Từ hương ước xưa đến nếp sống mới hôm nay

hanoimoicuoituan| 31/08/2020 22:19

Thăng Long - Hà Nội tuy là đô thị lớn nhất cả nước nhưng vẫn là “kẻ chợ” của những “kẻ quê”. Đan xen phường, phố là thôn làng mà ở đó những hương ước, điều ước, khoán ước... phần nào thể hiện rõ nếp sống của người Hà Nội. Nhìn nhận sự tương đồng giữa hương ước năm xưa với những quy ước tại tổ dân phố hôm nay chắc chắn sẽ có thêm cơ sở để phát huy giá trị văn hóa truyền thống của ông cha...

Từ hương ước xưa đến nếp sống mới hôm nay
Hương ước làng có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Đỗ Đạt

Sinh thời, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc khi viết về phong tục Hà Nội không quên nhắc đến hương ước - những quy ước do các làng, xã tự soạn ra. Theo ông, phần lớn các văn bản hương ước xưa được viết bằng chữ Hán, một số bằng chữ Nôm. Đến thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân buộc các làng phải viết bằng chữ quốc ngữ. Tùy nơi mà hương ước được gọi bằng những tên khác nhau: Hương khoán, hương lệ, khoán ước, khoán lệ, điều ước, tục lệ...

Kho sách của Viện Hán Nôm hiện còn lưu giữ hàng trăm hương ước bằng chữ Hán và chữ Nôm của những vùng đất, những làng, xã xưa của đất Hà thành. Có hương ước quy định về cơ cấu tổ chức làng, xã, thứ bậc quan viên dân hạng; có hương ước lại quy định về công điền, công thổ, an ninh trật tự, đời sống tâm linh, nghi thức thờ cúng, nghĩa vụ với chính quyền với những điều khoản khen thưởng và xử phạt.

Tùy theo tình hình cụ thể của từng làng, xã mà hương ước, tục lệ cũng có sự khác biệt. Ví như lệ xử phạt, hương ước làng Đa Sĩ (nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) quy định “Miếu, đình, chùa, viện, điện sở... của xã phải trồng cây xanh tươi tốt. Nếu trâu bò hoặc người xâm phạm thì bắt được phải phạt 300 đồng tiền cổ. Cứ 10 năm nếu cây đã to lớn mà thuộc loại cây làm nhà, kèo cột hoặc làm được việc khác thì đốn để làm việc công hoặc bán lấy tiền sung công. Những nhà ở cạnh đấy hoặc bất cứ ai xâm phạm phá hủy cây cối hoặc mầm cây thì phạt 600 đồng tiền cổ”.

Hương ước làng Tương Mai (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai) thì ghi: “Trong làng, các việc gian tham, trộm cắp đồ vật người khác hay dâm bôn loạn luân, bất hiếu, bất mục, đang có tang mà tụ tập ca hát đàn xướng nhộn nhịp thì quan viên hương lão, trưởng thôn cùng nhau họp để xử phạt”.

Hay như vấn đề vệ sinh môi trường, hương ước làng Cót (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) quy định: “Nhà nào trong nhà cũng phải quét, sao cho sạch sẽ, ai làm bánh, làm đậu, nước ấy với rác hoặc vỏ ốc phải đem ra tận đồng mà đổ, không được đổ tháo ra ngõ, với các đường quanh làng, ai không theo phạt hai hào, sung công một hào, cho tuần phiên một hào...”.

Còn làng Đông Trù (nay thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh) cũng có luật thành văn: “Cấm không ai được vứt rác bẩn ra đường và làm nhà xí bên cạnh đường, trâu bò đi trên đường mà phóng uế thì phải dọn ngay, ai vi phạm bị phạt từ 1 đến 5 hào”, hoặc “Những đồ dùng của người ốm, người chết cấm không được vứt xuống hồ ao. Ai vi phạm phạt 3 hào”. 

Nhiều tục lệ từ xưa hàm chứa nội dung rất tiến bộ, như tục lệ phường Xã Đàn (tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương nay thuộc phường Nam Đồng, quận Đống Đa) khuyên mọi người gìn giữ và phát huy thuần phong mỹ tục của làng. Lại có tục lệ đề cao trách nhiệm với cộng đồng của mỗi cá nhân như lệ làng Nam Đồng (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) hay hương ước làng Xa Mạc (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh)... “Gặp lúc khẩn cấp như nước to đê vỡ hoặc hỏa hoạn trộm cướp, trừ những người 60 tuổi trở lên hoặc bệnh tật yếu đuối, còn nghe hiệu lệnh lập tức phải đến cứu. Nếu ai biếng nhác không đến, Hội đồng xét thực phạt từ 2 đến 5 hào” (lệ làng Nam Đồng).

Nhiều hương ước đưa ra các điều khoản khuyến khích việc học tập như hương ước làng Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) quy định: “Dạy trẻ có học thức là nghĩa vụ của phụ huynh, không ai được từ. Làng mở một trường ấu học để dạy trẻ con trong làng”. Tấm bia thôn Hữu Đạo (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ), trong điều 19 cũng ghi rõ: “Cấm thầy đồ mở trường dạy học ở trong thôn thu tiền phí một cách tàn nhẫn”. Lệ thôn Kim Mã (nay thuộc phường Kim Mã, quận Ba Đình) cũng có quy định với học trò: “Người nào đến tuổi đi học thì được miễn các việc như tuần phu, điếm phu để tập trung vào việc học hành. Ai gia cảnh nghèo khó nhưng hiếu học làng sẽ trích tiền công để chu cấp”.

Qua thời gian, nếp xưa lệ cũ đã có biến đổi nhất định. Dẫu rằng chỉ còn được nhắc tới trong tư liệu hay ký ức của những người già cả, nhưng với những giá trị từng hiện diện, thế hệ sau vẫn dễ dàng nhận thấy những giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp của vùng đất kinh kỳ qua những tục lệ, hương ước một thời. Nói như PGS.TS Đỗ Thị Hảo, tìm hiểu, nghiên cứu về hương ước cũng là để “giúp mọi người có thể hình dung được mọi mặt sinh hoạt xã hội hay nói cách khác là thói đất, nết người rất đa dạng của Hà Nội xưa; hiểu thêm về những giá trị văn hóa đạo đức truyền thống của cha ông ta...”.

Ngày nay, khi “xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” - một nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội - đã trở thành phong trào rộng khắp thì việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cũng được các tổ dân phố, khu dân cư tích cực triển khai. Soi rọi những “lề thói” của hương ước xưa để kế thừa và phát huy sao cho hiệu quả trong những quy ước của tổ dân phố hôm nay rõ ràng là việc cần thiết, để từ đó tạo dựng một Hà Nội thanh lịch, cổ kính nhưng không cổ hủ, văn minh hiện đại nhưng không lai căng, xóa nhòa bản sắc dân tộc.

(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Từ hương ước xưa đến nếp sống mới hôm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO