Hoạt động hội

Trò chuyện về tác phẩm của cố nhà thơ Chu Hoạch và nhà văn Nghiêm Thị Hằng

Yến Ly 11/09/2023 16:13

Sáng ngày 11/9/2023, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về tác phẩm của cố nhà thơ Chu Hoạch và nhà văn Nghiêm Thị Hằng. Tới dự có đại diện Ban Chấp hành Hội cùng đông đảo văn nghệ sĩ, hội viên.

Tại buổi nói chuyện, các văn nghệ sĩ đã cùng đọc thơ và nhắc về cuộc đời, những kỷ niệm gắn với cố nhà thơ, họa sĩ Chu Hoạch. Bên cạnh đó là phần giới thiệu các công trình của nhà văn Nghiêm Thị Hằng là tác phẩm khảo cứu Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương và tiểu thuyết Hồ Xuân Hương tiếng vọng.

“Mùa chớm lạnh” nhớ người tài hoa Chu Hoạch

Cố nhà thơ, họa sĩ Chu Hoạch (1941 – 2007), tên thật là Chu Ngọc Hoạch, quê ở thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội. Ông làm thơ từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước và nổi tiếng là một thi sĩ, họa sĩ tài hoa. Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Chu Hoạch thuộc nhóm “Những nhà thơ chân đất” ở Hà Nội trong những năm bao cấp. Chu Hoạch đã in 2 tập thơ và được trao nhiều giải thưởng thơ của báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Hà Nội, báo Người Hà Nội (nay là tạp chí Người Hà Nội), Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội.

Nhắc tới Chu Hoạch, nhiều người sẽ nhớ ngay tới những vần thơ mang đầy tâm sự của một cơn giằng xé như: “Thu rất thật thu là cái lúc chớm đông sang/ Em rất thật Em là lúc Em hoang mang lựa chọn/ Anh rất thật anh là sớm biết ra đi nhẹ gọn/ Để tránh cho Em mất một lời chào/ Và/ Bớt cho trời một chút gió xôn xao…” (Thu – bài thơ đã được cố nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát Hà Nội và em khi thu chớm đông sang).

Và theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến thì có lẽ ít ai biết rằng, đằng sau bài thơ Thu của Chu Hoạch là một nỗi đau, là một biến cố lớn trong đời người nghệ sĩ.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến xúc động khi nhắc lại kỷ niệm trong đêm nhạc Hà Nội, em và thu chớm đông sang (2014) của cố nhạc sĩ Phú Quang – đó là lời chia sẻ của Phú Quang về bài hát cùng tên với đêm nhạc và cũng là tên bài hát, một tác phẩm mà ông phổ từ thơ của người bạn của mình. Đó là câu chuyện đằng sau một bài thơ. Đó là giây phút quyết định của người nghệ sĩ nghèo khi người vợ muốn nói lời chia tay. Và người nghệ sĩ ấy đã “sớm biết ra đi nhẹ gọn” để “tránh cho em mất một lời chào”…

toa-dam-thang-9.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Cuộc đời Chu Hoạch là những thăng trầm mà có lẽ chỉ có thể nói rằng đó là cuộc đọa đày của số phận giáng xuống người nghệ sĩ tài hoa. Nốt thăng ấy là những tác phẩm thơ và tranh đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn bè và người yêu nghệ thuật. Đó là ấn tượng về một Chu Hoạch dù chật vật trong cuộc sống nghèo khó nhưng vẫn rất lãng tử và hào hoa, hào sảng. Thơ ông đã được các nhạc sĩ đương đại nổi tiếng phổ nhạc như Đặng Hữu Phúc, Phú Quang, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Ngọc Đại…

Chu Hoạch có nhiều tranh vẽ thiếu nữ rất đẹp, mà lúc sinh thời, cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng chia sẻ với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến rằng, có lẽ vì tài hội họa ấy mà có nhiều “người mẫu” đã đem lòng yêu Chu Hoạch rồi thuộc thơ của ông. Và cũng vì thế mà Chu Hoạch có nhiều bài thơ tình.

Còn nốt trầm trong cuộc đời Chu Hoạch, ấy là những chật vật của người lính trở về, làm công nhân công trình đô thị chuyên đi vét cống ngầm dọc phố phường Hà Nội vào ban đêm, thi thoảng đi kéo xe bò thuê để nuôi con. Đó là nghề mưu sinh của Chu Hoạch lúc sinh thời. Cũng trong lời tâm sự của cố nhạc sĩ Phú Quang tại đêm nhạc năm xưa, cố thi sĩ Chu Hoạch chính là người nghệ sĩ nghèo mà sau những năm tháng người vợ xuất ngoại kiếm sống trở về, người đàn bà ấy đã đòi chia tay… Đến 10 năm cuối đời, Chu Hoạch sống trong căn phòng trọ ở khu Kim Liên, Phương Mai. Ông vừa vẽ, vừa uống rượu, làm thơ…

Nhớ về người anh, người bạn thân thiết và đặc biệt đã khuất của mình, nhà thơ Nguyễn Thị Mai kể: Lúc Chu Hoạch còn sống, bà thường cùng ông có những chuyến thăm thú, thực tế ở ngoại thành bằng xe máy và phần lớn các cuộc đi ấy, bà là người cầm lái. Có một lần đi xa nhất là lên xã Cổ Đô, huyện Ba Vì – nơi được gọi là cái nôi nuôi dưỡng các họa sĩ tài hoa. Trên đường đi, hai người vừa đi vừa trò chuyện. Cho đến khi lên đến nơi, hơi rượu phả ra bà mới biết là Chu Hoạch luôn có 1 chai rượu mỏng để trong túi áo, đã ngồi đằng sau vừa đi vừa trò chuyện vừa uống rượu. Và ở Cổ Đô, các họa sĩ đều rất yêu quý Chu Hoạch. Các họa sĩ đã thuê thuyền bơi sang bên kia bờ sông chơi, cùng nhau uống rượu. Từ Cổ Đô, bà đèo ông về nội thành, ông ngồi phía sau lại uống rượu. “Cảm giác như lúc nào anh cũng có rượu bên người, như người mang tâm sự chỉ có thể mượn rượu để chia”, nhà thơ Nguyễn Thị Mai bồi hồi, “Anh vẽ giỏi, thơ hay, đậm chất đời sống và sát với cuộc sống mỗi ngày. Nếu có thể ngắn gọn nhất thì tài hoa, đa tình, cơ cực là 6 chữ mà tôi muốn nói về Chu Hoạch”.

Có thể nói rằng, ít nhà thơ nào nhiều trải nghiệm trong cống ngầm như Chu Hoạch. Ở nơi đó, chính Chu Hoạch là người đã đến rất gần với những “bí mật”, những góc khuất của nhiều cuộc sống khác giữa Thủ đô. Thú vị là những người trò chuyện với Chu Hoạch đều rất yêu quý ông. Có lẽ vì yêu quý ông nên vì họ cũng yêu cái đẹp. Hoặc vì cùng yêu cái đẹp nên họ càng yêu quý ông.

Hồn thi sĩ lãng tử của Chu Hoạch để lại dấu ấn trong rất nhiều tác phẩm. Và Gió đầu ô có lẽ là bài thơ được nhiều người chép vào sổ tay vì quá yêu thích. Điều này khiến cho có một thời gian, nhiều người đã nhầm tưởng bài thơ này là của Trần Vũ Mai khi thấy bài thơ này được chép vào sổ tay của ông. Có ai mà không một lần chép vào sổ tay những câu thơ như: “Ta lại buồn như sắp sửa vào say/ Biết chạm cốc cùng ai trong ý nghĩ/ Biết tìm mắt của ai màu tri kỷ/ Mà cần chi khi chẳng thể khuây buồn/ Chưa biết chừng có lẽ lại buồn hơn…” (Gió đầu ô).

Nhà văn Nghiêm Thị Hằng với nỗ lực giải mã Hồ Xuân Hương

ho-xuan-huong-tieng-vong.jpg
Cuốn sách "Hồ Xuân Hương tiếng vọng".

Trong số các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử, dã sử gần đây thì Nghiêm Thị Hằng là một trường hợp thú vị. Bởi trước khi viết nên tiểu thuyết Hồ Xuân Hương tiếng vọng (Nxb Văn học, 2022), bà đã có một công trình khảo cứu là Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương (Nxb Hồng Đức, 2021).

Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ nổi tiếng trong lịch sử văn chương Việt Nam. Bà được biết đến với các di tác là thơ Nôm và được Xuân Diệu mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm”. Bà đã được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới.

Cuốn sách Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương dày 316 trang, gồm 5 phần: Quê hương và gia tộc, Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương “lập lá số tử vi”, Giải oan tình (Nguyễn Bình Kình - Chiêu Hổ, Tổng Cóc và Trần Phúc Hiển), Tìm mộ Trần Phúc Hiển (Quảng Nam), Nhân duyên.

Nhà văn Nghiêm Thị Hằng tự nhận mình có một mối “duyên” đặc biệt với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, dẫn đến những băn khoăn để rồi thôi thúc tìm kiếm trong bà trỗi dậy, bà đã dựa trên những manh mối rất ít về Hồ Xuân Hương từ thơ văn đến những giai thoại cuộc đời nữ sĩ và “lần theo dấu vết” đó như một nhà khảo cổ học.

Tác giả cũng chia sẻ, để viết nên Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bà đã phải vận dụng tất cả vốn tri thức mình đã có, ngoài những tài liệu khảo cứu, “khảo thơ tìm sử”, “khảo sử tìm người” còn phải vận dụng tử vi, kinh dịch… và các bộ môn “siêu thực”.

“Mối duyên” với Hồ Xuân Hương chưa dừng lại ở đó, chỉ một năm sau, Nghiêm Thị Hằng đã cho ra đời tiểu thuyết Hồ Xuân Hương tiếng vọng. Có thể nói rằng, mảnh đất hư cấu của tiểu thuyết mới thực sự thỏa mãn những day dứt, trăn trở của nhà văn với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

Cuốn tiểu thuyết gồm 5 phần: Quả ngọt cuối mùa, Thời thiếu nữ kiêu sa, Lấy chồng làng Gáp, Chữ tài gắn với chữ tai, Họa tam tai như một cách giải mã khác về Hồ Xuân Hương trên mảnh đất hư cấu, đã được nhà văn Nghiêm Thị Hằng khai thác rất chi tiết về cuộc đời nữ sĩ từ lúc ra đời đến khi trưởng thành, với những mối quan hệ trong cuộc đời nữ sĩ, những dấu ấn về cá tính hay hôn nhân, và cả những áng văn chương mà nữ sĩ để lại cho đời.

Nhà văn Nghiêm Thị Hằng cho biết, sau 3 tháng cuốn tiểu thuyết được ấn hành thì tỉnh Nghệ An tổ chức đón nhận danh hiệu Danh nhân văn hóa cho nữ sĩ Hồ Xuân Hương (4/12/2022).

anh-thang-9.jpg
Các văn nghệ sĩ chụp ảnh kỷ niệm với nhà văn Nghiêm Thị Hằng (người đứng giữa).

Đại diện Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận định: Nói về văn chương của Hồ Xuân Hương thì đã có rất nhiều nhà phê bình, nghiên cứu và người yêu thơ bàn tới. Nhưng để viết tiểu thuyết về nữ sĩ và liên tiếp cho ra hai công trình như của nhà văn Nghiêm Thị Hằng cũng là một cơ duyên. Đó là cái duyên vô hình của nhà văn với lịch sử, với các nhân vật của mình. Các công trình của nhà văn Nghiêm Thị Hằng đã góp thêm những góc nhìn khác nhau, ở mức độ khảo cứu và cả mức độ hư cấu trong tiểu thuyết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nữ danh nhân văn hóa thế giới hiếm hoi của Việt Nam./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Hà Nội phê duyệt đề án vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh
    UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QD-UBND về việc, phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.
  • Trường THCS Xuân La: Viết tiếp trang sử vàng truyền thống
    Hòa chung không khí hân hoan của cả nước chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20/11, Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy năm học 2024.
Đừng bỏ lỡ
Trò chuyện về tác phẩm của cố nhà thơ Chu Hoạch và nhà văn Nghiêm Thị Hằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO