Chuyển động Hà Nội

Theo chân CLB Cơm 5.000 Hà Nội: 12 năm thắp lửa từ gian bếp nhỏBài 1: Gửi yêu thương trong từng bữa ăn

Giang - Huyền -Trang 09:38 05/06/2025

Giữa lòng Hà Nội tấp nập, có một căn bếp nhỏ vẫn đỏ lửa suốt 12 năm qua. Ở đó, những bàn tay trẻ không chỉ nhặt rau, vo gạo, nấu nướng, mà còn cùng nhau góp nhặt yêu thương, thổi lên hơi ấm trong từng phần cơm gửi đến người khó khăn. Hãy theo chân chúng tôi trong một hành trình đặc biệt - nơi mỗi hạt gạo là một niềm hy vọng nhỏ bé, mỗi bữa ăn là một lời nhắn nhủ về sự tử tế giữa đời sống hối hả.

200 suất cơm vào mỗi ngày Chủ Nhật, 300 suất cháo vào mỗi ngày thứ Ba, Năm, Bảy, hàng trăm nghìn bữa ăn đã được phục vụ tới tay những người bệnh, người nhà bệnh nhân và người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong hơn 12 năm vừa qua, bởi những thế hệ thành viên của CLB Cơm 5.000 Hà Nội.

Ra đời vào ngày 23/8/2012, Câu lạc bộ Cơm 5.000 Hà Nội do anh Bùi Quang Long và cộng sự sáng lập hiện vẫn đang duy trì hoạt động hằng tuần với thông điệp: “Giúp người không cần phải làm điều lớn lao - chỉ cần bắt đầu từ một bữa cơm giản dị, một nụ cười chân thành.”

Các bạn tình nguyện viên vui vẻ sau buổi phát suất ăn nhẹ ở điểm Việt Đức (Ảnh: Yến Trang)

Điều đặc biệt là, những người trực tiếp đứng bếp, vận chuyển, phát cơm, lại chủ yếu là học sinh, sinh viên tuổi từ 17 đến 25. Họ là những người trẻ sẵn sàng thức dậy từ tờ mờ sáng, tạm gác bài vở để cùng nhau nhóm lên ngọn lửa sẻ chia giữa lòng thành phố xô bồ.

Gian bếp nhỏ ấm lửa yêu thương

6 giờ 30 sáng ngày Chủ nhật, Hà Nội còn đang trong cơn mưa phùn buổi sớm, khi nhiều người vẫn còn say giấc. Chúng tôi đặt chân đến gian bếp nhỏ vào đúng thời điểm các bạn trẻ đang cùng khẩn trương hoàn tất những công đoạn đầu tiên của buổi nấu cơm.

Hà Anh - sinh viên năm nhất Đại học Kinh tế Quốc dân cùng các bạn tình nguyện viên của bếp cơm đã có mặt tại căn bếp nhỏ nằm trên phố Minh Khai. Tất cả các bạn cùng tất bật chuẩn bị cho những công đoạn đầu tiên của buổi nấu cơm.

Chia sẻ cùng phóng viên, Hà Anh kể lại: “Hồi đó, mình tình cờ xem được 1 video viral (lên xu hướng) trên TikTok của CLB Cơm 5.000 Hà Nội. Mình rất ấn tượng với hình ảnh của những anh chị sinh viên trong bộ đồng phục màu cam nổi bật, vận chuyển những sọt cơm canh đến các bệnh viện. Sau đó, mình tìm hiểu sâu hơn và nhận thấy những hoạt động ở bếp rất ý nghĩa. Chính điều đó đã thôi thúc mình - một bạn trẻ có mong muốn tham gia hoạt động cộng đồng - quyết định đăng ký tham gia”.

Ở CLB Cơm 5.000 Hà Nội, những thành viên tham gia các hoạt động này không chỉ có các bạn sinh viên độ tuổi đôi mươi. Trong một nhóm những bạn trẻ đang vo gạo ở khu vực ngoài bếp, chúng tôi gặp Bảo An, học sinh trường THCS Chu Văn An. Em vui vẻ cho biết đây là lần thứ hai em được mẹ đưa đến bếp để tham gia nấu cơm cùng CLB.

Bảo An chăm chú vo gạo cùng các anh chị ( Ảnh: Yến Trang)

“Những công việc như này ở bếp cũng là những việc mà bình thường ở nhà em hay làm giúp bố mẹ. Nhiều lúc em cũng loay hoay, nhưng được các anh chị hướng dẫn thì em cũng sẽ làm được ạ!” - Bảo An chia sẻ khi đang chăm chú hoàn thành phần việc vo gạo của mình.

Nhóm này nhặt rau, nhóm kia thái bí, nhóm thì chuẩn bị hộp đựng cơm,... Căn bếp rộn ràng tiếng dao thớt, tiếng gọi nhau í ới, xen lẫn những tràng cười trong trẻo khiến gian bếp nhỏ như bừng sáng.

Hương sả, hành, tỏi phi thơm lừng quyện cùng hơi ấm của nồi cơm vừa chín, lan tỏa trong không khí buổi sớm. Những mùi thơm ấy len lỏi vào giữa tiếng cười nói rôm rả, ánh mắt lấp lánh và những câu chuyện đời sinh viên mà các bạn kể.

Với họ, có lẽ gian bếp hôm nay không chỉ là nơi nhóm lửa cho từng bữa ăn, mà còn là nơi thắp lên sự ấm áp, tình người và cả niềm tin vào những điều tử tế. Đó là những khoảnh khắc mà khoảng cách về tuổi tác, xa lạ dường như bị xóa nhòa bởi họ đang chung một nhịp đập, nhịp đập của lòng nhân ái. Khi những bài học tử tế được dạy không bằng sách vở, mà bằng hành động cụ thể như thế, hẳn sẽ trở thành hành trang suốt đời cho những tâm hồn đang lớn.

Khi bữa ăn trở thành nguồn động viên

Hoàn thành xong các phần cơm, rời căn bếp nhỏ, chúng tôi theo chân các bạn trẻ tới Câu lạc bộ Văn nghệ Trẻ em Khuyết tật Hà Nội. Những hộp cơm, canh nóng hổi được các bạn trẻ cẩn thận vận chuyển đến điểm phát. Công việc tất bật là thế, nhưng không một ai than mệt, trái lại, mọi người ai cũng rạng rỡ và đầy hào hứng.

Tại CLB, những ánh mắt háo hức, những cái ôm thân tình, tiếng gọi nhau ríu rít khiến không khí trở nên ấm cúng lạ thường. Buổi phát cơm ở đây đặc biệt hơn khi được bắt đầu bằng những tiết mục văn nghệ đến từ cả các tình nguyện và các bạn nhỏ tại CLB.

Em Nguyễn Tiến Minh - một bạn nhỏ trong CLB Văn Nghệ vừa ăn, vừa cười vui vẻ và nói lớn: “Cơm các bạn nấu rất ngon, Chủ nhật hằng tuần em đều được ăn những hộp cơm ngon như này ạ!”

“Tôi thấy đây là một CLB ý nghĩa, nó không phải là vật chất, là 5 hay 10 nghìn, mà nó là tinh thần rất vô giá, đó là sự san sẻ, là nguồn động viên cho chúng tôi - những người làm công tác thiện nguyện. Các bạn mang tới sự bình đẳng trong xã hội, tức là không phân biệt tuổi tác, không phân biệt nghề nghiệp, và không phân biệt là ai yếu thế, hay ai hơn ai. Mà ở đây có sự hoà nhập, sự chia sẻ, cái đó khiến cho các em ở đây thích lắm!” cô Phan Thị Phúc - người sáng lập CLB Văn nghệ rơm rớm nước mắt khi chia sẻ.

Các bạn tình nguyện viên và CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội (Ảnh: Yến Trang)

Một hộp cơm được trao đi bằng tất cả sự trân quý và yêu thương. Đây không còn là một phần ăn nữa, mà là món quà của tình thương, được gói ghém trong ánh mắt trìu mến, trong bàn tay nhẹ nhàng trao đi mà không cần nhận lại. Giữa người trao và người nhận không tồn tại khoảng cách, chỉ có một sợi dây vô hình nối bằng sự đồng cảm, sẻ chia và tình thương chân thành. Cái bắt tay, cái ôm, hay đơn giản là một nụ cười của những em nhỏ khuyết tật khi đón nhận hộp cơm ấy chính là minh chứng sống động cho thứ giá trị không đong đếm được bằng tiền bạc.

Bên cạnh CLB Văn nghệ Trẻ em Khuyết tật, hành trình trao gửi yêu thương của CLB Cơm 5.000 Hà Nội còn lan tỏa đến nhiều bệnh viện lớn như Bệnh viện Phổi, Thanh Nhàn, Bạch Mai hay Việt Đức. Từ những suất cơm giản dị, hàng nghìn lượt bệnh nhân và người nhà đã cảm nhận được hơi ấm sẻ chia, được tiếp thêm động lực giữa hành trình chữa bệnh đầy nhọc nhằn.

Trong một buổi chiều chúng tôi cùng theo chân nhóm tới bệnh viện Việt Đức - một trong những điểm phát suất ăn quen thuộc của CLB. Trên vỉa hè, các bạn trải bạt, kê bàn, phía sau là tấm phông cam in dòng chữ “Cơm 5.000 Hà Nội”.

Các suất ăn được xếp ngay ngắn vào sọt lớn, các bạn trẻ nhanh chóng bắt tay vào công việc của mình. Bạn thì niềm nở hướng dẫn cho từng người nhận vào xếp hàng, 3-4 bạn cùng nhau lấy từng suất ăn nhẹ gửi tới mọi người. Có người lặng lẽ gật đầu thay cho lời cảm ơn, có người mỉm cười, có người hạnh phúc nắm tay các bạn thật chặt.

Chị Huệ - 37 tuổi, là người nhà của bệnh nhân hiện đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, nghẹn ngào chia sẻ lại cùng chúng tôi: “Hành động của các bạn rất nhân văn, tuy chỉ là những suất ăn nhẹ đơn giản nhưng tôi có thể cảm nhận được tấm lòng của các bạn… Tôi nghĩ không chỉ tôi mà rất nhiều người ở đây nhận ra rằng trong cuộc sống vẫn luôn tồn tại những tấm lòng nhân ái giữa mọi người với nhau. Những phần ăn nhỏ thôi nhưng mà cũng đỡ được phần nào cho những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi.”

Dù cho công việc lặp đi lặp lại mỗi tuần, tại những điểm cố định, các bạn trẻ của CLB Cơm 5.000 Hà Nội vẫn luôn giữ nguyên sự nhiệt thành và chỉn chu trong từng phần ăn. Không phô trương, họ lặng lẽ gieo yêu thương bằng những suất cơm giản dị - thứ mang lại cả niềm tin lẫn ấm áp cho những người cần nó nhất.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt sách tập hợp 40 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng
    Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành cuốn sách “Báo chí trước hết phải phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Ấn phẩm tuyển chọn 40 tác phẩm tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm các bài viết, bài phát biểu, thư, điện, lời kêu gọi gửi tới bạn đọc, người làm báo, các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế từ năm 1922 đến năm 1962.
  • Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật đầu tiên về nghề báo được tổ chức trên quy mô toàn quốc
    Tối 16/6, tại Trường quay S5 Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội), Tạp chí Người Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Nghề báo – Người làm báo Thủ đô và cả nước 2025”. Đây là chương trình trọng điểm của Tạp chí Người Hà Nội - Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
  • Lan tỏa hình ảnh người làm báo qua các tác phẩm văn học nghệ thuật
    Tối 16/6, tại Hà Nội, Tạp chí Người Hà Nội tổng kết và trao giải Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Nghề báo – Người làm báo Thủ đô và cả nước 2025”. Sự kiện diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), góp phần tôn vinh nghề báo và người làm báo – những “chiến sĩ” thầm lặng trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
  • [Podcast] Chả cốm Hà Nội - Bản hòa ca tinh tế ẩm thực Tràng An
    Trong vô vàn những mảnh ghép ẩm thực Hà Nội – chả cốm là món ăn truyền thống, mang theo cả chiều sâu lịch sử lẫn phong cách sống của người Tràng An xưa. Món ăn ấy không chỉ là sự kết hợp giữa thịt và cốm non, mà ẩn sau mỗi miếng chả cốm vàng ruộm là chiều sâu văn hóa – nơi giá trị của sự tỉ mỉ, hài hòa và thẩm mỹ lên ngôi mà không dễ nơi nào trên dải đất hình chữ S có được.
  • Nền tảng pháp lý vững chắc cho chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả
    Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vào sáng 16/6. Cùng với Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 vừa được thông qua, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Đừng bỏ lỡ
Theo chân CLB Cơm 5.000 Hà Nội: 12 năm thắp lửa từ gian bếp nhỏ Bài 1: Gửi yêu thương trong từng bữa ăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO