Văn hóa – Di sản

Diễn xướng dân gian - tập quán xã hội bất biến trong đời sống văn hóa Thủ đô: Bài 2: Hát trống quân - diễn xướng dân gian “hiếm có khó tìm” của Hà Nội

Quỳnh Nguyễn 20/07/2023 07:44

“Thuở bé tôi đã được mẹ hát cho nghe và dạy những làn điệu trống quân. Rồi nhờ hát trống quân tôi có được chồng”, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy (87 tuổi) – “tư liệu sống” hát trống quân xã Khánh Hà (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội.

Đậm đà bản sắc văn hóa

Hát trống quân có ở nhiều địa phương như Hưng Yên, Phú Thọ, Bắc Ninh... Cách hát xướng, làn điệu ở các tỉnh, thành gần như tương đồng, sử dụng một loại trống để đánh nhịp khi hát và đoạn “Lưu không” giữa những câu đối đáp. Đối với Thủ đô, hát trống quân xã Khánh Hà là nổi tiếng nhất, hiếm có khó tìm nhất. Vì thế loại diễn xướng này đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là “địa chỉ văn hoá dân gian”.

“Trong hát trống quân có rất nhiều làn điệu như cò lả, hát giao duyên, hát đối, hát họa hoa, họa về trời đất, hát gọi, hát sa mạc... Hàng trăm bài trống quân được sưu tầm và sáng tác với các nội dung khác nhau về mọi mặt của đời sống, đã tạo nên một kho tàng quý giá”, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hà kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát trống quân xã Khánh Hà Lê Văn Ba, chia sẻ.

trong-quan-5.jpg
Thành viên CLB hát trống quân xã Khánh Hà trong một tiết mục diễn xướng trống quân. (Ảnh: NVCC).

Tương truyền, hát trống quân xuất hiện vào đời nhà Trần, thời binh sĩ khi giải trí ngồi thành hai hàng đối nhau, một bên là “Hát xướng”, một bên là “Hát đáp”, khi hát gõ vào tang trống để làm nhịp. Tang trống sau này trong hát trống quân chuyển sang “trống thùng” dẫn nhịp. Xưa kia, trống thùng làm bằng hai cọc tre cao khoảng một mét và một thanh tầm vông gác ngang. Giữa thanh tầm vông đặt một thanh tre vuông góc, một đầu chống lên một miếng ván mỏng được đặt hờ trên một hố đất nhỏ. Khi đối đáp, bên nào hát dứt câu thì đánh vào trống thùng (phần dây nơi đầu cọc hoặc đầu thanh tầm vông) để làm nhịp “Lưu không”, vừa để thúc giục phe bên kia hát đáp lại.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy, “cây đại thụ” của hát trống quân xã Khánh Hà chia sẻ, hát trống quân là một dạng hát nói, hát kể nương theo niêm luật và thanh điệu bằng trắc. Các điệu hát trống quân chủ yếu là thể lục bát, song thất lục bát hoặc thất ngôn bát cú biến thể. Khi diễn xướng trống quân, người hát phải biết “phát tiếng”, “nhả lời”, chuyển âm tạo điệu. Các bài hát trống quân thường có chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, lao động sản xuất, tình yêu đôi lứa, các điển tích văn học...

Tham gia hát trống quân là nhóm nam và nữ từ 5 đến 7 người. Nam mặc quần áo nâu tươi, đầu quấn khăn lưỡi rìu. Nữ mặc yếm đào bên trong, áo cánh nâu bên ngoài, thắt lưng hoa đào, hoa lý, váy nâu hoặc đen. Loại hình diễn xướng này vừa mang đậm nét dân dã, mộc mạc của làn điệu, âm nhạc vừa thể hiện sự trí tuệ, tài hoa, linh hoạt trong sử dụng ngôn từ, câu chữ.

Hát trống quân được diễn xướng theo hai hình thức. Một là mang tính thi thố, đối đáp (thường gọi là đám hát). Hai là sinh hoạt tự do, diễn xướng ở mọi lúc mọi nơi và thuộc về những cá nhân đơn lẻ nhằm mục đích giải trí khi lao động. Tại xã Khánh Hà, hát trống quân còn được vận dụng để nói lên tiếng lòng của mình, vào những đêm trăng thanh gió mát, các nhóm trai gái mượn bờ sông Tô Lịch và sông Nhuệ để thi tài và chọn một nửa của yêu thương. Từ xưa, nhiều người hát trống quân tại Khánh Hà đã nên duyên vợ chồng hoặc người hát lấy được chồng/vợ.

Bảo tồn di sản từ sớm

Nhận thấy giá trị văn hóa và tinh thần của làn điệu hát trống quân trong cộng đồng dân cư, chính quyền xã Khánh Hà đã có định hướng bảo tồn và phát huy những giá trị của loại hình diễn xướng độc đáo này.

Năm 2008, CLB hát trống quân xã Khánh Hà được thành lập. Ban chủ nhiệm CLB đã đến từng nhà sưu tầm từng lời ca từ những bậc cao niên còn nhớ câu được câu mất, rồi ghi chép lại làm tài liệu phục vụ cho công tác bảo tồn.  Đến nay, CLB đã xây dựng được bản thảo sơ lược về nguồn gốc hát trống quân và trên 300 lời hát cổ với các làn điệu khác nhau, được biên tập và đóng thành quyển để lưu truyền cho các thế hệ sau.

trong-quan-2.png
Các em nhỏ tại xã Khánh Hà tập hát trống quân. (Ảnh: NVCC).

Các thành viên CLB hát trống quân xã Khánh Hà vẫn bền bỉ hoạt động, tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện quan trọng của Thành phố Hà Nội cũng như của địa phương, tạo được tiếng vang và giành được nhiều giải thưởng. Đến nay, số lượng thành viên CLB ngày càng tăng gồm 4 thế hệ: cao niên, trung niên, thanh niên, thiếu niên; trong đó nghệ nhân cao tuổi nhất là 85, nhỏ nhất 12 tuổi. Sau 15 năm, CLB đã truyền dạy làn điệu hát trống quân cho các lứa tuổi, mở được 17 lớp truyền dạy với trên 300 lượt học viên tham dự. CLB hiện đã có 4 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng nghệ nhân ưu tú, hiện có 35 hội viên thường xuyên sinh hoạt tại đình làng.

Bên cạnh đó, chính quyền xã khẳng định sẽ tiếp tục mở các lớp truyền dạy cho các thế hệ, khuyến khích và động viên những người có năng khiếu, đam mê văn nghệ tham gia hát trống quân, đề xuất các cấp tiếp tục phong tặng nghệ nhân cho những người đủ điều kiện. Xã cũng sẽ huy động nguồn hỗ trợ từ các cấp, ngành, các tổ chức cá nhân hỗ trợ kinh phí hoạt động cho CLB hát trống quân mua sắm trang thiết bị biểu diễn, giúp các nghệ nhân thực hiện việc bảo tồn nghệ thuật trình diễn hát trống quân tốt hơn.

Để bảo tồn và phát triển nghệ thuật trình diễn hát trống quân, thời gian tới, chính quyền xã Khánh Hà cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu lịch sử, nguồn gốc của trống quân tại địa phương. Đồng thời sưu tầm các các làn điệu hát trống quân cổ, khuyến khích các nghệ nhân tiếp tục sáng tác các làn điệu mới, biên tập và xuất bản sách về hát trống quân Khánh Hà để lan tỏa, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội tới thế hệ tương lai. Theo đánh giá của PGS - Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, chuyên gia âm nhạc dân tộc, Khánh Hà là địa phương đã, đang khôi phục lối hát trống quân sớm mà hoạt động hiệu quả không phải nơi nào cũng có thể làm được./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • Lễ khởi công dự án xây dựng sân bay Gia Bình, Bắc Ninh
    Sân bay Gia Bình dự kiến hoàn thành vào dịp chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Đây là sân bay phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Không quân CAND Việt Nam.
  • Khai mạc Giải bóng rổ 5x5 Hà Nội mở rộng năm 2024
    Tối 9/12, tại Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Liên đoàn Bóng rổ thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Giải Vô địch Bóng rổ 5x5 Hà Nội Mở rộng 2024. Sự kiện thường niên có quy mô lớn, quy tụ các đội bóng xuất sắc và khẳng định niềm tự hào của cộng đồng bóng rổ Thủ đô.
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Hát trống quân - diễn xướng dân gian “hiếm có khó tìm” của Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO