Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho biết, Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quận Hà Đông triển khai, nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động văn hóa với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo đó, các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra được thực hiện đầy đủ, toàn diện và hiệu quả.
Đến năm 2020, tỷ lệ Gia đình văn hóa trên địa bàn quận đạt 90,2%; tỷ lệ Tổ dân phố văn hóa đạt 80,4%; đã có 92/142 di tích trên địa bàn được xếp hạng.
Cũng theo bà Phạm Thị Hòa, quận hiện có 201/250 tổ dân phố có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Hệ thống công viên và các tụ điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn quận cũng được mở mang, phát triển với 2 vườn hoa, 3 sân vận động, hơn 40 sân bóng mi ni, 126 sân cầu lông, 31 bể bơi, 51 điểm được lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời..., góp phần tạo thêm không gian vui chơi, rèn luyện cho nhân dân.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Hà Đông là đơn vị đầu tiên Thường trực HĐND thành phố tổ chức giám sát, vì quận có vị trí quan trọng, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, có tốc độ đô thị hóa cao, dân số tăng nhanh, kéo theo đó nhiều vấn đề đặt ra trong lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Khẳng định Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND của HĐND thành phố đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác quy hoạch và phát triển văn hóa trên địa bàn thành phố, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận, đánh giá cao quận Hà Đông đã nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản của thành phố, chủ động xây dựng, ban hành nhiều kế hoạch, chương trình với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tới các phòng, ban, ngành, UBND các phường để tổ chức thực hiện đồng bộ trên địa bàn. Công tác quản lý, sử dụng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đã được quận quan tâm, chú trọng; các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, khai thác, quản lý theo hướng đồng bộ, chất lượng ngày càng nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, quận đã quan tâm đầu tư, bố trí hơn 800 tỷ đồng cho công tác phát triển văn hóa; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch văn hóa.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị thời gian tới, quận Hà Đông tiếp tục xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị tại địa phương. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ quy hoạch và phát triển văn hóa, quận cần rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch văn hóa của địa phương; lồng ghép nội dung quy hoạch phát triển văn hóa trong các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quận cho phù hợp.
Để gắn phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 và hằng năm, quận cần chú trọng xây dựng các mục tiêu, giải pháp về kinh tế gắn với phát triển văn hóa; chỉ đạo ngành văn hóa và thông tin quận hoàn thành công tác kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng di tích trên địa bàn, làm cơ sở xây dựng các kế hoạch hoạt động nghiệp vụ như xếp hạng, cắm mốc giới, sưu tầm bổ sung hồ sơ tư liệu di tích, tu bổ tôn tạo di tích và các hoạt động phát huy giá trị.
“Quận cần gắn kết việc bảo tồn di tích, làng nghề truyền thống với phát triển du lịch tại làng lụa Vạn Phúc, làng rèn Đa Sỹ, làng mộc Thượng Mạo…; phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án hạ tầng tổng thể làng lụa Vạn Phúc”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, quận Hà Đông cũng cần tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực từ ngân sách cho văn hóa; bảo đảm tỷ lệ đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách của quận ổn định và ngày càng tăng; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa.
* Trước khi làm việc với UBND quận Hà Đông, Đoàn đã khảo sát thực tế về quy hoạch phát triển văn hóa tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc.