Văn hóa chợ luôn là phần cốt lõi, mang tính quyết định

Hanoimoingaynay| 17/10/2019 23:10

Nhiều người cho rằng, muốn tìm hiểu về đời sống, văn hóa và tập tục của một vùng đất, một làng quê nào đó thì cứ đến... chợ. Bởi chợ chính là biểu hiện đầy đủ nhất bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của một vùng. Trong tiến trình hội nhập và phát triển của Thủ đô, chợ và văn hóa chợ đã chịu những tác động gì và biến đổi ra sao, Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội về vấn đề này.

Văn hóa chợ luôn là phần cốt lõi, mang tính quyết định

- Chợ từ xưa đã là một khái niệm hết sức thân thuộc với người Việt và đặc biệt là người Hà Nội, bởi bên cạnh không gian mua bán, đó còn là nơi gặp gỡ, trao đổi tình cảm. Bà có đồng ý với quan điểm này không và dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, văn hóa chợ xưa ở Hà Nội có nét gì độc đáo?

- Đúng vậy, trong quan niệm của người Việt, đặc biệt là ở Hà Nội, chốn Kinh kỳ - Kẻ Chợ thì chợ không chỉ là nơi giao thương, trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa, nơi kết nối cộng đồng, nơi sinh hoạt gắn liền với cuộc sống của người lao động.

Ngày xưa khái niệm văn minh thương mại chưa có nhưng cách tổ chức, bài trí không gian chợ đã rất quy củ, văn minh. Những chợ tổng hay chợ huyện xưa đều xây cầu chợ (là những dãy ô vuông được xây bằng gạch, lợp ngói để những người đến họp chợ ngồi) và những cầu chợ này được phân chia rất quy củ, hàng bán rau, bán thịt, hàng khô được bố trí hợp lý. Ngày xưa không phải đóng thuế chợ nên khi hết buổi chợ, người nào ngồi ở chỗ vị trí nào phải tự dọn dẹp sạch sẽ và nếu ai vi phạm lần sau sẽ không cho vào họp chợ nữa. Người ta còn bầu ra một người coi chợ, thường là người lớn tuổi, có nhiệm vụ trông coi trật tự, nhắc nhở những người ngồi lấn chiếm lối đi hoặc để hàng không đúng chỗ quy định, hoặc hễ có tranh chấp gì thì đứng ra giải quyết... Bên cạnh đó, chợ thời đấy rất ít nạn trộm cắp bởi có hình thức phạt rất nghiêm. Ví dụ theo quy định của chợ Mơ xưa, những người vi phạm sẽ bị trói tay và treo lên cây để mọi người qua lại mắng nhiếc và sau đó báo về làng... Đặc biệt, đối với những chợ có tiếng như chợ Mơ, chợ Khương Thượng, các đặc sản như đậu Mơ, rượu Mơ, chả nhái Khương Thượng được bố trí ngồi ngay ở đầu chợ. Vì thế, có những người không có nhu cầu mua bán cũng vẫn mong ngóng đến chợ để thưởng thức các đặc sản của làng đó...

Văn hóa chợ luôn là phần cốt lõi, mang tính quyết định
Chợ không chỉ là nơi giao thương, trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa, nơi kết nối cộng đồng, nơi sinh hoạt gắn liền với cuộc sống của mỗi người dân.

Văn hóa chợ xưa được biểu hiện rõ nét nhất là lối ứng xử thân tình, bởi đối tượng đi chợ phần lớn là cùng làng, cùng xã vốn đã quen biết nhau. Vì quen biết nên người bán chỉ nói thách một ít thôi còn người mua cũng vì quen biết nhau nên mặc cả xuống thấp một chút, cho nên đôi bên đều hài lòng và vui vẻ, vì vậy quan hệ giữa người mua và người bán khá thân tình. Bao giờ mua bán xong xuôi cũng hẹn nhau phiên chợ sau gặp lại. Bên cạnh đó, chợ ngày xưa còn là nơi giao lưu tình cảm, văn hóa. Nhiều chàng trai cô gái nên vợ nên chồng cũng từ những buổi gặp nhau ở chợ... Cứ thế nó hình thành nên văn hóa và những người đi xa bao giờ cũng nhớ về cái chợ của riêng mình, bởi trong tâm trí họ chợ không chỉ đơn thuần mua bán mà còn là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm.

- Tức là chợ truyền thống xưa ở Hà Nội đã hình thành những nét văn hóa, văn minh thương mại khá đặc sắc. Còn hôm nay, đô thị phát triển, nhiều chợ truyền thống đã được thay thế bằng những trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại, văn hóa chợ ngày nay vì thế mà đã khác so với văn hóa chợ xưa như thế nào, thưa bà?

- Trước tiên nói về văn minh thương mại. Xô bồ, nhếch nhác, thiếu vệ sinh - đó là những suy nghĩ dễ nảy sinh khi nhìn vào hàng trăm ngôi chợ truyền thống đang tồn tại ở Hà Nội. Hình ảnh thường gặp là sự lộn xộn từ chuyện hàng rong chiếm dụng lòng, lề đường cho đến việc sắp xếp quầy hàng thiếu khoa học, hàng tươi sống nằm ngay cạnh hàng thức ăn chín, hàng ăn bày biện nấu nướng ngay trong chợ vừa mất vệ sinh vừa dễ gây cháy nổ. Không khí trong các chợ thường ngột ngạt, thiếu ánh sáng, thiếu thông thoáng tự nhiên, đó là chưa kể cả lối đi lại nhiều khi bị thu hẹp bởi chủ hàng tranh thủ lấn thêm một ít không gian để bày biện hàng hóa.

Văn hóa chợ luôn là phần cốt lõi, mang tính quyết định

Tiếp đó, văn hóa chợ ngày nay cũng khác xưa nhiều. Người dân giờ không còn gắn bó với chợ như ngày xưa nữa. Quan niệm đi chợ bây giờ rất thực dụng. Cần gì ra chợ mua rồi đi về, thậm chí gọi người mang đến tận nhà chứ không có sự giao lưu chân tình như trước. Sự giao lưu, trao đổi tình cảm giữa những người đi chợ với nhau và người đi chợ với người bán hàng cứ thế mất đi. Đi chợ không còn là thú vui, hoặc là nơi để gặp gỡ, trao đổi thông tin mà chỉ để phục vụ nhu cầu mua sắm đơn thuần.

- Chợ ngày nay đã to và đẹp hơn trước, hình thức cũng đa dạng phong phú hơn... Tuy nhiên văn hóa, văn minh thương mại lại chưa hẳn đã theo kịp sự phát triển về số lượng. Theo bà thì nguyên nhân do đâu?

- Cuộc sống hiện đại kéo theo nhu cầu mua sắm cũng thay đổi. Đó là lý do để xuất hiện các trung tâm thương mại, siêu thị. Tuy nhiên, có nhiều khu chợ truyền thống sau khi biến thành trung tâm thương mại lại “vắng như chùa Bà Đanh”. Chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da, chợ Mơ... rơi vào cảnh đìu hiu, không còn cảnh bán mua tấp nập như mới ngày nào... vì không gian không thân thiện, không phù hợp với phong cách, thói quen mua bán đặc trưng của chợ. Tiếp đó, văn minh thương mại chưa được phổ biến sâu rộng bởi chưa có một chế tài đủ mạnh để răn đe. Quy tắc ứng xử tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... tuy đầy đủ nhưng không hiệu quả, vì nó không đi kèm với chế tài. Kế đó là ý thức người dân còn kém, chủ yếu là do chưa đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục văn minh thương mại ở các chợ đến mọi người dân.

- Trước những tồn tại nêu trên, theo bà phải làm thế nào để phát triển văn hóa, văn minh thương mại tại các chợ ngày nay sao cho phù hợp với đời sống hiện đại nhưng không mất đi nét văn hóa của chợ truyền thống?

- Để thay đổi một thói quen, hay xây dựng hình ảnh văn minh tại các chợ không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Quan trọng nhất cần phải đẩy mạnh giáo dục nếp sống văn minh, văn hóa ngay từ trong nhà trường. Tuyên truyền về văn hóa chợ xưa để thế hệ trẻ tiếp nối và tự hào về nét đẹp ứng xử văn minh thương mại của người Hà Nội. Tiếp đó, để dần có những thay đổi nhất định, cần giải pháp cơ bản sau: Trước hết, về quy hoạch, cần mở rộng quy mô đối với các chợ có nhu cầu mua bán lớn, bổ sung các hạng mục chức năng phụ trợ như bãi giữ xe, khu vực bán hàng tươi sống, khu chứa rác thải... Về góc độ kiến trúc, cần sớm cải tạo để bảo đảm sự thông thoáng tự nhiên trong chợ, bảo đảm vệ sinh môi trường, tổ chức sắp xếp, bố trí lại các gian hàng sao cho khoa học và hiệu quả trong kinh doanh. Về quản lý, cần sớm rà soát và có giải pháp quản lý theo hướng chặt chẽ và khoa học hơn, có sự phân cấp quản lý, rõ trách nhiệm hơn. Cuối cùng, mặc dù mạng lưới siêu thị và trung tâm thương mại hiện phát triển rộng khắp trên địa bàn thành phố, nhưng chợ vẫn là nơi mua sắm chủ yếu của người dân, nơi giải quyết số lượng lớn việc làm cho người lao động, tạo kế sinh nhai cho hàng vạn người dân của thành phố. Do đó, cần tổ chức hài hòa giữa các không gian trung tâm thương mại và chợ truyền thống. Nên chăng dung hòa bằng cách tại tầng 1 của các trung tâm thương mại nên để một diện tích nhất định để tồn tại chợ truyền thống, đi kèm với việc bố trí hợp lý chỗ ngồi, chỗ gửi xe thuận tiện cho người dân... Chúng ta cần hiểu rằng dù thế nào chợ truyền thống vẫn là một phần gần gũi, quen thuộc và không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân. Và văn hóa chợ vẫn luôn là phần cốt lõi, đậm sâu, mang tính quyết định sự tồn tại của cái chợ đó.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa chợ luôn là phần cốt lõi, mang tính quyết định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO