Bảng hiệu 'kiệm lời' và chuyện kinh doanh lạ của ông chủ phố cổ Hà Nội

Theo Báo dân sinh| 06/09/2019 08:12

Ẩn sau tấm biển hiệu vẽ tay chỉ 4 từ, không địa chỉ hay số điện thoại liên lạc, là triết lí kinh doanh độc đáo của ông chủ cửa hàng khuôn bánh trung thu duy nhất ở phố cổ Hà Nội.

Bảng hiệu không cần quá nhiều chữ

Mặc dù đến chợ Đồng Xuân, Hàng Khoai, Hàng Thiếc hay chỉ cần lên mạng là có thể tìm được khuôn bánh bằng nhựa, silicon với mức giá từ vài chục nghìn đến 500.000 đồng, nhưng cứ đến Trung thu, dân làm bánh truyền thống từ khắp Bắc - Nam lại tìm đến cửa hàng 59 Hàng Quạt của ông Phạm Văn Quang, đặt làm khuôn bánh bạc triệu theo thiết kế riêng.

Đây là một trong những địa chỉ hiếm hoi tại con phố nổi tiếng một thời với nghề chạm khắc gỗ của Hà Nội còn giữ nghề làm khuôn bánh trung thu, xôi, oản bằng gỗ.

Khiêm nhường nép mình bên cạnh những cửa hiệu lớn, cửa hàng rộng chừng 10m2 vừa là nơi ở và cũng là nơi ông Quang trưng bày mẫu khuôn và sản phẩm hoàn thiện.

Nước sơn cũ, không được trang trí hay thiết kế đặc biệt nhưng nơi này vẫn gây chú ý nhờ một tấm biển quảng cáo vẽ tay đậm chất hoài cổ. Bên ngoài, hàng chục chiếc khuôn gỗ, với đủ hình dạng, kích cỡ treo kín hai bên tường như bức tranh Mosaic khổng lồ lạ mắt.

Bảng hiệu kiệm lời và chuyện kinh doanh lạ của ông chủ phố cổ Hà Nội - Ảnh 1.

Cửa hàng khuôn bánh của ông Phạm Văn Quang tại Hàng Quạt, HN.

"Không đâu mà biển quảng cáo lại lộn xộn như Việt Nam. Đủ kích thước, màu sắc và quá tham thông tin. Không ai đủ kiên nhẫn để đọc hết những gì ghi trên một tấm biển quảng cáo quá nhiều chữ, tôi nghĩ, chỉ cần chỉ đích danh thứ khách đang tìm kiếm là đủ. 

Ngoài ra, một tấm biển cần tỉ lệ tốt, màu sắc và khác biệt sẽ dễ khiến khách ấn tượng và ghi nhớ hơn", ông Quang chia sẻ.Nói về tấm biển tối giản với 4 từ "Khuôn: Xôi, bánh, oản" và 3 màu chủ đạo trắng, đỏ, đen, ông Quang hóm hỉnh cho rằng, đó là tấm biển vừa đủ trong thời đại sống gấp, vội vàng của con người.

Bảng hiệu kiệm lời và chuyện kinh doanh lạ của ông chủ phố cổ Hà Nội - Ảnh 2.

Biển hiệu vẽ tay đã theo cửa hàng của ông Quang nhiều năm.

Bảng hiệu kiệm lời và chuyện kinh doanh lạ của ông chủ phố cổ Hà Nội - Ảnh 3.

Tại đây, mặt hàng chủ đạo là khuôn làm bánh. Tất cả đều được làm thủ công.

Thay vì quảng bá trên mạng xã hội hay dùng namecard, ông chủ hàng khuôn phố cổ chỉ dùng bút dạ ghi địa chỉ "59 hàng Quạt" trên những chiếc khuôn.

"Thợ cả hay chủ hàng bánh đều đã biết tôi, vì thế, chỉ cần thợ học làm bánh tại xưởng của họ biết đến nữa là tốt rồi. Thay vì đưa một chiếc card, thì viết lên khuôn nhanh và hiệu quả hơn. Hàng ngày khi cầm khuôn làm bánh, thợ sẽ tự khắc nhớ đến địa chỉ này và khi cần họ sẽ tìm tôi.

Nếu bạn làm rơi chiếc card có lẽ bạn không dừng xe lại nhặt, nhưng nếu rơi khuôn bánh, thì tôi cá là bạn phải đi lại mấy vòng để tìm bằng được", ông Quang lý giải.

Bảng hiệu kiệm lời và chuyện kinh doanh lạ của ông chủ phố cổ Hà Nội - Ảnh 4.

Mỗi chiếc khuôn là một câu chuyện

Gần 40 năm làm nghề, ông Quang nhớ từng mẫu mà mình thiết kế, không chiếc nào giống chiếc nào. Với ông, chúng phản ánh cả văn hóa ẩm thực, thói quen tiêu dùng của từng vùng miền và thời đại.

Do vậy, ở cửa hàng có chiếc khuôn bánh cỡ đại, được đặt để làm ra những chiếc bánh phục vụ người lao động, hoặc ở vùng nông thôn. Bánh trung thu có thể ăn tạm trước khi đi làm mà vẫn đủ năng lượng. Cũng có những chiếc khuôn giá vài triệu đồng nhưng chỉ bé bằng lòng bàn tay, vài tiệm đặt riêng để làm bánh đi biếu. So với cách đây cả chục năm, khuôn phổ biến là loại 250g đến 5 lạng, thì thời nay khuôn cần đẹp hơn, và thay đổi mẫu mã từng mùa.

Khuôn bánh nhất định phải làm bằng gỗ xà cừ để đủ độ rắn chắn, chịu được lực mạnh khi đập bánh và lực bào, đục, chạm khắc trang trí. Chúng sẽ được tính toán độ nông, sâu khác nhau tùy vào trọng lượng bánh 2 lạng, nửa cân và để đảm bảo khi nướng, lửa bắt đều họa tiết, mặt bánh vàng ươm, đẹp mắt.

Bảng hiệu kiệm lời và chuyện kinh doanh lạ của ông chủ phố cổ Hà Nội - Ảnh 5.

Gỗ xà cừ là chất liệu lý tưởng để làm khuôn bánh.

"Không phải cứ khuôn to là đắt tiền và mất nhiều thời gian làm hơn khuôn nhỏ", ông Quang nói.

Theo người thợ lâu năm, thời gian chế tác và mức giá từng khuôn tùy thuộc nhiều yếu tố như độ khó của hoa văn, họa tiết, công sức của người thợ. Bởi vậy, cửa hàng của ông có những chiếc khuôn tuy kích thước lớn nhưng chỉ có giá từ 500.000 đồng. Những mẫu đàn lợn hay cá chép thì đắt hơn, dao động từ 1-3 triệu đồng.

Ngoài ra, theo ông, điều quan trọng là phải lắng nghe khách hàng khi họ trao đổi yêu cầu. Khi làm, cần tỉ mỉ, cần tĩnh tâm, bởi nếu nóng vội sẽ không thể có sản phẩm ưng ý.

Bên cạnh những mẫu khuôn Phúc, Lộc, Thọ hay hình cổ truyền như cá chép, đàn lợn, ông Quang cho hay, ông đang khai thác các câu chuyện dân gian để thổi hồn vào mẫu khuôn mới sắp tới. Ông cho rằng, trong thời đại công nghiệp, thợ khuôn truyền thống cần kỹ thuật chạm khắc gỗ, hiểu quy trình làm bánh và phải luôn cập nhật xu hướng đi kèm sáng tạo.

"Chủ tiệm bánh sẽ mang những thông tin về thị trường, nhu cầu thưởng thức bánh trung thu của mỗi nơi, mỗi đối tượng khách nhau đến tìm thợ khuôn, nhưng thợ cũng phải tự cập nhật thị trường nếu không muốn tụt hậu so với máy móc, công nghệ hiện đại", ông Quang chia sẻ.

Tùy vào độ cầu kỳ, khuôn bánh bằng gỗ có giá từ vài trăm nghìn đồng đến 3-4 triệu đồng/chiếc.

Nổi tiếng thì vui nhưng cũng… phiền

Bên trong cửa hàng khuôn, ông Quang lưu giữ khá nhiều tạp chí quốc tế và khung ảnh chụp cửa hàng do các tiệm bánh đề tặng. Nghề không chỉ giúp ông mưu sinh mà cho ông được gặp gỡ nhiều người, từ những vị khách nước ngoài mua khuôn về làm décor trang trí hay cô cậu sinh viên của các trường mỹ thuật công nghiệp tò mò về chạm khắc gỗ hay người làm báo chí, truyền hình.

"Lên báo thì được nhiều người biết đến cũng vui, đôi khi, hơi phiền một chút vì cũng có người nói nọ kia. Nhưng không sao, cũng có khi khách cũng chê khuôn mà phải chịu đó thôi", ông Quang cười.

Theo chia sẻ của người thợ khuôn, hơn 40 năm làm nghề, chứng kiến nhiều xưởng bánh Việt thành công với bánh trung thu, trò chuyện và giải thích ý nghĩa hoa văn trên khuôn cho khách quốc tế, ông càng tự hào về văn hóa Việt Nam và yêu nghề.

(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bảng hiệu 'kiệm lời' và chuyện kinh doanh lạ của ông chủ phố cổ Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO