chữ:
Nhẹ phào ta sẽ ủy quyền yêu thương
(Niệm khúc gánh gồng)
Trong cách lập ý:
Tiễn mình ra khỏi tàn tro
Sao trút bỏ cả chuyến đò khôn kham
(Tiễn)
Trong cách tả:
Thèm chen chân trong biển người rung rinh
(Hà Nội bình yên)
Và trong tự sự:
Tắt rồi khoan nhặt tiếng thưa
Sao còn dụi mắt như vừa hụt chân
(Thức với bây giờ)
Trong chơi chữ:
Bây giờ chắc đủ phân thân
Phù vân phù phiếm họ gần hay xa?
Trong tự giễu nhại:
Anh thì mải thuộc người ta
Đương kim tôi mãi luôn là của tôi
(Thức với bây giờ)
Ta thường chỉ nghe mải ăn mải làm! Cũng chỉ nghe đương kim nguyên thủ!
Sống sâu và kỹ trong đời sống phố thị, trong ngôi nhà và những đứa trẻ, Phượng đã tạo ra nhiều thành tựu, tuy nhiên sự phóng khoáng bay bổng chỉ xuất hiện khi chị đến với thiên nhiên cao rộng:
“Xanh ngùn ngụt, mùa nôn nao rừng rực”
“Hỏa diệm sơn đâu dễ tắt âm thầm”
(Những mùa réo gọi)
Phượng xuất sắc kéo các điểm vô cực về cùng một chỗ:
Chớp bể mưa nguồn đồng vọng
Cúi đầu lạy bến tâm linh
(Lạc trôi)
Và sẵn sàng tạo ra một bản đại giao hưởng “Tình khúc ruộng bậc thang” của danh từ riêng: Tú Lệ, Cú Lo, Khau Phạ… cùng danh từ chung: ruộng bậc thang, đèo, đồi, dốc… với hình ảnh sống động:
Lúa ngược đồi La Pán Tẩn
Lồng ghép cường điệu và giễu nhại:
Sạt lở con tim kiếm tìm
Quan sát tinh tế để thấy thiên nhiên trở nên thật người:
Ô kìa bấy nhiêu thửa ruộng
Hiển thị vân tay của trời
Và trong bản giao hưởng ấy, Phượng nhận ra vị thế - tính chất của cá nhân mình:
Buông dù lượn cùng bơ vơ
Bơ vơ chẳng bao giờ là một trạng thái thoải mái dễ chịu, nhưng đã là nhà thơ thì phải sống được với nó, lượn bay cùng và tái tạo ra những giá trị từ nó. Chúc chị thành công. Và tôi tin chị sẽ thành công bởi say vẫn say mà ngộ thì vẫn ngộ: “Sao bồ đề sinh tim lá đắm say”.

(0) Bình luận
  • Thêm nhiều đầu sách mùa Trung thu cho thiếu nhi
    Nhân dịp Tết Trung thu, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhiều ấn phẩm với nội dung, thông điệp ý nghĩa dành cho thiếu nhi.
  • “Theo dấu chân Người”: Cuốn truyện ký đặc sắc về hành trình 30 năm của Bác Hồ ở nước ngoài
    Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đánh giá, cuốn “Theo dấu chân Người” của GS.TS – nhà văn Trình Quang Phú là truyện ký với những tư liệu chính xác, có thật trong cuộc đời, sự nghiệp, tâm hồn, cốt cách, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tác phẩm đã đem đến bạn đọc hôm nay một tình cảm lớn hơn, sâu sắc hơn, một cách nhìn rộng mở, khoa học, nhân văn và đầy tư tưởng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  • “Rèn nhân cách – Luyện tài năng”: Bộ sách làm sáng rõ thêm những phẩm cách cao quý của Bác Hồ
    Nhân dịp kỉ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024) và 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024), NXB Kim Đồng ra mắt độc giả bộ sách "Rèn nhân cách – Luyện tài năng" gồm 5 cuốn với 5 chủ điểm: Yêu nước, Đoàn kết, Khiêm tốn, Giản dị, Tiết kiệm. Bộ sách giúp các em học sinh có thêm tư liệu tìm hiểu về Bác Hồ kính yêu, phấn đấu, học tập, rèn luyện theo gương sáng của Người.
  • “Những ô cửa gió lộng” - tập hồi ức cảm động của con trai nhà thơ Xuân Quỳnh
    “Những ô cửa gió lộng” - tập hồi ức cảm động của tác giả Lưu Tuấn Anh - con trai nhà thơ Xuân Quỳnh viết về mẹ, về nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, về cha ruột, về các em trai Minh Vũ và Quỳnh Thơ vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với độc giả. Cuốn sách không nhiều trang nhưng mỗi dòng chữ chứa đựng cả ân tình với những hình ảnh lần đầu tiên được công bố.
  • Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh ra mắt độc giả tập thơ "Viễn ca"
    Sáng 28/8, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Ban Văn học nghệ thuật (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức ra mắt tập thơ “Viễn ca” của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
  • Ra mắt nhiều ấn phẩm dành cho học sinh nhân dịp năm học mới
    Chào đón năm học mới, NXB Kim Đồng ra mắt nhiều ấn phẩm dành cho học sinh: sách giúp các bạn nhỏ làm quen với môi trường học đường, sách bổ trợ kiến thức các môn học trong nhà trường, sách kĩ năng rèn luyện trau dồi phương pháp học tập hiệu quả, sách hướng nghiệp...
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bồ đề sinh tim lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO