Bản hùng ca bất tử

Quân Bách| 19/12/2022 07:54

Hà Nội cách đây vừa tròn 50 năm, những ngày khói lửa vẫn hằn sâu trong ký ức mỗi người. Ngày ấy, một cuộc tập kích bằng đường không với tham vọng “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” được thực hiện.

anh-dbp-1.jpg
Phố Lý Quốc Sư, Hà Nội bị máy bay B-52 ném bom phá hủy (1972). (Ảnh: TTXVN)

Với 193 máy bay B-52 (663 lượt chiếc) cùng hơn 1.000 máy bay chiến thuật (3.920 lượt chiếc) và hàng vạn tấn bom đạn đã đổ dồn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố lân cận chỉ trong vòng 12 ngày đêm (từ 18 đến 30/12/1972). Tại Hà Nội, trận mưa bom đã làm cho Khâm Thiên, Đống Đa, Bệnh viện Bạch Mai… chìm trong khói lửa. Chỉ một trận bom, đã phá hủy 534 ngôi nhà, làm chết 287 người dân vô tội (trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em, 94 phụ nữ, 97 nam giới). Số người bị thương là 290 người; 178 trẻ em trở thành trẻ mồ côi. Những chiếc khăn tang kéo dài lớp lớp phủ lên những số phận hẩm hiu còn sót lại của mỗi gia đình trên phố Khâm Thiên. Những ký ức ấy đến nay vẫn còn nhức nhối trong trái tim người Hà Nội mỗi dịp tháng 12 về. Mỗi lần mà khu phố nhộp nhịp Khâm Thiên nhà nhà hương khói, người người tiếc thương của một “ngày giỗ chung”…


Giờ đây, dù thời gian đã lùi xa, chiến tranh cũng dần trôi vào quá vãng, nhưng chúng ta vẫn sẽ mãi không thể quên những chiến công oanh liệt của quân và dân Hà Nội trong những ngày tháng ấy. Những con người anh dũng, những chiến sĩ kiên trung đã vượt qua bão đạn mưa bom, biến đau thương thành hành động anh hùng, cùng chung sức đập tan mưu đồ xâm lược của kẻ thù ngay tại bầu trời Thủ đô lịch sử. 12 ngày đêm bất khuất, trận quyết chiến đã trở thành “bản hùng ca bất tử” của dân tộc. Trận chiến oanh liệt giữa Hà Nội nắng và hoa đã khiến giặc Mỹ phải cúi đầu. Trận chiến ấy đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, và người ta vẫn gọi đó là trận “Điện Biên Phủ trên không”, hay “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.


25 trận bắn rơi máy bay B-52 của Sư đoàn phòng không Hà Nội (Sư đoàn phòng không 361) không chỉ là con số. Đó là lòng quả cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu của mỗi người chiến sĩ phòng không. Từ trận đánh thứ nhất của Tiểu đoàn 59 thuộc Trung đoàn tên lửa 261 bắt đầu lúc 19 giờ 44 phút và kết thúc vào lúc 20 giờ 13 phút ngày 18/12/1972. Kết quả là chiếc máy bay B-52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội đã tan xác, đánh dấu sự khởi đầu lịch sử của quân và dân ta trong chiến dịch bảo vệ Thủ đô, giáng một đòn phủ đầu mạnh mẽ vào tham vọng của Nixon và đồng bọn trong chiến dịch mang mật danh Linebacker2. Tiếp đó là liên tục những trận đánh oanh liệt của quân và dân Hà Nội khi đối đầu với những “siêu pháo đài bay” và rất nhiều vệ tinh mạnh mẽ của đế quốc Mỹ. Rồi đến cuối cùng là trận chiến thứ 25 của Tiểu đoàn 79 thuộc Trung đoàn tên lửa 257 tại Yên Nghĩa, Hà Đông “kết liễu” chiếc B-52 thứ 25 ngay tại bầu trời Hà Nội. Kết thúc những tháng ngày oanh liệt trong chiến dịch bảo vệ Thủ đô, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ, ngừng ném bom, và ngồi vào bàn đàm phán…


Phía sau những sự kiện mà lịch sử trong suốt 50 năm qua thường nhắc đến, còn là những câu chuyện về nghệ thuật quân sự Việt Nam với cách đánh táo bạo nhưng hết sức đặc biệt, tạo nên những bất ngờ không chỉ cho kẻ địch mà cho cả chính chúng ta hôm nay. Nhiều người có thể đặt câu hỏi sao ông cha ta năm xưa lại có thể giỏi đến như vậy!? Đây phải chăng là sự chuẩn bị kỹ càng của Bộ Chính trị, của Quân đội nhân dân Việt Nam mà trực tiếp là của lực lượng Phòng không - Không quân ngày ấy.

anh-dbp-2(1).jpg
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm. (Ảnh: TTXVN)


Nhiều người hẳn còn nhớ lời tiên tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đó 10 năm (năm 1962). Năm ấy, khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Phùng Thế Tài, Người nói: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa? Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ nay, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này”. Và tiếp đó, năm 1966, khi đến thăm Quân chủng Phòng không, Bác đã nói: “Mỹ đã đưa B-52 vào chiến trường Việt Nam, liên tiếp gây tội ác với đồng bào ta ở miền Nam. Ngay từ bây giờ các chú phải nghiên cứu, chuẩn bị đối phó với B-52, vì sớm hay muộn, Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh phá miền Bắc. Tên lửa của ta có đủ tầm cao bắn rơi được máy bay B-52 của Mỹ, nhưng đánh thế nào để thắng, cần nghiên cứu. Nhiệm vụ này, Bác giao cho các chú. Chúng ta phải quyết tâm bắn rơi máy bay B-52, phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...”. Đến năm 1967, một lần nữa Người khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng, ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”… Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, từ những dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến công tác chuẩn bị kỹ lưỡng của lực lượng Phòng không dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị, chúng ta đã làm nên một lịch sử oai hùng ngay giữa lòng Hà Nội, khẳng định một giá trị đặc biệt của nghệ thuật quân sự Việt Nam.


Trong cuốn sách “25 trận bắn rơi máy bay B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972” do NXB Quân đội nhân dân phối hợp cùng Ban Liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn phòng không 361 vừa ra mắt bạn đọc đã có rất nhiều câu chuyện của những người trong cuộc năm xưa được kể lại. Người đọc bị hấp dẫn không chỉ trong cách đánh, cách kể mà còn trong sự quyết tâm là ý chí của mỗi con người ngày ấy. Với phương châm “người trước, súng sau”, trong suốt 12 ngày đêm ấy, tại trận địa oanh liệt, các cán bộ, chiến sĩ Phòng không đã phối hợp cùng quân và dân Hà Nội xây dựng nên một trận địa “lưới lửa dày đặc” để sẵn sàng “tiếp đón” những kẻ hiếu chiến và khát máu. Điều đặc biệt ở những cuộc chiến này, sự quyết đoán của những người chỉ huy, những mệnh lệnh dứt khoát, nhanh nhạy khi nhận thông báo từ các trắc thủ dải nhiễu, cách xử trí tình huống kịp thời khi thời cơ đến… tất cả đã đem lại những giá trị cụ thể, đó là những “siêu pháo đài bay” và hàng loạt máy bay vệ tinh của đế quốc Mỹ thi nhau trở thành “quả cầu lửa” trên bầu trời Thủ đô oanh liệt. Hàng loạt những tổ giặc lái phải giơ tay đầu hàng, cúi đầu giữa nhân dân Hà Nội ngày ấy. Những thất bại nặng nề đã làm cho giới chóp bu Nhà Trắng thực sự hoang mang, khiến dư luận thế giới cũng bàng hoàng. Làn sóng phản đối chiến tranh của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới càng trở nên mạnh mẽ, đem lại lợi thế cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, hướng đến ngày toàn thắng…


Đọc “25 trận bắn rơi máy bay B-52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12 năm 1972”, chúng ta lại càng thấm thía hơn lời dạy của người xưa qua những phân tích tỉ mỉ và chi tiết của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Kiên: “Trong cuộc sống, người xưa đã dạy: Mọi thành bại của một sự việc đều do “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Chiến thắng của bộ đội Tên lửa phòng không Hà Nội tháng 12 năm 1972 cũng không ngoài những quy luật tự nhiên đó…”. Ông đã phân tích một cách rất kỹ càng về những yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả thắng lợi của quân và dân Hà Nội. Từ lời Bác dạy năm xưa, tình hình địch, sự chuẩn bị của ta… và đặc biệt là lòng người, là “yếu tố con người trong chiến tranh. Ngày đó những người chiến sĩ tên lửa phòng không Hà Nội cũng như những người chiến sĩ khác trên khắp các chiến trường chống Mỹ trong cả nước, họ đều có một quyết tâm chiến đấu vì sự nghiệp bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Mục tiêu lý tưởng của Đảng, Bác Hồ được mọi người dân tin tưởng và quyết tâm thực hiện bằng được. Từ niềm tin, họ biến thành hành động cụ thể trong công tác, lao động sản xuất và đặc biệt là trong chiến đấu…”.


Năm mươi năm đã trôi qua, song những bài học, những giá trị về Chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó là những giá trị của lịch sử dân tộc, giá trị của truyền thống hào hùng không chỉ của hôm nay mà của lớp lớp thế hệ mai sau. Chúng đã trở thành bản hùng ca bất tử, khẳng định sức mạnh của lòng người, sức mạnh của cuộc kháng chiến chính nghĩa, của sự đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc, của sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam chúng ta.

Bài liên quan
  • Khai mạc trưng bày “Hà Nội, ký ức 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”
    Hướng tới Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022), sáng 5/12, Trung tâm Lưu trữ lịch sử TP Hà Nội (Chi cục VTLT Hà Nội) phối hợp Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục VTLT Nhà nước) tổ chức trưng bày “Hà Nội, ký ức 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”.
(0) Bình luận
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • “Bay qua Hồ Gươm” - trò chuyện cùng Hà Nội, về Hà Nội
    “Mơ là bồ câu trắng/ Bay qua Hồ Gươm xanh”, tác giả Huỳnh Mai Liên đã bật lên khao khát muốn được trở thành cánh chim nhẹ nhàng và tự do khám phá bầu trời Hà Nội ở cuối bài thơ Bay qua Hồ Gươm (cũng là tên tập thơ). Dường như cũng từ giấc mơ này, nhà thơ đã viết ra những vần thơ kể chuyện dẫn lối người đọc ngắm nhìn Hà Nội từ cao đến thấp, từ xa đến gần.
  • Thơ truyền thống trong thời đại số
    Thơ truyền thống là loại thơ viết theo đúng niêm luật, thường bó buộc trong các thể loại: Lục bát, Đường luật (Nhất, tam ngũ bất luận), song thất lục bát, thơ (bốn, năm, sáu, bẩy, tám) chữ… phải có vần điệu, cấu tứ rõ ràng và ngôn từ là phương tiện để nhà thơ biểu đạt, giãi bày tình cảm, tư tưởng tinh thần của tác giả. Trong thời đại số, thơ truyền thống vẫn được nhiều tác giả tiếp nối nhưng theo một hình thức mới, nội dung mới và nhà thơ không bị giới hạn bởi bất kỳ khuôn phép nào.
  • 50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế
    Hội nghị Lý luận, phê bình Văn học lần thứ V diễn ra ngày 27/11 tại Hà Nội, quy tụ những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình hàng đầu. Với chủ đề “50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế”, hội nghị đã làm nổi bật bức tranh toàn cảnh văn học Việt Nam...
  • Thị trường nghệ thuật Việt Nam: Chuyên nghiệp để bứt phá
    Nghệ thuật Việt Nam gần đây thu hút sự chú ý đáng kể trên thị trường trong và ngoài nước. Các tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam không chỉ được công nhận về mặt giá trị nghệ thuật mà còn đạt được mức giá cao, phản ánh sự gia tăng sức hút và quan tâm của các nhà sưu tầm, người yêu mỹ thuật, cũng như các hãng đấu giá quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bản hùng ca bất tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO