Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Viết Thành |
Ở thời điểm cuối tháng 10, kim ngạch xuất khẩu cả nước đã đạt hơn 200 tỷ USD, thể hiện rõ sự tăng trưởng; đến tháng 11 con số dự báo cho cả năm được điều chỉnh lên mức 239-240 tỷ USD kèm theo nhận định, tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ xác lập một kỷ lục mới của nền kinh tế. Tuy nhiên, đến nửa sau của tháng 12, con số dự báo vẫn chưa dừng lại vì diễn biến xuất khẩu đang trên đà gia tăng, với sự tham gia của khu vực kinh tế trong nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thông qua những sản phẩm quan trọng như điện thoại, dệt may, da giày, đồ gỗ, cà phê, rau quả, gạo...
Con số mới nhất là tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 ước đạt 244 tỷ USD, tăng 30 tỷ USD so với năm 2017 - xác lập một kỷ lục mới. Hầu hết các nhóm hàng chủ lực đều phát huy thế mạnh; một số nhóm hàng chủ lực tiếp tục có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, ghi dấu ấn rõ nét, như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 13,9%); dệt may (tăng hơn 17%); máy móc, thiết bị và phụ tùng (tăng hơn 28%)...
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hàng Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao và khai thác tốt các thị trường truyền thống cũng như thâm nhập một số thị trường mới. Đáng ghi nhận, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm, chủ động tận dụng cơ hội khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), với những điều kiện thuận lợi và ưu đãi hơn so với thời gian trước.
Xét về cơ cấu ngành hàng, có thể thấy rõ sự nổi lên, với kết quả ngoạn mục của các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông nghiệp sẽ vượt qua ngưỡng 40 tỷ USD. Kết quả này ghi nhận sự tăng trưởng nhanh, theo hướng bền vững của sản xuất nông nghiệp cả nước. Đến nay, Việt Nam xếp thứ 15 thế giới về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm và tích cực hơn trong hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu. Trong đó, những đơn vị có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia đã, đang góp phần lan tỏa hình ảnh, uy tín và giá trị hàng Việt trên thị trường quốc tế... Đây cũng là sự bổ sung cần thiết, là sự chuẩn bị để gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới. Ngoài ra, công tác cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đặc biệt là cắt giảm điều kiện kinh doanh kết hợp đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu sẽ được tăng cường để hỗ trợ các đơn vị xuất khẩu hiệu quả hơn.
Năm 2019, Bộ Công Thương sẽ tập trung xúc tiến thương mại, trong đó tận dụng cơ hội do các FTA mang lại, nhưng lồng ghép vào trong bối cảnh "cuộc chiến" thương mại Trung - Mỹ để điều chỉnh một cách linh hoạt theo hướng có lợi cho doanh nghiệp trong nước. Song, nhìn chung về xu hướng thì doanh nghiệp vẫn sẽ có thể được hưởng lợi nhiều hơn, bởi việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương với ưu đãi thuế suất hàng xuất khẩu bằng 0% đang đến gần. Đây sẽ là yếu tố mới, là tiền đề để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá.
Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu thủy sản sẽ phải "sang trang mới”, có nghĩa là tăng cường chất lượng hàng xuất khẩu theo tiêu chuẩn nhập khẩu của EU cũng như kết hợp với mục tiêu đáp ứng yêu cầu gỡ bỏ thẻ vàng của EU về thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Đây là yêu cầu cần đáp ứng ngay, bởi tiềm năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là rất lớn, có nhu cầu tiêu thụ liên tục; nhưng hiện vẫn "vướng vào" một số quy định, tập quán nhập khẩu của EU - thị trường có sức mua hàng đầu thế giới...