Sân khấu học đường: Hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với ngành Giáo dục của Thủ đô
Hàng trăm học sinh tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã không rời mắt khỏi 2 vở diễn Sự tích cây nêu ngày Tết và Mồ Côi xử kiện do Nhà hát Kịch Hà Nội tổ chức và biểu diễn; qua đó cho thấy hiệu quả của Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong Chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030” (gọi tắt là Đề án sân khấu học đường).
Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Đề án sân khấu học đường đã và đang được các đơn vị sân khấu Hà Nội, các trường học triển khai tích cực trong thời gian qua.
Đề án Sân khấu học đường cho học sinh tiểu học quận Hoàn Kiếm năm 2024 được triển khai đến tất cả các trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với 10. 158 học sinh.
Sáng 20/5, tại Rạp Công nhân (số 42 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), gần 600 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du quận Hoàn Kiếm đã tham dự khai mạc Đề án và được thưởng thức Chùm kịch ngắn “Lời bà kể” - chuyển thể từ 02 tác phẩm Sự tích cây nêu ngày Tết và Mồ Côi xử kiện.
Khơi mạch nước ngầm
Tiếp thu tính trào phúng, khai thác tình huống truyện độc đáo trong mẩu chuyện dân gian, tác giả kịch bản – đạo diễn NSND Nguyễn Trung Hiếu đã xây dựng một vở kịch ngắn với những nét dí dỏm, hài hước, nhưng ẩn sâu bên trong lại là câu chuyện ca ngợi sự thông minh, tài trí của mồ côi đã bảo vệ được bác nông dân thật thà cũng như tục lệ người dân thường trồng cây nêu ngày Tết.
Vở diễn “Lời bà kể” với sự tham gia của dàn diễn viên trẻ triển vọng của Nhà hát Kịch Hà Nội, như: Tố Uyên, Xuân Hồng, Trương Hoàng, Minh Nguyệt, Triều Dương, Thân Thương, Hoàng Vũ, Xuân Tùng, Nguyệt Nguyễn, Công Đại… Phần nhập vai và trình diễn của các diễn viên đã giúp học sinh quận Hoàn Kiếm cảm nhận được sâu sắc hơn tính trào phúng cũng như giá trị nội dung của sự tích cũng như ý nghĩa nhân văn đằng sau câu chuyện.
Cùng với đó, tại các cơ sở cấp trường trên địa bàn quận, BGH các nhà trường đã tuyển chọn, hướng dẫn, truyền dạy cho giáo viên, học sinh có năng khiếu và đam mê nghệ thuật sân khấu kết hợp biểu diễn một số vở diễn, trích đoạn đã được dàn dựng, hầu hết thời gian luyện tập chủ yếu là dịp hè ngắn ngủi, các em học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã diễn được những trích đoạn trong các tác phẩm sân khấu truyền thống kinh điển, mẫu mực như: Thị Màu, cô Tấm, xã Trưởng, mẹ Đốp, thậm chí còn diễn tốt cả các trích đoạn tuồng khó như: “Trưng Nữ Vương”, “Triệu Quốc Trinh”, “Hộ sanh đàn”…
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn, Hoàn Kiếm là quận có truyền thống hiếu học và được người dân gìn giữ và phát huy qua bao thế hệ. Đặc biệt, với bậc giáo dục tiểu học, từ nhiều năm, quận đã được các cấp lãnh đạo đánh giá cao, luôn đi đầu trong việc thực hiện đổi mới giáo dục một cách toàn diện. Trong đó, việc phối hợp thực hiện Đề án Sân khấu học đường giữa Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm với Nhà hát Kịch Hà Nội là một hoạt động hết sức ý nghĩa, giúp học sinh tiểu học được, THCS, THPT tiếp cận với tác phẩm văn học thông qua loại hình sân khấu, từ đó, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mĩ, bồi đắp tình yêu văn học, góp phần định hướng và hoàn thiện nhân cách, lối sống cho học sinh.
Đề án Sân khấu học đường ngoài việc tạo một sân chơi bổ ích, lành mạnh, còn giúp các em học sinh từ không hiểu, không thích, đã trở nên hiểu và yêu nghệ thuật dân tộc nhiều hơn.
Em Phan Thị Thu Hằng, lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tâm sự: “Tham gia chương trình, em được tìm hiểu và học các điệu hò ví dặm, những bài dân ca Nghệ Tĩnh, em có dịp hiểu nhiều hơn về quê hương, đất nước, hiểu hơn về các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc… Em rất vui và càng ngày càng thích hát dân ca quê em nhiều hơn”.
Chia sẻ về việc thực hiện Đề án sân khấu học đường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, bà Trịnh Ngọc Trâm – Trưởng phòng GDĐT quận cho biết, học sinh xem các tiết mục văn học được chuyển thể qua sân khấu là thấy cả một không gian văn học, lịch sử... tái hiện lên trước mắt. Hoạt động này đem lại cho học sinh cuộc sống tinh thần trong sáng, lành mạnh, lạc quan để học tập, tiếp thu tốt hơn và bồi dưỡng thế giới nội tâm, nhân cách, lối sống, những khát vọng, hoài bão của tuổi trẻ theo truyền thống của cha ông.
Thay mặt lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long - Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã tặng hoa cảm ơn, chúc mừng Nhà hát kịch Hà Nội.
Sau buổi khai mạc, các trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục đưa học sinh đến Nhà hát Kịch Hà Nội để thưởng thức Chùm kịch ngắn “Lời bà kể” - chuyển thể từ 02 tác phẩm Sự tích cây nêu ngày Tết và Mồ Côi xử kiện.
Tiếp tục nhân rộng
Thành phố Hà Nội hiện có 1.683 trường phổ thông, gồm 780 trường tiểu học, 653 trường trung học, 250 trường trung học phổ thông (số lượng các trường có thể tăng lên trong các năm tới). Các em học sinh cũng chính là chủ nhân của Thành phố trong tương lai và là lực lượng khán giả tiềm năng của sân khấu kịch Hà Nội.
Theo Đề án này, các nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phục dựng và dàn dựng 51 vở diễn thuộc 70 tác phẩm, sự kiện, nhân vật lịch sử, tổ chức 1.800-2.000 buổi diễn tại các trường phổ thông.
Giai đoạn thử nghiệm từ 2022-2024 sẽ phục dựng 11 vở diễn, tổ chức 400 buổi diễn và tuyển chọn học sinh, giáo viên của 2 trường. Giai đoạn 2 từ 2025-2030 sẽ triển khai rộng rãi, phục dựng 40 vở diễn; tổ chức 1.400-1.600 buổi diễn; tuyển chọn học sinh, giáo viên tại 24 điểm trường.
Các tác phẩm dự kiến được dàn dựng và đưa lên sân khấu các trường học gồm: Thất trảm sở và học trò thủy thần (Danh nhân văn hóa Chu Văn An); Truyện Kiều; Hà thành Chính khí (Tổng đốc Hoàng Diệu); Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (sự kiện lịch sử 19/12/1946 - Ngày toàn quốc kháng chiến); Thái sư Trần Thủ Độ; Lá cờ thêu 6 chữ vàng; Cô bé bán diêm, Đức tính giản dị của Bác Hồ; Dế mèn phiêu lưu ký…
NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, ban đầu, các trường cũng khá e ngại, không biết đưa các hoạt động sân khấu hóa các tác phẩm văn học vào trường có hợp không. Thế nhưng, thực tế cho thấy các em học sinh rất thích, tương tác rất sôi động. Sau khi xem vở diễn, các cháu yêu mến các nhân vật lịch sử nước nhà, yêu Hà Nội hơn... Vì vậy, việc phát triển Đề án sân khấu học đường được UBND Hà Nội triển khai, tôi tin là sẽ có chất lượng cao hơn, phát huy được ý nghĩa thiết thực trong sự nghiệp giáo dục và bảo tồn phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, góp thêm một phương pháp hữu hiệu cho việc dạy sử và học sử đối với các em học sinh./.