Văn hóa – Di sản

Làng nghề truyền thống Hà Nội: thăng hoa cùng văn hóa - sáng tạo để hội nhập: Bài cuối: Khảm trai làng Chuôn Ngọ - Tinh hoa nghề Việt vươn tầm cao mới

Hoa Quỳnh - Hải Truyền 31/07/2023 22:23

Từ xa xưa, làng Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) đã nức tiếng với nghề khảm trai. Với đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, người thợ làng Chuôn Ngọ đã biến những vỏ trai vô tri vô giác thành những sản phẩm có giá trị văn hóa, nghệ thuật và các mặt hàng đã vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

z4593207295329_d56948557397dcaae0367a522a3be8b8.jpg
Bản đồ Việt Nam trên nền trống đồng - sản phẩm khảm trai do nghệ nhân làng nghề Chuôn Ngọ thực hiện.

Làng nghề nghìn năm tuổi

Vượt quãng đường gần 40km theo Quốc lộ 1A cũ rồi đi ven đê sông Nhuệ, chúng tôi đặt chân tới làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ. Ngay từ cổng chào của làng, tiếng khoan, đục, mài của những người thợ làm nghề như một “bản giao hưởng” đã vọng vào tai khách phương xa. Di chuyển tới giữa làng, chúng tôi được người dân giới thiệu đền thờ Tổ nghề khảm trai Chuôn Ngọ. Đền tựa lưng vào làng với cây đa tỏa bóng mát, phía trước đền có một hồ nước tạo nên sự cổ kính, trầm mặc, tĩnh mịch, sơn thủy hữu tình. Đền thờ tổ nghề khảm trai đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử từ năm 1996. Cùng đó hàng năm, ngày mùng 9 tháng Giêng và ngày mùng 9 tháng Tám (âm lịch), người dân làng Chuôn Ngọ tổ chức lễ tri ân công lao Tổ nghề.

img_8115.jpg
Đền thờ Tổ nghề khảm trai làng Chuôn Ngọ -  Di tích lịch sử đã được Bộ Văn hóa xếp hạng từ năm 1996.

Người dân Chuôn Ngọ suy tôn tướng Trương Công Thành (1053-1099) thời nhà Lý, có công giúp Lý Thường Kiệt đánh hai châu Ung và Liêm, là tổ sư và tổ nghề khảm trai. Theo truyền thuyết và thần phả còn lưu lại tại đền, sau khi giúp vua chiến thắng quân Tống, tướng Trương Công Thành “xin lui về chốn nhà tranh, tháng ngày đọc kinh niệm Phật”. Về làng Chuôn Ngọ, những lúc nhàn rỗi, ngài thường ngao du sơn thủy. Một lần đi bộ trên bờ biển, Trương Công Thành thấy vỏ trai có vân ngũ sắc thường đã ngắm nghía, sau đó nhặt về và chắp thành hình, thành chữ. Ông gọi dân đến dạy cách khảm, lúc đầu gọi là khảm xà cừ. Nghề khảm trai trên gỗ tại Chuôn Ngọ có từ đó và được lưu truyền, gìn giữ đến tận hôm nay với bề dày lịch sử nghìn năm.

img_8182.jpg
Hộp đựng đồ khảm trai thể hiện nội dung quan họ Bắc Ninh.

Đối diện đền thờ Tổ nghề khảm trai là cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Đình Dũng, 36 tuổi. Chúng tôi đã mở lời chỉ muốn tìm hiểu về nghề khảm trai, nhưng khi đang ngắm những bức tranh khảm trai chợ quê xưa, chùa Một Cột, tráp đựng trầu tuyệt đẹp, anh Dũng vẫn dí dỏm “mời chào” chúng tôi: “Các anh cứ tham quan và tìm hiểu, nếu muốn đặt làm hoành phi, câu đối hay tranh phong cảnh, truyền thần… cứ đưa ra yêu cầu. Nếu mua sản phẩm, tôi sẽ để lại với giá phải chăng”.

Nghệ nhân trẻ tuổi cho biết thêm, xưa kia làng nghề Chuôn Ngọ đã rất nổi tiếng. Hầu hết những sản phẩm của làng là khảm trai trên các khay trà trong triều đình và khảm trên những chiếc bàn tiệc của vua, chúa và hoàng hậu. Thời phong kiến, chỉ những người giàu có và các nhà nho mới có được những đồ khảm trai chứ không phải ai cũng có thể mua hoặc được tặng. Nhiều nhệ nhân của làng Chuôn Ngọ đã từng được triệu vào kinh thành Huế để làm đồ khảm cho nhà vua như Nguyễn Văn Phú, Lý Mục…

img_8194.jpg
Anh Nguyễn Đình Dũng đang hăng say chạm khắc bên sản phẩm khảm trai.

Thế kỷ 20 là hàng loạt nghệ nhân đã làm rạng danh nghề khảm trai Chuôn Ngọ, có thể kể đến nghệ nhân Cửu Phú, Nhiêu Mính, Phó Loan, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Nhiên, Trần Bá Chuyển, Nguyễn Văn Mỹ, Hoàng Văn Trinh, Nguyễn Nhật Tăng, Nguyễn Phú Bút, Phạm Văn Lộ, Trần Bá Luân...

Tinh hoa nghề Việt, sáng tạo và vươn ra thế giới

Trải qua hơn 1.000 năm, bước qua những thăng trầm, nghề khảm trai Chuôn Ngọ tưởng như bị mai một, nhưng các thế hệ thợ nghề tâm huyết vẫn bám trụ với nghề khảm trai. Hiện làng Chuôn Ngọ có hàng chục cơ sở sản xuất đồ khảm trai truyền thống, cùng lực lượng thợ nghề trong độ tuổi từ 30 – 50 chiếm đa số lên đến hàng trăm người.

img_8223.jpg
Anh Nguyễn Kỳ Tổ đang giới thiệu một số sản phẩm khảm trai do các thợ nghề của xưởng làm ra với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội.

Anh Nguyễn Kỳ Tổ đã có gần 15 năm làm nghề khảm trai, chia sẻ, đây là một nghề lắm công phu và là tinh hoa không chỉ của Việt Nam mà còn nổi tiếng thế giới. Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ khảm trai phải trải qua nhiều công đoạn chính gồm vẽ mẫu; cưa trai theo nét vẽ; đục gỗ; gắn trai vào gỗ; mài khảm, thể hiện đường nét; dùng bột đen làm rõ các chi tiết của bức tranh. Trong đó, việc cẩn xà cừ đòi hỏi thao tác liên hoàn ở trình độ rất cao: dựa theo nét vẽ, nghệ nhân sẽ đục gỗ và gắn nguyên liệu họa tiết lên đó. Sau khi cẩn tranh thì tỉa gọn, đánh bóng (mài khảm) rồi vẽ nét. Những bức khảm cổ nghệ nhân tự vẽ mẫu, về chữ Nôm hay Hán người thợ phải tìm đến các chuyên gia để nhờ viết.

Nghệ nhân trẻ tuổi Nguyễn Đình Dũng chia sẻ, lúc còn nhỏ thường trốn đi chơi với chúng bạn. Thấy vậy, bố mẹ “trói” đứa con trai nhỏ ở nhà bằng cách cho học nghề khảm trai truyền thống. Thời gian thoi đưa, anh Dũng có thêm niềm đam mê và có một nghề trong tay - khảm trai. “Người thợ giỏi phải kết hợp nhiều thứ, trong đó có hội họa, điêu khắc, đức tính cần cù, chịu khó”, anh Dũng chia sẻ, “có những bức tranh khảm trai phải làm đến 6 – 7 tháng mới hoàn thiện được. Từ việc cắt hình dán lên nền gỗ, sau đó đục gỗ để gắn trai xuống, chờ sơn khô đến công đoạn tỉa, mài. Tất cả là một quá trình đòi hỏi người thợ phải rất cẩn thận, tỉ mỉ mới làm được”.

img_8163.jpg
Qua đôi bàn tay tài hoa của người thợ làng Chuôn Ngọ, vỏ trai vô tri vô giác trở nên có hồn với phong cảnh làng quê Bắc Bộ xưa.
img_8260.jpg
Bức tranh Hai Bà Trưng đang trong quá trình hoàn thành.

Trước đây, sản phẩm khảm trai của làng nghề Chuôn Ngọ chủ yếu về hoành phi, câu đối trong nhà thờ, đình đền, trang trí họa tiết trên sập gụ, tủ chè hay làm theo tích xưa, tranh tường phỏng theo truyện Tam Quốc, những bộ “ tùng, trúc, cúc, mai”, tích “Tam cố Thảo Lư”, “Văn chương cầu hiền”... Nhưng để bắt kịp với sự phát triển của đời sống xã hội, sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ đã đa dạng, phong phú hơn rất nhiều.

Hiện nay, nghệ nhân làng Chuôn Ngọ sáng tạo nhiều dòng mẫu mã đa dạng, chế tác đồ trang trí, lưu niệm: hộp, khay trầu, ấm tích, câu đối, tranh phong cảnh, tranh truyền thần và bắt đầu kết hợp với dòng tác phẩm chạm nổi bằng xương ốc, trai mang tính kỹ thuật - mỹ thuật cao nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống. Anh Nguyễn Đình Dũng tự hào chia sẻ, qua đôi bàn tay của người thợ Chuôn Ngọ, những vỏ ốc, trai vốn vô tri vô giác có ở các vùng biển của Việt Nam và nhập từ Singapore, Malaysia, Indonesia đã được thổi hồn, làm nên nhiều sản phẩm gắn với văn hóa Việt, như tranh “Vinh quy bái tổ”, tích chợ xưa với cảnh buôn bán tấp nập, tranh “sĩ nông công thương”...

img_8214.jpg
Sản phẩm khảm trai của làng Chuôn Ngọ đã định vị được thương hiệu vì đường nét sắc xảo, phối màu đẹp...

Điểm nổi bật của kỹ thuật khảm trai Chuôn Ngọ là những mảnh trai không vỡ, luôn phẳng, được gắn xuống gỗ rất khít và chủ yếu làm theo phương pháp thủ công. Sản phẩm khảm trai của làng Chuôn Ngọ vì thế đã định vị được thương hiệu, thời gian qua không chỉ được người dùng trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu đi nhiều nước, nhất là thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan... vì đường nét sắc xảo, phối màu đẹp, rõ ràng và rất có hồn.

Rời khỏi làng Chuôn Ngọ khi đã quá trưa nhưng chúng tôi còn nghe tiếng cưa, đục, chạm khắc của người thợ vọng lại. Chúng tôi cảm nhận được khảm trai - tinh hoa nghề Việt trên đất Thăng Long đã, đang được người dân nơi đây gìn giữ, ngày đêm sáng tạo ra những sản phẩm mới, góp phần phát triển làng nghề truyền thống của Hà Nội vươn tầm cao mới./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Giang Văn Minh và những giai thoại rạng danh xứ Đoài
    Nằm dưới chân núi Tổ, vùng đất cổ Đường Lâm, xứ Đoài không chỉ nổi tiếng là nơi sinh ra vua Phùng Hưng (cuối thế kỷ thứ VIII) và vua Ngô Quyền (thế kỷ thứ X) mà còn được biết đến là quê hương của Thám hoa Giang Văn Minh - một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử ngoại giao của nước nhà, hồi cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII.
  • Tiếp thêm sức sống cho nghề truyền thống Thủ đô
    Là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng các làng nghề truyền thống, các nghệ nhân và người làm nghề truyền thống Hà Nội đang không ngừng sáng tạo trong công tác gìn giữ, bảo tồn các làng nghề. Sự sáng tạo không chỉ mang lại một diện mạo mới, một sức sống mới cho các làng nghề mà còn gợi mở những không gian trải nghiệm văn hóa mới cho người dân Thủ đô và du khách.
  • Khởi công xây dựng đền thờ Đức vua Ngô Quyền
    Sáng 26/6, Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khởi công dự án xây dựng đền thờ Đức vua Ngô Quyền tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh).
  • Trưng bày “Báo chí Huế trong dòng chảy Báo chí Cách mạng Việt Nam”
    Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Thành phố Huế phối hợp Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ, Sở Văn hoá Thể thao tổ chức Triển lãm trưng bày “Báo chí Huế trong dòng chảy Báo chí cách mạng Việt Nam”.
  • Hà Nội: Thêm 9 di tích được xếp hạng cấp thành phố
    Ngày 10/6, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2859/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
  • Công nhận hội Lim ở Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
    Hội Lim là nơi các giá trị lịch sử, tín ngưỡng và đặc biệt là Dân ca Quan họ Bắc Ninh được thực hành, bảo tồn và lan tỏa, thể hiện tính gắn kết bền chặt và tinh tế giữa các làng Quan họ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhìn lại nửa thế kỷ văn học nghệ thuật Việt Nam
    Ngày 27/6/2025, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo khoa học “Nhìn lại sự vận động, phát triển của VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025)”. Với 33 tham luận cùng nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi, hội thảo là dịp tổng kết quá trình phát triển của VHNT Việt Nam trong bối cảnh đất nước thống nhất, đổi mới và hội nhập, từ đó đưa ra các đề xuất nhằm phát triển VHNT trở thành thành tố quan trọng của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
  • “Con rối hát ngoài rừng xa”: Bước chuyển trong hành trình sáng tác của Khải Đơn
    Tác giả Khải Đơn từ lâu đã được biết đến như một cây bút sắc sảo trong địa hạt tản văn, ký và du ký với văn phong giàu chiều sâu nội tâm, sự cô đơn, bản dạng, ký ức và cảm thức di cư. Năm 2025, chị đánh dấu một bước chuyển mới táo bạo khi lần đầu tiên ra mắt độc giả ở thể loại truyện ngắn qua tác phẩm “Con rối hát ngoài rừng xa”. Sách vừa được Nhã Nam giới thiệu tới bạn đọc.
  • Giang Văn Minh và những giai thoại rạng danh xứ Đoài
    Nằm dưới chân núi Tổ, vùng đất cổ Đường Lâm, xứ Đoài không chỉ nổi tiếng là nơi sinh ra vua Phùng Hưng (cuối thế kỷ thứ VIII) và vua Ngô Quyền (thế kỷ thứ X) mà còn được biết đến là quê hương của Thám hoa Giang Văn Minh - một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử ngoại giao của nước nhà, hồi cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII.
  • Hà Nội “trách nhiệm, hành động” trong sắp xếp đơn vị hành chính, xây dựng tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
    Nhằm thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp của Thành phố hiệu quả, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI vừa thông qua Nghị quyết về điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp Thành phố năm năm 2025 tại kỳ họp thứ 24.
  • Bắc bộ có mưa kéo dài liên tiếp nhiều ngày tới
    Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện tại khu vực Bắc bộ đang có mưa rào và giông trên diện rộng. Dự báo, đợt mưa này sẽ duy trì và kéo dài đến ngày 2/7 tới đây.
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Khảm trai làng Chuôn Ngọ - Tinh hoa nghề Việt vươn tầm cao mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO