Văn hóa và con người trở thành 1 trong 5 trụ cột trong những triết lý phát triển Thủ đô
Ngày 28/3, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” (Chương trình 06 ) tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình. Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06 chủ trì và phát biểu tổng kết chỉ đạo tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06 khẳng định: "Chưa bao giờ chúng ta được quan tâm một cách tổng thể, toàn diện đến văn hóa như thế.
.jpg)
Thứ nhất, chúng ta có được một hệ thống các cơ chế, chính sách, quan điểm chỉ đạo về mặt chính trị, pháp lý và nguồn lực đầy đủ nhất so với các Chương trình khác.
Thứ hai, văn hóa Hà Nội được cụ thể hóa bằng Luật Thủ đô với rất nhiều nội dung, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo lớn của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị tạo thành lợi thế cho Thủ đô phát triển.
Thứ ba, chúng ta là đơn vị đầu tiên ban hành được Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố; Nghị quyết của Ban Thương vụ Thành ủy về xây dựng xã hội học tập; Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cùng nhiều Nghị quyết và các kế hoạch triển khai bằng các đề án, dự án cụ thể...
.jpg)
Những tư tưởng, định hướng lớn về văn hóa, con người Hà Nội được cụ thể hóa vào trong tư tưởng, quan điểm, triết lý để chúng ta xây dựng quy hoạch Thủ đô. Văn hóa và con người trở thành 1 trong 5 trụ cột trong những triết lý phát triển Thủ đô.
“Cái đạt được lớn nhất từ Chương trình 06 là nhận thức, vai trò lãnh đạo của Đảng và cụ thể hóa của các cấp chính quyền về văn hóa đã được hoàn thiện".
Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06
Thời gian qua, tư duy của chúng ta về văn hóa và con người đã có sự thay đổi và nâng lên một bước rất quan trọng nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn về vấn đề này. Tầm nhìn của Thành phố về phát triển văn hóa, xây dựng con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng dài hạn hơn, sâu sắc hơn; đặc biệt đi cùng được với thời đại, cập nhật với những tiến bộ nhất của văn minh nhân loại.
Từ câu chuyện văn hóa, nguồn nhân lực, xây dựng xã hội học tập chúng ta đều tiệm cận và song hành với thời đại, không bị tụt hậu.
Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã nêu, Hà Nội phải là Thành phố có năng lực, có sức cạnh tranh có uy tín, vai trò trong khu vực và trong thế giới, tiến tới phải là thành phố kết nối toàn cầu. Nghị quyết cũng cũng đặt ra vấn đề Hà Nội không phải so sánh, cạnh tranh với bất kì Thành phố nào.
Hà Nội phải là đặt ở mức cao hơn là thay mặt cho đất nước trong việc cạnh tranh với quốc tế. Những nhận thức, chỉ đạo như thế này hết sức quan trọng và trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 06 chúng ta đã từng bước đưa vào đặc biệt trong quy hoạch Hà Nội.
Từ nhận thức như vậy, chúng ta đã cụ thể hóa từ Thành phố tới cơ sở. Chính vì thế, Hội nghị ngày hôm nay là một số ít chương trình khen thưởng đến tận cấp xã, phường.
Trong việc phát triển văn hóa thì yếu tố đặc biệt là xây dựng môi trường văn hóa. Môi trường văn hóa mang ý nghĩa sống còn không chỉ trong bảo tồn duy trì giá trị văn hóa truyền thống mà điều quan trọng còn là tạo nên sự đồng lòng, đồng thuận, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự hào về quê hương của mình, khơi dậy khát vọng phát triển, tự tin, tự hào của mỗi địa phương.
Điều rất mừng là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao không chỉ tập trung ở trung tâm thành phố mà còn lan tỏa rộng rãi đến với cơ sở. Rất nhiều nơi làm tốt việc này. Bởi lẽ, trong Nghị quyết về văn hóa và Nghị quyết 09 đã nêu rất rõ: Chủ thể là người dân, doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, nghệ nhân. Các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm định hướng, dẫn dắt, tạo hành lang cho người dân và doanh nghiệp thực hiện.
.jpg)
Chương trình cũng góp phần quan trọng khơi nguồn sự sáng tạo trong xã hội: Các cá nhân, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, làng nghề, đặc biệt là giới trẻ. Đây là nguồn lực mang tính chất quyết định để phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.
Chúng ta đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đặt ra của chương trình trong bối cảnh có khá nhiều khó khăn. Chúng ta có được nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện và phù hợp hơn từ thành phố đến cơ sở. Hà Nội cũng có được những sản phẩm cụ thể, khẳng định uy tín, thương hiệu, vị thế của Hà Nội nhất là năng lực tổ chức. Thông qua phát triển văn hóa, Hà Nội đã nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Qua Chương trình 06 chúng ta tự tin tổ chức những chương trình mang tính quốc tế. Đồng thời, chúng ta cảm thấy tự hào hơn với truyền thống lịch sử văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Tự hào vì cha ông để lại cho thế hệ sau tài sản vô giá đồng thời thấy rõ hơn trách nhiệm của mình không chỉ bảo tồn mà còn phải phát huy trong bối cảnh mới. Chương trình cũng giúp chúng ta lạc quan về dư địa, tương lai văn hóa của Hà Nội trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị tập trung vào 4 nhiệm vụ:
Thứ nhất, phải đặt văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc sắp xếp đơn vị hành chính mới.
Thứ hai, phải cụ thể hóa vào các quy hoạch những vấn đề liên quan đến văn hóa, giáo dục, du lịch để khỏi bỏ lỡ chủ trương và cơ hội, thời cơ tốt đẹp.
Thứ ba, phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong văn hóa, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng ta đã thực hiện được nhiều kết quả nhưng đó chỉ là bước đầu, trong khi đó dư địa và lợi ích chuyển dổi số mang lại còn rất lớn. Vì thế, chúng ta cần phải tận dụng thế mạnh của mình; phải tạo ra áp lực từ bên trong để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số, cấp ủy phải nêu gương để thúc đẩy cả hệ thống chính trị.
Thứ tư, là phải tăng cường hội nhập quốc tế, học hỏi từ bạn bè về tốc độ vươn lên cực kì mạnh mẽ về văn hóa và phát triển con người, không bao giờ có điểm dừng, không được say mê, ngủ quên trên những thành quả mình đã đạt được.
.jpg)
Có thể nói, nhiệm kỳ qua, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, 10 Chương trình công tác của Thành ủy. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thiên tai (Bão Yagi) diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, đời sống, việc làm, thu nhập, sức khỏe của Nhân dân. Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố được ban hành, có tác động tích cực đến đời sống Nhân dân, được người dân đồng tình, hưởng ứng./.