Chợ tạm hoạt động trên địa bàn thôn Cống Thôn hình thành cách đây 3 năm sau khi chợ chính (chợ Lã Côi) được UBND huyện Gia Lâm đầu tư kinh phí cải tạo, sửa chữa, nhưng hoạt động không hiệu quả. Mặt khác, cũng bởi tâm lý người dân địa phương lâu nay vẫn duy trì thói quen “tiện đâu mua đấy”, ngại phải gửi xe để vào chợ khi chỉ có nhu cầu mua mớ rau, con cá... Vì thế, một số gia đình sống liền kề với chợ Lã Côi đã mở cửa, bày bán các mặt hàng tiêu dùng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của người dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, thời gian đầu tại đây chỉ có vài hộ kinh doanh theo kiểu “siêu thị mi ni”, nhưng sau này thấy việc buôn bán thuận lợi nên trên 100 hộ dân sống quanh khu vực cũng đồng loạt mở cửa hàng để buôn bán. Hơn một năm trở lại đây, chợ họp ngày càng tấp nập, không chỉ có người dân địa phương, mà rất nhiều tiểu thương, người bán hàng rong ở nơi khác đã đổ về đây, chiếm dụng lòng, lề đường để tụ họp, buôn bán trái quy định.
Ngay cả khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu các chợ tạm, chợ "cóc" dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 thì chợ này vẫn họp bình thường.
Anh Nguyễn Huy Đạt, một người dân tại khu vực cho biết, tuy là chợ tạm nhưng hằng ngày chợ Cống Thôn vẫn hoạt động từ sáng sớm đến tối mịt. “Sau mỗi buổi chợ, người buôn bán tùy tiện xả rác, nước thải… bừa bãi ra lòng đường, khiến môi trường sống của người dân khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa kể, người dân chúng tôi nơm nớp về nguy cơ lây lan dịch Covid-19”, anh Đạt nói.
Tiếp thu phản ánh của nhân dân về việc chợ tạm thôn Cống Thôn vẫn hoạt động trong khi dịch bệnh diễn biến căng thẳng, những ngày qua, chính quyền xã Yên Viên đã tiến hành giải tỏa, xóa bỏ các hoạt động trái quy định tại khu chợ tạm này.
Theo đó, UBND xã Yên Viên đã tổ chức giải tỏa toàn bộ người bán hàng rong chiếm dụng lòng lề đường. Đồng thời, chính quyền xã cũng gửi thông báo tạm dừng hoạt động đến toàn thể các hộ kinh doanh phía ngoài chợ Lã Côi, nếu hộ nào đủ điều kiện, có nhu cầu, UBND xã sẽ bố trí vị trí vào chợ chính để tiếp tục buôn bán. Đến ngày 22-8, UBND xã đã sắp xếp cho 46 hộ vào chợ chính để kinh doanh. Toàn bộ phần vỉa hè đối diện và tiếp giáp với chợ Lã Côi đã được căng dây, dựng rào chắn. Trước các lối vào đều có lực lượng ứng trực, vừa bảo vệ “vùng xanh”, vừa ngăn chặn tình trạng lén lút kinh doanh trái quy định.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng thôn Cống Thôn cho biết: “Tôi và người dân thôn Cống Thôn rất vui mừng bởi UBND xã Yên Viên đã kịp thời giải tỏa chợ tạm họp trái quy định, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”.
Nhằm duy trì kết quả của việc xóa chợ tạm này, Chủ tịch UBND xã Yên Viên Nguyễn Văn Kỷ khẳng định: “Để tránh tình trạng người buôn bán lại đổ về chiếm dụng lòng, lề đường họp chợ trái phép sau thời gian giãn cách xã hội, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cho lực lượng chức năng và Ban Quản lý chợ Lã Côi phối hợp ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm”.
Hy vọng rằng, các biện pháp quyết liệt của UBND xã Yên Viên sẽ được duy trì thường xuyên, hiệu quả nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay cũng như lập lại trật tự, mỹ quan đô thị và an ninh, an toàn cho người dân trong khu vực.