VUSTA tổ chức sự kiện “Gặp gỡ 2022 vì hợp tác và phát triển”

Phương Anh| 15/12/2022 21:30

Chiều 13/12 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam- VUSTA (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức sự kiện Gặp gỡ 2022 vì hợp tác và phát triển.

tskh-phan-xuan-dung-lhh-3-.jpeg
TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch LHH VN phát biểu khai mạc Sự kiện Gặp gỡ 2022 vì hợp tác và phát triển

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết, 2022 là một năm đầy biến động và khó khăn, xuất phát từ diễn biến phức tạp của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, do đại dịch Covid-19 vẫn còn dư âm. Đó là những thách thức đặt ra đối với hầu hết mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, với các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức nói chung và tổ chức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam nói riêng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, Liên hiệp Hội Việt Nam cùng với các hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc đã không ngừng nỗ lực thực hiện quyết liệt các kế hoạch đã đề ra và giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề phức tạp phát sinh.

TSKH Phan Xuân Dũng cũng chia sẻ thêm, trong năm qua, Đảng đoàn, Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện nhiều công việc mang tính chiến lược, khẳng định được vai trò và vị thế của một tổ chức đại diện và tập hợp đội ngũ trí thức KH&CN của Việt Nam đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

hinh-khen-thuong-lhh.jpeg
Chủ tịch Danh dự LHHVN GS-VS-TSKH. Đặng Vũ Minh và Chủ tịch LHHVN TSKH. Phan Xuân Dũng trao Bằng khen của LHHVN cho các cá nhân thuộc các tổ chức KHCN có thành tích xuất sắc trong năm 2022

Những giá trị đóng góp về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tới người dân, nâng cao sức khỏe và đời sống nhân dân, giải pháp ứng dụng KHCN thích ứng biến đổi khí hậu và các mô hình, giải pháp sáng tạo khác đang được triển khai ở khắp nơi, đến với từng bản làng, từng hộ gia đình.

"Những thành tựu ấy, kết quả ấy thật khó có thể định lượng đo đếm. Bởi vì chúng không chỉ được phản ánh ở số lượng kinh phí đã huy động được, không chỉ được phản ánh ở số lượng bài báo đã được công bố trên tạp chí trong nước và quốc tế, mà còn ở những thay đổi từng ngày trong nhận thức, hành động của cộng đồng. Đó còn là những cuộc đời được thắp thêm hy vọng, những sinh mạng được cứu sống nhờ sự hiểu biết do tri thức khoa học mang lại và nhờ tinh thần tương trợ lẫn nhau của cộng đồng khi tham gia cùng thực hiện các đề tài, dự án, sáng kiến. Tôi tin tưởng đó mới là những kết quả đáng để chúng ta tự hào hơn hết", Chủ tịch Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Nhận thức được tác động về môi trường chính sách, công nghệ chuyển đổi số cùng với tác động của dịch Covid – 19, một số tổ chức KH&CN trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, dù đã thành công trong hơn 10 năm qua cũng đã quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình khác phù hợp hơn với thực tiễn và với điều kiện, thế mạnh của những nhà sáng lập.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức được thành lập mới chú trọng nhiều hơn trong các lĩnh vực KH&CN gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, gắn với cung cấp dịch vụ KH&CN mới hiện đại. Đó cũng là điều tất yếu của sự phát triển.

Trong Báo cáo Tổng kết hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam năm 2022, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam Lê Công Lương cho biết, việc đẩy nhanh quá trình tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập sẽ phần nào thu hút trí thức KH&CN. Hầu hết các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam có đội ngũ cán bộ quản lý là các nhà khoa học, có trình độ chuyên môn cao, nhiệt tình, giàu kinh nghiệm nên rất thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, ứng dụng các kiến thức, tri thức KH&CN trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, phát triển cộng đồng, phát triển nông nghiệp bền vững, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tham gia vào các công đoạn xây dựng chính sách.

"Nhiều đơn vị có đội ngũ nhân lực đã có thâm niên làm việc trong tổ chức quốc tế, có kinh nghiệm và năng lực để thực hiện, quản lý dự án. Có đội ngũ nhân viên trẻ, năng động, nhiệt huyết và đã tạo dựng được uy tín với các nhà tài trợ trong nước và quốc tế. Đồng thời, tạo dựng được giá trị riêng và khác biệt; có đội ngũ khoa học phù hợp, nhiệt tình, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động; có sự tin cậy của đối tác và đồng nghiệp ở các đơn vị ngoài", ông Lê Công Lương cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Ban Hợp tác Quốc tế Liên hiệp Hội Việt Nam, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của tổ chức khoa học và công nghệ công lập đã phần nào thu hút trí thức KH&CN, đặc biệt là các trí thức KH&CN trẻ về hoạt động tại các tổ chức KH&CN ngoài công lập như các tổ chức trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam vì sẽ không còn nhiều "khoảng cách" giữa tổ chức KH&CN công lập và tổ chức KH&CN ngoài công lập. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền trong năm 2022, qua các đợt thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước và của Liên hiệp Hội Việt Nam cho thấy nhiều tổ chức KH&CN trực thuộc còn thiếu sót trong tổ chức và hoạt động, một vài đơn vị vi phạm pháp luật phải đình chỉ hoạt động, giải thể.

Nhiều ý kiến trong buổi Gặp gỡ cũng được đưa ra, hiện nay Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn viện trợ phát triển của các quốc gia và tổ chức quốc tế ngày càng hạn chế, do vậy quá trình tiếp cận nguồn vốn tài trợ ngày càng cạnh tranh, quá trình xây dựng dự án cũng mất nhiều thời gian. Các tổ chức KH&CN ngoài công lập chưa có nguồn tài chính thực sự mang tính bền vững và lâu dài, còn khó tiếp cận các đề tài, dự án từ nguồn ngân sách KH&CN, với cơ quan quản lý về KH&CN ở cả Trung ương và địa phương vì thủ tục tuyển chọn đòi hỏi đối với nhiều tổ chức rất khó đáp ứng về năng lực thiết bị, về vốn, mặc dù nhiều tổ chức KH&CN tập hợp được nhiều chuyên gia giỏi...

Tại sự kiện, Liên hiệp Hội Việt Nam đã trao tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 12 cá nhân thuộc các tổ chức KHCN trực thuộc đã có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2021-2022, góp phần phát triển Liên hiệp Hội Việt Nam.

Bài liên quan
  • Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội: 
Bàn giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động các hội chuyên ngành
    Sáng 11/11, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các hội chuyên ngành trong tình hình mới”. Với sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ các hội chuyên ngành của Thủ đô, tọa đàm góp phần tìm các giải pháp thúc đẩy sự nghiệp xây dựng nền văn học nghệ thuật nói riêng, xây dựng văn hóa, con người Thủ đô và cả nước nói chung, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong tình hình mới.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Liên hoan ẩm thực “Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc” năm 2024
    Vào ngày 16/12 tới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên sẽ tổ chức Liên hoan ẩm thực “Trải nghiệm xứ Trà, đậm đà bản sắc” năm 2024.
  • Hà Nội bước tới kỷ nguyên mới từ tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
    Thủ đô Hà Nội đã, đang rất quyết tâm thực hiện định hướng, chỉ đạo chiến lược của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Điều này đã được chứng minh bởi Hà Nội đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm...
Đừng bỏ lỡ
VUSTA tổ chức sự kiện “Gặp gỡ 2022 vì hợp tác và phát triển”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO