Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình 06
Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” là một trong 10 Chương trình công tác lớn của Thành uỷ Hà Nội khoá XVII. Chương trình 06-CTr/TU giai đoạn 2021-2025 được ban hành với 18 chỉ tiêu, 51 đề án, kế hoạch; 22 dự án, nhóm dự án tập trung 3 nội hàm Chương trình là: (1) Phát triển văn hóa; (2) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (3) Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Ngày 28/3, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” (Chương trình 06) tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình.
Tham dự và chủ trì hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai; Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 06 cùng các đại biểu các sở, ngành, quận huyện, thị xã.

Hoàn thành 18/18 chỉ tiêu của Chương trình 06
Triển khai Chương trình 06, các cấp ủy đều xây dựng Chương trình và kế hoạch thực hiện, đã tham mưu ban hành 46 văn bản trong đó có 2 Nghị quyết, 11 đề án, 33 kế hoạch. Thành ủy đã ban hành nhiều Nghị quyết và Chỉ thị như: Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/02/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành tổng số 47 Nghị quyết trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhằm đưa ra chính sách, các cơ chế đặc thù để thực hiện Chương trình.

Theo báo cáo lết quả thực hiện Chương trình 06, đến nay, 18/18 chỉ tiêu của Chương trình hoàn thành kế hoạch hằng năm, trong đó có 02 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các chỉ tiêu trong Chương trình bao gồm: Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; Tỷ lệ thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa; Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; Tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hoá; Số di sản được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; Số di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; Nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia; Xếp hạng di tích cấp Thành phố; Số vở diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống được dàn dựng mới và biểu diễn hàng năm; Số buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp hàng năm; Số phim tài liệu, khoa học, hoạt hình sản xuất hàng năm; Tỷ lệ người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên; Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao; Đóng góp lực lượng HLV, VĐV và thành tích huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ thi đấu khu vực; Số lượt khách du lịch đón và phục vụ hàng năm; Số lượt khách du lịch quốc tế đón và phục vụ hàng năm; Xây dựng thêm trường liên cấp (Tiểu học, THCS, THPT) ngang tầm các nước trong khu vực; Tỷ lệ trường học công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia…
Mặt khác, Chương trình số 06 dự kiến 22 danh mục dự án, được cụ thể thành 159 dự án, nhóm dự án. Tổng mức đầu tư là 27.383 tỷ đồng; trong đó đã có kế hoạch vốn 156 dự án - 8.155 tỷ đồng (125 dự án mới - 5.335 tỷ đồng; 34 dự án chuyển tiếp - 2.820 tỷ); 03 dự án chưa có kế hoạch đầu tư.
Triển khai Chương trình số 06 gắn với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa và Thành phố sáng tạo
Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với việc định vị thương hiệu mới, mục tiêu mới cho thành phố Hà Nội, gắn với triển khai thực hiện các cam kết tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực “Thiết kế sáng tạo”. Hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý, thu hút đầu tư phát triển Công nghiệp văn hóa là lợi thế của Thủ đô như: di sản, làng nghề, ẩm thực, không gian văn hóa.... Rà soát, điều chỉnh bổ sung phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 , tập trung đầu tư các công trình văn hóa, di tích lịch sử và một số công trình văn hóa mới, tiêu biểu của Thủ đô.

Triển khai Chương trình số 06, Hà Nội đã tổ chức 04 lễ hội thiết kế sáng tạo, thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Xây dựng được các sản phẩm văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản Hà Nội, vừa có nhiều cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, vừa tăng cường quảng bá bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, vừa phát triển kinh tế - xã hội tạo nguồn động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của Thành phố.
Du lịch Thủ đô đã cơ bản phục hồi kể từ sau đại dịch Covid-19. Ngành Du lịch Thủ đô đã xây dựng những sản phẩm du lịch đem lại trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho khách, nhất là các hoạt động du lịch đêm. Điển hình như: Tour “Đêm Thiêng liêng” tại di tích Hỏa Lò; tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” của Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám “Tinh hoa đạo học”; tour đêm tại đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm với chủ đề “Ngọc Sơn - đêm huyền bí”... Một điểm nhấn khác trong phát triển sản phẩm du lịch là hình thành những tuyến du lịch văn hóa - làng nghề tại khu vực ngoại thành.
Thành phố ban hành kế hoạch đào tạo huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao, trọng điểm các môn Olympic và ASIAD. Thể thao thành tích cao được tập trung giữ vững. Sự nghiệp Thể dục thể thao cho mọi người được quan tâm đẩy mạnh. Hoàn thành mục tiêu Thành phố đề ra phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 42,5%, tỷ lệ số hộ gia đình tham gia đạt 32,5% trở lên.
Nhấn trọng tâm trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội xác định là khâu đột phá, góp phần tạo nền tảng quan trọng để Thủ đô thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững. Thành phố chỉ đạo, triển khai xây dựng nhiều mô hình mới, đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn; tập trung đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Chỉ đạo xây dựng trường tiên tiến, hiện đại nhiều cấp học; phát triển hệ thống trường chất lượng cao, trường học thông minh, phát triển hệ thống trường học ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 đạt 99,45% xếp thứ 24 toàn quốc; đến năm 2024 đạt 99,81%, xếp thứ 11 toàn quốc (tăng 13 bậc so với năm 2021). Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt kết quả xuất sắc. Học sinh Thủ đô tiếp tục đạt thành tích nổi bật, khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước với nhiều giải quốc gia, giải quốc tế trong các kỳ thi, cuộc thi....
Thành phố tổ chức thực hiện tốt các chương trình đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Công tác tuyển dụng, thu hút trọng dụng nhân tài được đổi mới về nội dung và hình thức tuyển dụng. Việc thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được Thành phố xác định là nội dung quan trọng trong công tác tạo nguồn cán bộ trẻ. Hàng năm, Thành phố tổ chức tuyên dương, vinh danh sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn Thành phố để động viên, khích lệ tinh thần hiếu học của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến; đồng thời, xây dựng chỉ tiêu tuyển dụng sinh viên thủ khoa xuất sắc vào cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố.
Chú trọng đặc biệt tới xây dựng người Hà Nội trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô
Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm việc xây dựng người Hà Nội trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Đây được xem là 1 trong 5 nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) của Đảng bộ Thành phố đề ra được các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân vào cuộc, đồng tình hưởng ứng, việc đưa các Quy tắc ứng xử vào cuộc sống, tạo nên một nét văn hóa riêng có cho Thủ đô. Rất nhiều mô hình, phong trào hay đã được thực hiện: Mô hình “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; “Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc” ở khu dân cư bàn về các giải pháp thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, thực hiện chăm lo đảm bảo an sinh xã hội; phong trào thi đua Xây dựng phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch và cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp, gắn với tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh…

Thành phố tiếp tục đổi mới, phát huy hiệu quả việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh gắn với giáo dục giá trị sống cho học sinh trong các trường phổ thông. Chất lượng mô hình văn hóa và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học được nâng cao thông qua Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” và Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc”.
Phát biểu tổng kết và chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06 Nguyễn Văn Phong khẳng định lại một lần nữa những thành tựu và kết quả toàn diện trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ của Chương trình 06, đồng thời nhấn mạnh: "Chưa bao giờ chúng ta được quan tâm một cách tổng thể, toàn diện đến văn hóa như thế"

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình cũng thẳng thắn nhận diện những khó khăn, hạn chế cần phải sớm khắc phục. Một số nơi tổ chức thực hiện các nội dung hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức; sự phối hợp của một số cơ quan, địa phương có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, hiệu quả; chính sách ưu đãi, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chưa được bổ sung, hoàn thiện kịp thời…
.jpg)
.jpg)

Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội đã biểu dương khen thưởng, tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho 10 tập thể, 10 cá nhân; UBND Thành phố tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình số 06.