Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. |
Tham gia buổi làm việc có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng; lãnh đạo các ban Đảng Thành ủy, Văn phòng Thành ủy và các sở, ngành thành phố.
Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường
Báo cáo Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết về kết quả cụ thể trên 7 nhóm nhiệm vụ chuyên môn năm 2018. Trong đó, Sở đã trình UBND thành phố quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng 498 khu đất với tổng diện tích 721,4 ha; giao đất dịch vụ được 65%, với 42.114 hộ, 349,68ha; thu ngân sách từ đất được hơn 53.000 tỷ đồng.
Đến nay, Sở đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư đạt 99,54%, kê khai đăng ký đất đai đạt 100%; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở đạt 95,79%, cho người mua nhà tái định cư đạt 95,64%; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền, đổi thửa đạt 99,14%...
Trong năm qua, Sở đã tập trung triển khai dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn thành phố; tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thực hiện hạng mục công nghệ thông tin của dự án.
Coi trọng nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, Sở đã tổ chức 69 đoàn thanh tra trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, xử phạt vi phạm hành chính 34 trường hợp với tổng số tiền 2,11 tỷ đồng; triển khai 4 đoàn thanh tra liên ngành, kiểm tra đối với 280 dự án có dấu hiệu vi phạm, qua đó trình UBND thành phố ban hành 7 quyết định thu hồi đất với tổng diện tích hơn 2,7 triệu m2. Sở cũng đã thành lập 3 đoàn liên ngành thanh tra công tác quản lý đất nông nghiệp, đất công tại 30 quận, huyện, thị xã và 109 xã, phường, thị trấn.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng nêu lên 6 hạn chế, 8 nguyên nhân, 7 nhóm nhiệm vụ và 9 kiến nghị, đề xuất. Đáng chú ý, công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và công tác hậu kiểm các dự án được giao đất còn chưa quyết liệt. Trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; còn xảy ra tình trạng dự án chậm tiến độ thực hiện, sử dụng sai mục đích, để lấn chiếm, không sử dụng; đất công, đất nông nghiệp bị sử dụng không đúng mục đích... Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai tại một số địa phương chậm, xử lý không dứt điểm, phát sinh nhiều vụ việc kéo dài và đơn thư vượt cấp. Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Theo yêu cầu của Bí thư Thành ủy, một số cán bộ chủ chốt của Sở đã báo cáo làm rõ thêm một số nội dung quan trọng của ngành, như dự báo về những nguy cơ tác động đến an toàn đô thị; giải quyết ô nhiễm môi trường; giảm khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp liên quan đến lĩnh vực của ngành; thiết lập bản đồ số...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. |
Siết chặt kỷ cương, tăng cường xử lý vi phạm
Sau khi lãnh đạo các cơ quan thành phố trao đổi, thảo luận, giải đáp kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của ngành Tài nguyên và Môi trường - lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống người dân và sự phát triển bền vững của thành phố. Biểu dương, đánh giá cao kết quả năm 2018, đồng chí Hoàng Trung Hải ghi nhận, Sở là tập thể đoàn kết, không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, mà còn chăm lo công tác xây dựng Đảng, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Thành ủy. Công tác chuyên môn có nhiều đổi mới, khắc phục được những hạn chế trước đây, nổi bật là chỉ trong một thời gian ngắn đã tạo được sự tiến bộ đáng kể, được dư luận và người dân ghi nhận trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; quan trắc và công khai số liệu quan trắc môi trường...
Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, Sở tập trung đánh giá, có giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế còn tồn tại đã được chỉ ra, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu tại buổi làm việc, đưa vào chương trình, kế hoạch công tác ngay trong năm nay. Năm 2019 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm nước rút thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu các chương trình công tác và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020. Vì vậy, đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị, Sở rà soát các chỉ tiêu liên quan đến trách nhiệm của ngành, từ đó đề ra các giải pháp thúc đẩy hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu.
Theo Bí thư Thành ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường cần thể hiện trách nhiệm cao hơn, chủ động tham gia, phối hợp cùng các cơ quan thành phố giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, phức tạp, kéo dài. “Vừa qua, kết quả giám sát của HĐND thành phố cho thấy, có những vụ việc tưởng đã được giải quyết xong, nhưng thực ra chỉ chuyển lòng vòng từ nơi này sang nơi khác. Nếu các sở, ngành thành phố không tập trung giải quyết, không làm tròn trách nhiệm để xử lý dứt điểm những tồn đọng này thì sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới”, đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phải khẩn trương đưa vào vận hành hệ thống chia sẻ cơ sở dữ liệu giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa các cơ quan thành phố, địa phương với nhau.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường phải rà soát để minh bạch hơn và đơn giản hơn nữa các thủ tục hành chính; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, không thể để tình trạng đến nay, trong 91 thủ tục hành chính vẫn chưa có thủ tục nào được cung cấp dịch vụ ở mức độ 4. Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, Sở cần tập trung hoàn thành xong số còn lại, không nên nhìn vào con số đã cao mà dừng lại; nhân đà thuận lợi hiện nay cần làm cho tốt hơn. Về cấp đất dịch vụ, phải coi đây là món nợ với dân để giải quyết quyết liệt hơn, không được làm “túc tắc”, cần thiết phải đề xuất cơ chế, giải pháp đặc biệt lên HĐND thành phố. Đối với việc xử lý các dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm, Sở phải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn, bảo đảm môi trường đầu tư công bằng, lành mạnh của thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường. |
Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, đồng chí Hoàng Trung Hải chỉ đạo, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp với các lực lượng chức năng thành phố xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.
“Thời gian qua, việc xử phạt về môi trường vẫn chưa nghiêm. Tôi chưa thấy Sở báo cáo đề xuất dừng hoạt động cơ sở nào gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đề nghị Sở phối hợp với các sở, ngành có giải pháp quyết liệt hơn”, Bí thư Thành ủy yêu cầu.
Đồng chí Hoàng Trung Hải lưu ý, Sở Tài nguyên và Môi trường phát triển, khai thác hiệu quả hệ thống quan trắc môi trường phục vụ công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe người dân. Đặc biệt, Sở cần chủ động dự báo những nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của thành phố, để báo cáo, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài...
Lưu ý Sở quan tâm chăm lo công tác đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tin tưởng, với tập thể đoàn kết và đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động có kinh nghiệm, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2019.