Làng nghề tò he Xuân La là cái nôi sản sinh và hội tụ những nghệ nhân tò he hàng đầu đất nước, đang thầm lặng giữ gìn và phát triển tò he. Không chịu khoanh tay đứng nhìn làng nghề ngày càng mai một, những nghệ nhân và những người tâm huyết với nghề tò he Xuân La luôn ý thức được giá trị văn hóa tinh thần của những con tò he, đã tìm mọi cách để khôi phục lại nghề của làng.
Để duy trì CLB ngày càng phát triển, các thành viên trong CLB thường xuyên tổ chức sinh hoạt định kỳ và động viên những người làm nghề lâu năm, có tâm huyết trong làng tham gia vào CLB; đồng thời thường xuyên tổ chức truyền dạy các lớp cho thế hệ trẻ sau này kế tiếp nghề truyền thống của làng.
Tháng 10/2010, nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, người dân làng Xuân La đã mang đến 3 sản phẩm tò he được công nhận là kỷ lục Việt Nam. Đó là con rồng thời Lý nặng 300kg, con rùa nặng 250kg và mâm ngũ quả nặng 25kg để quảng bá thương hiệu làng nghề truyền thống Xuân La. 3 sản phẩm kỷ lục này đã được rước tại công viên Bách Thảo để tham dự Lễ kỷ niệm làng nghề phố nghề Thăng Long Hà Nội.
Từ đó đến nay, các lễ hội vinh danh làng nghề của huyện, của các xã Chuyên Mỹ, Phú Yên, Phú Túc, gian hàng tò he và biểu diễn nghề nặn tò he của người Xuân La đều có sức hấp dẫn đặc biệt với người trong huyện và khách thập phương. Đồng thời, để được nhiều người đón nhận hơn, các nghệ nhân đã tìm tòi, thử nghiệm, tích cực sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới để cạnh tranh với các đồ chơi hiện đại như: Tò he được đặt trang trí trên mẹt tre, lọ gốm, các sản phẩm áp dụng trong học đường, đồ dùng học tập mẫu giáo…
Bên cạnh đó, nhằm “giữ lửa” cho làng nghề, các nghệ nhân đã tổ chức các lớp truyền dạy nghề cho lớp trẻ để nghề truyền thống của làng không bị mai một. Bằng sự nỗ lực đáng kể, hơn 20 năm trở lại đây, tò he Xuân La về cơ bản đã được phục dựng và từng bước tìm được chỗ đứng trong đồ chơi Việt.
Phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là việc mở rộng quy mô sản xuất mà còn là việc tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm văn hóa truyền thống. Xuân La có đến 80% người dân biết nặn tò he. Nghệ nhân vẫn sống được bằng nghề với thu nhập bình quân 8 đến 10 triệu/tháng. Địa phương cũng đã có đề xuất UBND huyện Phú Xuyên quy hoạch vị trí, phấn đấu tới đây Phượng Dực có điểm du lịch làng nghề, trong đó tò he là nghề chủ đạo, Ông Đặng Huy Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Dực cho biết.
Hiện nay, nghề nặn tò he ở Xuân La không chỉ được biết đến trong nước mà còn được đi quảng bá ở nhiều nước trên thế giới như: Năm 2003, nghệ nhân Đặng Văn Tố đã mang tò he sang nước Nhật để trình diễn, quảng bá nét đẹp văn hoá Việt Nam; năm 2005, nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận cũng mang tò he sang tham dự Tuần văn hoá Việt - Mỹ; năm 2012, tại chương trình giao lưu nghệ nhân các nước ASEAN ở Thái Lan, nghệ nhân Nguyễn Văn Thành đã nặn tò he chân dung, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Và gần đây nhất, vào năm 2023, nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã tham gia trình diễn và giới thiệu nghề nặn Con giống bột tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể dành cho trẻ em thế giới (World Children’s Festival for Intangible Cultural Heritage) tại Hàn Quốc…
Cùng đó, sau khi được Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội tạo điều kiện, ngày cuối tuần khi phố đi bộ quanh Hồ Gươm hoạt động, các gian hàng tò he muôn màu muôn vẻ lại được dịp “khoe sắc” tại một góc phố đối diện đền Ngọc Sơn. Không chỉ bán các sản phẩm tại phố đi bộ, trẻ em và du khách còn được trải nghiệm tự tay nặn tò he với sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Hoạt động này đã góp phần giữ gìn và quảng bá nét đẹp văn hóa dân gian tò he cho người dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước. Có một “vị thế” vững chắc hơn so với nhiều làng nghề truyền thống khác tại Hà Nội, tuy nhiên, nghệ nhân tại Xuân La vẫn mong muốn, hướng tới việc được phát huy hết giá trị, tiềm năng của tò he./.
Chúng tôi mong rằng làng Xuân La sẽ là điểm đến trải nghiệm tò he của mọi người. Bởi vậy, ước muốn lớn nhất của các nghệ nhân là được sự giúp đỡ của chính quyền, cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu, tìm ra biện pháp giúp duy trì, phát triển sản phẩm tò he, để trò chơi dân gian truyền thống này không bị mai một và mất đi, để tò he có thể thực sự hoà nhịp vào dòng chảy công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Nghệ nhân Đặng Văn Tẫn
Nội dung & Thiết kế: Tô Ngọc Oanh