Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Đề án sân khấu học đường bồi dưỡng tâm hồn, khơi dậy tình yêu văn học, nghệ thuật dân tộc trong học sinh Thủ đô

Trung Kiên 08/04/2025 14:13

Đây là đánh giá của bà Lê Thị Ánh Mai – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tại “Hội nghị tổng kết Đề án Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030” (sau đây gọi là Đề án sân khấu học đường), giai đoạn thí điểm 2022-2024. Hội nghị diễn ra sáng 8/4 tại Nhà hát kịch Hà Nội.

Góp phần định hướng thẩm mỹ và nhân cách cho thế hệ học sinh Thủ đô

Trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội luôn quan tâm chỉ đạo sát sao công tác phát triển văn hóa, giáo dục, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao năng lực thẩm mỹ, giáo dục đạo đức, nhân cách cho thế hệ trẻ.

tonglket-dean.jpg
Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết Đề án sân khấu học đường, giai đoạn thí điểm 2022-2024.

Xuất phát từ yêu cầu đó, ngày 14/10/2022, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3871/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030”, trong đó Nhà hát Kịch Hà Nội được giao nhiệm vụ là đơn vị thực hiện thí điểm trong 3 năm từ 2022-2024.

“Mục tiêu của Đề án nhằm đưa nghệ thuật sân khấu – một loại hình nghệ thuật tổng hợp giàu tính giáo dục – đến gần hơn với học sinh, giúp các em tiếp cận, cảm nhận sâu sắc hơn các tác phẩm văn học qua hình thức biểu diễn sinh động, trực quan” – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Lê Thị Ánh Mai, cho biết.

Sau 3 năm triển khai thí điểm, với sự phối hợp tích cực của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, UBND các quận, huyện cùng sự chỉ đạo sát sao của Sở Văn hóa và Thể thao, Đề án đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ.

chi-mai.jpg
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Lê Thị Ánh Mai phát biểu tại Hội nghị.

Cụ thể, Nhà hát Kịch Hà Nội đã dàn dựng thành công 5 tác phẩm sân khẩu mới được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng như Chuyện người con gái Nam Xương, Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường, Tinh thần thể dục,... Các vở diễn được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, hình thức, âm thanh - ánh sáng hiện đại, kết hợp yếu tố truyền thống và đương đại, giúp học sinh dễ tiếp cận, say mê và ghi nhớ sâu sắc hơn bài học văn học.

Bên cạnh đó, đã tổ chức 172 buổi biểu diễn phục vụ cho khoảng 80.000 học sinh tại 14 quận, huyện. Các em học sinh và thầy cô giáo tham dự đều đánh giá cao việc được thưởng thức các vở diễn sân khấu chuyển thể từ tác phẩm văn học, bởi hình thức này mang đến một phương thức tiếp cận mới mẻ, sinh động và giàu cảm xúc. Thông qua ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu, những tác phẩm văn học trở nên dễ hiểu, gần gũi và để lại ấn tượng sâu sắc hơn.

5-loi-ba-ke.jpg
“Lời bà kể” chuyển thể từ hai tác phẩm “Sự tích cây nêu ngày Tết” và “Mồ Côi xử kiện” là chùm kịch thuộc Đề án Sân khấu học đường của Nhà hát Kịch Hà Nội xây dựng, biểu diễn phục vụ các em học sinh Thủ đô thời gian qua.

Giai đoạn thí điểm của Đề án sân khấu học đường đã đạt được nhiều kết quả tích cực, không chỉ là sân chơi nghệ thuật, Đề án sân khấu học đường còn là môi trường học tập sáng tạo, mở ra không gian giáo dục nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, khơi dậy tình yêu văn học, nghệ thuật dân tộc trong học sinh. Đồng thời tạo nền tảng phát triển khán giả trẻ và tìm kiếm tài năng nghệ thuật tương lai. Góp phần định hướng thẩm mỹ và nhân cách cho thế hệ học sinh Thủ đô.

Đây là mô hình giáo dục giàu tinh nhân văn, phù hợp với xu thể đổi mới giáo dục toàn diện hiện nay. Với nền tảng đã xây dựng, Đề án cần tiếp tục được mở rộng quy mô, tăng cường nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động trong giai đoạn 2025-2030.

Triển khai rộng rãi, đồng bộ và nâng tầm hiệu quả Đề án

Tiếp nối những kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn thí điểm 2022-2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xác định giai đoạn 2025-2030 là trọng điểm để triển khai rộng rãi, đồng bộ và nâng tầm hiệu quả của Đề án sân khấu học đường trên địa bàn Thành phố. Để đảm bảo mục tiêu đưa nghệ thuật sân khấu đến gần hơn với học sinh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giáo dục thẩm mỹ và nhân cách cho thế hệ trẻ, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở và đề nghị sự phối hợp của các Sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện một số nội dung.

tinh-than-the-duc.jpg
Cảnh trong vở kịch ngắn “Tinh thần thể dục” chuyển thể dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan do Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng, biểu diễn.

Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta tự hào với những kết quả tích cực và những bước tiến đáng khích lệ trong việc đưa nghệ thuật sân khẩu tiếp cận gần hơn với học sinh, góp phần định hình nhân cách và thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Đây không chỉ là thành quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Nhà hát Kịch Hà Nội, các trường học mà còn là minh chứng cho tinh thần đoàn kết và sự hợp tác chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành trong việc xây dựng nền văn hóa, giáo dục toàn diện của Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Lê Thị Ánh Mai.

Đối với Nhà hát Kịch Hà Nội, đơn vị chủ trì tham mưu hoàn thiện Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án giai đoạn thí điểm 2022-2024 trình Sở Văn hóa và Thể thao gửi UBND Thành phố và các đơn vị có liên quan; phối hợp với các đơn vị nghệ thuật và Phòng Quản lý Nghệ thuật tiếp thu ý kiến góp ý của các Sở, ban, ngành Thành phố, các quận, huyện, thị xã chỉnh sửa, hoàn thiện Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2025-2030.

Đặc biệt, các đơn vị nghệ thuật sân khấu của Thủ đô phấn đấu tổ chức từ 1.400 đến 1.600 buổi biểu diễn, đảm bảo các học sinh tại trường phổ thông trên địa bàn Thành phố đều được tiếp cận ít nhất một chương trình sân khấu học đường. Cùng đó, Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp, hỗ trợ xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể tại cơ sở, đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả cao. Tham mưu UBND Thành phố quan tâm bố trí nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, sân khẩu lưu động phục vụ biểu diễn ngoài trời, phù hợp với điều kiện thực tế tại các trường học.

luuniem-chuan-21.jpg
Lãnh đạo các Sở, Ngành, UBND quận Hoàn Kiếm, Nhà hát kịch Hà Nội chụp ảnh lưu niệm sau Hội nghị.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giao nhiệm vụ cho các Nhà hát trực thuộc Sở chủ động xây dựng kịch bản, dàn dựng các vớ diễn mới phù hợp lứa tuổi học sinh; phát huy lực lượng nghệ sĩ được đào tạo bài bản, tạo nên các chương trình chất lượng, hấp dẫn, có tính giáo dục cao.

“Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, phối hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền sâu rộng về giá trị của Đề án, lan tỏa tỉnh yêu nghệ thuật trong thế hệ trẻ. Khuyến khích các Nhà hát khai thác chất liệu văn học dân gian, lịch sử dân tộc, kết hợp cách thể hiện hiện đại để tạo nên sân khấu gần gũi, hấp dẫn, góp phần xây dựng bản lĩnh, nhân cách, lòng yêu nước cho học sinh Thủ đô” – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Lê Thị Ánh Mai, nhấn mạnh./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đề án sân khấu học đường bồi dưỡng tâm hồn, khơi dậy tình yêu văn học, nghệ thuật dân tộc trong học sinh Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO