Bài cuối: Xác định rõ mục tiêu phát triển văn hóa

KTĐT| 21/03/2022 09:15

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đây là điều kiện để CNVH của Thủ đô bứt phá sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tạo bước phát triển mới cho mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Ưu tiên chiến lược

Phát triển ngành CNVH là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia với những bước đi cụ thể về tầm nhìn, quyết sách đầu tư, nghệ thuật tuyên truyền, quảng bá, cách thức chinh phục thị trường. Ở Việt Nam hiện nay, việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa đang trở thành một yêu cầu cấp thiết.

Múa rồng truyền thống trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (khi dịch Covid-19 chưa bùng phát). Ảnh: Phạm Hùng
Múa rồng truyền thống trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (khi dịch Covid-19 chưa bùng phát). Ảnh: Phạm Hùng

Thời gian qua, để xác định rõ những tiềm năng, khó khăn, thách thức trong phát triển CNVH TP Hà Nội đã thực hiện bài bản, thận trọng, tạo nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của CNVH. Điều này thể hiện rõ nét qua chuỗi tọa đàm do TP Hà Nội tổ chức trong tháng 6 và 7/2021. Thông qua các buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế, các nhà khoa học, quản lý văn hóa, DN, nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, quan trọng nhằm làm rõ các khái niệm, thông tin, kiến thức mới về CNVH. Các buổi tọa đàm đã giúp Thủ đô định hình một bức tranh tổng thể về nền CNVH sẽ hướng tới trong tương lai và đã được thể hiện rõ nét qua Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội.

Có thể thấy, Nghị quyết là những chỉ dẫn đầu tiên thể hiện rõ nét nhất mong muốn, quyết tâm, ý chí và hàng loạt giải pháp thúc đẩy nguồn lực văn hóa tiềm năng của Thủ đô. Theo nội dung Nghị quyết số 09-NQ/TU, về quan điểm, Thành ủy Hà Nội xác định phát triển CNVH được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô.

Xác định rõ thách thức, vượt qua khó khăn

Thời gian qua, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng sáng tạo đều có chung nhận định rằng, Nghị quyết về phát triển CNVH trong nhiệm kỳ này của Thành ủy Hà Nội là chủ trương trúng và đúng trong bối cảnh hiện nay, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Hà Nội, với xu thế chung của thế giới; cụ thể hóa thương hiệu “Thành phố sáng tạo” đã được UNESCO công nhận.

Mặc dù vậy, để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Là một địa phương có nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào nhưng nguồn vốn đầu tư phát triển văn hóa lại tương đối eo hẹp, vì vậy, Hà Nội cần đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực này. Đây là giải pháp quan trọng để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội, song vấn đề cơ bản để phát triển các ngành CNVH đòi hỏi phải có chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực mang tính đột phá... Và vì vậy, vấn đề tạo ra "không gian sáng tạo" hay môi trường sáng tạo, hệ sinh thái sáng tạo cũng là một giải pháp quan trọng. Việc bồi dưỡng năng lực sáng tạo và tạo môi trường sáng tạo cho những tài năng văn hóa cũng là giải pháp căn bản phát triển ngành công nghiệp văn hóa bên cạnh giải pháp khác.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, có hai vấn đề Hà Nội cần ưu tiên quan tâm để phát triển CNVH là thành lập một cơ quan chuyên trách và đầu tư nguồn lực toàn diện. Chính phủ đã xác định có 12 lĩnh vực CNVH ở nước ta song lại do nhiều bộ, ngành quản lý. Để tránh chồng chéo, bảo đảm đồng bộ để thực hiện đề án chuyên sâu ở từng lĩnh vực và thuận tiện theo dõi, đôn đốc, giám sát, Hà Nội cần sớm thành lập một cơ quan chuyên trách. Nếu không rất dễ xảy ra hiện tượng “cha chung không ai khóc” hoặc “mạnh ai nấy làm”, vừa lãng phí lại không hiệu quả.

Về đầu tư nguồn lực, có 3 phương diện cần đặc biệt chú ý, đó là: Tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực. Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến được thông qua cuối năm 2023, đề xuất đưa quy định Hà Nội sẽ dành 2% chi thường xuyên cho văn hóa. Đây là bước tiến lớn bởi trong những năm trước, con số chỉ là 1,8% nhưng Hà Nội cũng như đa số các địa phương không thực hiện được.
Về cơ sở vật chất, Hà Nội có số lượng thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất khá lớn, song về mặt công năng sử dụng còn hạn chế, chưa thể tạo lực đẩy để phát triển CNVH. Hà Nội chưa có nhà triển lãm quy mô tầm cỡ để tổ chức các sự kiện tầm vóc quốc gia. Và nếu xây dựng, Hà Nội cần tham khảo mô hình một số nhà triển lãm kết hợp là trung tâm sáng tạo để nghệ sĩ, người dân đến tham quan, học tập, nghiên cứu, thực hành về CNVH, công nghiệp sáng tạo và kinh tế sáng tạo. Mô hình sẽ là một khu liên hợp để “ươm mầm” ý tưởng sáng tạo về văn hóa, có thể thực hành tại chỗ.

Đào tạo CNVH một cách bài bản đương nhiên phải chuyên sâu ở bậc đại học. Các trường cao đẳng, đại học có truyền thống, kinh nghiệm đào tạo các lĩnh vực CNVH Hà Nội lại trực thuộc quản lý của các bộ, ngành; Bộ GD&ĐT quản lý về mặt đào tạo. Cho nên, Hà Nội cần sớm trao đổi, hợp tác “đặt hàng” đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Động lực phát triển công nghiệp văn hóa

Theo Trưởng ban Văn hóa, văn phòng đại diện Việt Nam tại UNESCO Phạm Thị Thanh Hường: Với vai trò là một TP - Thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, cùng với Singapore và Bangkok, Hà Nội có lợi thế trong việc tổ chức và trở thành điểm đến cho các diễn đàn, sự kiện khu vực và quốc tế, thúc đẩy những sự hợp tác mang tầm quốc tế với các TP khác trên thế giới. Thêm vào đó, Thủ đô cũng là nơi tập trung mật độ cao lực lượng thanh niên giàu năng lượng, trình độ và kỹ năng - họ cần được đặt vào trung tâm của chiến lược phát triển này. Bởi họ, với sức trẻ và sự sáng tạo của mình, sẽ là nòng cốt hiện thực hóa những ý tưởng và tầm nhìn của TP.

Nhìn chung, Hà Nội có nhiều tiềm năng, động lực để phát triển CNVH. Thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Hà Nội tiếp tục xác định và khẳng định tiềm năng, lợi thế trong việc phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa, thúc đẩy phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, khơi dậy ý chí và khát vọng đổi mới sáng tạo, đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô. Cùng với đó, những người làm quản lý văn hoá, nghệ thuật, cộng đồng sáng tạo đều đang nỗ lực để phát triển văn hóa Thủ đô vốn chịu nhiều tổn thương vì dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • CLB Giám đốc các bệnh viện miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành
    CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực miền Trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành… để hướng tới người bệnh và lấy người bệnh làm trung tâm phấn đấu cho mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế chất lượng.
  • Huy động sức dân xây dựng Thủ đô Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp
    Với quyết tâm mạnh mẽ, cam kết tạo ra bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm, thúc đẩy phong trào chung tay hành động để xây dựng Thủ đô, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp của Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Xác định rõ mục tiêu phát triển văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO