Văn hóa – Di sản

Làng nghề truyền thống Hà Nội: thăng hoa cùng văn hóa - sáng tạo để hội nhậpBài 1: Làng nghề Ngọc Than: Nơi lưu giữ giá trị văn hóa Việt   

Hải Quỳnh 30/06/2023 12:01

Đôi bàn tay khéo léo, đức tính cần cù, chịu khó, tỉ mỉ của những người thợ tại làng nghề chạm khắc gỗ Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Tp. Hà Nội) đã biến những thân gỗ vô tri vô giác thành các sản phẩm đẹp mắt, tinh xảo và đậm hồn Việt. Sản phẩm chạm khắc gỗ làng nghề Ngọc Than đã hiện diện ở khắp cả nước bởi đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Lời tòa soạn: Thăng Long – Hà Nội được mệnh danh là “đất trăm nghề”. Trải qua thăng trầm lịch sử, nhiều làng nghề truyền thống của Hà Nội vẫn đang đứng vững và thăng hoa theo thời cuộc, trong đó yếu tố văn hóa – lịch sử, sức sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân/người dân để làm ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo mang tính quyết định. Với các sản phẩm có chất liệu tre – biểu tượng của văn hóa Việt, người dân làng nghề mây tre đan Phú Vinh đã sáng tạo thêm nhiều mẫu hàng như đồ trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung… xuất khẩu đi nước ngoài. Giữ nét nghệ thuật độc đáo bóng, bền, đẹp, tinh xảo để làm điểm tựa, sản phẩm làng nghề sơn mài Hạ Thái đã có mặt tại Trung Quốc, Nhật Bản, Anh,... Đến làng nghề dát vàng quỳ Kiêu Kỵ, xưa chỉ làm trên gỗ, giờ phát triển thêm trên chất liệu đồng, đá, gốm sứ, nhựa composite vẫn đảm bảo độ bền đẹp vĩnh cửu. Tương tự, nghệ nhân làng khảm trai Chuôn Ngọ đã chế tác đồ trang trí, lưu niệm và bắt đầu kết hợp với dòng chạm nổi bằng xương ốc, trai cùng đường nét sắc xảo, phối màu đẹp, rõ ràng và rất có hồn sản phẩm đã vượt ra khỏi biên giới hình chữ S đến với người tiêu dùng Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan.... Tạp chí Người Hà Nội khởi đăng loạt bài “Làng nghề truyền thống Hà Nội: Thăng hoa cùng văn hóa - sáng tạo để hội nhập” để minh chứng làng nghề truyền thống của Thủ đô vẫn đang nỗ lực vươn mình bứt phá.

Sức sống một làng nghề

Từ hàng trăm năm nay, người làng Ngọc Than vẫn nổi tiếng với nghề chạm khắc gỗ truyền thống. Các sản phẩm ở đây được tạo ra bởi đôi bàn tay của những người thợ Ngọc Than đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước, ra đến cả biên giới và hải đảo. Người Ngọc Than làm quen với nghề từ rất sớm, trai tráng trong làng biết cầm cái cưa, cái đục từ khi mới chỉ hơn mười tuổi. Sau vài năm học nghề, những người thợ tuổi đời mười tám đôi mươi đã có thể tự mình hoàn thiện những sản phẩm chất lượng.

z4560313541102_227aac6697e4b28455f80ef4db18cdff.jpg
Chủ tịch Hội làng nghề chạm khắc gỗ Ngọc Than Đỗ Đình Thường đang trao đổi cùng anh Đỗ Đắc Tâm chạm khắc một bức tranh gỗ theo điển tích cổ.

Ông Đỗ Đình Thường, Chủ tịch Hội làng nghề chạm khắc gỗ Ngọc Than chia sẻ: “Tôi vào nghề từ khi còn rất trẻ. Cũng như nhiều thanh thiếu niên thời ấy, tôi từng trải qua thăng trầm với nghề. Từ chỗ chỉ làm những sản phẩm bình dân, giờ tôi phát triển những sản phẩm cao cấp theo nhu cầu của thị trường vừa làm tăng giá trị sản phẩm, vừa nâng cao thu nhập. Qua đó danh tiếng của làng nghề cũng được biết đến nhiều hơn. Không chỉ gia đình tôi mà người thợ Ngọc Than giờ đây cũng xác định những sản phẩm cao cấp chính là ưu tiên phát triển của làng nghề”.

Hiện tại, với khoảng 150 xưởng chạm khắc gỗ lớn, nhỏ, làng nghề đảm bảo việc làm thường xuyên và nguồn thu nhập ổn định cho khoảng hơn 600 lao động, mức thu nhập của những người thợ đạt từ 300.000 đến 500.000 đồng/1 lao động/1 ngày công, tùy theo tay nghề. Với người dân Ngọc Than, nghề chạm khắc gỗ không còn đơn giản chỉ là nghề để kiếm sống mà nghề đã trở thành một phần của lịch sử đáng tự hào.

Trong những năm gần đây, làng nghề chạm khắc gỗ Ngọc Than được biết đến nhiều hơn với những sản phẩm cao cấp được chạm khắc hoàn toàn thủ công có độ tinh xảo cao. Đặc biệt là các sản phẩm thờ cúng, trang trí như: hoành phi, câu đối, cuốn thư, cửa võng; những bức tranh khắc gỗ theo các điển tích xưa với nhiều kích cỡ cũng được người dùng khắp nơi tìm về Ngọc Than để đặt hàng. Rất nhiều công trình kiến trúc cổ bằng gỗ tự nhiên như đình, đền, chùa trên khắp cả nước cũng được những người thợ Ngọc Than phục dựng thành công.

z4560313575844_65efaa08a4d79fde84e0768d32ae992b.jpg
Một sản phẩm dân dụng cao cấp được đục hoàn toàn thủ công của anh Đỗ Đắc Tâm.

Khi được hỏi về bí quyết của nghề, ông Đỗ Đình Thường cho biết: “Thực tế chẳng có gì gọi là bí quyết đâu. Đối với nghề chạm khắc trên gỗ, người thợ trước hết phải có sự đam mê, đức tính cần cù, chịu khó, tỉ mỉ, khả năng quan sát để bắt chước rồi luyện cho đôi bàn tay trở nên khéo léo. Với những sản phẩm độc đáo hơn đòi hỏi người thợ phải có óc sáng tạo và cả một phần năng khiếu với nghệ thuật tạo hình để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao”.

Sản phẩm chạm khắc gỗ Ngọc Than không chỉ mang đậm văn hóa Việt được thể hiện qua các sản phẩm như: hoành phi, câu đối, cuốn thư, cửa võng, tượng phật; các bức tranh tứ linh: Long-ly-quy-phượng, tùng-cúc-trúc-mai,…; mà còn khẳng định sức sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa của người thợ nơi này qua nhiều sản phẩm độc đáo khác. Gần đây nhất phải kể đến tác phẩm “Vinh quy bái tổ” của hai anh em người thợ Bùi Trọng Lăng và Bùi Trọng Quân. Tác phẩm này đã xác lập 2 kỷ lục Việt Nam đó là bức tranh điêu khắc thủ công với chủ đề “Vinh quy bái tổ” trên gỗ liền khối lớn nhất Việt Nam (dài 8m33, cao 1m70, dày 16cm) và bức tranh khắc gỗ thủ công về chủ đề “Vinh quy bái tổ” có số lượng người nhiều nhất. Để hoàn thành được tác phẩm đồ sộ này phải cần đến 10 người thợ lành nghề làm trong 27 tháng. Ngoài 2 kỷ lục Việt Nam được xác lập, tác phẩm còn mang thông điệp ý nghĩa để gìn giữ và lưu truyền những giá trị văn hoá, những đức tính tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ xưa tới nay.

z4560360623623_41d7636499739a82fa0e4db00e170557(1).jpg
Một phần của tác phẩm "Vinh quy bái tổ" vừa xác lập 2 kỷ lục Việt Nam của hai anh em người thợ Bùi Trọng Lăng và Bùi Trọng Quân.

Để làng nghề cất cánh

Nói về tiềm năng phát triển của làng nghề, ông Thường chia sẻ, nghề chạm khắc gỗ thực tế chưa bao giờ mai một, trong đời sống và cả văn hóa của người Việt các sản phẩm được chạm khắc từ gỗ luôn được ưa chuộng bởi độ bền, đẹp theo thời gian. Đời sống vật chất càng nâng cao những yêu cầu chất lượng, mẫu mã của các sản phẩm chạm khắc từ gỗ càng đòi hỏi cao. Nói cách khác, tay nghề và sự sáng tạo của người thợ phải tỷ lệ thuận với đời sống xã hội để không lỗi thời. Chính vì quan niệm sống được với nghề thì sẽ giữ được nghề cho nên hiện tại đội ngũ thợ trẻ có tay nghề cao ở địa phương ngày càng nhiều. Đó là tín hiệu tích cực với nghề chạm khắc gỗ truyền thống Ngọc Than,

Nhiều năm qua thành phố Hà Nội và Chính phủ cũng đã có sự quan tâm đặc biệt đối với làng nghề chạm khắc gỗ Ngọc Than. Nhằm tạo những điều kiện tốt nhất để làng nghề phát triển theo định hướng bền vững, thân thiện, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án 24ha dành riêng cho làng nghề xây dựng khu nhà xưởng tập trung, vừa đảm bảo công tác xử lý chất thải, tách bụi ra khỏi khu dân cư, vừa để thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất và giới thiệu sản phẩm với khách hàng.

Chủ tịch Hội làng nghề chạm khắc gỗ Ngọc Than, ông Đỗ Đình Thường cho biết: “Làng nghề chúng tôi có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, không xa nội đô và liền kề với Đại lộ Thăng Long, đường trục chính kết nối đại lộ cũng được thành phố đầu tư xây dựng đã xong, xung quanh là các khu du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng nổi tiếng, là một điều kiện rất tốt phát triển mô hình du lịch làng nghề.

Tuy nhiên, để gìn giữ và phát triển triển làng nghề trên cơ sở gắn với du lịch nhằm phát huy tối đa hiệu quả việc giới thiệu những sản phẩm độc đáo thì cần có sự quan tâm hơn nữa từ các cơ quan chức năng. Cụ thể như, để thuận lợi cho việc thu hút khách và quảng bá sản phẩm chúng tôi mong muốn được thành phố tạo điều kiện cho một nơi có thể bố trí khoảng 50-100 gian hàng để trưng bày, giới thiệu sản phẩm, trình diễn nghề thì chắc chắn hiệu quả mang lại rất lớn. Từ xưa đến nay các nhà xưởng của làng nghề đều nằm xem kẽ trong khu dân cư hoặc tản mát đơn lẻ nên việc thu hút được khách đến tham quan là gần như không có”.

z4560313512337_90ca056700cac29e4ac70719f943dd8a.jpg
Dưới bàn tay tài hoa của người thợ Ngọc Than, những tác phẩm chạm khắc trên gỗ mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam được lưu giữ và truyền bá.

Trong giai đoạn tái cơ cấu và quy hoạch lại các làng nghề gắn với bảo vệ môi trường theo chủ trương của Đảng và Nhà nước thì các làng nghề nói chung và làng nghề chạm khắc gỗ Ngọc Than nói riêng sẽ có cơ hội để đề xuất những giải pháp tối ưu cho sự phát triển bền vững của mình. Thành phố Hà Nội cũng dành những quan tâm đặc biệt cho các làng nghề truyền thống có tiềm năng trên địa bàn, hàng năm đã có hàng trăm lớp đào tạo được thành phố mở ra để đào nghề miễn phí cho thanh thiếu niên nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề, trong đó có Ngọc Than.

Những người thợ chạm khắc gỗ Ngọc Than với đức tính cần cù, đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo không giới hạn của mình đã và đang tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị cao. Những sản phẩm này không chỉ góp phần làm giàu thêm về vật chất cho người thợ Ngọc Than mà còn góp phần lưu giữ và truyền bá những bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ sau thông qua những tác phẩm mang đậm hồn Việt trên từng thớ gỗ./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Làng nghề Ngọc Than: Nơi lưu giữ giá trị văn hóa Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO