Truyện ở thung lũng A Sầu

Truyện ngắn của Vương Tâm| 04/08/2017 09:24

Bố tôi dắt trâu đến cửa rừng thì giục tôi về. Ông nói như đinh đóng cột rằng, tao đưa trâu đi để đổi lấy chồng cho mày thôi, nếu thừa tiền thì tiện mua luôn mấy thùng muối. Tôi nóng bừng mặt khi ông nói đến chuyện đi mua chồng cho tôi. Nghe nói ở bản huyện bên mua chồng cũng không đắt lắm, chừng 15 triệu là được một anh chàng người Dao khỏe mạnh. Trong lòng tôi khấp khởi mừng vui vì sắp có chồng. Bố tôi đã đi dò hỏi và đã nhắm được một đám. Thế là đêm ấy tôi cứ mơ màng như đi trên mây vậy.

Truyện ở thung lũng A Sầu
Minh họa của Lê Huy Quang
Từ thung lũng A Sầu, hun hút dưới những dãy núi cao, đi cả ngày trời mới tới ngã ba rẽ lên huyện. Mà còn phải đi bảy chục cây số nữa mới tới thị trấn. Nhiều gia đình ở cái bản A Sầu này bỏ đi gần hết. Không hiểu sao bố tôi không ra khỏi cái vũng lầy ở đây. Ai hỏi ông cũng nói con ma A Sầu không cho đi. Sống chết ở đây thôi. Thế là bao nhiêu ruộng vườn và nương rẫy, người ta bỏ lại cả nhà tôi tha hồ mà làm ăn. Đầu năm, bố tôi mua con nghé về nói tôi phải đi chăn cho lớn, rồi có chuyện phải lo. Mãi đến tết tôi mới biết bố tôi định bán trâu rồi mua chồng cho tôi. Tôi hí lên như một con ngựa non, lấy chồng để làm gì, sao lại phải đi mua. Bố tôi cũng gầm lên như con sói, bao năm nay nhiều gia đình đều mua chồng cho con gái đó. Từ xưa rồi, cái bản A Sầu nghèo khổ lại đói rét quanh năm, người ta đâu có đi được xa. Mà có ai dám đến đây cơ chứ. Rồi bố kể, chính ông cũng được mua về cho mẹ tôi. Mẹ sinh được hai chị em tôi. Anh rể tôi là Hoàng Sùng là do một tay ông bán trâu dắt về đã mươi năm nay. Khi lên mười ba tuổi, tôi mới biết chuyện này. Anh chị tôi đã đẻ liền ba đứa con. Nay đến lượt tôi 16 tuổi, chắc cũng phải theo con đường hạnh phúc của chị. 

Chỉ còn lại dăm gia đình ở lại thung lũng ứ mây đọng nước này. Đúng với nghĩa A Sầu, chiều về sương giăng mù mịt, nhiều khi người nhà đi va vào nhau mà không biết. Riêng bố tôi cứ tối đến là đốt một cây đuốc dầu thông lớn. Ông nói giờ ai cũng đi hết, hổ về cắp người đi lúc nào không biết, phải cảnh giác. Thế là nhiều đêm bố mẹ bắt tôi đi ngủ sớm. 

Có một đêm sương mù giăng khắp nhà cho dù bếp lửa vẫn nổ lép bép, bố tôi bỗng hét lên và nhảy bổ xuống sàn nhà làm mẹ và tôi choàng dậy lo sợ. Một lát sau, bố tôi bắt được một người đang leo lên gác bếp nhà sàn, thì ra đó là anh rể tôi, Hoàng Sùng. Mọi sự không ngờ, bố tôi cho là anh ta định lẻn vào giường tôi làm chuyện bậy. Hoàng Sùng thề sống, thề chết là chỉ định lên bếp lấy tảng thịt cầy hương đêm về uống rượu. Bố tôi đuổi anh rể về. Mẹ thì ôm lấy tôi và cố vỗ lưng cho tôi yên lòng ngủ thiếp đi. Thế là sáng hôm sau bố nói đã đến lúc phải mua chồng cho tôi. 

Lại có lần nắng lấp lánh chiếu xuống, tôi đang tắm ở suối chợt thấy bóng anh rể đi ngang qua, nên vội hụp xuống nước. Một lát sau chị tôi có mặt như từ đất chui lên làm Hoàng Sùng té ngửa và bị lôi về. Chắc bố tôi đã báo cho chị biết chuyện xảy ra đêm hôm trước, nên cảnh giác theo dõi. Tôi hốt hoảng vội mặc váy chạy một mạch về nhà. Có thể vì lo hạnh phúc của chị tôi tan vỡ nên bố quyết định mua chồng cho tôi càng sớm càng tốt. Càng nghĩ tôi càng hồi hộp chờ bố về. Đã hai đêm tôi thao thức không ngủ được.  

Đến ngày thứ ba bố về, tôi chui tọt vào phòng riêng, trốn biệt. Có tiếng một chàng trai chào mẹ tôi. Bố tôi nói, tên nó là Xa Vạn, hai mươi tuổi. Tôi ép tai qua vách gỗ để nghe bố nói một thôi một hồi rằng, nhà nó nghèo lắm, nợ đìa ra nên phải bán con đi ở rể. Nó hơi đần một chút nhưng được cái khỏe mạnh. Rồi ông cười ha hả vỗ vai Xa Vạn nói, mỗi năm phải làm cho con Triệu Vy nhà tao sinh một đứa mới đáng mặt trai Dao hiểu chưa!? 

Thế là tối đến anh chị và các cháu cùng hai gia đình khác đến uống rượu để mừng cho tôi. Đến lúc mọi người đông đủ tôi mới được bố gọi ra. Trong ánh lửa bập bùng, bóng Xa Vạn chạy dài đến cuối nhà làm tôi tù mù không biết mặt mũi ra sao nữa. Cũng có lẽ tôi hồi hộp không dám nhìn lên. Nhưng bố thì cầm tay Xa Vạn đưa cho tôi nói đúng một câu, chồng của mày đó. Rồi ông quay ra uống ừng ực bát rượu to để mời từng người. Chợt thấy ánh mắt của anh rể Hoàng Sùng nhìn xéo sang làm tôi giật bắn mình, nên vội cầm lấy tay Xa Vạn như một sự nương tựa và trông cậy. Tôi ngước lên, lúc này mới nhìn thực mặt của Xa Vạn, rồi mỉm cười. Đó là chồng tôi. Một gương mặt bầu bĩnh, tròn to như cái đĩa, với đôi mắt ngây dại.

***

Đúng như bố tôi nói, Xa Vạn ít nói và lầm lỳ chậm chạp, ai bảo gì thì làm cái đó chứ không chủ động được. Cả đêm đó gần như Xa Vạn say rượu lăn quay ra ngủ và ngáy như sấm rền. Tôi thức và trằn trọc suốt đêm. Bố tôi ngủ được cũng do rượu. Mẹ thở dài làm tôi thấy buồn lạnh cả người. Không hiểu sao lúc này tôi lại nghĩ đến Hoàng Sùng. Anh rể hình như để ý đến tôi, nhưng sợ bố dọa giết nên chỉ nhìn từ xa, hay xem trộm tôi tắm suối. Rõ ràng ánh mắt của Hoàng Sùng lúc uống rượu đã nói lên tất cả, như tiếc nuối hay thèm khát và hẹn hò. Lần đầu tiên nằm bên một người con trai, được gọi là chồng; nhưng mọi sự chờ đợi đã tắt ngấm, như ánh trăng vừa nhú lên đã bị mây che kín. Xa Vạn dạng chân choán hết cả cái giường làm tôi cứ nép vào tận trong cùng. Cả đêm không sao trở mình được. Xương cốt đau cứng. Một đêm trắng. 

Hình như sáng hôm sau, mẹ tôi nói gì đó làm bố tôi trợn mắt rồi bảo, con Vy và chồng cứ ở nhà, không phải lên nương bẻ ngô nữa. Vài hôm nữa rồi tính. Hình như bố tôi biết chuyện chồng tôi ngáy suốt đêm và tôi thì mệt rũ người. Ông gọi Xa Vạn dặn dò gì đó rồi cùng mẹ tôi ra khỏi nhà. Tôi vừa ngồi xuống cho củi vào bếp thì bất ngờ Xa Vạn bế xốc tôi đưa lên giường. Một sự đường đột làm tôi đâu có chờ đón thế là tôi vùng dậy chạy ra ngoài. Xa Vạn chỉ kêu lên, ơ kìa, rồi nhăn răng cười. Tôi chạy đến gốc đào ngồi thụp xuống đất. Con cún chạy đến liếm vào chân tôi, ve vẩy cái đuôi rồi bỏ chạy. Nó làm như tôi vẫn như mấy ngày trước còn thi chạy với nó lên rừng. 

Không hiểu sao nước mắt tôi tràn ra. Xa Vạn lừ lừ đi ra và lại bế xốc tôi lên. Vừa đi lên nhà sàn, Xa Vạn vừa nói, bố dặn rồi phải làm chuyện vợ chồng thôi, để còn đẻ con nữa chứ. Ngỡ như Xa Vạn muốn ăn sống nuốt tươi tôi, nhưng hóa ra mọi chuyện không như tôi hình dung, Xa Vạn cố thế nào cũng không được. Tôi mím môi chờ đợi nhưng tất cả bằng không. Xa Vạn nằm vật ra thở phì phò bất lực. Vậy là tôi chưa biết mùi chồng là gì. Tôi nằm im như một đống đất. Xa Vạn bỗng vùng dậy chạy tới bếp, lấy chai rượu ra tu ừng ực, ừng ực. Còn tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay nữa. Sương lại tràn vào nhà như mọi ngày cho dù nắng đã le lói trên đỉnh núi. Một cái lạnh tràn đến buốt giá.

Chắc chắn bố tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Mấy đêm sau cũng vậy. Xa Vạn tựa con sâu khổng lồ, lượn lờ ủ rũ. Một hôm, tôi nói với chồng hãy chờ đợi, và đừng uống rượu nữa, kẻo lại ngủ ngay từ dưới bếp không biết chừng. Xa Vạn lầm lỳ gật đầu. Tôi lên nương và dặn Xa Vạn ở nhà cho lợn, gà ăn, sau đó mới lên bẻ ngô. Con cún vội cẫng chân chạy theo. Nương ngô nhà tôi rộng bát ngát vì canh tác thêm được vài mẫu đất của người ta để lại. Bẻ ngô, ngoài để nấu rượu bán, còn lại ăn hàng ngày. Thi thoảng mới có người vào bản mua. Họ nói vào được thung lũng A Sầu trời tối và đường vận chuyển không có, nên mỗi lần vào mua là phải đem theo cả chục người gánh ngô về xay. Lâu dần họ cũng không đến nữa. Bản cứ ngày một vắng, buồn nẫu ruột. Nhưng chợt nghĩ đến Xa Vạn, trái tim tôi lại rộn ràng. Dù sao tôi cũng đã có chồng, có nơi nương tựa. Bố tôi rất vui vì rượu ông nấu đã có người uống. Xa Vạn lại uống bằng bát lớn làm ông thích thú và còn nói, thế mới đích thị là một chàng trai.

Tôi đang nghĩ vơ vẩn thì bỗng có bóng người rẽ hàng ngô chạy tới. Một cảm giác lo sợ chưa kịp định hình thì tôi bị bóng người lạ đè xuống. Hắn bịt miệng tôi và đe, nếu la lên sẽ bị đâm chết. Đó là Hoàng Sùng. Tôi cố hết sức đẩy hắn ra định kêu lên thì con cún bất ngờ lao đến cắn vào chân Hoàng Sùng. Hắn hét lên và tập tễnh định chạy đi, nhưng không ngờ Xa Vạn xuất hiện từ bao giờ không biết và đã nhìn thấy hết cả. Tôi run rẩy nhìn Xa Vạn. Hoàng Sùng vội sáp tới vung dao đâm Xa Vạn. Không ngờ Xa Vạn né người kẹp tay Hoàng Sùng vào nách. Tôi kêu hai người hãy dừng tay, nhưng Xa Vạn đã xoay người đá Hoàng Sùng ngã vật ra đất. Con dao rơi xuống. Xa Vạn nhảy bổ vào bóp cổ Hoàng Sùng. Tôi chạy đến lấy hết sức kéo Xa Vạn ra mà không được. Cả người cao lớn của Xa Vạn đè lên trên Hoàng Sùng. Bất ngờ có tiếng súng nổ vang. Xa Vạn ngã vật ra. Hoàng Sùng vùng đứng dậy tay lăm lăm khẩu súng. Thì ra hắn đã mang theo súng trong người. 

Nghe tiếng súng mọi người từ nương trên chạy xuống. Đầu tiên là bố tôi sững người khi thấy Hoàng Sùng đang cầm súng. Ông định lao tới, thì chị gái tôi ngăn lại rồi bước đến giằng lấy khẩu súng. Nhưng Hoàng Sùng vung tay đẩy chị tôi ngã, rồi bỏ chạy lẩn vào ruộng ngô, hướng về cửa rừng. Bố tôi vội hô mọi người đến khênh Xa Vạn về nhà. Đúng lúc đó hai chiến sĩ biên phòng phi ngựa đến vì nghe thấy tiếng súng. Sau khi biết chuyện xảy ra họ định khênh Xa Vạn lên lưng ngựa chở đi. Nhưng không kịp nữa, Xa Vạn đã tắt thở vì máu chảy ra nhiều quá. Ai cũng lặng đi vì tai họa ập đến. Tôi cắn môi tưởng như muốn chết khi thấy bố bật khóc. Một anh chiến sĩ biên phòng bước đến nói với bố tôi, sắp tới chính quyền sẽ di nốt những gia đình trong bản A Sầu đến khu nhà dãn dân mới, vì ở đây một dự án khai thác khoáng sản sắp triển khai. Khi ấy những hủ tục trái pháp luật sẽ không xảy ra như chính tôi là nạn nhân với việc bán trâu mua chồng. Bố tôi vẫn đứng giữa sân, khóc rưng rức vì mọi chuyện đã xảy ra ở cái thung lũng đầy sương này. Tôi thầm mong một ngày đến với miền đất mới và sẽ tìm được hạnh phúc, bên người mình thật sự yêu thương. 
(0) Bình luận
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • "Thành phố Hồ Chí Minh – Giờ khắc số 0": Lịch sử Việt Nam qua góc nhìn báo chí quốc tế
    Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt bạn đọc cuốn sách “Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm”. Đây là một ấn phẩm đặc biệt không chỉ tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam qua góc nhìn của các nhà báo quốc tế mà còn là minh chứng sống động cho giá trị của sự thật, của ký ức và của niềm tin vào một tương lai hòa bình sau những năm tháng chiế
  • Nhiều bộ phim cách mạng được chiếu miễn phí tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất non sông
    “Biệt động Sài Gòn”, “Cánh đồng hoang”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Mùa xuân toàn thắng”… những bộ phim sống cùng lịch sử sẽ được công chiếu cho khán giả Thủ đô trong chương trình Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) tại Rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội).
  • Sáng tỏ diện mạo văn học nghệ thuật Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất
    Sáng ngày 16/4/2025, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Văn học, nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất" nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hội thảo quy tụ đông đảo các các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ của 9 hội chuyên ngành với nhiều tham luận và ý kiến quý báu.
  • Bằng chất lượng ổn định Xi măng Long Sơn vươn tầm quốc tế
    Từ nguồn nguyên liệu tốt nhất Việt Nam để sản xuất xi măng kết hợp với 4 dây chuyền đồng bộ, hiện đại có tổng công suất hơn 10,5 triệu tấn/năm. Công ty Xi măng Long Sơn luôn cung cấp các dòng sản phẩm chất lượng cao và ổn định đáp ứng yêu cầu và làm hài lòng khách hàng trong nước cũng như quốc tế.
  • Bà Mai Kiều Liên lần đầu chia sẻ về chiến lược đằng sau quyết định đổi mới toàn diện của Vinamilk
    Hai năm kể từ khi Vinamilk chính thức tái định vị thương hiệu vào năm 2023, CEO Mai Kiều Liên lần đầu tiên chia sẻ về những chiến lược đằng sau quyết định đổi mới toàn diện của thương hiệu tỷ đô. Nữ lãnh đạo nhấn mạnh, nguyên tắc không thỏa hiệp về chất lượng sản phẩm là yếu tố được duy trì để giữ “chất Vinamilk”.
Đừng bỏ lỡ
Truyện ở thung lũng A Sầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO