Rất nhiều đồng nghiệp và cả bạn đọc khả kính đã hỏi tôi nghĩ thế nào về bài văn của một em học sinh Hà Nội, bàn về Thiện và Ác qua bài thơ hai câu của thi sĩ Trần Nhuận Minh. Tôi thấy đây là một vấn đề vô cùng thú vị, nên đem ra bàn trong tạp chí văn chương của Người Hà Nội.
Bấy lâu nay, chúng ta cứ kêu văn trong chương trình phổ thông là có vấn đề.Rằng hoạc sinh đang quay lưng lại môn văn. Học sinh dốt văn lắm. Rồi họ lại đưara những câu văn rất ngớ ngẩn của học trò. Có thật học sinh không thích môn văn và học văn kém không?.
Trên mạng internet có rất nhiều trang đăng bài văn của em Linh Giang - học sinh lớp 10A3, Trường THPT Quảng Oai, Ba Vì, Hà Nội. Đề văn như sau:
“Cái Ác vỗ vai cái Thiện
Cả hai cùng cười đi về
tương lai”
(Đừng quên - Trần Nhuận Minh)
Từ những câu thơ trên, nêu suy nghĩ của em về mối quan hệ thiện - ác trong cuộc sống.
Phải nói ngay là thầy cô nào chọn hai câu thơ của tác giả Trần Nhuận Minh để làm đề bài cho học sinh là một người có hiểu biết sâu sắc, có trình độ thẩm mĩ cao. Đề bài hợp lí mà có tính gợi mở, nghĩa là tạo ra một đường biên rất rộng cho mọi suy tư, cho những tìm tòi sáng tạo của các em, không chỉ xoay quanh hai câu thơ rất hay này mà cao hơn, còn tạo ra những khám phá về thực tế xã hội, với những tổng kết đã rất ngắn gọn của nhà thơ Trần Nhuận Minh, có thể bổ sung vào kho tàng thành ngữ Việt Nam, giúp các em trang bị những kiến thức mới, những hiểu biết về cuộc đời và cách ứng xử trong thực tế, để các em có một tâm thế vững vàng khi bước vào tuổi trưởng thành. Bài viết của em Linh Giang tương đối hay, với trình độ đầu cấp THPT, viết được như em, chắc là không nhiều. Em có hiểu biết khá sâu, kiến thức văn đã học rất vững, đưa ra làm dẫn chứng khá chắc. Nhưng có một điều, có lẽ là điều quan trọng nhất của bài thơ trên thì em chưa nhận ra được. Đó là vị thế của các Ác, đối với cái Thiện và đối với toàn xã hội, dù em đã phân tích khá hay về quan hệ giữa hai cái Thiện và Ác trong mối tương quan như nhau, vì “cả hai cùng cười đi về tương lai”. Như vậy không chỉ có cái Thiện, mà cái Ác cũng rất lạc quan khi “đi về lương lai”. Cái Ác nghĩ: tương lai vẫn thuộc về nó. Và Trần Nhuận Minh dặn chúng ta “đừng quên”. Ý này của Trần Nhuận Minh rất cần được suy ngẫm, vì xét cho cùng, tôi nghĩ là nhà thơ có lí. Em Linh Giang, còn ít tuổi, chưa thể cảm thấu được ở cái tầng nghĩa này, cũng là điều dễ được cảm thông. Trong các bài thơ thành công theo kiểu Trần Nhuận Minh, cùng một câu, một bài, hàm chứa nhiều tầng nghĩa, có nghĩa phải người lớn, có từng trải rồi mới tiếp nhận được. Không phải không có cơ sở mà dịch giả, nhà thơ Pháp, De Miscault đã viết khi giới thiệu “Tuyển thơ Trần Nhuận Minh” 107 bài tiếng Pháp, ra mắt năm 2020 ở Paris, là: “Thơ Trần Nhuận Minh càng bàn, càng thấy nó bất tận”.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Trần Nhuận Minh viết “Cái Ác vỗ vai cái Thiện”. Ở đây cái Ác là chủ thể, là chủ động, với tư cách bề trên, vỗ vai cái Thiện như vỗ vai một người giúp việc, một người em, một hạng con cháu. Vì sao thế, vì cái Ác chính là chủ thể của cuộc sống, cái Ác thúc đẩy cuộc sống phát triển rồi cái Thiện mới phát triển sau để điều hòa cái Ác và làm giảm liều lượng của cái Ác. Nhưng kết quả thế nào, chính Trần Nhuận Minh trong bài “Tự thuật” đã viết: “Cả xã hội diệt trừ cái Ác/ Cái Ác vẫn ngang nhiên cười nói giữa đời”.
Từ xưa các cụ ta đã có câu: “Nhân chi sơ tính bản Thiện”, nghĩa là con người khi mới ra đời cái Thiện đã có. Điều đó đúng. Nhưng rồi con người nhao vào cuộc sống, với những xoay xở, bươn chải để tồn tại, rồi vượt lên, bon chen, giành giật, hãm hại, chém giết nhau, để giành một cái gì đó cao hơn cho mình (và có thể cho cả một cộng đồng hay phe nhóm nào đó). Cái Ác đã ra đời, từ cơ sở đó, phát triển rất nhanh, rất mạnh, tương ứng hoặc cao hơn, do đó mới vận hành được thực tế theo ý mình. Ở một phương diện tiếp cận nào đó, có thể coi là cái Ác đã làm trái đất này quay theo quĩ đạo của nó, đó là các cuộc chinh phạt, sắp xếp lại thế giới của các thế lực lớn, chưa kể các cuộc làm giàu “tiền tư bản” từ mồ hôi và xương máu hàng trăm triệu người lao động. Và càng vận hành, cái Ác càng nạp được nhiều năng lượng giống như cơn bão trên biển Đông. Đấy là nói chung. Còn nói riêng, không ít trường hợp, cái Ác chứ không phải cái Thiện đã thúc đẩy xã hội vượt lên phía trước. Như vậy trong những trường hợp cụ thể, cái Ác vẫn có những yếu tố tích cực, vì thế cái Thiện không diệt nó được, nó “vẫn ngang nhiên cười nói giữa đời” như nhà thơ đã viết ở trên.
Ở một số trường hợp khác, cái Ác và cái Thiện có khi lại trộn lẫn vào nhau, khiến nhiều người không phân biệt được. Có người làm việc, vì cái Thiện, nhân danh cái Thiện hẳn hoi nhưng kết quả lại là những điều Ác và cuối cùng mới nhận ra nó chính là cái Ác mà mình lại cứ tưởng nó là cái Thiện. Câu “Cả hai cùng cười”, cái Ác đã đánh lừa chúng ta, và nhiều người đọc, vì “cùng cười” như nhau thì biết phân biệt nó thế nào đây? Cái đó mới thực sự đáng sợ. Lại chính nhà thơ đã phát hiện ngay từ đầu Đổi Mới điều này, đến nay vẫn còn làm nhiều người đọc chúng ta ngỡ ngàng. Trong bài thơ “Phút lâm chung của cụ Hãn”, Trần Nhuận Minh viết về ông già làm nghề bảo vệ ở một rạp chiếu bóng quốc doanh. Việc của ông là không cho bất cứ ai không mua vé mà được vào rạp. Để làm gì? Để làm giàu cho Nhà nước, để Nhà nước không bị thất thu. Điều đó là điều Thiện rõ ràng chứ. Ông đã được bầu làm chiến sĩ thi đua của ngành chiếu bóng là đúng. Nhưng đến lúc sắp chết, ông mới nhận ra rằng: “Đất nước chẳng giàu lên được/ Dù tôi chắt bóp từng đồng/ Muốn Thiện lại thành ra Ác/ Có ai giống với tôi không?”. Và kết quả cuối cùng ông nhận ra, là, để làm việc đó, ông đã đánh “hàng ngàn trẻ con“/ “có đứa đến hộc máu mồm”… trong cả cuộc đời của mình. Vì chỉ có trẻ con mới liều lĩnh và háo hức xem chiếu bóng nhất ở thời chưa có ti vi. “Không tiền mà muốn xem phim/ Chúng có trăm mưu ngàn kế/ Vẫn không che được mắt tôi”… Nào là “Trèo tường, chui qua cửa sổ/ Náu mình sau tấm màn nhung/ Nằm bẹp dưới gầm ghế lớn/ Tôi cũng moi ra tận cùng…”. Và đến lúc lâm chung còn chút minh mẫn cuối cùng, ông nhờ nhà thơ viết một bài báo, thay mặt ông “Xin lỗi hàng ngàn trẻ con” mà ông đã đánh chúng trong suốt hơn 30 năm tận tụy làm nghề của mình, vì ông muốn về với tiên tổ trong sự thanh thản của cõi lòng. Và kết bài thơ, Trần Nhuận Minh viết: “Cụ đã giã từ cuộc sống/ Vong linh muốn được thanh nhàn/ Thương ôi, hỡi các bạn trẻ/ Tha cho lỗi lầm thế gian”.
Đấy là điều tôi bàn thêm, cũng chỉ xoay quanh thơ Trần Nhuận Minh thôi. Vấn đề Thiện, Ác lớn lắm. Bàn mãi vẫn không cùng… Thơ Trần Nhuận Minh là thế, ông chỉ đưa ra các sự việc để bạn đọc tự nhận ra điều mà mình cần biết. Ông nói đó là thi pháp mà ông học được ở những nhà thơ lớn.