Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương và các cơ quan liên quan. Đồng chủ trì Hội nghị gồm có: Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, Hội nghị giao ban nhằm đánh giá công tác văn hóa, văn nghệ trong Quý III và triển khai các công việc trong Quý IV.
Văn học, nghệ thuật có nhiều chuyển động mới
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trình bày báo cáo đánh giá khái quát tình hình văn học, nghệ thuật gắn với hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương – Qúy III/2022, định hướng nhiệm vụ công tác Qúy IV/2022.
Theo đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, tại Quý III/2022, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt trong các hoạt động văn học, nghệ thuật của đất nước, chủ động, linh hoạt, theo yêu cầu và điều kiện thực tế của từng đơn vị...
Các chương trình, hoạt động văn học, nghệ thuật trên cả nước diễn ra phong phú, đa dạng được cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các ban, ngành đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức, đạt chất lượng về nội dung tư tưởng và nghệ thuật.
Bên cạnh đó, đồng chí Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ cũng chỉ rõ một số hạn chế như việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu để giải ngân kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình Văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương của Chính phủ dành cho các Hội văn học nghệ thuật vẫn triển khai chậm, thiếu quyết liệt, lúng túng nên đến nay nguồn kinh phí năm 2022 vẫn chưa được phê duyệt, giải ngân dẫn đến những ách tắc, khó khăn rất lớn trong hoạt động chuyên môn của Liên hiệp và các Hội.
Đồng chí Nguyễn Minh Nhựt triển khai nhiệm vụ Qúy IV/2022. Trong đó, đồng chí nhấn mạnh một số nội dung chính: Tiếp tục quán triệt đầy đủ, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; Liên hiệp và các Hội có báo cáo đánh giá 01 năm việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tiếp tục bám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu để Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội văn học nghệ thuật địa phương;…
Bài học quý trong công tác đầu tư sáng tạo văn học, nghệ thuật
Tại Hội nghị, PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã trình bày báo cáo chuyên đề với chủ đề “Công tác đầu tư sáng tạo văn học, nghệ thuật nhìn từ mô hình trại sáng tác Bắc Giang tháng 10/2022”. Theo PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, vấn đề liên quan đến việc đầu tư sáng tạo văn học nghệ thuật cho giới văn học nghệ thuật và báo chí toàn quốc là một vấn đề đang nhận được sự quan tâm của cả 10 Hội chuyên ngành Trung ương, cũng như của các Hội văn học nghệ thuật của 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Đó là: “Một trong những đòn bẩy thúc đẩy sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật tạo đà cho nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao ra đời” – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định.
Theo PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, việc tăng cường tổ chức các đợt đi thực tế tới các địa phương, vùng trọng điểm kinh tế, mô hình nông thôn mới,… cho các văn nghệ sĩ là một yêu cầu quan trọng trong đời sống sáng tác, nhằm mở rộng tầm nhìn, nâng cao nhận thức, tích lũy vốn sống. Những chuyến đi thực tế sẽ giúp các văn nghệ sĩ có thêm nguồn tư liệu, sự trải nghiệm, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo.
PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phân tích, từ kết quả trại sáng tác Bắc Giang, mô hình liên kết Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương cho thấy, khi có sự chuẩn bị tốt, sự phối hợp vào cuộc của chính quyền địa phương, văn nghệ sĩ đi thực tế rất thuận lợi và có nhiều cảm xúc cho sáng tạo.
Đồng chí Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam bày tỏ hy vọng, từ bài học Trại sáng tác Âm nhạc - Nhiếp ảnh tại tỉnh Bắc Giang, sẽ xuất hiện nhiều tại sáng tác trong cả nước áp dụng mô hình liên kết 3 thành phần tạo điều kiện tốt nhất cho văn nghệ sĩ tham gia trại có cơ hội thâm nhập thực tế, tiếp cận với các vấn đề lớn của đất nước, thu về những cảm xúc mới mẻ, làm tiền đề cho các tác phẩm tương lai.
Tiếp nối chuyên đề về trại sáng tác của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông cho biết, tổ chức các trại sáng tác rất có ích đối với các nghệ sĩ, các hội viên của các chuyên ngành văn học nghệ thuật, giúp họ có thêm nhiều điều kiện để sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó, các địa phương cũng rất mong muốn các Hội tổ chức các trại sáng tác, để các hội viên trực tiếp đến địa phương, sáng tác ra các tác phẩm phục vụ cho du lịch của địa phương và góp phần làm phong phú văn học, nghệ thuật của địa phương.