Văn hóa – Di sản

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Lễ hội Cầu mùa của người Cờ Lao

Kim Thoa (T/h) 09:11 20/08/2023

Cầu mùa là một nghi lễ quan trọng của cộng đồng người Cờ Lao, xã Túng Sán, thể hiện ước nguyện cầu cho mùa vụ được mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, vật nuôi mau lớn, mùa màng bội thu, ước mong cuộc sống no đủ, gia đình được vạn sự bình an khỏe mạnh, mọi vật sinh sôi nảy nở, phát triển thịnh vượng...

320230819210323.jpg
Bà con dân tộc Cờ Lao có mặt rất sớm tại miếu thờ Hoàng Vần Thùng để chuẩn bị cho Lễ hội Cầu mùa. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Ngày 19/8, tại xã Túng Sán, Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) tổ chức Lễ hội Cầu mùa dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán và báo cáo kết quả phục dựng lễ hội. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Su Phì Hoàng Đức Tân, người Cờ Lao là dân tộc rất ít người tại Việt Nam.

Theo truyền thuyết cũng như nội dung các bài cúng của các nghệ nhân dân gian người Cờ Lao và tư liệu trong cuốn Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn và trong cuốn Việt Nam lược sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn cho thấy, Hoàng Vần Thùng là nhân vật sống vào thời Hậu Lê, được triều đình giao cai quản vùng biên ải trải dài từ huyện Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang đến huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Là người có công khai ấp, lập làng, giúp nhân dân trong vùng mở mang khai khẩn ruộng nương, đánh đuổi thú dữ, kẻ thù để xây dựng cuộc sống. Vì vậy sau khi ông mất, để tưởng nhớ công ơn của Hoàng Vần Thùng, nhiều dân tộc sinh sống trong khu vực các huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần đã lập miếu thờ với nhiều hình thức khác nhau.

Là dân tộc có bề dày về văn hóa truyền thống, người Cờ Lao hiện còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống như âm nhạc, lễ hội, trang phục, nhà ở, tín ngưỡng, cấu trúc tộc họ, làng bản, các lễ thức, lễ hội văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó có Lễ Cầu mùa được tổ chức vào tháng 7 Âm lịch hàng năm. Lễ hội này gắn liền với quá trình phát triển của dân tộc Cờ Lao, tín ngưỡng nông nghiệp và tục thờ danh nhân đối với nhân vật Hoàng Vần Thùng - người được cho là đã có công khai ấp, lập làng, giúp người Cờ Lao tồn tại và phát triển.

Nét nổi bật nhất trong Lễ cầu mùa là thông qua các bài cúng tế ta thấy mối liên hệ rất rõ nét về một nhân vật lịch sử mà hiện nay chỉ có các dân tộc thuộc các xã trong 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần hiện vẫn thờ phụng, đó là Hoàng Vần Thùng với những di tích, địa danh và những câu chuyện kể miệng vẫn còn được lưu truyền trong dân gian.

vna_potal_phat_huy_gia_tri_van_hoa_lich_su_le_cau_mua_cua_nguoi_co_lao_6889135_1.jpg
Trong Lễ Cầu mùa, bà con dân tộc Cờ Lao vui vẻ nói chuyện, hát hò. (Ảnh: Nam Thái - TTXVN)

Mặc dù thời điểm tổ chức tế lễ của mỗi dân tộc có khác nhau, đồng thời có những dân tộc có sự khác biệt hoàn toàn về văn hoá như dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng, nhưng trong các bài cúng thần rừng hoặc cúng trong lễ Tết Thanh minh, cúng mùng 5.5 âm lịch hàng năm đều nhắc đến tên một nhân vật chính là Hoàng Vần Thùng, song hiện chỉ có dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán là có một lễ hội (Củng Miẻu) với quy mô tộc người dành riêng cho nhân vật này.

Cầu mùa là một nghi lễ quan trọng của cộng đồng người Cờ Lao xã Túng Sán, thể hiện ước nguyện cầu cho mùa vụ được mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, vật nuôi mau lớn, mùa màng bội thu, ước mong cuộc sống no đủ, gia đình được vạn sự bình an khỏe mạnh, mọi vật sinh sôi nảy nở, phát triển thịnh vượng... Đồng thời, đây cũng là dịp để cộng đồng người Cờ Lao xã Túng Sán tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

Với những giá trị văn hóa - lịch sử độc đáo, Lễ cầu mùa của dân tộc Cờ Lao đỏ xã Túng Sán đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 778/ QĐ-BVHTTD ngày 4.4.2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là sự ghi nhận những giá trị về văn hóa, khơi dậy lòng tự hào dân tộc của cộng đồng dân tộc Cờ Lao nói chung và của nhóm dân tộc Cờ Lao đỏ xã Túng Sán nói riêng.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, Lễ Cầu mùa đang có nguy cơ mai một.

Để bảo tồn nghi lễ và lưu giữ, trao truyền cho các thế hệ sau, UBND huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã Túng Sán phục dựng, tổ chức lễ hội theo nguyên mẫu truyền thống./.

Bài liên quan
  • Nghề làm đàn Đào Xá: Hào quang và vực thẳm
    Đào Xá (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa) là làng nghề làm đàn và nhạc cụ dân tộc có tuổi đời hơn 200 năm, đã được Thành phố Hà Nội công nhận Làng nghề truyền thống từ 2009. Thành ngữ Việt có câu “Qua cơn bĩ cực đến ngày thái lai”, nhưng làng nghề Đào Xá đang ngược lại khi làng nghề đi qua thuở vàng son đang bên bờ vực bị xóa sổ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Lễ hội Cầu mùa của người Cờ Lao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO