Văn hóa – Di sản

Diễn xướng dân gian - tập quán xã hội bất biến trong đời sống văn hóa Thủ đô: Bài 3: Phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng người Mường trên đất Thăng Long

Hoa Quỳnh - Hải Truyền 23/07/2023 07:46

Với người dân tộc Mường, cồng chiêng là một loại nhạc khí dân tộc, là bảo vật và là biểu tượng văn hóa. Tại Hà Nội, đồng bào dân tộc Mường xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) lưu giữ nét đẹp văn hóa cồng chiêng, góp phần phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc Mường trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Sức sống mới khi về với Hà Nội

Tiến Xuân là xã miền núi có hai dân tộc Kinh và Mường cùng sinh sống, trong đó người Mường chiếm khoảng 70%. Trước kia, xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, đến ngày 1/8/2008, Tiến Xuân sáp nhập vào Thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội.

15 năm đi qua, từ khi tách khỏi huyện Lương Sơn để trở thành “công dân Hà Nội”, xã Tiến Xuân đã đổi thay tích cực về mọi mặt. Nhưng dù xã hội có phát triển đến đâu, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lớn mạnh thế nào thì đồng bào dân tộc Mường nơi này vẫn ý thức được việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa. Nổi bật nhất là văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường tại xã Tiến Xuân đã, đang được bảo tồn, gìn giữ và phát triển.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân giới thiệu về nhạc lý, nét đặc sắc của cồng chiêng dân tộc Mường với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội.

Theo nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn (72 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân, từ khi cất tiếng khóc chào đời, người Mường xã Tiến Xuân đã được nghe tiếng cồng chiêng trong lễ hội, ngày tết, đám cưới, mừng được mùa, mừng nhà mới, tiếng chiêng trẩy hội tòng quân, trong sinh hoạt cộng đồng… Thời phong kiến, cồng chiêng người Mường thường phục vụ cho việc tế lễ, cung tiến lễ vật cho các nhà Lang. Tiếng chiêng cũng được dùng để tế lễ trong đám tang, đưa người đã mất về với tiên tổ.

Sau này, đất nước đổi mới, tiếng cồng chiêng gắn với đời sống thường nhật của người dân bản địa, sử dụng trong rất nhiều hoạt động như ngày lễ tết truyền thống, các chương trình của nhiều ban ngành, sự kiện hội họp. Đặc biệt, tại chương trình văn nghệ bất kỳ của địa phương, cồng chiêng của người Mường luôn là phần trình diễn mở màn. Trong quan niệm của người Mường xã Tiến Xuân nói riêng, hội nào thiếu tiếng cồng chiêng, hội ấy không to, hoặc trong ngày vui hạnh phúc lứa đôi, không có tiếng cồng chiêng, ngày ấy kém vui. Vì thế, cồng chiêng trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường nơi đây.

“Người Mường ở Thạch Thất nói chung và xã Tiến Xuân nói riêng, trước kia rất muốn thực hành cồng chiêng. Tuy nhiên nhiều năm liền người dân không có vật thể (cồng chiêng) để thực hành. Nhớ lúc còn bé, cả làng tôi chỉ một gia đình có bộ cồng chiêng.

Đến khi xã nhập vào Thủ đô, với sự quan tâm kịp thời, tận tâm của Thành phố Hà Nội cũng như chính quyền huyện Thạch Thất, người dân xã Tiến Xuân đã có cơ hội được thực hành trình diễn cồng chiêng. Hiện các thôn trong xã đều được chính quyền huyện cấp cho một bộ cồng chiêng để tập luyện, tham gia các chương trình giao lưu, hội thi và các sinh hoạt cộng đồng”, nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn, chia sẻ.

Âm vang, bản sắc cồng chiêng

Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn cho biết thêm, văn hóa cồng chiêng của người Mường xã Tiến Xuân không khác gì so với người dân tộc Mường cả nước nói chung. Song cồng chiêng của dân tộc Mường được chú ý vì vật thể mang lại âm vang, thể hiện nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của người Mường.

z4576148507775_c81eb566a1b3efe6dd414f80a7f9e5d9.jpg
img_8081.jpg
Bộ cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường có cấu trúc từ bé đến lớn và có tổ hợp âm sắc khác nhau.

Một bộ cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường gồm 12 chiếc, có cấu trúc từ bé đến lớn và có tổ hợp âm sắc khác nhau, từ cung trầm đến cung bổng. 12 chiếc cồng chiêng tượng trưng cho 12 tháng no đủ trong năm, tạo nên vòng quay tự nhiên bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Qua quá trình thực hành và nghiên cứu về nhạc lý, nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn đánh giá, âm sắc cồng chiêng cũng tuân theo những nhạc lý hiện đại với các nốt như Đồ, Rê, Mi, Sol, La… chứ không chỉ đơn thuần tiếng chiêng kêu “pùng, bính, boong” như mọi người vẫn nghe. Khi hiểu được nhạc lý, người thực hành thuần thục 12 chiếc cồng chiêng sẽ tạo nên bản giao hưởng trầm, bổng lay động lòng người.

Hơn thế, cồng chiêng đồng bào dân tộc Mường cũng khác với cồng chiêng Tây Nguyên. Nếu đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên chủ yếu dùng tay đánh trực tiếp lên bề mặt cồng chiêng, âm điệu cồng chiêng thể hiện sức mạnh, sự cuồng nhiệt thì với người Mường là sự dịu dàng, đằm thắm, ý nhị và sâu sắc của những cô gái trong trang phục truyền thống áo, váy dân tộc.

Theo nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn, hiện đồng bào dân tộc Mường xã Tiến Xuân cũng như huyện Thạch Thất còn lưu giữ được các bài cồng chiêng cổ như bài Bông trắng bông vàng, Xắc bùa... Mỗi bài đều là những phản chiếu tâm tư tình cảm của người dân xứ Mường trong cuộc sống, lao động tình yêu và gia đình. Bông trắng bông vàng là bài cồng chiêng với sự rộn ràng dùng để chúc tụng trong ngày Tết, hay mừng hội xuống đồng, khách đến nhà, hoặc dùng nhạc đệm khi nói, hát ví của dân tộc Mường. Còn bài Xắc bùa lại có nhịp chậm, trầm hùng, được sử dụng trong ngày hội, nghi lễ trang trọng của người Mường. Người thực hành cồng chiêng cũng phải khéo léo, biết kỹ thuật “đánh” thì mới tạo nên bản hòa tấu đúng nghĩa.

Đi cùng năm tháng

Nhằm bảo tồn và phát huy được các giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Mường, UBND huyện Thạch Thất đã thực hiện Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, huyện Thạch Thất, giai đoạn 2016- 2020”. Đến nay, Đề án đã thu về nhiều kết quả tốt đẹp, trong đó 100% các thôn trong 3 xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung được trang bị một bộ cồng chiêng. Từ đó rất nhiều người được thực hành cồng chiêng, hiểu được giai điệu của đồng bào dân tộc mình.

img_8106.jpg
"Cồng chiêng bền bỉ đi cùng năm tháng, không bao giờ mất đi", nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn khẳng định.

Với xã miền núi Tiến Xuân, nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn cho biết, từ năm 2010 bà đã được chọn để truyền dạy cồng chiêng cho người dân trong xã, tiếp đến truyền dạy cho các xã bạn. Năm 2014, xã Tiến Xuân thành lập CLB Cồng chiêng và hát múa dân gian, đã tập hợp được đông đảo người dân tộc Mường tham gia sinh hoạt.

Từ năm 2017, huyện Thạch Thất triển khai chương trình truyền dạy cồng chiêng tại các xã miền núi trên địa bàn cho các em học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Cùng với việc dạy theo phương pháp cô đánh mẫu, trò thực hành theo, nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn dạy mọi người những kiến thức nhạc lý cơ bản, như nốt trên bản nhạc và tương ứng với âm trên từng chiếc cồng chiêng.

“Rất mừng vì người nắm giữ, thể hiện được cồng chiêng dân tộc Mường rất nhiều. Bây giờ, kể cả trẻ con cũng thích học thực hành cồng chiêng”, nữ nghệ nhân ưu tú đã qua tuổi 70 giọng đầy phấn khởi. Ngoài ra, CLB Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân thời gian qua đã đi nhiều nơi, tham gia biểu diễn phục vụ công chúng ở các khách sạn, resort... khi có nhu cầu. Không chỉ biểu diễn hai bài chiêng cổ Bông trắng bông vàng, Xắc bùa vì thời gian ngắn, CLB Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân trình diễn thêm các bài hát múa, hát ví dân tộc Mường trên nền nhạc cồng chiêng, được nhiều người yêu thích và đánh giá cao.

“Tôi dự định sau vụ lúa này, CLB Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân sẽ tổ chức một buổi giao lưu để mọi người tiếp tục được bồi đắp tình yêu với văn hóa truyền thống, hơn nữa đưa nền văn hóa dân gian dân tộc Mường của Hà Nội phát triển như các địa phương khác”, nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn cho biết./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng người Mường trên đất Thăng Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO