"Mẹ ơi mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi"

Nguyễn Thị Thiện| 03/08/2021 14:59



Nguyễn Quang Thiều

Trong chiều nghĩa trang

Mẹ ơi mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi
Sông ngửa mặt lên trời thở từng hơi trắng
Ai gọi đò bơ phờ bến vắng
Mẹ về đi, gió lạnh, cỏ đầy sương
Mẹ run run thắp những nén hương
Cắm trước từng bia mộ
Kìa khói lên... khói lên… lặng lẽ… 
Những con đường cát trắng của làng quê
Hồn những chàng trai giờ ở đâu?
Nhìn thấy khói mà về với mẹ
Chim khách góc vườn mười mấy năm nói dối
Cau mười mấy năm trời vô ý trổ buồng đôi

Các anh về với mẹ một đêm thôi
Cho đèn khuya đỡ giật mình phụt tắt
Cho nồi cơm lại một lần đầy đặn
Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm
Các anh về không hóa được thành người
Thì xin hóa ngọn lửa cười trong bếp
Hóa chú cá con dưới ao nhà đợi mẹ
Hóa thạch sùng thưa lời mẹ trong mơ
Chiều phủ kín hết rồi, gió lạnh đổ từng cơn
Trăm mắt hương trăm mắt người hoe đỏ
Trong hoàng hôn hàng trăm bia mộ
Cùng dâng hương lặng lẽ đến bên người.
                                            1984

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957, là một nghệ sĩ đa tài: ông viết văn, làm thơ, sáng tác kịch, vẽ tranh, dịch thuật. Riêng về thơ, ông đã gửi tới bạn đọc yêu quý hàng chục đầu sách. Với sự nỗ lực và tài năng, ông trở thành cây bút tiên phong trên thi đàn văn học hiện đại có phong cách nghệ thuật riêng, lạ lẫm đầy ấn tượng. Các sáng tác văn thơ của ông đã góp phần cách tân, đổi mới thơ ca rõ rệt. Bài thơ Trong chiều nghĩa trang của ông ra đời sau mười năm chiến tranh kết thúc, thời gian đủ làm lắng đọng những cảm xúc và suy tư. Gần bốn mươi năm đã qua nhưng đến nay, ai đọc lại bài thơ cũng rưng rưng xúc động.   

Hình tượng bà mẹ ở bài thơ gợi cho người đọc thật nhiều cảm xúc. Theo nhà thơ chia sẻ: Vào một ngày cuối năm, tôi về quê (Làng Chùa - Ứng Hòa - Hà Nội). Khi đi qua nghĩa trang liệt sĩ, lúc đó hoàng hôn đang buông xuống, tôi thấy một bà mẹ thắp hương trên  những bia mộ. Tôi không biết đó là một bà mẹ của liệt sĩ đang yên nghỉ trong nghĩa trang đó hay chỉ là người nông dân đi thắp hương cho các liệt sĩ để mời họ về làng ăn Tết. Làng tôi có phong tục vào những ngày cuối năm, những người đang sống đến nghĩa trang thắp hương mời những người thân đã khuất về ăn Tết cùng gia đình. Trong bóng tối, tôi cảm thấy tất cả những bia mộ cùng dâng hương đến quanh người mẹ… 

Khởi đầu của bài thơ mở ra một không gian chiều muộn, thời điểm cuối ngày, con người ai cũng có nhu cầu về nhà nghỉ ngơi. Lúc này, "gió lạnh, cỏ đầy sương" giăng phủ khắp nơi, vậy mà người mẹ già vẫn lặng lẽ thắp nhang lên từng bia mộ trong nghĩa trang rộng lớn. Tiếng gọi "Mẹ ơi mẹ về đi" thốt lên tự trái tim thi sĩ đầy thương cảm. Câu thơ như có nước mắt, song chủ thể trữ tình cố nén lại:“Mẹ ơi mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi/ Sông ngửa mặt lên trời thở từng hơi trắng/ Ai gọi đò bơ phờ bến vắng/ Mẹ về đi, gió lạnh, cỏ đầy sương”. Nghệ thuật nhân hóa khiến dòng sông, bến đò cũng như những sinh thể biết thấu hiểu và đồng cảm với nỗi lòng của mẹ. Không gian phủ dần bóng tối, sông thở mệt nhọc, bến đò cũng vắng lạnh "bơ phờ". Cảnh ảm đạm, tương đồng với tâm trạng người mẹ đơn côi thương nhớ con vô hạn. Không gian yên tĩnh trong nghĩa trang tưởng như nghe được hơi thở của mẹ run run ngắt quãng. Nhưng mẹ vẫn mải miết "... thắp những nén hương/ Cắm trước từng bia mộ/ Kia khói lên… khói lên… lặng lẽ...". Con của mẹ không chỉ một mà là hàng trăm, hàng ngàn bia mộ, bàn tay mẹ đang gắng sức chở che. Không biết đã bao nhiêu chiều muộn mẹ thắp hương như thế? Mẹ dùng hơi ấm và hương thơm nhang khói thay lời vỗ về an ủi các con liệt sĩ nằm đây. Tác giả nhắn gọi rất thiết tha: "Hồn những chàng trai giờ ở đâu xa/ Nhìn thấy khói mà về với mẹ". Nhưng lời ấy vẫn chỉ là mong mỏi mà thôi. Mấy câu thơ tiếp lời thơ nhẹ nhàng mà ý tứ tiềm ẩn sâu xa: “Chim khách góc vườn mười mấy năm nói dối/ Cau mười mấy năm trời vô ý trổ buồng đôi”. Hình ảnh thơ dân dã mà hàm chứa tư tưởng nhân văn sâu xa. Mẹ mong chờ biết mấy một tiếng chim khách kêu: người về. Mẹ mong chờ biết mấy cái ngày cau “trổ buồng đôi”, để mẹ được đón cô dâu về thêm ấm cửa êm nhà. Câu thơ cho thấy ước mơ sâu sắc và mãnh liệt của tấm lòng người mẹ. Thế mà mười mấy năm trời chim khách “nói dối”; buồng cau “vô ý” khoe với đất trời sự viên mãn sinh sôi. Mẹ không trách ai, chỉ mơ thầm những điều sâu kín trong cõi lòng. Và hơn ai hết, nhà thơ thấu hiểu rõ nỗi lòng ấy nên đã viết thành lời thay mẹ. Tác giả như năn nỉ các hương linh dưới mộ: “Các anh về với mẹ một đêm thôi/ Cho ngọn đèn dầu đỡ giật mình vụt tắt/ Cho nồi cơm lại một lần đầy đặn/ Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm...”. Có lẽ, ai đọc được những câu thơ này cũng đều rưng rưng thương mẹ. Một lần nữa, những vật dụng thân quen trong nhà được nhân hóa: ngọn đèn, nồi cơm, đôi đũa, tất cả đều mong mỏi tha thiết người xa trở về. Điều kỳ diệu là khoảnh khắc giao cảm tâm linh dường như có thật. Mẹ là mẹ của hàng trăm đứa con. Phút giây này, hàng trăm “mắt hương”, hàng trăm đứa con yêu đang quây quần bên mẹ. Trong bài, nhà thơ sử dụng đắt giá các từ láy bơ phờ, run run, đầy đặn, hoàng hôn, lặng lẽ và các điệp ngữ: "chiều phủ kín hết rồi", "mẹ về đi", gió lạnh" khiến cho cảnh ấy mang đầy tâm trạng và cảm xúc thơ càng thêm lắng đọng. Những câu thơ cuối là sự vỡ òa cảm xúc: "Chiều phủ kín hết rồi, gió lạnh đổ từng cơn/ Trăm mắt hương trăm mắt người hoe đỏ/ Trong hoàng hôn hàng trăm bia mộ/ Cùng dâng hương lặng lẽ/ đến quanh người…”. Hình ảnh thơ đăng đối tương đồng "Những mắt hương mắt người hoe đỏ" càng khơi gợi trong lòng người rung cảm mãnh liệt, sâu sắc về tấm lòng yêu thương bao dung ở người mẹ đối với các con liệt sĩ. “Những mắt hương mắt người hoe đỏ” cũng chính là nỗi lòng xúc động khôn cùng của tác giả trước sự cao cả của tình mẹ, của bao người mẹ Việt khác nữa. Đúng như Bùi Minh Quốc đã viết: "Đất quê ta mênh mông/ Lòng mẹ rộng vô cùng”. Bài thơ không có từ ngữ nào nói ra trực tiếp nhưng ẩn chứa trong đó tấm lòng kính yêu, cảm phục và tri ân sâu nặng với các liệt sĩ, với các bà mẹ Việt Nam. Thi phẩm đã khép lại nhưng tấm lòng yêu thương rộng lớn và cao đẹp của người mẹ còn mãi trong sâu thẳm tâm trí người đọc. 
(0) Bình luận
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt tại Trung Quốc
    Trong khuôn khổ của Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 được tổ chức tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) đã tổ chức lễ ra mắt sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” ấn bản tiếng Trung vào chiều 16/11. Đây là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch ra tiếng Trung và được xuất bản chính thức tại Trung Quốc. Sự kiện do Công ty Cổ phần Văn hóa Chi và NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây đồng tổ chức.
  • Họa sĩ Xu Man trở thành nguyên mẫu trong tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh
    Lấy cảm hứng từ cuộc đời thực của họa sĩ người Bahnar Xu Man, trên phông nền là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã viết tác phẩm “Con thiêng của rừng”. Sách thuộc tủ sách Văn học thiếu nhi của NXB Trẻ, hướng đến bạn đọc từ 12 tuổi trở lên, nhưng đây cũng là một tác phẩm thú vị đối với người lớn.
  • Ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
    Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cuốn sách do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chỉ đạo biên soạn.
  • “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo về làng nghề thủ công Việt Nam
    NXB Kim Đồng vừa ra mắt bộ sách “Vang danh nghề cổ” - series tranh truyện độc đáo giới thiệu về các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
"Mẹ ơi mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO