Từ hương ước xưa đến nếp sống mới hôm nay

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 22:19, 31/08/2020

Thăng Long - Hà Nội tuy là đô thị lớn nhất cả nước nhưng vẫn là “kẻ chợ” của những “kẻ quê”. Đan xen phường, phố là thôn làng mà ở đó những hương ước, điều ước, khoán ước... phần nào thể hiện rõ nếp sống của người Hà Nội. Nhìn nhận sự tương đồng giữa hương ước năm xưa với những quy ước tại tổ dân phố hôm nay chắc chắn sẽ có thêm cơ sở để phát huy giá trị văn hóa truyền thống của ông cha...
Từ hương ước xưa đến nếp sống mới hôm nay
Hương ước làng có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Đỗ Đạt

Sinh thời, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc khi viết về phong tục Hà Nội không quên nhắc đến hương ước - những quy ước do các làng, xã tự soạn ra. Theo ông, phần lớn các văn bản hương ước xưa được viết bằng chữ Hán, một số bằng chữ Nôm. Đến thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân buộc các làng phải viết bằng chữ quốc ngữ. Tùy nơi mà hương ước được gọi bằng những tên khác nhau: Hương khoán, hương lệ, khoán ước, khoán lệ, điều ước, tục lệ...

Kho sách của Viện Hán Nôm hiện còn lưu giữ hàng trăm hương ước bằng chữ Hán và chữ Nôm của những vùng đất, những làng, xã xưa của đất Hà thành. Có hương ước quy định về cơ cấu tổ chức làng, xã, thứ bậc quan viên dân hạng; có hương ước lại quy định về công điền, công thổ, an ninh trật tự, đời sống tâm linh, nghi thức thờ cúng, nghĩa vụ với chính quyền với những điều khoản khen thưởng và xử phạt.

Tùy theo tình hình cụ thể của từng làng, xã mà hương ước, tục lệ cũng có sự khác biệt. Ví như lệ xử phạt, hương ước làng Đa Sĩ (nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) quy định “Miếu, đình, chùa, viện, điện sở... của xã phải trồng cây xanh tươi tốt. Nếu trâu bò hoặc người xâm phạm thì bắt được phải phạt 300 đồng tiền cổ. Cứ 10 năm nếu cây đã to lớn mà thuộc loại cây làm nhà, kèo cột hoặc làm được việc khác thì đốn để làm việc công hoặc bán lấy tiền sung công. Những nhà ở cạnh đấy hoặc bất cứ ai xâm phạm phá hủy cây cối hoặc mầm cây thì phạt 600 đồng tiền cổ”.

Hương ước làng Tương Mai (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai) thì ghi: “Trong làng, các việc gian tham, trộm cắp đồ vật người khác hay dâm bôn loạn luân, bất hiếu, bất mục, đang có tang mà tụ tập ca hát đàn xướng nhộn nhịp thì quan viên hương lão, trưởng thôn cùng nhau họp để xử phạt”.

Hay như vấn đề vệ sinh môi trường, hương ước làng Cót (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) quy định: “Nhà nào trong nhà cũng phải quét, sao cho sạch sẽ, ai làm bánh, làm đậu, nước ấy với rác hoặc vỏ ốc phải đem ra tận đồng mà đổ, không được đổ tháo ra ngõ, với các đường quanh làng, ai không theo phạt hai hào, sung công một hào, cho tuần phiên một hào...”.

Còn làng Đông Trù (nay thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh) cũng có luật thành văn: “Cấm không ai được vứt rác bẩn ra đường và làm nhà xí bên cạnh đường, trâu bò đi trên đường mà phóng uế thì phải dọn ngay, ai vi phạm bị phạt từ 1 đến 5 hào”, hoặc “Những đồ dùng của người ốm, người chết cấm không được vứt xuống hồ ao. Ai vi phạm phạt 3 hào”. 

Nhiều tục lệ từ xưa hàm chứa nội dung rất tiến bộ, như tục lệ phường Xã Đàn (tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương nay thuộc phường Nam Đồng, quận Đống Đa) khuyên mọi người gìn giữ và phát huy thuần phong mỹ tục của làng. Lại có tục lệ đề cao trách nhiệm với cộng đồng của mỗi cá nhân như lệ làng Nam Đồng (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) hay hương ước làng Xa Mạc (xã Liên Mạc, huyện Mê Linh)... “Gặp lúc khẩn cấp như nước to đê vỡ hoặc hỏa hoạn trộm cướp, trừ những người 60 tuổi trở lên hoặc bệnh tật yếu đuối, còn nghe hiệu lệnh lập tức phải đến cứu. Nếu ai biếng nhác không đến, Hội đồng xét thực phạt từ 2 đến 5 hào” (lệ làng Nam Đồng).

Nhiều hương ước đưa ra các điều khoản khuyến khích việc học tập như hương ước làng Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) quy định: “Dạy trẻ có học thức là nghĩa vụ của phụ huynh, không ai được từ. Làng mở một trường ấu học để dạy trẻ con trong làng”. Tấm bia thôn Hữu Đạo (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ), trong điều 19 cũng ghi rõ: “Cấm thầy đồ mở trường dạy học ở trong thôn thu tiền phí một cách tàn nhẫn”. Lệ thôn Kim Mã (nay thuộc phường Kim Mã, quận Ba Đình) cũng có quy định với học trò: “Người nào đến tuổi đi học thì được miễn các việc như tuần phu, điếm phu để tập trung vào việc học hành. Ai gia cảnh nghèo khó nhưng hiếu học làng sẽ trích tiền công để chu cấp”.

Qua thời gian, nếp xưa lệ cũ đã có biến đổi nhất định. Dẫu rằng chỉ còn được nhắc tới trong tư liệu hay ký ức của những người già cả, nhưng với những giá trị từng hiện diện, thế hệ sau vẫn dễ dàng nhận thấy những giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp của vùng đất kinh kỳ qua những tục lệ, hương ước một thời. Nói như PGS.TS Đỗ Thị Hảo, tìm hiểu, nghiên cứu về hương ước cũng là để “giúp mọi người có thể hình dung được mọi mặt sinh hoạt xã hội hay nói cách khác là thói đất, nết người rất đa dạng của Hà Nội xưa; hiểu thêm về những giá trị văn hóa đạo đức truyền thống của cha ông ta...”.

Ngày nay, khi “xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” - một nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội - đã trở thành phong trào rộng khắp thì việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước cũng được các tổ dân phố, khu dân cư tích cực triển khai. Soi rọi những “lề thói” của hương ước xưa để kế thừa và phát huy sao cho hiệu quả trong những quy ước của tổ dân phố hôm nay rõ ràng là việc cần thiết, để từ đó tạo dựng một Hà Nội thanh lịch, cổ kính nhưng không cổ hủ, văn minh hiện đại nhưng không lai căng, xóa nhòa bản sắc dân tộc.

hanoimoicuoituan