Tầm nhìn và tư duy mới
Tầm nhìn và tư duy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển văn hóa với vai trò là một nền công nghiệp sáng tạo. Điều này được chứng minh từ thực tế qua những mô hình dù còn khiêm tốn về quy mô. Chẳng hạn, "Mô hình du lịch từ cây lúa" - một gợi ý cho phát triển du lịch làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) do Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững đề xuất, đã thu về lượt xem ấn tượng chỉ sau vài giờ ra mắt trên kênh giới thiệu chính thức của cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội. Sự kiện do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Tạp chí Kiến trúc Việt Nam phát động từ tháng 10-2020 và tổ chức lấy ý kiến bình chọn rộng rãi trong cộng đồng vào cuối tháng 7 vừa qua. Người xem không khỏi thích thú trước những giải pháp giàu tính sáng tạo, hứa hẹn mang lại lợi ích đa chiều; từ tôn vinh truyền thống văn hóa, phát huy nguồn lực địa phương đến tăng sức hút cho điểm đến di sản, nếu đề xuất được triển khai.
Một ví dụ khác là "Con đường văn hóa nghệ thuật" của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế ADA, với phương án táo bạo, song cũng đầy khả thi là biến các vòm cầu phố cổ thành những không gian văn hóa, nghệ thuật, điểm đến thú vị cho cộng đồng thỏa sức thể nghiệm đam mê sáng tạo.
Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội cho biết: "Cuộc thi thu hút đa dạng sáng kiến, đề xuất, từ tái sinh các công trình công nghiệp sau di dời; khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng công cộng... đến phát huy giá trị kiến trúc, quy hoạch truyền thống. Nhiều ý tưởng và giải pháp tổ chức độc đáo, tạo dựng được ấn tượng, thu hút cộng đồng bằng việc khai thác bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa của Hà Nội". Từ một "sân chơi" thử nghiệm, cuộc thi là dẫn chứng sinh động cho nhịp đập sáng tạo không ngừng của thành phố, có thể mang lại những lợi ích to lớn, như: Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; duy trì và tạo ra bản sắc, sự hấp dẫn cho đô thị, nếu biết phát huy tối đa nguồn năng lượng ấy.
Là điểm sáng trên "bản đồ" phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám với những sản phẩm trải nghiệm lịch sử, văn hóa sáng tạo, hấp dẫn và giàu tính giáo dục, luôn được nhiều chuyên gia văn hóa, đơn vị lữ hành đề xuất nhân rộng mô hình. Theo Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý, ở mảng di sản văn hóa, Hà Nội có hai tiềm năng lớn cho phát triển công nghiệp văn hóa là di sản tư liệu và di sản ký ức. Những chương trình trải nghiệm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang phát huy được thế mạnh này từ di sản tư liệu 82 bia tiến sĩ tại đây. Kho tàng di sản đồ sộ và phong phú với rất nhiều đề tài văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của Hà Nội vẫn đang chờ đợi các ngành công nghiệp văn hóa khai thác để tỏa sáng.
Ở điểm nhìn khác, Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, nguồn nguyên liệu sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật chất lượng, xứng tầm chính là kho tàng lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội. "Điều quan trọng là đầu tư cho công nghiệp biểu diễn phát triển; có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho người nghệ sĩ được thăng hoa, sáng tạo nhiều hơn nữa...", Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu nhận định.
Để thúc đẩy công nghiệp văn hóa trên nền tảng sáng tạo, việc đổi mới cơ chế, chính sách có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi thực tế cho thấy, đây là một trong những rào cản lớn nhất. Từ thực tế phát triển của ngành điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan đề xuất, thành phố cần có những định hướng lớn về cơ chế, chính sách để khuyến khích điện ảnh phát triển, như: Định hướng sáng tạo điện ảnh lấy con người làm trung tâm; gắn phát triển ngành công nghiệp điện ảnh với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội... Hà Nội cũng cần có chiến lược phù hợp và hiệu quả cho việc sản xuất phim, như: Thu hút các hãng phim nước ngoài đến làm phim; phát triển đội ngũ làm phim; củng cố thương hiệu điện ảnh Hà Nội cho từng giai đoạn...
Nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách tích cực, như: Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; Đề án đánh giá, đề xuất các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...
Thủ đô Hà Nội phải là một không gian sáng tạo lớn
Là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa dân tộc; là "Thủ đô nghìn năm văn hiến", "Thủ đô Anh hùng", "Thành phố Vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo", Hà Nội đã và đang hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế từ nguồn tài nguyên văn hóa; nguồn lực "dân số vàng" cùng tiến trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ để phát triển. Điều này đặt ra cho thành phố trọng trách lớn lao, làm sao thực sự xứng đáng là trung tâm văn hóa lớn, tiêu biểu của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô.
Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo Lê Quốc Vinh, trước mắt, Hà Nội cần xây dựng, củng cố một tầm nhận thức và tư duy mới trong cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và đặc biệt những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật về công nghiệp văn hóa cùng sự cần thiết phát triển công nghiệp văn hóa như một ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Nghiên cứu, lựa chọn ngành nghề có trọng tâm, xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo "cú hích" cho công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo phát triển.
"Chính quyền cần trở thành "bà đỡ" cho những ngành nghề có tiềm năng. Vai trò của "bà đỡ" ở đây bao gồm cả sự cởi mở với các ý tưởng mới, sự bao dung, khuyến khích sáng tạo và đầu tư phát triển nguồn nhân lực sáng tạo. Trên hết, nếu Hà Nội đã định hướng phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo, thì thành phố phải trở thành một không gian sáng tạo lớn; nhân dân, những người sống và yêu Hà Nội, những người khách từ bên ngoài phải được trải nghiệm không khí sáng tạo lan tỏa, thấm đẫm; được tôn trọng trong mọi hoạt động, mọi ngành nghề, cho dù đó là du lịch văn hóa, ẩm thực, thời trang, hay là thủ công mỹ nghệ", ông Lê Quốc Vinh kiến nghị.
Từ góc độ nhà quản lý, Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Bùi Hoài Sơn cho rằng, phát triển công nghiệp văn hóa, trước hết phải coi sản phẩm văn hóa như bao hàng hóa khác, tức là phải đáp ứng nhu cầu thị trường, phải có kỹ năng kinh doanh, phải xây dựng thương hiệu... Một điều quan trọng khác, việc quản lý văn hóa phải rõ ràng, nhất quán, tránh gây khó cho những người sáng tạo. Cũng theo ông Bùi Hoài Sơn, cần đưa ra một số quy tắc rõ ràng về biểu đạt liên quan đến "vùng cấm", như: Xuyên tạc lịch sử, đả phá chế độ, bôi xấu người khác, thuần phong mỹ tục... để người sáng tạo biết và không làm ảnh hưởng quyền lợi cộng đồng, không xâm phạm lợi ích của người khác. Ngoài một số quy tắc đó, giới sáng tạo được tự do sáng tác, bởi muốn phát triển văn hóa phải tạo điều kiện tối đa cho mọi sáng tạo, mọi tiềm năng tài năng của con người được thể hiện.
Ở góc độ khác, Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Ngọc Lân (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, cần tạo cơ sở hạ tầng có các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó việc chuyển đổi các công trình công nghiệp thành không gian văn hóa sáng tạo là một giải pháp đa lợi ích, góp phần lưu giữ ký ức, tạo ra bản sắc, sức hấp dẫn mới cho đô thị. Trong khi đó, PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo) đề xuất, đưa giáo dục - đào tạo trở thành một phần trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa tại Hà Nội. "Thành phố cần ban hành chương trình giáo dục hướng tới phát triển tư duy sáng tạo, tư duy thiết kế. Có thể đặt mục tiêu trong một năm học, mỗi học sinh sẽ thiết kế một sản phẩm sáng tạo, từ đó tạo ra hệ sinh thái với các dự án học tập, triển lãm, thực hành, kết nối sáng tạo thực sự", PGS.TS Chu Cẩm Thơ đề xuất.
Với vị thế là Thủ đô, trong nhiều năm qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách cởi mở cho phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng, song kết quả chưa được như kỳ vọng. Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, thực tế này đòi hỏi thành phố tiếp tục có những giải pháp căn cơ, bài bản hơn nữa để đổi mới tư duy, nhận thức, hình thành các cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, thành phố cần có một chiến lược phát triển văn hóa riêng, phù hợp với giai đoạn mới để dẫn hướng, tạo động lực thúc đẩy cộng đồng chung tay xây dựng văn hóa người Hà Nội và một nền công nghiệp văn hóa Hà Nội thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn.
(Còn nữa)
Trưởng đại diện Chương trình hợp tác giữa vùng Ile-de-France và thành phố Hà Nội Emanuel Cerise:
Hà Nội cũng giống như vùng Ile-de-France, tiềm năng về phát triển văn hóa không chỉ tập trung trong khu vực đô thị trung tâm. Sông Hồng có thể trở thành trục không gian văn hóa nối các không gian văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với du lịch đường sông, du lịch sinh thái ven sông. Các làng nghề của Hà Nội có thể trở thành cơ sở phát triển các sản phẩm sáng tạo, trong khi các di tích tôn giáo và văn hóa ở ngoại thành là cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch, phục vụ khách nội địa và quốc tế.