Sự kiện & Bình luận

Đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

Minh Nhật 08:49 27/07/2025

Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là cần thiết và cần bảo đảm công bằng, thích ứng với biến động giá cả.

lb.jpg
Người nộp thuế giao dịch tại bộ phận “một cửa” Thuế cơ sở 12 (Thuế thành phố Hà Nội).

Bộ Tài chính vừa đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo hai phương án. Phương án 1, với người nộp thuế là 13,3 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng/tháng. Phương án 2, với người nộp thuế là 15,5 triệu đồng/tháng và với mỗi người phụ thuộc là 6,2 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ mới áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026. Theo chuyên gia, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là cần thiết và cần bảo đảm công bằng, thích ứng với biến động giá cả.

Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến trước khi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án điều chỉnh mức giảm trừ để cấp thẩm quyền xem xét.

Phương án 1, điều chỉnh theo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). CPI lũy kế từ năm 2020 đến năm 2025 tăng khoảng 21,24%. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng. Phương án này đúng theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, bám sát phương diện cơ sở áp dụng các khoản giảm trừ theo nhu cầu thiết yếu cuộc sống và mức trượt giá từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020).

Phương án 2, căn cứ theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người năm 2025 so với năm 2020, Bộ Tài chính đề xuất mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên 15,5 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên khoảng 6,2 triệu đồng/tháng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 12.000 tỷ đồng theo phương án 1 và 21.000 tỷ đồng theo phương án 2. Tuy nhiên, thu ngân sách nhà nước có thể được bù đắp một phần từ số tăng thu của các sắc thuế tiêu dùng khác do thu nhập khả dụng của người nộp thuế tăng.

Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) cũng đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án sửa đổi biểu thuế, theo hướng giảm số bậc và nới rộng khoảng cách thu nhập. Phương án 1, thu nhập tính thuế được chia thành 5 bậc: Phần thu nhập tính thuế đến 10 triệu đồng/tháng áp dụng thuế suất 5%; thu nhập từ trên 10 đến 30 triệu đồng chịu thuế suất 15%; trên 30 đến 50 triệu đồng là 25%; trên 50 đến 80 triệu đồng là 30%; trên 80 triệu đồng áp dụng thuế suất 35%.

Phương án 2, vẫn là 5 bậc thuế nhưng điều chỉnh lại khoảng cách thu nhập theo hướng nới rộng hơn ở các bậc cao. Cụ thể, thu nhập tính thuế đến 10 triệu đồng/tháng chịu thuế suất 5%; thu nhập trên 10 đến 30 triệu đồng áp thuế 15%; trên 30 đến 60 triệu đồng áp mức 25%; trên 60 đến 100 triệu đồng là 30%; trên 100 triệu đồng chịu thuế suất 35%./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO