Văn hóa – Di sản

Hội húc cầu gỗ Xuân Dục: Bản sắc văn hóa lúa nước của người Việt

Phạm Hoa - Vũ Hải 19/08/2023 19:34

Không chỉ là một trò chơi dân gian gắn với thời Hùng Vương thứ 6, hội húc cầu gỗ thôn Xuân Dục (xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) còn là di sản có ý nghĩa “dự báo thiên văn với mùa màng”. Trải qua thăng trầm thời gian, người dân thôn Xuân Dục vẫn đang lưu giữ, bảo tồn hội húc cầu gỗ đậm đà bản sắc văn hóa lúa nước của người Việt.

“Dự báo thiên văn với mùa màng

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dĩ, Chi hội trưởng người cao tuổi thôn Xuân Dục vẻ hồ hởi, nói: Hội húc cầu tại địa phương là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm. Từ khi sinh ra và lớn lên, người già, trẻ nhỏ thôn Xuân Dục đều biết hội húc cầu gỗ. “Trải qua thời gian, người dân vẫn đang giữ trọn vẹn những nét tinh túy, bản sắc của hội húc cầu”.

huc-cau-1-.jpg
Người dân thôn Xuân Dục cùng quả cầu gỗ tại Lễ hội Đền Sóc (huyện Sóc Sơn) 2023. (Ảnh: Cổng TTĐT huyện Sóc Sơn).

Theo ông Nguyễn Văn Dĩ, trước kia Xuân Dục có tên gọi Xuân Đán Trang, là điểm tụ cư của người Việt cổ, điểm nối giữa vùng đất tổ Phong Châu với vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Thời Hùng Vương thứ 6, tướng Hữu Lâm - một cánh quân của Thánh Gióng, ngày gần Tết hành quân qua Xuân Đáng Trang, thấy nơi đây có phong cảnh hữu tình, ngài liền cho binh sĩ nán lại nghỉ ngơi.

Lúc dừng nghỉ, binh sĩ thấy các nhóm trẻ mục đồng liền nghĩ ra trò chơi húc cầu. Lúc đầu, quả cầu được tạo bằng củ chuối lá mọc giữa rừng có đường kính khoảng 30cm. Dụng cụ để cướp cầu là một que tre ở đầu có móc nhọn. Sau khi que tre gãy, người ta dùng sức người để đẩy. Ai khéo đẩy cướp được quả cầu vào lỗ phía bên kia là thắng cuộc. Trò húc cầu có từ đó, sau này người dân làm quả cầu bằng gỗ lục thông, đường kính khoảng 50cm, nặng 60 – 70 kg và sơn màu đỏ.

Hội húc cầu gỗ thôn Xuân Dục diễn ra từ ngày mồng Ba đến mồng Năm tháng Giêng Âm lịch hằng năm tại đền Văn Chỉ. “Ngày mồng Ba, các cụ bô lão trong làng cùng các nam thanh nữ tú, đoàn dâng hương ra đình làng rước nhang, vật dụng để về đền Văn Chỉ làm lễ. Các cụ bô lão làm lễ yên vị bát nhang, chọn giờ tốt để động thổ, đào lồ để húc cầu. Hai lồ nằm theo hướng Đông - Tây, mỗi lồ sâu 50cm, rộng 80cm. Lồ nọ cách lồ kia khoảng 25 đến 30m. Sau khi các cụ bô lão làm lễ xong, nhân dân mới được động thổ như cày, cuốc đất…ngoài ruộng đồng.

z4614712631736_5299f6d02c4c1ba85d69deb4cac2d4f3.jpg
Giấy khen cho Đội húc cầu Xuân Dục được tặng khi tham gia hội chợ Xuân cách đây 28 năm.
huc-cau-3(1).jpg
Ông Nguyễn Văn Dĩ và ông Nguyễn Văn Tú (Chi hội người cao tuổi thôn Xuân Dục) tại đình làng Xuân Dục kể sự tích, nét đặc sắc của húc cầu gỗ với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội (ngồi giữa).

Sang ngày mồng Bốn, các cụ tư văn dâng hương ra làm lễ tế thánh. Sau khi tế thánh xong cũng là lúc người dân trông đợi nhất, hội húc cầu gỗ bắt đầu. Thời xưa, thôn Xuân Dục chia làm 4 giáp gồm Đông – Điềm – Đoài – Bắc, mỗi giáp có một đội húc cầu. Bây giờ thôn Xuân Dục vẫn đang duy trì 4 giáp tham gia hội húc cầu gỗ. Ngày mồng Năm thì các nghi lễ, hội húc cầu gỗ diễn ra tương tự như ngày mồng Bốn”, ông Nguyễn Văn Dĩ, chia sẻ.

Hội húc cầu gỗ diễn ra trên một thửa đất rộng trước đền Văn Chỉ thôn Xuân Dục. Trước đây không quy định về số lượng thành viên, thường có khoảng 5 đến 7 người/đội húc cầu gỗ. Một đội đầu chít khăn đỏ, đội bên chít khăn vàng, cùng đóng khố, thắt đai. Bây giờ mỗi đội có 5 người, thành viên nào mệt lại chạy ra để người khác vào, số lượng người thay không hạn chế. Người tham gia trò húc cầu gỗ phải là những thanh niên trai tráng, thân hình lực lưỡng, khỏe mạnh, chưa vợ, gia đình không vướng tang. Xưa người làng Xuân Dục tổ chức húc cầu cả ngày, lúc nào cầu vào lồ thì thôi nhưng hiện nay, một trận húc cầu gỗ thường diễn ra trong một giờ đồng hồ.

trong-tung.jpeg
Đội húc cầu gỗ thôn Xuân Dục tại Lễ hội Đền Sóc 2023. (Ảnh: Trọng Tùng).

Tổ trọng tài hội húc cầu gỗ gồm 3 người, chít khăn trên đầu, đánh trống cổ động cho các thành viên hai đội “thi đấu”. Điều hành cuộc chơi húc cầu là cụ chủ tế, còn người đánh trống chầu là hai ông cai thay phiên nhau. Trong tiếng trống vang vọng hừng hực khí thế, các thành viên trong đội húc cầu gỗ tìm mọi cách trườn bò, luồn lách để đẩy được quả cầu gỗ trúng lồ phía bên kia để giành chiến thắng. Hội húc cầu gỗ hiện nay kéo dài đến 15 giờ chiều ngày mồng Năm tháng Giêng, không phân biệt đội thắng đội thua hội cũng khép lại.

Hội húc cầu gỗ thôn Xuân Dục được đánh giá là một trò chơi dân gian thể hiện trí tuệ, sự dẻo dai, đoàn kết và tinh thần thượng võ của người dân địa phương nói riêng, nhân dân Thủ đô và Việt Nam nói chung. Hơn thế, theo ông Nguyễn Văn Dĩ, hội húc cầu gỗ làng Xuân Dục thể hiện nền văn hóa lúa nước, quả cầu đỏ tượng trưng cho mặt trời chuyển động từ Đông sang Tây, qua trò chơi dân gian này, người dân mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi.

huc-cau-2-.jpg
Hai đội tham gia húc cầu gỗ thôn Xuân Dục đang "tranh" cầu gỗ. 

Theo quan niệm của người dân Xuân Dục, việc thắng thua của hội húc cầu gỗ như một cách dự báo thời tiết trong năm. Nếu đội phía Tây thua thì vụ mùa khó khăn, nước ít, sâu bệnh nhiều. Bên phía Đông thua là năm đó được mùa, nước nôi đầy đủ, không sâu bệnh. Hai đội bất phân thắng bại thì năm đó khó hậu bình thường, dân làng chăm lo sản xuất và chăn nuôi. Bởi vậy, tại đền Văn Chỉ thôn Xuân Dục còn lưu giữ hai câu đối: Xuân về mở hội vui cầu húc/ Dự báo thiên văn với mùa màng.

Lễ vật tạ ơn Thánh Gióng

Tại Lễ hội Đền Sóc 2023, trò húc cầu gỗ thôn Xuân Dục diễn ra và được nhiều người chú ý. “Người dân và các du khách tham gia lễ hội đều reo hò, yêu thích trò húc cầu gỗ vì tạo không khí sôi động và mang đậm nét văn hóa dân gian”, ông Nguyễn Văn Dĩ chia sẻ.

Theo Kế hoạch số 104/KH-UBND về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể huyện Sóc Sơn đến năm 2025”, với hội húc cầu gỗ thôn Xuân Dục, UBND huyện Sóc Sơn sẽ ưu tiên các nguồn lực đầu tư; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản. Đồng thời ghi hình tư liệu nhằm nhận diện giá trị di sản; phục dựng, thực hành góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản có nguy cơ mai một, cần ưu tiên bảo vệ.

m8.jpg
Nhân dân thôn Xuân Dục rước lễ vật quả cầu gỗ về Đền Sóc tại lễ hội Đền Sóc 2023 (Ảnh: Cổng TTĐT huyện Sóc Sơn).

Ông Nguyễn Văn Tú, Chi hội phó người cao tuổi thôn Xuân Dục cho biết thêm, quả cầu gỗ có từ thời kỳ đầu đến bây giờ. Quả cầu làm bằng gỗ thông lục đã có tuổi đời hàng trăm năm. “Bố tôi nếu bây giờ còn sống cũng hơn 100 tuổi. Trước còn bé, ông nói với tôi, khi sinh ra đã thấy những quả cầu gỗ. Đến giờ tôi sắp 70 tuổi vẫn thấy những quả cầu ấy. Hằng năm, khi xong hội quả cầu gỗ lại được ngâm xuống Ao Tiên, bây giờ Ao Tiên không còn chúng tôi ngâm quả cầu ở bể nước trước đền Văn Chỉ. Ngày mồng Ba tháng Giêng, trai làng lại vớt quả cầu lên để tổ chức hội húc cầu. Trước đây có 6 quả cầu nhưng sau đó thất lạc một quả. Mỗi khi mở hội người làng vớt lên 3 quả cầu, quả nặng nhất gần 100 kg”, ông Nguyễn Văn Tú cho biết thêm.

z4614712644138_13859142f996b299f3a38b7a883eed78.jpg
Các vị bô lão và người dân bên những quả cầu gỗ cách đây hơn 20 năm.

Điều đặc biệt, quả cầu gỗ là một trong những lễ vật cúng thần mã - ngựa chiến (xã Phù Linh), voi chiến (xã Tiên Dược), trầu cau (thôn Đan Tảo, xã Tân Minh), ngà voi (xã Đức Hòa), cỏ voi (xã Xuân Giang), kiệu tướng (xã Bắc Phú) được rước về Đền Sóc trong Hội Gióng (huyện Sóc Sơn) vào ngày mồng Sáu tháng Giêng để tạ ơn Thánh Gióng.

"Từ trước đến nay vào Lễ hội Đền Sóc, người dân thôn Xuân Dục đều rước cầu gỗ về đền Sóc để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn và cầu mong Thánh Gióng độ cho được “nhân khang vật thịnh, phong vũ thuận hòa”. Xưa kia, các thanh niên trai tráng, đoàn người thôn Xuân Dục với cờ phướn, trống, phách, tù và, cùng kiệu rước cầu gỗ lên Đền Sóc tạo nên khung cảnh rất náo nhiệt, rộn ràng", ông Nguyễn Văn Dĩ, chia sẻ./.

Bài liên quan
  • Sắp diễn ra Lễ hội Điện Huệ Nam tháng Bảy Âm lịch năm 2023
    Lễ hội Điện Huệ Nam dự kiến diễn ra từ ngày 23 - 25/8 (8 - 10/7 Âm lịch) nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhà văn trẻ Cao Việt Quỳnh mắt bộ tiểu thuyết kì ảo “Lục địa rồng”
    “Lục địa rồng” bộ tiểu thuyết dài 5 tập của tác giả Cao Việt Quỳnh vừa được NXB Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc. Bộ sách được hoàn thiện vào năm 2023 khi tác giả 15 tuổi, không chỉ thể hiện bước trưởng thành trong sáng tác của Cao Việt Quỳnh mà còn cho thấy tín hiệu đáng mừng từ dòng truyện fantasy thuần chất Việt.
  • Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển văn hóa, Hà Nội là địa phương tiên phong
    Tại Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sáng 29/10 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, bà Phạm Thị Thinh – Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, cho biết, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hà Nội là địa phương tiên phong, có nhiều cách làm cụ thể để phát triển văn hóa như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 - 2024).
  • Đổi mới thi ca cũng không được xa lạ với con người
    Cuộc đối thoại của nhà thơ với thời đại trong thơ ca mang lại hy vọng, nâng cao giá trị con người ngay cả trong thời điểm bi tráng nhất của lịch sử hoặc thời khắc đau khổ nhất của mỗi một số phận. Một nhà thơ đích thực phải biết dùng ngôn ngữ của thơ để chạm vào tâm hồn con người. Không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí, ngôn ngữ đó cần có thêm cảm xúc của trái tim - những cảm xúc được tái hiện từ chất liệu đời thường.
  • Lễ hội Khinh khí cầu Tràng An - Cúc Phương đón khoảng 35 nghìn lượt khách
    Đây là hoạt động trong chuỗi các hoạt động văn hóa, du lịch chào mừng kỷ niệm 10 năm Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (2014 - 2024),
  • Hà Nội: Kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
    Ban Chỉ đạo 389 thành phố vừa triển khai kế hoạch thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan.
Đừng bỏ lỡ
Hội húc cầu gỗ Xuân Dục: Bản sắc văn hóa lúa nước của người Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO