Xuất bản số thúc đẩy văn hóa đọc: Xu thế tất yếu

Hanoimoicuoituan| 18/05/2022 10:02

Khi thị trường xuất bản sách giấy vẫn có sự tăng trưởng khả quan, tất yếu nảy sinh câu hỏi về chuyển đổi số trong ngành Xuất bản. Liệu đó có phải là công việc cần thiết hay không? Hànộimới Cuối tuần ghi lại một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông):

Chuyển đổi số sẽ giúp ngành Xuất bản trở thành một ngành kinh tế thực sự mạnh

Có một khoảng thời gian trước đây chúng ta có sự chia tách giữa câu chuyện của người làm xuất bản và câu chuyện văn hóa đọc. Giờ đây, vấn đề này đã có sự thay đổi. Văn hóa đọc là bệ đỡ, là nền tảng cho sự phát triển của xuất bản. Để đưa văn hóa đọc phát triển lên một tầm cao mới, Ngày Sách Việt Nam trước đây đã được đổi tên thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Nhận thức là yếu tố quan trọng mang tính quyết định đối với việc phát triển văn hóa đọc, mà chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết, là "mệnh lệnh" cho sự phát triển của hoạt động xuất bản.

Chuyển đổi số đang diễn ra khắp nơi, khắp các lĩnh vực, trong đó có xuất bản. Chuyển đổi số tạo ra sự đa dạng hóa hình thức sản phẩm xuất bản, sự thay đổi về các mô thức xuất bản và thị trường xuất bản tiến tới câu chuyện không biên giới, mờ biên giới. Khi quá trình xuất bản, phát hành sách diễn ra trên một nền tảng số xuyên quốc gia thì biên giới địa lý với đội ngũ tác giả không còn là vấn đề lớn nữa. Đang xuất hiện nhiều mô típ khác nhau như tự xuất bản, tự phát hành, nhà xuất bản số...

Quá trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản nói riêng gồm 4 giai đoạn chính: Giai đoạn số hóa dữ liệu; Triển khai ứng dụng trên các nền tảng ở một số hoạt động đơn giản hoặc có tính lặp đi lặp lại như hoạt động hành chính, kế toán tại các đơn vị doanh nghiệp; Ứng dụng các nền tảng vào quy trình xuất bản, từ khâu quản lý, biên tập đến phát hành, phát triển thị trường, truyền thông; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động của các quy trình này. Hiện nay, đầu tư bên ngoài vào lĩnh vực xuất bản đã bắt đầu, tuy chưa nhiều nhưng tôi cho rằng quá trình chuyển đổi số sẽ giúp ngành Xuất bản trở thành một ngành kinh tế thực sự mạnh và từ đó đón nhận những nguồn đầu tư từ các nguồn lực khác nhau.

Bà Nguyễn Minh Huệ, Giám đốc Nhà xuất bản Công Thương:
Nhu cầu tất yếu và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay

Dưới góc độ của một nhà xuất bản, chúng tôi hiểu xuất bản số tức là chuyển đổi từ phương thức xuất bản truyền thống sang xuất bản sách trên các nền tảng công nghệ số. Trong bối cảnh số hóa toàn cầu thì chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu và rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Cá nhân tôi cho rằng trong quá trình chuyển đổi số thì vấn đề đào tạo con người để ứng dụng các kỹ năng, đầu tư hạ tầng cơ sở kỹ thuật và vận hành các quy trình xuất bản là hết sức quan trọng. Tổ chức và nhận diện các yêu cầu, thách thức mang tính nền tảng trong quá trình chuyển đổi số có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nhà xuất bản, bởi điều đó giúp họ kịp thời xây dựng cho mình một định hướng, một chiến lược và bước đi phù hợp để vừa có thể bắt nhịp yêu cầu của cơ chế thị trường, vừa vận dụng các nền tảng công nghệ số một cách tốt nhất, qua đó không ngừng nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm, hướng tới mục tiêu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.

Ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc điều hành nền tảng xuất bản điện tử Waka:
Tác giả mạnh mẽ hơn trong hệ sinh thái số

Hiện nay, khi nhắc về chuyển đổi số trong ngành Xuất bản, mọi người thường chỉ nhắc đến sách nội dung số. Thực ra, ngành Xuất bản có nhiều đơn vị, như cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, đơn vị in, các công ty phát hành sách, các công ty chuyên công nghệ số như Waka... Mỗi đơn vị khác nhau sẽ có mục tiêu chuyển đổi số khác nhau. Chuyển đổi số không chỉ là số hóa kho sách, mà còn bao gồm các quy trình hoạt động, quy trình quản lý dữ liệu về tác giả, khách hàng.

Về mục tiêu “níu chân” khách hàng, các tác giả sẽ mạnh mẽ hơn trong hệ sinh thái số. Nhiều tác giả nổi tiếng chuyển nội dung của mình sang nền tảng cá nhân trên các mạng xã hội và "bật nút kiếm tiền" mà không cần tìm đến các đơn vị trung gian như nhà xuất bản hay các đơn vị liên kết để ra sách.

Việc chuyển đổi số có thể là chưa cần thiết với một số đơn vị, nhưng sự chuyển động của thị trường có thể tạo nên mối đe dọa đến từ việc đánh mất bạn đọc vào các hình thức giải trí khác. Hiện nay, nhiều người lầm tưởng rằng xuất bản số chỉ là đưa ra sách điện tử - phiên bản số hóa của sách giấy. Tuy nhiên, trên thế giới có rất nhiều định dạng khác nhau, ví dụ lúc đầu là sách text (số hóa lại của bản sách giấy), audiobook (sách nói), không gian số - không chỉ còn trong phạm vi cuốn sách nữa mà các khái niệm trong cuốn sách được liên kết, minh họa bằng âm thanh, video...

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sách Alpha (Alpha Books):
Không thể né tránh việc chuyển đổi số

Dù muốn hay không muốn thì với ngành Xuất bản, việc chuyển đổi số đã bắt đầu từ khá lâu rồi. Chúng ta đã sử dụng máy tính, điện thoại, email, các phần mềm - công cụ của xuất bản số, và cũng đã thực hiện số hóa dữ liệu. Nhưng, nhìn chung chúng ta chưa sẵn sàng cho bước chuyển đổi lớn như thế này. Thị trường xuất bản là thị trường khó, nhỏ, doanh thu thấp khiến cho quá trình đầu tư của đơn vị xuất bản khó khăn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, những xu thế mới như cá nhân tự đưa tác phẩm lên mạng xã hội và các nền tảng khác đã khiến các đơn vị xuất bản đứng trước câu hỏi rằng, liệu có thể tiếp tục duy trì việc xuất bản theo kiểu truyền thống hay cần mạnh dạn bước sang một lĩnh vực mới?

Tôi cho rằng không thể tránh khỏi việc chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong ngành Xuất bản có cần thiết hay không, câu hỏi này cũng tương tự câu hỏi bạn có thể sống thiếu điện thoại di động hay không. Đương nhiên là có thể, nhưng ở một xã hội hiện đại thì nên có và cần có để sống và làm việc thuận tiện hơn.

(0) Bình luận
  • Tình đất đai xứ sở ngả bóng trong văn chương
    Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền và 21 năm sau (năm 1975) mới tái thống nhất. Tình cảm ấy ngả bóng vào văn chương tạo nên một không gian cảm xúc trùng điệp nỗi nhớ thương đất đai sông núi, chưa từng có trong tiến trình văn chương nước nhà, cả văn xuôi lẫn thơ.
  • Thế hệ nhà văn 1975 trong không gian văn học đương đại
    Lớp nhà văn sinh từ 1975, chúng tôi gọi là “Thế hệ 1975”, một lực lượng đông đảo (sinh ra trong vòng 20 năm, sau giải phóng miền Nam), các tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hoặc những cây bút nhiều triển vọng.
  • Thơ ca giải phóng miền Nam: Một hình thái đặc thù trên tiến trình văn học 1954 - 1975
    Trong bức tranh toàn cảnh thơ ca giai đoạn 1954 - 1975 không thể không kể đến thơ ca giải phóng miền Nam, một bộ phận thơ ở tuyến đầu chống Mỹ ngụy, với một đội ngũ nhà thơ triệt để và đầy bản lĩnh trong quan niệm nghệ thuật: lấy thơ ca làm vũ khí chiến đấu “Thơ là súng là gươm” (Lê Anh Xuân). Có thể nói, đây là quan niệm chung chi phối cảm hứng và tư thế diễn ngôn của văn nghệ sĩ trong văn học giai đoạn chiến tranh và cách mạng.
  • Văn học thiếu nhi Việt Nam: Những bước chuyển mình sau ngày đất nước thống nhất
    Sau 21 năm bị chia cắt, hai miền Nam - Bắc Việt Nam được nối liền một dải nhờ chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Hòa chung niềm vui lớn của đất nước là niềm vui của sách văn học thiếu nhi khi được phát hành suốt từ Bắc tới Nam.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • Cây bút nữ với đề tài chiến tranh
    Trong lịch sử văn học, khi đề cập đến đề tài chiến tranh, phần lớn những gương mặt được ghi dấu trên văn đàn thường là nam giới.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Xuất bản số thúc đẩy văn hóa đọc: Xu thế tất yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO