Xe người kéo tay do người Nhật nghĩ ra rồi du nhập vào Việt Nam
Cáng đan hai người khiêng
Thăng Long đầu thế kỷ XIX, đi từ hồ Tả Vọng - hồ Hoàn Kiếm ngày nay - sang hồ Hàng Đào phải qua cái cầu gỗ bắc ngang lạch nước. Sau hồ bị lấp, cầu gỗ không còn, chỗ đặt mấy nhịp cầu trở thành phố Cầu Gỗ.
Người qua lại trong phố thời ấy đều đi bộ. Phương tiện vận chuyển đầu tiên trên đất Thăng Long là cái cáng đan bằng sợi gai hoặc sợi đay do 2 người khiêng bằng cái đòn dài, trên phủ chiếu hoa hoặc lá vải để che nắng. Trong cuốn “Xứ Bắc Kỳ ngày trước” của họa sĩ người Pháp Cờlốt Buaranh đã minh họa theo lối đặc tả chân dung việc đi cáng. Quan to ngồi võng sang nhuộm điều, không phủ chiếu hoa - gọi là võng trần - che 4 lọng vàng, có lính đi trước gọi loa cho hai bên hàng phố đứng dậy chào, lại một tốp lính khác lũ lượt theo sau, đeo gươm, đeo túi đựng roi, cắp tráp, xách điếu ống, ống nhổ nước cốt trầu và giá đỡ võng.
Quan nhỏ ngồi võng thường, chỉ che một, 2 lọng đen, không có tiền hô hậu ủng như quan to. Lính hầu đều là lính lệ, đội khăn đen, mặc áo the thâm, quần trắng xắn ống thấp, ống cao, thắt dây lưng điều bỏ múi một bên. Lại có bức minh họa cảnh anh Khóa sinh thi đỗ tiến sĩ, khi vinh quy bái tổ được dân làng đi rước về. Không chỉ ông Nghè xúng xính mũ cao, áo dài, cả vợ ông cũng được rước về, uy nghi, chiêng trống, bát âm xốn xang chặng đường dài. Vì thế mới có câu: “Mai sau danh chiếm bảng vàng/ Võng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Quan bà lúc này mới thấy bõ những ngày xắn váy quai cồng, nuôi chồng dùi mài kinh sử.
Xe người kéo tay
Khi Tây xâm chiếm nước ta, khoảng dăm năm sau, trên đất Kinh kỳ xuất hiện mấy chiếc xe do người kéo. Còn nhớ cái xe cao lênh khênh, mang 2 cái càng dài bằng gỗ phía trước, chỗ tay cầm nhiều ở quãng giữa bóng lên, thùng xe bằng gỗ đặt trên hai cái nhíp bằng sắt và cái trục sắt ở dưới, hai đầu có hai bánh gỗ bọc sắt, bác phu xe cứ è cổ ra mà kéo. Bánh xe lăn chậm, nghiến xuống mặt đường đá nghe lọc cọc, khiến người ngồi trên xe đường dài ra ngoại thành cứ ngủ gà ngủ gật, khi gặp phải cái ổ gà, xe xóc mạnh, lại giật mình tỉnh giấc.
Theo Cờlốt Buaranh, Tây không có loại xe này, mà do người Nhật nghĩ ra, du nhập vào Việt Nam, lúc đầu chỉ mới 3, 4 cái, gọi là “xe bọ ngựa”. Xe chỉ dành cho mấy quan Tây, quan ta thuộc loại quyền cao, chức trọng nên người phụ xe phải ăn mặc chỉnh tề, chít khăn vải đen, vận áo the thâm, tà áo giắt lên thắt lưng khỏi vướng, quần trắng ống thấp, ống cao, thắt lưng điều bỏ múi một bên.
Chưa đủ, còn hai người đầy tớ ăn vận cũng như thế, tay bám vào cái thùng gỗ ở đằng sau mà đẩy và người thứ tư xách điếu ống (nếu là quan ông) hoặc cắp hộp trầu (nếu là quan bà) chỉ khác là xe đã có mui vải nên không phải che lọng nữa. Dần dần, xe bánh gỗ bọc sắt phát triển. Hà Nội có tới dăm chục cái nhưng người đi nhiều nhất là các bà đầm, me Tây, còn các bà, các cô nhà lễ giáo vẫn giữ ý tứ, sợ bị tưởng lầm là vợ Tây. Rõ ràng so với cái cáng, xe kéo tay tiện lợi hơn nhiều.
Xích lô trên đường phố Hà Nội thế kỷ trước
Xe bánh cao su bơm hơi
Nhờ đầu óc kỹ thuật mở mang, xe bánh cao su bơm hơi ra đời, đẩy xe bánh sắt ra ngoại ô, chở khách các vùng quê. Người đi xe ngày càng nhiều nhưng vẫn trả tiền kẽm. Một đồng bạc hoa xòe hồi ấy ăn 8 quan tiền, một quan ăn 600 đồng kẽm, một xu ăn 48 đồng kẽm. Một cuốc xe từ Vẽ ra Kẻ Chợ chỉ mất 1 quan. Còn nhớ những cô hàng vải tấm chợ Đồng Xuân phần nhiều là con gái làng Vẽ, chất bao lớn, bao nhỏ lên chỗ ngồi, cả dưới bệ để chân, rồi trèo lên, ngồi ngất nghểu trên cái mui cụp lại. Cái xe chở nặng không còn hở chỗ nào, không ít xe bị “tùng bê” hất cả người và hàng xuống đất, không chết là may.
Đến năm Nguyễn Công Hoan viết truyện “Người ngựa - Ngựa người” và Tam Lang (tên thật Vũ Đình Chí) viết thiên phóng sự “Tôi kéo xe” là giai đoạn xe bánh cao su đã lên ngôi, xe bánh sắt không còn nữa. Xe cao su kéo tay cũng như xe đạp, đi trong phố ban đêm phải có đèn, cái đèn dầu Tây ba mặt kính trắng, cắm vào cái cọc cạnh bệ để chân phía dưới. Chí ít cũng phải có nắm hương đốt đỏ rực, cầm ở tay huơ lên, không có thì đội xếp đưa về “bóp”, phạt tiền, giữ đến sáng hôm sau mới cho về.
Cái xe tay một thời làm đẹp cuộc đời. Người ta thuê 10 cái xe cao su đi dẫn lễ ăn hỏi nhà gái, những cau, rượu, bánh cốm, bánh xu xê, lợn quay phủ vải điều, được người ngồi trên xe bưng trịnh trọng trong những quả sơn son thếp vàng. Các bác xe đi thong thả, cách nhau dăm bước, thành hàng dài để trưng với dân hàng phố. Chiều chiều gánh hát Quảng Lạc cho đào kép ăn mặc theo các vai tuồng, ngồi ngất ngưởng trên năm cái xe tay, kéo qua những phố buôn bán sầm uất, có hôm vào tận Ngã Tư Sở, Cống Mọc, để quảng cáo vở diễn buổi tối trong tiếng trống, thanh la náo nhiệt.
Xe cao su hiệu Ômic của Pháp
Chẳng bao lâu người Hà Nội lại thấy xuất hiện xe cao su hiệu Ômic của Pháp. Nó sang hơn xe cao su thường, thùng xe bằng nhôm, đệm ngồi có lò xo, bọc vải trúc bâu trắng, có chuông leng keng do người ngồi trên xe dận chân vào cái cần chuông. Người kéo xe Ômic đội nón sơn xanh, mặc quần áo xanh viền trắng, ở lưng áo xanh còn có hình mặt trăng bằng vải trắng, trông hình thức và phân biệt hẳn.
Tất nhiên đi xe này đắt gấp rưỡi xe cao su thùng gỗ. Thời Pháp thuộc và thời Hà Nội bị tạm chiếm, các ông chủ Báo Trung Bắc Tôn Văn; Tin Mới; Tia Sáng sắm xe Ômic để mấy anh xe đưa các ký giả chuyên đi lấy tin ở sở Cẩm, tòa án. Đó cũng là nét đặc biệt của nghề làm báo thời xưa ở nước ta.
Người làm nghề kéo xe là ai?
Đó là những nông dân nghèo khổ, không một tấc đất cắm dùi, đành lìa bỏ vợ con, quê hương Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên lên Hà Nội kiếm việc làm. Chẳng quen ai, chữ nghĩa chả có, họ đành kéo xe tạm thời, cái nghề dễ kiếm ăn nhất, chẳng cần vốn liếng gì. Họ hỏi dò và lần đến phố Lô cốt Bắc (phố Phó Đức Chính bây giờ) một trong những nơi có nhiều xe tay đỗ, cứ chịu khó ngồi đợi, chờ có phu xe nào bán thì mua lại xe theo giờ. Khi đã quen người, quen phố, họ thuê thẳng xe với cai, sau này nhiều người tìm được việc khác, nhưng cũng khối người làm hẳn nghề kéo xe.
Hai bữa sáng chiều, họ ăn cơm đầu ghế ở Cửa Nam, dốc Hàng Than, chợ Hôm... Hai xu một bát úp, đặt ở trên con cá mắm, có khi tí dưa với nước chua, tí canh cà chua chạy qua tí mỡ, cái đầu cá nhỏ. Tối ngủ gầm cầu, mái hiên, cửa chợ. Buổi tối sẵn tiền kiếm được, có người làm chén rượu thuốc cho đỡ đau mình mẩy, thư giãn gân cốt, rồi đâm ra nghiện rượu.
Kéo khách tới các tiệm hút thuốc phiện, có người muốn thử một tí xem sao, song không đủ tiền hút, đành uống chơi một bát nước xài thuốc phiện nấu, được gọi nước “cam lồ”, bán 5 xu ở hàng nước phố Phúc Kiến (phố Lãn Ông bây giờ). Năm xu lúc ấy bằng giá một bát phở tái có hành tây. Chỉ uống thế, có người thành nghiện nặng, mắc bệnh lao, chết âm thầm ở nhà thương làm phúc.
Có những tay kéo xe già đời, trở thành tinh, thành cáo. Họ chờ xe ở cổng thành, cửa khách sạn để kéo xe cho lính Tây và người Tây. Gặp phải tên lính Tây đi xe quỵt tiền, họ giật mũ chạy, tên lính phải ném tiền trả, họ mới vứt cái mũ lại vì lính không có mũ bị phạt. Họ còn đi kiếm “mèo lạc”, những cô gái chân quê lần đầu ra tỉnh, còn đang ngỡ ngàng ở bến xe, cả những ả có chồng mà lẳng lơ, gái giang hồ, dắt tới chỗ làng chơi, được đút tiền. Số người như thế không nhiều, còn phần đông hiền lành, chất phác, suốt ngày kiếm sống bằng đôi chân, chỉ được hai bữa cơm đầu ghế và đủ tiền nộp thuế cho cai xe vào lúc cuối ngày.
Cai xe làm công cho chủ, là hạng anh chị hung hăng, cục súc. Người không nộp đủ tiền thuế, chúng đánh đập tàn nhẫn đến ốm ho, hôm sau bắt trả bù. Lại nợ nữa, chúng đánh tiếp, lột quần áo, tước xe, giữ thẻ thuế thân. Hà Nội thời tạm chiếm có hơn 20 chủ xe lớn nhỏ ở rải rác nhiều phố, trong đó giàu nhất phải kể đến cai Mơ ở góc Quốc Tử Giám có hàng trăm xe, thuê tới năm, sáu cai đi thu tiền bằng xe đạp. Còn mở sòng bạc, tiệm hút thuốc phiện trong nhà, đút tiền cho đội xếp gác hộ. Loại chủ nhỏ chỉ có chừng 20 xe, vừa làm chủ, vừa làm cai đi thu tiền.