Văn hóa là tinh túy, cốt lõi để Thủ đô Hà Nội vươn mình trong kỷ nguyên mới của dân tộc
Thành phố Hà Nội đang chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa, nơi hội tụ và lan tỏa giá trị văn hóa của cả nước. Để phát triển bền vững, Hà Nội không chỉ phải vươn lên, phải hướng tới cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và quốc tế mà đồng thời vẫn phải giữ được bản sắc văn hiến Thăng Long.
Sáng 18/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đại diện văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố.
Theo Dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP Hà Nội, thời gian qua, Đảng bộ thành phố đã lãnh đạo quyết liệt, sáng tạo trong phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, từng bước đưa văn hóa trở thành nguồn lực phát triển bền vững. Chương trình 06-CTr/TU và Nghị quyết 09-NQ/TU đã đặt nền móng chiến lược cho phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Thành phố đã quan tâm đầu tư hơn 579 dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch văn hóa; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, phát huy giá trị truyền thống; triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các quy tắc ứng xử.
Hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng phong phú, nhiều sự kiện lớn được tổ chức thành công, đặc biệt là các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (1954 - 2024), góp phần nâng cao vị thế Thủ đô trên trường quốc tế, lan tỏa hình ảnh Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo của UNESCO. Hà Nội được Tạp chí Time Out vinh danh là điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới năm 2025.
Đặc biệt, Thành phố Hà Nội cũng tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di tích Hoàng thành Thăng Long, các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến, di tích quốc gia và di tích cấp thành phố; từng bước thực hiện các cam kết trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Thành phố phát triển công nghiệp văn hóa với các lĩnh vực tiêu biểu như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ; nhiều sản phẩm văn hóa mới, như các chương trình du lịch đêm tại phố cổ, di tích như: Không gian văn hóa Hồ Gươm, Hồ Tây; du lịch MICE, du lịch di sản, du lịch kết hợp y tế - giáo dục phát triển mạnh mẽ.

Góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ Thành phố Hà Nội, sáng 18/7, nhà thơ Bằng Việt - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, nguyên Tổng Biên tập báo Người Hà Nội (nay là tạp chí Người Hà Nội) cho rằng, Hà Nội từ lâu đã được xem là trung tâm văn hóa hàng đầu cả nước với bề dày nghìn năm văn hiến, truyền thống địa linh nhân kiệt và lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ hùng hậu.
Dù có tiềm năng lớn nhưng trong nhiều năm qua, phát triển văn hóa của Hà Nội vẫn còn một số hạn chế cần được quan tâm thêm nữa. Văn kiện đã khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa cho nên thời gian tới hy vọng chúng ta sẽ có sự đầu tư tương xứng hơn để đưa lĩnh vực này trở thành một trụ cột phát triển.
Nhà thơ Bằng Việt kiến nghị cần đưa văn hóa vào nhóm “nhiệm vụ đột phá” của Thủ đô bên cạnh ba đột phá hiện tại. Văn hóa là tinh túy, cốt lõi để Hà Nội vươn lên trong kỷ nguyên mới, tạo bản sắc và thế đứng riêng so với các tỉnh thành khác.

“Nếu không coi văn hóa là trung tâm của phát triển, là một điểm nhấn chiến lược thì Hà Nội sẽ không thể tận dụng được lợi thế đặc thù của mình trong bối cảnh cạnh tranh giữa các Thành phố ngày càng lớn. Từ đó tôi đề xuất, ngoài việc đưa văn hóa thành nhiệm vụ đột phá, trong dự thảo Văn kiện cần viết rõ, sâu sắc hơn về chính sách phát triển công nghiệp văn hóa như: xuất bản, điện ảnh, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa, thiết kế sáng tạo...” nhà thơ Bằng Việt nhấn mạnh.
Theo nhà thơ Bằng Việt, chúng ta cần một chiến lược văn hóa đủ mạnh để mỗi người dân Hà Nội thấy được vinh dự khi sống trong Thủ đô và biết tận dụng, phát huy văn hóa đó thành sức mạnh lan tỏa cho toàn quốc.
Lấy ví dụ bộ phim Địa đạo, MV Bắc Bling thời gian qua trở thành hiện tượng của điện ảnh Việt, âm nhạc Việt, nhà thơ Bằng Việt khẳng định: "Nếu có chính sách đột phá trong khai thác nguồn lực, con người thì chúng ta sẽ có nhiều tác phẩm văn hóa xứng tầm quốc tế như vậy, góp phần thu hút khách quốc tế đến với Hà Nội".

Làm rõ thêm một số ý kiến đại biểu nêu, trong đó có vấn đề phát triển văn hoá, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, chưa bao giờ Hà Nội dành sự quan tâm và nguồn lực mạnh mẽ như hiện nay cho phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa.
Đáng chú ý, Hà Nội cũng là Thành phố đầu tiên ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”. Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2021 - 2025; Chỉ thị số 30-CT/TU "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" được ban hành. Tất cả cho thấy sự quan tâm chỉ đạo của Thành phố về vấn đề văn hóa.
Quan điểm phát triển của Hà Nội xác định rõ: “Lấy văn hóa và con người Thủ đô làm nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng để xây dựng Thủ đô văn minh, thịnh vượng, nhân văn, hạnh phúc. Mọi thành quả đều hướng đến phục vụ Nhân dân”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm hội tụ và lan tỏa ra cả nước. Hà Nội phải vươn lên, phải hướng tới cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và quốc tế nhưng đồng thời vẫn phải giữ được bản sắc văn hoá Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội. Chính vì thế, Đại hội XVIII có ý nghĩa quan trọng, Hà Nội sẽ cùng với cả nước, bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.