Văn hóa – Di sản

Nghề làm đàn Đào Xá: Hào quang và vực thẳm

Trung Kiên - Vũ Đình 20/08/2023 08:08

Đào Xá (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa) là làng nghề làm đàn và nhạc cụ dân tộc có tuổi đời hơn 200 năm, đã được Thành phố Hà Nội công nhận Làng nghề truyền thống từ 2009. Thành ngữ Việt có câu “Qua cơn bĩ cực đến ngày thái lai”, nhưng làng nghề Đào Xá đang ngược lại khi làng nghề đi qua thuở vàng son đang bên bờ vực bị xóa sổ.

img_0029.jpg
Những chiếc đàn đậm hồn Việt do anh Đào Anh Tuấn - thợ làng nghề Đào Xá làm ra, trưng bày tại nhà riêng.

Tạp chí Người Hà Nội xin gửi đến quý độc giả loạt bài phản ánh với chủ đề Nghề làm đàn Đào Xá: Hào quang và vực thẳm, để vừa lưu giữ được nét độc đáo, đặc sắc, một thuở vàng son của làng nghề chuyên làm đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, đàn đáy, nhị… mang thanh âm, tâm hồn Việt hiện diện trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Đồng thời nhấn mạnh thực trạng, đời sống của làng nghề trong thời hiện đại. Từ thực tế ghi nhận được và phản ánh, hy vọng địa phương cũng như các cấp ngành liên quan sớm có hành động kịp thời để gìn giữ, bảo tồn làng nghề làm đàn Đào Xá. Nếu không một ngày không xa, làng nghề này chỉ còn là ký ức.

Kỳ 1: Hào quang làng nghề làm đàn

Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, Đào Xá là làng nghề duy nhất của Thủ đô và Việt Nam chuyên làm các loại đàn và nhạc cụ dân tộc.

Một thời hoàng kim cùng phố Hàng Đàn

Từ trung tâm Hà Nội, đi hơn 50km, chúng tôi đến làng Đào Xá vào một buổi sáng trung tuần tháng 8/2023. Được cán bộ văn hóa xã Đông Lỗ dẫn lối, chỉ đường, chúng tôi tìm về làng Đào Xá gặp anh Đào Anh Tuấn – người duy nhất tại Đào Xá hiện còn làm đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, đàn bầu, đàn đáy đến đàn nhị, hồ, líu… Anh Tuấn đang thực hiện một công đoạn chế tác đàn tranh tại xưởng cạnh nhà, thấy có khách liền đứng dậy, pha ấm trà khô thơm lừng “đãi khách”. Anh Tuấn mở đầu cuộc trò chuyện với lời giới thiệu: nghề làm đàn và các nhạc cụ dân tộc có ở Đào Xá từ hơn 200 năm trước, do cụ Đào Xuân Lan sáng lập nên.

Không chỉ biết làm đàn, anh Tuấn còn biết chơi cả nhạc cụ.
img_0056.jpg
Anh Đào Anh Tuấn – con trai nghệ nhân ưu tú Đào Văn Soạn (đã mất năm 2022) hiện là người duy nhất tại Đào Xá còn làm đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, đàn bầu, đàn đáy…

Đầu thế kỷ XIX, cụ Đào Xuân Lan vốn là thợ mộc đóng đồ cho các gia đình người Pháp, rất say mê sửa chữa và làm ra các cây đàn. Từ niềm đam mê đó, cụ đã đi khắp nơi, rong ruổi nhiều năm ở xứ người để học cách làm ra các loại đàn khác nhau. Sau nhiều năm học nghề, cụ Đào Xuân Lan trở về Đào Xá truyền dạy cho các con cháu trong gia tộc cũng như người dân địa phương về cách làm các nhạc cụ truyền thống. Sau này, nghề làm đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu… dần lan rộng khắp làng Đào Xá. Khi cụ Đào Xuân Lan qua đời, người dân Đào Xá suy tôn cụ là tổ nghề.

Xưa kia, nghề làm đàn và nhạc cụ truyền thống làng Đào Xá phát triển rực rỡ. Từ giữa thế kỷ XIX, những người thợ tài hoa của làng Đào Xá đã mang theo cả gia đình, họ hàng lên thành Thăng Long để lập phường nghề, mở ra con phố Hàng Đàn (sau nhập vào phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm ngày nay) trong 36 phố phường Hà Nội xưa. Tại phố Hàng Đàn thuở trước, người thợ làng Đào Xá đã làm ra những nhạc cụ dân tộc mang thanh âm Việt hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Những đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, nhị, hồ… ở phố Hàng Đàn xưa được rất nhiều người ưa chuộng. Thậm chí, nhiều người thợ giỏi của làng Đào Xá còn được tuyển vào làm đàn, nhạc cụ dân tộc tại cung đình Huế.

Có nghề gần như độc nhất vô nhị trong tay, người làng Đào Xá đã đem nghề đi khắp nơi, từ Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa đến Thành phố Hồ Chí Minh..., Đến các địa phương khác, nếu có cơ sở, cửa hàng làm đàn tranh, đàn nguyệt đích thị đều là người làng Đào Xá. Sinh thời, cha của anh Đào Anh Tuấn kể lại với con trai, thời kháng chiến chống thực dân Pháp và trước cách mạng 1945, làng nghề làm đàn phát triển mạnh. Sau khi hòa bình lập lại 1954 làng vẫn giữ được nghề. Các đoàn văn công xưa như Hoa Mai, Lúa Mới, đoàn ca múa nhạc Trung ương đều dùng đàn của Đào Xá trong các dịp biểu diễn, xem các nhạc cụ dân tộc như tam thập lục, đàn đáy, tỳ bà… như một vật dụng bất ly thân và không thể thay thế.

Nghề công phu

Một trong những nét độc đáo và đặc sắc của nghề làm đàn Đào Xá, đó là các loại đàn được làm ra bởi những người thợ không qua trường lớp đào tạo nào, hầu hết cũng không ai biết về nhạc lý mà theo cách tự học, cha truyền con nối. Tuy nhiên, muốn làm được nghề này, người thợ phải thạo hay ít nhất phải biết về nghề mộc, chưa kể phải có đôi tai và cặp mắt tinh tế để “thẩm âm” và tạo hình cho những chiếc đàn có tính thẩm mỹ, bền đẹp.

img_0001.jpg
Để tạo nên một cây đàn, người thợ làng Đào Xá phải trải qua rất nhiều công đoạn, quy trình.

Thường để làm ra được một cây đàn nguyệt, đàn tranh, tỳ bà… phải trải qua rất nhiều công đoạn và quy trình kỹ thuật. Người thợ phải có các dụng cụ như cưa tay, cưa máy, bào máy, đục, tràng, đục móng, đục bạc và mỗi một loại đàn sẽ có khuôn riêng. Theo quan niệm xưa gỗ tốt nhất để làm ra các loại đàn là gỗ trắc, gỗ vông, gỗ mun, gỗ sưa… để khoảng hai năm cho đủ khô mới sử dụng được. Không chỉ gỗ, nhiều loại đàn cần phải dùng da trăn để chế tạo như đàn nhị (đàn cò). Dây làm đàn thì có dây tơ hoặc dây cước. Để xác định âm sắc kim, thổ cho cây đàn, người thợ làng Đào Xá trước kia chỉ dựa vào những kinh nghiệm gia truyền để tìm loại vật liệu làm sao cho phù hợp, không hề có một công thức hay sách vở nào để dựa vào làm theo.

Nhìn chung các công đoạn làm ra một nhạc cụ dân tộc, người thợ làng Đào Xá phải qua các khâu đục đẽo, khi thành hình thì vào khuôn, làm mặt, vào hậu, làm thành đàn, vào thùng, vào mặt và ghép mặt, làm dọc đàn, lá đàn, sau đó khảm trai đến đánh giấy giáp, đánh bóng, sau làm phím, trục và căng dây, thẩm âm. Hiện nay, máy móc có thể tham gia một số công đoạn nhưng cơ bản thợ làng nghề làm đàn Đào Xá vẫn phải làm thủ công từ vào khuôn làm hộp đàn, ghép cần, làm phím, lên dây... đến lúc tráng sơn, trang trí họa tiết, hoa văn. Thùng đàn chỉ dày, mỏng hơn nhau một chút xíu, non tay đục, già tay bào là đem đến những kết quả khác nhau. Nếu người thợ chỉ cần làm sai một chi tiết nhỏ là tiếng đàn đã khác, bởi vậy nghề làm đàn cần tỉ và kiên trì.

img_0012.jpg
Người thợ nghề đang thực hiện công đoạn phun bóng.

“Tùy từng loại đàn mà chọn gỗ cho phù hợp vì mỗi loại gỗ cho mỗi âm thanh khác nhau. Với đàn nguyệt, không có gì tốt hơn gỗ trắc và gỗ cẩm lai. Ngày xưa các cụ làm đàn không có công cụ, máy móc để gắn phím. Các cung phím gắn thế nào để cho ra đúng nốt nhạc, không sai cung nhạc thì các cụ ngày xưa thẩm âm theo tai. Bây giờ thì đơn giản hơn nhiều vì có thanh mẫu chỉnh âm thanh là chuẩn luôn.

Đối với đàn tranh, khó nhất là chọn gỗ để làm mặt cho ra âm thanh hay và chuẩn. Đàn tranh khi làm mặt không có máy cán, vì thế phải chà bằng tay và chà phải thật phẳng. Nếu chà mặt đàn không phẳng, không đều thì có những dây bị câm. Không làm phẳng mặt đàn và ngựa đàn tranh thì âm thanh cũng sẽ bị rè”, anh Đào Anh Tuấn chia sẻ./.

(Kỳ 2: “Nếu tôi nghỉ, nghề làm đàn Đào Xá sẽ bị xóa sổ”, Tạp chí Người Hà Nội đăng tải vào thời gian gần nhất. Trân trọng kính mời độc giả theo dõi và đón đọc) 

Bài liên quan
  • Kỳ 2 và hết: Gìn giữ hát múa Ải Lao lắm nỗi gian nan
    Năm 2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ghi danh hát múa Ải Lao phường Phúc Lợi (quận Long Biên, TP. Hà Nội) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này mở ra cơ hội bảo tồn, phát triển, làm đậm hơn bản sắc hát múa Ải Lao. Nhưng thực tế việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị hát múa Ải Lao còn lắm nỗi gian nan…
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nghề làm đàn Đào Xá: Hào quang và vực thẳm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO