Văn hóa chợ luôn là phần cốt lõi, mang tính quyết định
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 23:10, 17/10/2019
- Chợ từ xưa đã là một khái niệm hết sức thân thuộc với người Việt và đặc biệt là người Hà Nội, bởi bên cạnh không gian mua bán, đó còn là nơi gặp gỡ, trao đổi tình cảm. Bà có đồng ý với quan điểm này không và dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, văn hóa chợ xưa ở Hà Nội có nét gì độc đáo?
- Đúng vậy, trong quan niệm của người Việt, đặc biệt là ở Hà Nội, chốn Kinh kỳ - Kẻ Chợ thì chợ không chỉ là nơi giao thương, trao đổi mua bán hàng hóa mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa, nơi kết nối cộng đồng, nơi sinh hoạt gắn liền với cuộc sống của người lao động.
Ngày xưa khái niệm văn minh thương mại chưa có nhưng cách tổ chức, bài trí không gian chợ đã rất quy củ, văn minh. Những chợ tổng hay chợ huyện xưa đều xây cầu chợ (là những dãy ô vuông được xây bằng gạch, lợp ngói để những người đến họp chợ ngồi) và những cầu chợ này được phân chia rất quy củ, hàng bán rau, bán thịt, hàng khô được bố trí hợp lý. Ngày xưa không phải đóng thuế chợ nên khi hết buổi chợ, người nào ngồi ở chỗ vị trí nào phải tự dọn dẹp sạch sẽ và nếu ai vi phạm lần sau sẽ không cho vào họp chợ nữa. Người ta còn bầu ra một người coi chợ, thường là người lớn tuổi, có nhiệm vụ trông coi trật tự, nhắc nhở những người ngồi lấn chiếm lối đi hoặc để hàng không đúng chỗ quy định, hoặc hễ có tranh chấp gì thì đứng ra giải quyết... Bên cạnh đó, chợ thời đấy rất ít nạn trộm cắp bởi có hình thức phạt rất nghiêm. Ví dụ theo quy định của chợ Mơ xưa, những người vi phạm sẽ bị trói tay và treo lên cây để mọi người qua lại mắng nhiếc và sau đó báo về làng... Đặc biệt, đối với những chợ có tiếng như chợ Mơ, chợ Khương Thượng, các đặc sản như đậu Mơ, rượu Mơ, chả nhái Khương Thượng được bố trí ngồi ngay ở đầu chợ. Vì thế, có những người không có nhu cầu mua bán cũng vẫn mong ngóng đến chợ để thưởng thức các đặc sản của làng đó...
Văn hóa chợ xưa được biểu hiện rõ nét nhất là lối ứng xử thân tình, bởi đối tượng đi chợ phần lớn là cùng làng, cùng xã vốn đã quen biết nhau. Vì quen biết nên người bán chỉ nói thách một ít thôi còn người mua cũng vì quen biết nhau nên mặc cả xuống thấp một chút, cho nên đôi bên đều hài lòng và vui vẻ, vì vậy quan hệ giữa người mua và người bán khá thân tình. Bao giờ mua bán xong xuôi cũng hẹn nhau phiên chợ sau gặp lại. Bên cạnh đó, chợ ngày xưa còn là nơi giao lưu tình cảm, văn hóa. Nhiều chàng trai cô gái nên vợ nên chồng cũng từ những buổi gặp nhau ở chợ... Cứ thế nó hình thành nên văn hóa và những người đi xa bao giờ cũng nhớ về cái chợ của riêng mình, bởi trong tâm trí họ chợ không chỉ đơn thuần mua bán mà còn là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm.
- Tức là chợ truyền thống xưa ở Hà Nội đã hình thành những nét văn hóa, văn minh thương mại khá đặc sắc. Còn hôm nay, đô thị phát triển, nhiều chợ truyền thống đã được thay thế bằng những trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại, văn hóa chợ ngày nay vì thế mà đã khác so với văn hóa chợ xưa như thế nào, thưa bà?
- Trước tiên nói về văn minh thương mại. Xô bồ, nhếch nhác, thiếu vệ sinh - đó là những suy nghĩ dễ nảy sinh khi nhìn vào hàng trăm ngôi chợ truyền thống đang tồn tại ở Hà Nội. Hình ảnh thường gặp là sự lộn xộn từ chuyện hàng rong chiếm dụng lòng, lề đường cho đến việc sắp xếp quầy hàng thiếu khoa học, hàng tươi sống nằm ngay cạnh hàng thức ăn chín, hàng ăn bày biện nấu nướng ngay trong chợ vừa mất vệ sinh vừa dễ gây cháy nổ. Không khí trong các chợ thường ngột ngạt, thiếu ánh sáng, thiếu thông thoáng tự nhiên, đó là chưa kể cả lối đi lại nhiều khi bị thu hẹp bởi chủ hàng tranh thủ lấn thêm một ít không gian để bày biện hàng hóa.
Tiếp đó, văn hóa chợ ngày nay cũng khác xưa nhiều. Người dân giờ không còn gắn bó với chợ như ngày xưa nữa. Quan niệm đi chợ bây giờ rất thực dụng. Cần gì ra chợ mua rồi đi về, thậm chí gọi người mang đến tận nhà chứ không có sự giao lưu chân tình như trước. Sự giao lưu, trao đổi tình cảm giữa những người đi chợ với nhau và người đi chợ với người bán hàng cứ thế mất đi. Đi chợ không còn là thú vui, hoặc là nơi để gặp gỡ, trao đổi thông tin mà chỉ để phục vụ nhu cầu mua sắm đơn thuần.
- Chợ ngày nay đã to và đẹp hơn trước, hình thức cũng đa dạng phong phú hơn... Tuy nhiên văn hóa, văn minh thương mại lại chưa hẳn đã theo kịp sự phát triển về số lượng. Theo bà thì nguyên nhân do đâu?
- Cuộc sống hiện đại kéo theo nhu cầu mua sắm cũng thay đổi. Đó là lý do để xuất hiện các trung tâm thương mại, siêu thị. Tuy nhiên, có nhiều khu chợ truyền thống sau khi biến thành trung tâm thương mại lại “vắng như chùa Bà Đanh”. Chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da, chợ Mơ... rơi vào cảnh đìu hiu, không còn cảnh bán mua tấp nập như mới ngày nào... vì không gian không thân thiện, không phù hợp với phong cách, thói quen mua bán đặc trưng của chợ. Tiếp đó, văn minh thương mại chưa được phổ biến sâu rộng bởi chưa có một chế tài đủ mạnh để răn đe. Quy tắc ứng xử tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... tuy đầy đủ nhưng không hiệu quả, vì nó không đi kèm với chế tài. Kế đó là ý thức người dân còn kém, chủ yếu là do chưa đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục văn minh thương mại ở các chợ đến mọi người dân.
- Trước những tồn tại nêu trên, theo bà phải làm thế nào để phát triển văn hóa, văn minh thương mại tại các chợ ngày nay sao cho phù hợp với đời sống hiện đại nhưng không mất đi nét văn hóa của chợ truyền thống?
- Để thay đổi một thói quen, hay xây dựng hình ảnh văn minh tại các chợ không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Quan trọng nhất cần phải đẩy mạnh giáo dục nếp sống văn minh, văn hóa ngay từ trong nhà trường. Tuyên truyền về văn hóa chợ xưa để thế hệ trẻ tiếp nối và tự hào về nét đẹp ứng xử văn minh thương mại của người Hà Nội. Tiếp đó, để dần có những thay đổi nhất định, cần giải pháp cơ bản sau: Trước hết, về quy hoạch, cần mở rộng quy mô đối với các chợ có nhu cầu mua bán lớn, bổ sung các hạng mục chức năng phụ trợ như bãi giữ xe, khu vực bán hàng tươi sống, khu chứa rác thải... Về góc độ kiến trúc, cần sớm cải tạo để bảo đảm sự thông thoáng tự nhiên trong chợ, bảo đảm vệ sinh môi trường, tổ chức sắp xếp, bố trí lại các gian hàng sao cho khoa học và hiệu quả trong kinh doanh. Về quản lý, cần sớm rà soát và có giải pháp quản lý theo hướng chặt chẽ và khoa học hơn, có sự phân cấp quản lý, rõ trách nhiệm hơn. Cuối cùng, mặc dù mạng lưới siêu thị và trung tâm thương mại hiện phát triển rộng khắp trên địa bàn thành phố, nhưng chợ vẫn là nơi mua sắm chủ yếu của người dân, nơi giải quyết số lượng lớn việc làm cho người lao động, tạo kế sinh nhai cho hàng vạn người dân của thành phố. Do đó, cần tổ chức hài hòa giữa các không gian trung tâm thương mại và chợ truyền thống. Nên chăng dung hòa bằng cách tại tầng 1 của các trung tâm thương mại nên để một diện tích nhất định để tồn tại chợ truyền thống, đi kèm với việc bố trí hợp lý chỗ ngồi, chỗ gửi xe thuận tiện cho người dân... Chúng ta cần hiểu rằng dù thế nào chợ truyền thống vẫn là một phần gần gũi, quen thuộc và không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân. Và văn hóa chợ vẫn luôn là phần cốt lõi, đậm sâu, mang tính quyết định sự tồn tại của cái chợ đó.
- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!