Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Việt Nam có 2 "ứng viên" vắc xin Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2-3, trong đó có vắc xin Nano Covax được cân nhắc xem xét tiến tới cấp phép khẩn cấp. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Do đó, Bộ Y tế bày tỏ mong muốn thu nhận nhiều kinh nghiệm từ các chuyên gia của WHO, MFDS (Hàn Quốc) và các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vắc xin, đặc biệt là việc cấp phép vắc xin trong tình trạng khẩn cấp.
Liên quan tới vắc xin Nano Covax, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế) cho hay, vắc xin này đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Dự kiến, ngày 7-8 tới sẽ đánh giá kết quả cuối cùng của giai đoạn 2 và trước ngày 15-8, sẽ có đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a - thử nghiệm trên 1.000 tình nguyện viên.
Trên cơ sở này, các cơ quan liên quan sẽ rà soát để có dữ liệu ban đầu về tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vắc xin của giai đoạn 3a nhằm tham vấn xem xét cấp phép có điều kiện trong tình trạng khẩn cấp.
Về việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, ông Nguyễn Ngô Quang cho biết, Bộ Y tế đã phê duyệt đề cương thử nghiệm vắc xin ARCT-154 phòng Covid-19. Đây là vắc xin được sản xuất theo công nghệ mRNA do một tập đoàn của Việt Nam mua của Hoa Kỳ.
Theo kế hoạch, ngày 8-8, nhóm nghiên cứu sẽ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin này. Ngoài ra, 2 hợp đồng chuyển giao công nghệ vắc xin Covid-19 với Nga và Nhật Bản đã được ký kết và đang triển khai.
Đại diện WHO thông tin, trên thế giới có 17 vắc xin Covid-19 đang được sử dụng, trong đó có 7 loại được WHO cấp phép khẩn cấp. WHO khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng hướng dẫn cấp phép lưu hành, sử dụng khẩn cấp để áp dụng với vắc xin sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Theo chia sẻ của MFDS Hàn Quốc, tại quốc gia này, có 8 vắc xin Covid-19 đang được thử nghiệm giai đoạn 1 hoặc 2, một số "ứng viên" dự kiến bắt đầu được nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 trong 6 tháng cuối năm 2021.
Về quy trình phê duyệt vắc xin Covid-19 của MFDS, Hàn Quốc rút ngắn tối đa thời gian từ giai đoạn phát triển tiền lâm sàng đến khi xuất xưởng vắc xin, trong đó có hình thức đánh giá cuốn chiếu hồ sơ xin cấp phép nhưng vẫn phải trải qua đầy đủ các bước.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định, sau phiên họp đầu tiên này, hai bên sẽ tiếp tục có các phiên làm việc để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực về phát triển vắc xin Covid-19, đẩy nhanh quá trình xây dựng các quy định hướng dẫn phê duyệt vắc xin và phát triển, mở rộng ứng dụng vắc xin trong nước.
WHO kỳ vọng Việt Nam nhanh chóng có vắc xin phục vụ trong nước và sớm đưa vắc xin do Việt Nam sản xuất đến với thế giới.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.