Khi bảo tàng kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa: Bài 1: Về Hòa Xá rưng rưng với “Chiếc gậy Trường Sơn”
Có một nơi ở xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội) được nhiều người tìm đến, đang lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng gắn liền với chiếc gậy Trường Sơn huyền thoại và phong trào “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nơi ấy là Bảo tàng Quê hương Phong trào Chiếc gậy Trường Sơn.
Lời tòa soạn: Bảo tàng là nơi sưu tầm, bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật; đây cũng là nơi lưu giữ những di sản vật thể mà bao hàm trong nó những câu chuyện lịch sử, văn hóa. Trước đây, khi đến tham quan bảo tàng, nhiều người thường ngần ngại bởi sự khô cứng từ các hiện vật bảo tàng đem lại. Hiện nay, nhiều bảo tàng đã trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ có hệ thống hiện vật trưng bày phong phú, có công nghệ thuyết minh hiện đại mà còn bởi bảo tàng có câu chuyện kể thú vị, độc đáo. Việc phát huy giá trị di sản tại các bảo tàng góp phần giáo dục truyền thống và lan tỏa ý thức trân trọng văn hóa lịch sử đến mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ. Tại Hà Nội, một số bảo tàng là điểm đến thường xuyên của người dân dù quy mô không lớn: đó là Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, với những bức ảnh xưa cũ, máy ảnh lấm bụi thời gian như một “giáo trình” thu nhỏ về kỹ thuật nhiếp ảnh, “văn hóa nhiếp ảnh” để định vị Lai Xá – vùng đất ngoại ô Thủ đô chính là làng nghề nhiếp ảnh duy nhất của Việt Nam; bảảo tàng Quê hương phong trào Chiếc gậy Trường Sơn cùng Bảo tàng đường Hồ Chí Minh, lại kể câu chuyện lịch sử lớp lớp cha anh “xếp lại bút nghiên” ra chiến trường, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước và làm nên “con đường huyền thoại” có một không hai trên thế giới; “Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày”, ẩn sâu là câu chuyện của chính nghĩa, ý chí sắt đá kiên quyết một lòng thống nhất giang sơn của người dân nước Việt. Tạp chí Người Hà Nội trân trọng gửi đến bạn đọc loạt bài có chủ đề “Khi bảo tàng kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa”.
Quê hương của phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”
Từ trung tâm Hà Nội đi dọc quốc lộ 21B hơn 30km về phía chùa Hương, chúng tôi tìm đến Bảo tàng Quê hương Phong trào Chiếc gậy Trường Sơn. Bảo tàng nằm ở vị trí trung tâm xã Hòa Xá và cạnh “cây đa, bến nước, sân đình” như trong ca dao…
Trên địa bàn xã Hòa Xá có 10 di tích, trong đó có Bảo tàng Quê hương phong trào Chiếc gậy Trường Sơn, đặc biệt có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia là đình Hòa Xá. Các di tích này đều được các cấp chính quyền đầu tư tôn tạo bảo tồn di tích với kinh phí hàng chục tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau. Việc thực hiện hiệu quả công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm.
Theo chân anh Vũ Văn Thi, cán bộ Văn hóa - Truyền thanh xã Hòa Xá kiêm “hướng dẫn viên” Bảo tàng Quê hương Phong trào Chiếc gậy Trường Sơn, chúng tôi được anh đưa đi tham quan bảo tàng, được nghe câu chuyện về sự ra đời của “Chiếc gậy Trường Sơn” vốn là niềm tự hào của nhân dân địa phương nói riêng, Hà Nội nói chung.
Anh Thi chia sẻ, những năm 1960, miền Bắc vừa xây dựng CNXH vừa chi viện cho chiến trường miền Nam, với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người ”. Ở Hòa Xá đã phát động nhiều phong trào “Vai đeo 25 cân, chân đi ngàn dặm, vượt suối băng ngàn”, “tiền tuyến cần một, Hòa Xá có hai”, “đã đi là đến, đã đến là thắng”. Từ các phong trào đó, lớp lớp thanh niên Hòa Xá đã hăng hái lên đường ra trận. Trong đó có 3 người, khi vào đến chiến trường đã gửi những cây gậy dùng trong lúc hành quân về quê nhà để báo tin đã vượt qua dãy Trường Sơn.
Trên thân gậy khắc tên các anh cùng những địa danh đã đi qua và dòng chữ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhận được kỷ vật của các anh gửi về quê nhà, chính quyền và nhân dân Hòa Xá đã thực hiện thành phong trào “Trao gậy Trường Sơn”. Các đợt giao quân, thanh niên nhập ngũ được các cụ cao niên trong làng trao tặng một “Chiếc gậy quê hương”. Trên mỗi cây gây đều khắc câu thơ: “Gậy này là gậy Trường Sơn/ Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân” thay cho lời nhắn nhủ giữ trọn tấm lòng thủy chung, son sắt với Tổ quốc. Chính vì thế, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào chiếc gậy Trường Sơn.
Năm 1967, nhạc sỹ Phạm Tuyên khi đi thực tế tại Hòa Xá, biết tới phong trào đã dậy lên cảm xúc và sáng tác bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn”. Bài hát này nhanh chóng được phổ biến rộng rãi và trở thành ca khúc vượt thời gian. “Nhằm ghi lại một trong những dấu son hào hùng của dân tộc nói chung và của Hòa Xá nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1976, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã xây dựng “Bảo tàng xã Hòa Xá”. Đến năm 2000, đổi tên thành “Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn”, anh Thi chia sẻ.
Anh Thi nhấn mạnh, Bảo tàng được xem là nơi lưu giữ, giáo dục những truyền thống hào hùng, lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Hòa Xá, là nguồn động lực thiêng liêng mạnh mẽ thúc đẩy địa phương tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường đi tới tương lai.
Rưng rưng “Chiếc gậy Trường Sơn”, “nhẫn chung thủy”
Tham quan Bảo tàng Quê hương phong trào Chiếc gậy Trường Sơn, chúng tôi không khỏi xúc động bởi những kỷ vật, hiện vật được trưng bày tại đây. “Hiện Bảo tàng đang lưu giữ hàng trăm bức ảnh, hiện vật quý giá về truyền thông lịch sử quê hương phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” mà không phải Bảo tàng nào cũng có được”, anh Thi cho biết.
Dừng chân ở khu vực trưng bày về phong trào chiếc gậy Trường Sơn, chúng tôi không khỏi xúc động. Trước mắt chúng tôi là chiếc gậy gỗ có đường kính khoảng 3cm, dài gần 1m6. Trên thân gậy gỗ có khắc tên, ngày tháng năm rõ ràng. Đây chính là chiếc gậy mà những người con Hòa Xá năm xưa đã đem từ quê nhà ra chiến trường, dùng để “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước, góp phần vào chiến thắng mùa Xuân thống nhất đất nước năm 1975.
Chúng tôi không thể cất nên lời bởi ngay cạnh chiếc gậy Trường Sơn là hiện vật mang tên “Nhẫn chung thủy”. Hỏi anh Thi về hiện vật này, anh cho biết: “Chiếc nhẫn chung thủy được kỳ công mài rũa từ xác máy bay Mỹ. Đây là món quà mà các chị em có chồng hoặc người yêu tặng cho người lên đường nhập ngũ. Chiếc nhẫn là minh chứng cho lòng chung thủy sắt son của người yêu, người vợ trọn nghĩa vẹn tình, là hậu phương vững chắc, chỗ dựa tinh thần động viên các anh yên tâm quyết tâm chiến đấu và chiến thắng trở về”.
Tại Bảo tàng, theo anh Thi, một kỷ vật khác được trân trọng lưu giữ, thể hiện sự tự hào của quê hương Hòa Xá, đó chính là bản thảo viết tay đầu tiên của bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” do nhạc sĩ Phạm Tuyên tặng vào năm 1967. Trong bản thảo này, nhạc sĩ Phạm Tuyên có ghi: “Kính tặng thanh niên Hòa Xá trước khi lên đường nhập ngũ”. Từ ấy bài hát cất lên, chúng ta như thấy được khí thể sục sôi của lớp lớp thanh niên hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Chính giữa Bảo tàng còn có tượng thể hiện người chiến sĩ một tay cầm gậy Trường Sơn, một tay đón nhận chiếc nhẫn chung thủy của người thương. Bức tượng đã thể hiện trọn vẹn nhất ý nghĩa và giá trị của lịch sử, của truyền thống, của tình yêu và sự quyết tâm của những người con Hòa Xá tiếp lửa cho thanh niên lên đường đánh đế quốc và thắng đế quốc.
Thời gian qua, Bảo tàng được nhiều trường học thường xuyên đưa học sinh, sinh viên tới tham quan, tìm hiểu lịch sử, được nhiều du khách và các cựu chiến binh tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đến tham quan... Các hiện vật ở Bảo tàng được trưng bày đầy trân trọng, đã góp phần giáo dục truyền thống của quê hương cho các thế hệ, đặc biệt thế hệ trẻ, đoàn viên, học sinh. Bảo tàng là địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ tìm hiểu, học tập về truyền thống lịch sử oai hùng của cha anh. Từ đó góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng và đạo đức cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh./.