Quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích gắn với phát triển du lịch văn hóa
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định “Phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh” nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật Di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích.
Quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích hướng đến mục tiêu hình thành điểm du lịch văn hóa, tín ngưỡng và cảnh quan sinh thái của tỉnh Bắc Ninh và toàn vùng châu thổ sông Hồng; kết nối Di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích với các điểm tham quan, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh và vùng phụ cận để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời xác định và điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ di tích; làm cơ sở để khoanh vùng bảo vệ di tích, cắm mốc giới bảo vệ và quản lý di tích. Hình thành các phân khu chức năng, khu vực bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích…
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi, quy mô lập quy hoạch có tổng diện tích là 33,66 ha. Trong đó, khu vực bảo vệ di tích theo hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, gồm Khu vực bảo vệ I có diện tích 1,23 ha và Khu vực bảo vệ II có diện tích 0,78 ha. Khu vực mở rộng phục vụ bảo vệ và phát huy giá trị di tích, nằm liền kề di tích, diện tích 31,65 ha; gồm: (i) Khu vực phía Bắc di tích, là toàn bộ núi Phật Tích và (ii) Khu vực phía Nam di tích từ khu dân cư hiện trạng đến giáp sông Cầu Chàm, được xác định là đất du lịch sinh thái, vui chơi giải trí theo Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 (Quyết định số 728/QĐ-TTg ngày 20/6/2023 Thủ tướng Chính phủ) và Quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2000 (Phân khu số 11) khu vực Liên Bão - Hoàn Sơn - Hiên Vân - Việt Đoàn - Phật Tích - Cảnh Hưng - Minh Đạo (Quyết định số 387/QĐ-UBND ngày 25/7/2024 của UBND tỉnh Bắc Ninh).
Ranh giới lập quy hoạch được xác định phía Bắc giáp khu dân cư thôn Ngô Xá, xã Phật Tích; phía Nam giáp sông Cầu Chàm; phía Đông giáp khu dân cư thôn Phật Tích, xã Phật Tích và phía Tây giáp khu dân cư thôn Vĩnh Phú và thôn Phật Tích, xã Phật Tích.
Nội dung Quy hoạch bao gồm điều chỉnh tăng diện tích khu vực bảo vệ của Di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích, nhằm khắc phục những hạn chế hiện có, bảo vệ toàn diện yếu tố gốc, mở rộng không gian cảnh quan, văn hóa truyền thống và nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ di tích. Đối với Quy hoạch phân khu chức năng Vùng bảo vệ di tích có diện tích 16,52 ha.
Trong đó Khu vực bảo vệ I, diện tích 1,28 ha là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc của di tích; gồm các công trình hiện hữu: Gác chuông, tam bảo (tiền đường, thiêu hương, chân tháp cổ, thượng điện), hậu đường, hai dãy hành lang, phủ chúa, nhà tổ, nhà mẫu, giảng đường và trai đường, ao rồng, vườn tháp, nhà soạn lễ, quan âm viện, nhà khách. Khu vực bảo vệ II, diện tích 15,24 ha là khu vực bảo vệ cảnh quan và phát huy giá trị tích; gồm: núi Phật Tích (tính từ độ cao 33 m theo mực nước biển trở lên), tứ trụ, hồ nước (hồ Đông, hồ Tây), các công trình hiện hữu (gồm giếng rồng, nhà trưng bày di tích, nhà tăng, nhà bếp, nhà vệ sinh, sân di tích); công trình đình làng Phật Tích (phục dựng).
Vùng phát huy giá trị di tích, diện tích 8,43 ha bố trí các cơ sở dịch vụ và không gian công cộng phục vụ khách du lịch và người dân địa phương, bảo đảm phù hợp Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 và Quy hoạch phân khu số 11. Vùng đệm bảo vệ cảnh quan di tích, diện tích 8,71 ha là các khu vực còn lại thuộc núi Phật Tích (tính từ độ cao 33m theo mực nước biển trở xuống đến ranh giới quy hoạch); có biện pháp bảo vệ, tôn tạo để hình thành vùng đệm cảnh quan sinh thái gắn với bảo vệ thiên nhiên và phát triển du lịch bền vững.

Quy hoạch nhấn mạnh định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, với thị trường khách nội tỉnh, khách từ Thủ đô Hà Nội và khách từ các tỉnh lân cận. Chú trọng khách du lịch lễ hội, sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng và khách du lịch cuối tuần. Sản phẩm du lịch chủ yếu có du lịch tham quan, tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương và thiên nhiên vùng núi Phật Tích; du lịch chuyên đề gắn với hoạt động trải nghiệm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa dân gian.
Du lịch lễ hội với đa dạng hóa các hoạt động trong lễ hội truyền thống chùa Phật Tích. Phát triển các sự kiện văn hóa, du lịch gắn với các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống địa phương. Du lịch mua sắm gắn với sản phẩm lưu niệm, sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Quy hoạch cũng hướng đến việc hình thành tuyến du lịch chuyên đề chùa cổ Việt Nam kết nối chùa Phật Tích với chùa Dâu, chùa Bút Tháp (Thuận Thành); chùa Tiêu (Từ Sơn),...; tuyến du lịch lễ hội, du xuân; tuyến du lịch sông Đuống.
Quy hoạch triển khai từ năm 2026 đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, UBND tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm toàn diện đối với phạm vi, quy mô, ranh giới quy hoạch; về tính chính xác của nguồn gốc tài liệu, cơ sở dữ liệu (số liệu, bản đồ) để nghiên cứu, lập đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích; tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu, tài liệu, các ý kiến tiếp thu, giải trình, bảo lưu đối với ý kiến rà soát, góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chính quyền tỉnh Bắc Ninh đồng thời chịu trách nhiệm về hệ thống bản đồ và cơ sở dữ liệu trong hồ sơ quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về quy hoạch và quy định của pháp luật liên quan; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan, không hợp pháp hóa các sai phạm (nếu có); tuyệt đối không để xảy ra các chồng chéo, tranh chấp, khiếu kiện cũng như xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm khi thực hiện các hoạt động, dự án đầu tư, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch.
UBND tỉnh Bắc Ninh rà soát, hoàn thiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích (thuyết minh, bản đồ, quy định quản lý...) bảo đảm đúng quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; lưu giữ và lưu trữ hồ sơ Quy hoạch được duyệt theo quy định của pháp luật. Công bố công khai Quy hoạch; tiến hành cắm mốc ranh giới khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích theo mốc giới xác định trong quy hoạch. Cập nhật ranh giới diện tích Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích vào Hồ sơ khoa học xếp hạng di tích và Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh phù hợp với từng thời kỳ…/.
Chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) là một ngôi chùa cổ tự gần nghìn năm tuổi với những kiến trúc độc đáo đặc sắc, hình thành từ thời Lý. Chùa không chỉ là trung tâm Phật giáo lớn nhất nước ta thời Lý, Trần mà còn là một trung tâm tín ngưỡng và văn hóa, nơi du nhập các luồng tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng ở các vùng, các nước trong khu vực hòa nhập với sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa bản địa, làm phong phú và đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ.
Năm 1962, chùa Phật Tích được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2014, chùa được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt.