Văn chương Việt Nam Những nhà thơ thế kỷ XX: Lãng mạn Tản Đà, cái tôi ngông

Vũ Quần Phương| 30/07/2019 16:52

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 25/5/1889, tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, cạnh sông Đà và cách núi Tản Viên 10km theo đường chim bay. Ông đã mượn tên núi tên sông làm bút danh. Tản Đà tạ thế tại Hà Nội ngày 7/6/1939.

Văn chương Việt Nam Những nhà thơ thế kỷ XX: Lãng mạn Tản Đà, cái tôi ngông

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 25/5/1889, tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, cạnh sông Đà và cách núi Tản Viên 10km theo đường chim bay. Ông đã mượn tên núi tên sông làm bút danh. Tản Đà tạ thế tại Hà Nội ngày 7/6/1939.

Tản Đà bước vào văn chương ở buổi cũ mới giao thời. Thơ lối cũ không còn đủ chứa tình ý của thời đại. Còn lối mới thì ông phải tự tìm lấy. Bỗng nhiên Tản Đà thành người tự do không bị khuôn khổ nào câu thúc, cả về hình thức lẫn nội dung. Thơ ông lắm lối lắm loại. Khi thì ông phân biệt chúng bằng hình thức: hát nói, hát xẩm, tứ tuyệt, bát cú, yết hậu, lục bát, trường đoản, từ khúc, trường thiên… Khi thì bằng nội dung: tập Kiều, thù tiếp, thơ họa… phân biệt lắm thứ như thế vì thật sự Tản Đà không quan tâm đến sự phân biệt. Ông làm thơ như chỉ vì mình. Thơ như nói, nói như chơi mà thấm thía nhân tình. Biên độ thơ Tản Đà rất rộng. Dân ca liền với triết học, cổ điển xen cùng lãng mạn, trào phúng trộn với trữ tình. Nhiều khi câu chữ có cái vẻ ngoài mực thước như của người xưa nhưng cái chất chứa bên trong lại rất Tản Đà, cứ như ông thổi sinh khí vào tượng đất cho nó thành người biết ứa nước mắt.

Cái mới rõ nhất ở Tản Đà là sự hồn nhiên, tự nhiên. Ông làm thơ như hít thở, thấy thế, cảm nghĩ thế thì viết thế. Tản Đà phẫn chí về danh phận nhưng lại đắc ý về tài năng: tài cao phận thấp; chí khí uất, đắc ý về cách sống, cách làm thơ: tuổi chửa bao nhiêu, văn rất hùng. Thơ ông nói chuyện đời ông, nói việc hàng ngày của ông. Ông không mỹ lệ hóa đời thường cũng không thần bí hóa thơ mà cũng chẳng màu mè vờ vĩnh. Đắc ý thì nói đắc ý, buồn thì nói buồn. Dám bộc lộ thật mình trong văn chương ở thời Tản Đà là bạo lắm. Phạm Quỳnh công kích Tản Đà: Người ta, phi người cuồng, không ai dám trần truồng mà đi ngoài phố. Nhà làm sách cũng vậy, không ai đem thân thế của mình mà làm truyện cho người đời xem. Phạm Quỳnh đại diện cho thời cất giấu cá nhân. Cá nhân lẫn vào trong bầy đàn, người ta tả được loài cừu nhưng không ai nhớ mặt một con cừu. Cái mặt cừu người ta tả là mặt của cả loài cừu. Tản Đà dám chiềng cái mặt (của tâm hồn) mình ra giữa cái buổi còn lòa nhòa nhân ảnh ấy nên bị lớp người cũ phản ứng. Nhưng chính chỗ ấy là chỗ Tản Đà đã khai sinh ra chủ nghĩa lãng mạn cho thơ Việt Nam, trước cả phong trào Thơ Mới. Trình độ dân trí hồi ấy đã cho phép Tản Đà bộc lộ chính mình, xã hội đã chấp nhận cho “cái không giống ai” trong phạm trù cá nhân, cá thể tồn tại, điều mà Nguyễn Trãi, Nguyễn Du chưa có. Các cụ xưa mới chỉ bộc lộ được từng nét cá thể khi tỉnh rượu, lúc tàn canh. Các cụ mới có từng yếu tố lãng mạn chứ chưa có chủ nghĩa lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn lấy cái tôi làm nền tảng, quan tâm, chăm chút cái tôi. Tản Đà lãng mạn trên cái tôi ngông. Ngông là một cách đòi quyền tồn tại cá thể chống mọi khuôn khổ áp đặt. Ngông là lãng mạn trong cõi thực. Tản Đà còn lãng mạn ra ngoài cõi thực. Và đấy lại  là chỗ bộc lộ nhất tinh hoa thơ Tản Đà: Nhớ mộng, Tống biệt, Nói với bóng, Nói với ảnh… Đọc văn xuôi Tản Đà càng thấy rõ phẩm chất lãng mạn của tâm hồn ông.

Hồn mơ mộng, thơ hiu hắt, tình điệu âm u. Cõi u ẩn của lòng người, cao thấp sang hèn gì, đều dám phơi lên mặt giấy, gợi thương, gợi buồn, gợi cảm thông. Bài Tống biệt từ âm điệu đến hình ảnh đều nói được cái dùng dằng của khách trần lưu luyến động tiên, khát thèm mộng ảo: 

Cửa động 
Đầu non 
Đường lối cũ 
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi. 

Bài Nhớ mộng mở đầu như một sự  giác ngộ giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi. Nhưng 
Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng 
Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời. 

Hai câu này còn là cái lãng mạn mực thước của chủ nghĩa cổ điển. Nó là tổng kết chung của cuộc đời dâu bể. Cái chỗ hé ra nỗi niềm Tản Đà đó là ở câu: Những lúc canh gà ba cốc rượu và mộng cũ, mê đường biết hỏi ai. 
Tản Đà có lối vào bài thơ thật tự nhiên:

Ngồi buồn đâm nhớ chị hàng cau
Chiều mát ngồi xem đứa thả câu
Ngồi buồn lấy giấy viết thư chơi
Viết như không mục đích. Viết, xem, nhớ... để khuây khỏa nhu cầu của lòng mình, để có việc mà làm, để khỏi chống chếnh vì nỗi hết thú chơi ở cõi đời:

Trông khắp trần gian hết thú chơi
Thèm trông con hạc nó lên trời.
Tản Đà còn than với chị Hằng Trần thế em nay chán nửa rồi, muốn chuyển hộ khẩu lên đó: 
Cung quế đã ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi
Tản Đà có những câu thơ chán đời nhưng trong cốt lõi ông là người ham chơi, ham sống: 

Trời sinh ra bác Tản Đà 
Quê hương thời có cửa nhà 
thời không 
Nửa đời Nam Bắc Tây Đông
Bạn bè sum họp vợ chồng biệt ly.

Mỗi lần nói đến cái chết, dù lúc đang đùa, câu thơ Tản Đà vẫn cứ lặng đi, xa vắng lắm. Nói với bóng: 
Còn ta bóng nỡ nào đi
Ta đi, bóng có ở chi cõi trần
Nói với mùa xuân: 

Ngoài trăm tuổi vắng ta trần thế
Xuân nhớ ta chưa dễ biết đâu tìm

Tản Đà chỉ hiện thực khi  nào cái hiện thực đánh rất đau vào cái mộng, vào tâm trí nhân ái: Năm hào một đứa trẻ lên sáu. Tiền có năm mà trẻ lên tuổi sáu, ấn tượng con số diễn tả sự rẻ rúng của phận người năm lụt lội đói kém. Chi tiết như tân văn, chính xác, cụ thể. Và cõi lòng thì bao nhiêu xa xót. Tản Đà còn hiện thực đến mức dùng thơ làm quảng cáo. Rạch ròi giá cả, khuyến mãi, cổ động, đủ cả. Bài thơ này đọc thấy buồn cười, cười mà ứa nước mắt. Cười vì thấy chức năng thơ (!) Còn ứa nước mắt vì tình thế ông Tản Đà. Ông như con hải âu có sải cánh dài đủ sức làm ông hoàng ở bầu trời nhưng khi phải bước chân lên mặt đất, thì đôi cánh (lãng mạn) kia càng dài ông càng chuệnh choạng *. Tâm hồn Tản Đà không lãng mạn thì không có bài thơ này.

Về hình thức câu thơ, Tản Đà cũng có nhiều cách tân lắm. Bên cạnh thơ lối cũ, ông viết nhiều thơ lối mới. Ông dùng song song cả mới lẫn cũ, không bài xích hay bênh vực thứ nào nên người ta cứ nghĩ phải đến thời Thơ Mới câu thơ Việt Nam mới có cách tân. Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam coi Tản Đà như người bắc cầu cho hai thời đại thi ca Việt Nam là có lý. Nhưng không phải chỉ ở nội dung mà còn ở cả hình thức nghệ thuật. 
...............................................................
(*) Thơ Baudelaire
(Xin xem báo Người Hà Nội từ số 24, ra ngày 21/6/2019)
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
    Tối 31/3, tại Landmark 81 (TP.HCM) đã diễn ra sự kiện ra mắt bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'. Bộ phim tái hiện cuộc sống và quá trình chiến đấu của những du kích ở Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • [Podcast] Bánh đúc riêu cua – Món ngon của người Hà Nội xưa
    Hà Nội là nơi lưu giữ những hương vị khó quên với những món ăn không quá cầu kỳ nhưng lại chứa đựng biết bao tinh túy của đất trời, của văn hóa, của con người, được tích tụ và lan tỏa theo chiều dài hơn 1000 năm lịch sử. Và có một món ăn dân dã, bình dị nhưng đã đi cùng bao thế hệ người Hà Nội, nhất là những ai từng lớn lên trong những con phố nhỏ. Một món ăn mà chỉ cần nghe tên thôi cũng đủ gợi lên cả một trời ký ức: Bánh đúc riêu cua.
  • Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng 43 cụm công nghiệp
    UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 171/TB-VP ngày 31/3 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp rà soát quy trình thành lập cụm công nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Văn chương Việt Nam Những nhà thơ thế kỷ XX: Lãng mạn Tản Đà, cái tôi ngông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO