Bắc cây cầu nối tranh dân gian Hàng Trống với hiện đại

Khánh Thư| 21/12/2020 15:46

Sau hơn 2 năm chuẩn bị, cuốn sách “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” của tác giả - nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa vừa chính thức ra mắt bạn đọc. Sách do NXB Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội liên kết xuất bản là một tư liệu quý cho những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu dòng tranh dân gian độc đáo nhất của Hà Nội.

Bắc cây cầu nối tranh dân gian Hàng Trống với hiện đại

Tranh dân gian Hàng Trống từ lâu đã gắn liền với đời sống văn hóa của người Kinh kỳ - Kẻ Chợ. Đây là một trong những dòng tranh dân gian độc đáo, phổ biến nhất ở Việt Nam. Đề tài của tranh dân gian Hàng Trống khá đa dạng: tranh lịch sử, tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh trang trí, tranh sinh hoạt xã hội… bởi thế tranh đã đi được vào đời sống của nhiều tầng lớp trong xã hội, được treo ở nhiều không gian khác nhau.

Tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ: Ngày trước, tranh Hàng Trống phát triển ở các phố Hàng Trống, Hàng Nón và từng được bày bán tại nhiều nơi ở Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành ở Bắc Bộ. Khi đất nước còn khó khăn, cách nghệ nhân làm tranh dân gian Hàng Trống thường in trên giấy dó bồi dày hay giấy báo khổ rộng. Không giống như một số dòng tranh dân gian khác dùng lối in sấp và trực tiếp in là có thể hoàn thành ngay một bức tranh, tranh dân gian Hàng Trống có lối làm tỉ mỉ và cầu kỳ hơn. Ván khắc tranh Hàng Trống chỉ có bản nét, còn màu thì phải vẽ tay toàn bộ. 

Tranh Hàng Trống có những bức nổi tiếng như: Lý ngư vọng nguyệt, Thất đồng, Ngũ hổ, Tố nữ; bộ tranh truyện: Hoa Tiêu, Kiều…; bộ tranh về cảnh dạy học, cảnh nhà nông hay các kiểu khác: canh, tiều, ngư, mục (nhà nông, tiều phu, đánh cá, chăn trâu); các tranh thờ: Tam tòa Thánh Mẫu, Phật, Tứ phủ, Ngọc hoàng… 
Trải qua thời gian, dòng tranh dân gian Hàng Trống cũng mai một dần và giờ chỉ còn duy nhất gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên giữ nghề. Đây cũng là tín hiệu cảnh báo trước câu chuyện “thất truyền” như đã từng xảy ra ở nhiều dòng tranh dân gian khác, hoặc các nghề truyền thống khác. Đó cũng là lý do thôi thúc tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa dồn nhiều tâm sức để ra mắt cuốn sách về dòng tranh này. Để viết cuốn sách này, tác giả đã trực tiếp đến gặp nghệ nhân Lê Đình Nghiên và con trai ông là anh Lê Hòa, để ghi chép lại nhiều câu chuyện. Những chia sẻ thẳng thắn, chân tình của ông và con trai cũng như các thành viên trong gia đình giúp cho cuốn sách có nhiều tư liệu bổ ích. 

Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” dày 340 trang, khổ 21x29cm, được in bốn màu trên giấy couche matt. Ngoài những bản phổ thông bìa mềm còn 100 bản giới hạn, bìa carton cứng dành cho người sưu tầm và chơi sách. Đặc biệt, có 5 bản bìa da, khâu tay, do nghệ nhân Nguyễn Đức Khuynh thực hiện, có chữ ký, triện son của tác giả và nghệ nhân đóng sách. Bản bìa da được đặt trong hộp sơn mài, tặng kèm bức tranh “Độc hổ” có chữ ký và triện của nghệ nhân ưu tú Lê Đình Nghiên.

Ngoài lời nói đầu, nội dung cuốn sách được chia thành 5 chương: Lịch sử tranh dân gian Hàng Trống, Nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống, Kĩ thuật vẽ tranh dân gian Hàng Trống, Phân loại tranh dân gian Hàng Trống, Tranh dân gian Hàng Trống trong đời sống đương đại.

Một trong những điểm nhấn của cuốn sách là gần 400 bức tranh, ảnh, trong đó có nhiều tranh, ảnh tư liệu quý được sưu tập từ nhiều nguồn khác nhau. Số tranh, ảnh khác được trực tiếp chụp từ các bộ sưu tập tranh dân gian Hàng Trống của chính tác giả - nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa và của các nhà sưu tập khác. Đặc biệt, sách có hàng trăm bức ảnh chụp nghệ nhân ưu tú Lê Đình Nghiên cùng con trai là Lê Hoàn để mô tả, minh họa các công đoạn làm tranh. Một số ảnh, tranh có giá trị tư liệu cao được chính gia đình nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên cung cấp.

“Bằng việc xuất bản cuốn sách này, chúng tôi mong muốn bắc thêm một một cây cầu để nối tranh dân gian Hàng Trống với hiện đại. Qua cuốn sách, bên cạnh cung cấp những tư liệu cần thiết để tìm hiểu về một dòng tranh dân gian nổi tiếng, chúng tôi cũng hi vọng có thể lan tỏa hoặc đánh thức tình yêu văn hóa truyền thống đang tiềm ẩn hoặc khuất lấp đâu đó trong tâm hồn của thế hệ trẻ. Và hơn thế, mong có sự đồng hành mạnh mẽ hơn từ những cơ quan văn hóa của Thủ đô, để một ngày không xa, người dân và du khách gần xa có thể gặp những quầy tranh, hiệu tranh dân gian Hàng Trống trên chính con phố Hàng Trống thân yêu, như đã từng…” - tác giả Thu Hòa chia sẻ. 
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bắc cây cầu nối tranh dân gian Hàng Trống với hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO